Nỗ lực giữ rừng ở Bảo Lâm

05:06, 20/06/2022
Dù diện tích rừng tự nhiên lớn, trải dài trên 10 xã và 1 thị trấn, địa hình phức tạp, đi lại khó khăn, nhưng huyện Bảo Lâm đã có nhiều nỗ lực trong bảo vệ và phát triển rừng.
 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Đặng Trí Dũng kiểm tra công tác quản lý, bảo vệ rừng tại huyện Bảo Lâm
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Đặng Trí Dũng kiểm tra công tác quản lý, bảo vệ rừng tại huyện Bảo Lâm
 
Theo số liệu thống kê của UBND huyện Bảo Lâm, trong tổng số 81.774 ha đất rừng và đất lâm nghiệp hiện có trên địa bàn thì diện tích rừng đặc dụng hơn 5.396 ha, rừng phòng hộ trên 9.893 ha và diện tích rừng sản xuất hơn 66.484 ha. Với diện tích rừng lớn như vậy nên Bảo Lâm đã tập trung chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương và các đơn vị chủ rừng đẩy mạnh tuyên truyền những văn bản pháp quy về bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng, cũng như tuyên truyền về các chế tài xử phạt thông qua hệ thống loa phát thanh, tuyên truyền lưu động bằng xe ô tô, tuyên truyền lồng ghép trong những buổi chi trả dịch vụ môi trường rừng. Cụ thể, 5 tháng đầu năm 2022, Hạt Kiểm lâm huyện Bảo Lâm đã tổ chức được 10 chuyến xe tuyên truyền lưu động tại 10 xã/thị trấn có rừng, cùng với 300 giờ tuyên truyền qua hệ thống loa phát thanh của Ban Lâm nghiệp và Ban Văn hóa các xã/thị trấn, 3 đơn vị chủ rừng cũng đã tổ chức được 19 cuộc tuyên truyền về quản lý, bảo vệ rừng. Những đợt tuyên truyền này đã góp phần nâng cao nhận thức và chấp hành tốt pháp luật về quản lý, bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng nơi người dân. Theo ghi nhận, trong 5 tháng đầu năm 2022, huyện Bảo Lâm không có vụ cháy rừng nào xảy ra. Ngoài ra, huyện Bảo Lâm còn làm tốt công tác chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho 1.638 hộ nhận giao khoán bảo vệ rừng, với tổng số tiền 2,5 tỷ đồng. Cũng trong 5 tháng đầu năm 2022, huyện Bảo Lâm đã trồng được 46.000 cây, trong tổng số hơn 1,2 triệu cây, theo Đề án 1836 của tỉnh Lâm Đồng, giao huyện Bảo Lâm trồng trong năm 2022.
 
Song song với tuyên truyền, trồng lại rừng, lực lượng chuyên trách huyện Bảo Lâm tiến hành hơn 63 đợt tuần tra, truy quét hành vi khai thác lâm sản trái phép tại khu vực lòng hồ thủy điện Đồng Nai 3, thủy điện Đồng Nai 4 và các khu vực rừng giáp ranh với huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên. Qua đó, lực lượng chuyên trách phát hiện 16 vụ vi phạm lâm luật, giảm 22 vụ so cùng kỳ năm 2021. Trong số này, 10 vụ phá rừng, 3 vụ khai thác rừng trái phép và 3 vụ vận chuyển lâm sản trái pháp luật. Diện tích rừng bị thiệt hại do phá rừng trái phép 11.897 m 2, lâm sản bị thiệt hại hơn 117 m 3 và lâm sản bị thiệt hại do khai thác rừng trái pháp luật hơn 8 m 3, lâm sản vận chuyển trái pháp luật bị phát hiện hơn 5 m 3 gỗ các loại. Các ngành chức năng còn tiến hành giải tỏa hơn 28 ha đất lâm nghiệp bị lấn chiếm.
 
Theo Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Lâm, ông Nguyễn Văn Tùng, những nỗ lực của các lực lượng chuyên trách trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trong thời gian qua là rất đáng ghi nhận. Đại diện Hạt Kiểm lâm huyện Bảo Lâm cũng cho biết thêm: Địa phương có diện tích rừng tự nhiên lớn, trong khi lực lượng quản lý, bảo vệ rừng thì mỏng, công cụ hỗ trợ lại vướng về thủ tục cấp phát chứng chỉ sử dụng. Hiện tại, Hạt Kiểm lâm huyện Bảo Lâm đang thiếu 5 vị trí việc làm. Chưa kể, một số công chức kiểm lâm và lực lượng quản lý, bảo vệ rừng chuyên trách của 3 đơn vị chủ rừng đã lớn tuổi, đang có ý định xin nghỉ hưu trước tuổi.
 
Mặc dù vậy, các lực lượng chuyên trách đã luôn nỗ lực, khắc phục khó khăn, triển khai nhiều biện pháp sát với tình hình thực tế địa phương, để công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện Bảo Lâm ngày càng đi vào nền nếp, quy củ hơn. Mới đây, trong chuyến công tác tại huyện Bảo Lâm, ông Đặng Trí Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, chỉ đạo huyện Bảo Lâm xem xét, ứng dụng công nghệ vào công tác quản lý, bảo vệ rừng.
 
TRỊNH CHU