Bảo vệ rừng - bắt đầu từ công tác cán bộ (bài 2)

08:07, 26/07/2022
[links()]
 
Bài 2: Những bài học từ Lâm Đồng
 
Quản lý, bảo vệ và phát triển rừng là nhiệm vụ quan trọng thứ 2 sau công tác thu ngân sách của địa phương, đây là phát biểu của người đứng đầu chính quyền tỉnh tại một kỳ họp HĐND tỉnh. Vì vậy, sự chỉ đạo, lãnh đạo của Tỉnh ủy Lâm Đồng kịp thời, có tác động sâu rộng, hiệu quả trong phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. 
 
Kiểm lâm và Công an Lâm Đồng phối hợp truy quét lâm tặc tại rừng giáp ranh Lâm Đồng và Bình Thuận
Kiểm lâm và Công an Lâm Đồng phối hợp truy quét lâm tặc tại rừng giáp ranh Lâm Đồng và Bình Thuận
 
•  TOÀN HỆ THỐNG VÀO CUỘC TỪ CHỈ THỊ CỦA TỈNH ỦY
 
Lâm Đồng có diện tích tự nhiên 978.334 ha , trong đó, diện tích đất có rừng 536.164 ha, tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh năm 2021 đạt 55%, cao thứ 2 trong 5 tỉnh ở Tây Nguyên, chỉ đứng sau Kon Tum. Là tỉnh có rừng giáp ranh với 7 tỉnh: Đắk Lắk, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Bình Phước và Đắk Nông, với khoảng 440 km; trong đó, chiều dài nhất giáp với tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận, khoảng 100 km mỗi tỉnh. Địa phương có 28 đơn vị chủ rừng nhà nước, gồm 8 công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp, 14 ban quản lý rừng, 2 vườn quốc gia, 12 hạt kiểm lâm và 2 đơn vị thuộc Trung ương đóng trên địa bàn. Lâm Đồng thành lập 13 Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu Phát triển lâm nghiệp bền vững (1 ban chỉ đạo cấp tỉnh và 12 ban chỉ đạo cấp huyện). 
 
Trước khi Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 13-CT/TW, ngày 12/1/2017 “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng đã ban hành Chỉ thị số 30-CT/TU, ngày 26/3/2015 “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, quản lý lâm sản”. Chỉ thị 30 quán triệt sâu rộng, mang tính quyết liệt trong chỉ đạo cả hệ thống chính trị. 
 
Tiếp tục cụ thể trong điều hành, ngày 1/10/2019, Tỉnh ủy ban hành Thông báo số 999-TB/TU về việc xây dựng Đề án “Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp; khôi phục và phát triển rừng tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030”. Ngày 25/8/2020, UBND tỉnh Lâm Đồng có Quyết định số 1836/QĐ-UBND phê duyệt Đề án này (gọi tắt là Đề án 1836), và ngày 21/1/2021, ban hành Kế hoạch 599 thực hiện Đề án. Mỗi năm có hàng chục văn bản chỉ đạo từ UBND về công tác quản lý, bảo vệ rừng… Chủ trương nhất quán, kế hoạch rõ ràng, hành lang pháp lý đầy đủ, đã thể hiện tính chất chỉ đạo sâu, tinh thần hành động quyết liệt của những người có trách nhiệm về vai trò cao nhất của cấp ủy, chính quyền các cấp ở tỉnh Lâm Đồng. 
 
•  CHUYỂN BIẾN RÕ NÉT 
 
Thực tiễn chuyển biến tích cực công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn Lâm Đồng được minh chứng bằng những số liệu cụ thể. Về tình hình vi phạm, từ năm 2017 - 2021, các cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý và lập hồ sơ 3.840 vụ vi phạm; diện tích rừng bị thiệt hại 291 ha ; khối lượng lâm sản thiệt hại do phá rừng 15.774 m3. Mấy năm gần đây, đã giảm dần năm sau so với năm trước về số vụ vi phạm, diện tích và khối lượng lâm sản thiệt hại. Đa số diện tích đất lâm nghiệp mới bị lấn chiếm được giải tỏa, thu hồi và trồng lại rừng. Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo cương quyết tháo dỡ toàn bộ nhà kính, nhà lưới, công trình xây dựng trái phép trên đất quy hoạch lâm nghiệp để khôi phục rừng. Năm 2018, số vụ vi phạm giảm 13%, diện tích thiệt hại giảm 30%, khối lượng lâm sản thiệt hại giảm 2%. Cũng thứ tự 3 tiêu chí (số vụ vi phạm, diện tích thiệt hại, khối lượng lâm sản thiệt hại), các năm như sau: năm 2019, lần lượt giảm: 18%, 8% và tăng 4%; năm 2020, lần lượt giảm 7%, giảm 21%, giảm 36%; năm 2021 lần lượt giảm 28%, giảm 21%, giảm 19%. Trong 6 tháng đầu năm 2022, so với cùng kỳ năm 2021, tuy diện tích thiệt hại do phá rừng tăng 5,01 ha (tương đương 29%) nhưng số vụ vi phạm giảm 135 vụ (51%) và lâm sản thiệt hại giảm 699,5 m3 (50%). 
 
Sau 1 năm triển khai thực hiện Đề án 1836 tại tỉnh Lâm Đồng, số vụ vi phạm giảm 190 vụ, tương đương 28%; diện tích thiệt hại do phá rừng giảm 9,53 ha, tương đương 21%; lâm sản thiệt hại giảm 472 m3, tương đương 19%. Số vụ phát hiện được đối tượng vi phạm tăng 14%, tức đã chiếm 66% so với năm 2020. Đây là kết quả rất đáng ghi nhận, biểu dương và là cơ sở pháp lý quan trọng để các cơ quan chức năng và địa phương xử lý nghiêm các sai phạm, răn đe và góp phần ngăn chặn hiệu quả tình trạng phá rừng, chiếm đất lâm nghiệp. Lâm Đồng đã hoàn thành mục tiêu mỗi năm giảm từ 10-15% trở lên về số vụ phá rừng; giảm từ 15-20% trở lên về diện tích và lâm sản thiệt hại; tăng dần tỷ lệ % số vụ phát hiện được đối tượng vi phạm. Bên cạnh đó, số vụ vi phạm phức tạp, nổi cộm giảm so với năm 2020 là 24 vụ và 6 tháng đầu năm 2022 không tăng không giảm so với cùng kỳ năm 2021 (có 12 vụ)…
 
Những thành quả trên dĩ nhiên công lao của nhiều tập thể, trong đó có đội ngũ cán bộ trong và ngoài ngành Kiểm lâm. Đã nổi lên những tấm gương điển hình. Đó là liệt sĩ Vũ Xuân Hải - Đội trưởng Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng số 2, dũng cảm hi sinh trong lúc truy đuổi, ngăn chặn đối tượng đang vận chuyển lâm sản trái phép vào đêm 28/12/2014. Nhiều tập thể, cá nhân được tặng bằng khen, giấy khen về các thành tích như quản lý, bảo vệ rừng hiệu quả; khôi phục và trồng rừng; điều tra, truy bắt đối tượng lâm tặc; công tác phòng, chống cháy rừng… Những gương tiêu biểu này cần nhân rộng, ghi nhận xứng đáng và tạo hiệu ứng lan tỏa về việc làm tốt.
(CÒN NỮA)
 
PHAN MINH ĐẠO