Nâng cao nhận thức về công tác phụ nữ và bình đẳng giới

06:05, 30/05/2022
Là tỉnh miền núi Nam Tây Nguyên, Lâm Đồng có 12 đơn vị hành chính cấp huyện, 142 đơn vị hành chính cấp xã, 1.376 thôn, tổ dân phố; dân số 1.321.839 người, trong đó có 656.161 nữ, chiếm 49,64%, số nữ trong độ tuổi lao động 383.142/798.547, chiếm 47,98%. Toàn tỉnh có 14 Hội Phụ nữ cấp huyện và tương đương, 157 hội cấp cơ sở, 1.376 chi hội cơ sở và 3.576 tổ phụ nữ với hơn 167.000 hội viên, tỷ lệ hội viên tham gia sinh hoạt hội đạt trên 81%. 
 
Phụ nữ Lâm Đồng ngày càng khẳng định vai trò, vị thế bình đẳng trong gia đình và xã hội
Phụ nữ Lâm Đồng ngày càng khẳng định vai trò, vị thế bình đẳng trong gia đình và xã hội
 
Xác định “Công tác phụ nữ là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội và từng gia đình; trong đó, hạt nhân lãnh đạo là các cấp ủy đảng, trách nhiệm trực tiếp và chủ yếu là cơ quan quản lý Nhà nước các cấp, vai trò chủ thể là phụ nữ mà nòng cốt là các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam”; những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền trong tỉnh luôn coi trọng việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm về công tác phụ nữ và bình đẳng giới, thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác phụ nữ, phát huy vai trò, tiềm năng to lớn của phụ nữ trong thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. 
 
Tỉnh ủy Lâm Đồng luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ và hiệu quả các giải pháp nhằm từng bước bảo đảm bình đẳng giới trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Chính quyền các cấp thường xuyên quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện để Hội Phụ nữ thực hiện chức năng, nhiệm vụ, phát huy vai trò của hội viên phụ nữ; lồng ghép vấn đề về giới, bình đẳng giới trong việc xây dựng chính sách, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của địa phương; thực hiện hiệu quả Nghị định số 56/2012/NĐ-CP, ngày 16/7/2012 của Chính phủ về Quy định trách nhiệm của các bộ, ngành, UBND các cấp trong việc đảm bảo các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ tham gia quản lý Nhà nước,... Các sở, ban, ngành tỉnh tăng cường công tác phối hợp với Hội LHPN tỉnh thực hiện Nghị định 56/NĐ-CP của Chính phủ,... Hằng năm, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ đã tham mưu UBND tỉnh tổ chức tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật liên quan đến công tác bình đẳng giới; ban hành các chương trình, kế hoạch thực hiện nhằm nâng cao nhận thức và hành động về bình đẳng giới trong hệ thống chính trị và Nhân dân. Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh phối hợp với Hội LHPN tỉnh xây dựng khu dân cư văn hóa, gia đình văn hóa gắn với việc giáo dục ý thức tôn trọng phụ nữ, bình đẳng nam, nữ nhằm xây dựng nếp sống văn minh, xóa bỏ nếp sống định kiến hẹp hòi, coi thường phụ nữ. 
 
Phát huy vai trò nòng cốt trong việc nâng cao nhận thức về công tác phụ nữ và bình đẳng giới, Hội LHPN các cấp cũng quan tâm đã tổ chức tuyên truyền, quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bình đẳng giới, công tác phụ nữ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trọng tâm là Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Lao động, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, các kiến thức về phòng, chống HIV/AIDS, tệ nạn xã hội, buôn bán ma túy, trẻ em; thực hiện chính sách dân số... Hằ̀ng năm, có trên 2.400.000 lượt cán bộ, hội viên, phụ nữ được nâng cao nhận thức về công tác phụ nữ và bình đẳng giới bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú như thông qua sinh hoạt, học tập chuyên đề, tài liệu, tờ rơi, sổ tay... Đồng thời, Hội LHPN tỉnh xây dựng Trang Thông tin điện tử để thường xuyên cung cấp thông tin, tuyên truyền về công tác hội, bình đẳng giới, giới thiệu gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt… Công tác phụ nữ đã thực sự trở thành trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội và từng gia đình. Các tầng lớp phụ nữ trong tỉnh đã phát huy truyền thống tốt đẹp, vượt qua khó khăn, thách thức, đoàn kết, năng động, sáng tạo, không ngừng nỗ lực phấn đấu vươn lên khẳng định vai trò, vị thế trong gia đình và xã hội. Đội ngũ cán bộ hội ngày càng được chuẩn hoá; năng động, nhiệt tình, trách nhiệm, sáng tạo trong tổ chức, thực hiện nhiệm vụ được giao.
 
Có thể nói rằng, với việc quan tâm, xây dựng, hoàn thiện và giám sát thực hiện luật pháp, chính sách liên quan đến phụ nữ, bình đẳng giới, tạo điều kiện cho sự phát triển của phụ nữ và với nhiều cách thức triển khai thực hiện hiệu quả, nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể về công tác phụ nữ và bình đẳng giới được chuyển biến tích cực và nâng lên rõ rệt. Vai trò của phụ nữ trên địa bàn tỉnh ngày càng được khẳng định; đời sống vật chất, tinh thần của chị em ngày càng được nâng cao. Chính sách chăm lo, bảo vệ bà mẹ, trẻ em, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc đạt được những kết quả cơ bản, tạo điều kiện cho sự phát triển toàn diện của phụ nữ, nhất là phụ nữ vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Công tác cán bộ nữ cũng được quan tâm đúng mức và thực hiện đầy đủ trong quy hoạch, tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng, đề bạt cán bộ. Đội ngũ cán bộ, công chức nữ công tác trong các tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể đã chủ động, tích cực, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; nhiều cán bộ nữ được bổ nhiệm giữ chức vụ quan trọng, chủ chốt trong các ngành, các cấp. 
 
NGUYỄN NGHĨA