Nâng cao sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp

06:08, 24/08/2022
UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành kế hoạch khắc phục những tồn tại hạn chế trong đánh giá Chỉ số CCHC năm 2021, trọng tâm trong đó là các giải pháp nhằm nâng cao sự hài lòng của người dân, các tổ chức và doanh nghiệp đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước. 
 
Tiếp nhận và trả hồ sơ đã giải quyết tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Lâm Đồng
Tiếp nhận và trả hồ sơ đã giải quyết tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Lâm Đồng
 
•  KHÔNG ĐỂ NGƯỜI DÂN ĐI LẠI NHIỀU LẦN TRONG GIẢI QUYẾT HỒ SƠ
 
Năm 2021, Lâm Đồng đã có những cải thiện đáng kể trong công tác cải cách hành chính (CCHC). Chỉ số CCHC (Par Index) của tỉnh đạt 86,75/100 điểm, xếp thứ 29/63 tỉnh, thành phố, tăng 2,82 điểm và tăng 3 bậc so với năm 2020 (năm 2020 trước đó, Lâm Đồng đạt 83,93/100 điểm, xếp thứ 32/63 tỉnh, thành phố). 
 
Cùng đó Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước của tỉnh cũng đạt 87,68%, xếp thứ 27/63 tỉnh, thành phố, tăng 1,62% và tăng 3 bậc so với năm 2020 (Trong năm 2020, Lâm Đồng đạt 86,06% điểm, xếp thứ 30/63 tỉnh, thành phố).
 
Lâm Đồng đang đặt ra mục tiêu phấn đấu nâng Chỉ số CCHC năm 2022 của tỉnh xếp hạng cao hơn năm 2021 và tiếp tục cải thiện, nâng cao vị trí xếp hạng qua các năm tiếp theo. Cùng đó, tỉnh cũng nỗ lực nâng cao sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh.
 
Để thực hiện được điều này, UBND tỉnh yêu cầu những người đứng đầu các cấp, ngành và địa phương; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) trong tỉnh không ngừng nâng cao tinh thần, trách nhiệm trong thực hiện công tác CCHC nói chung và Chỉ số CCHC của tỉnh nói riêng. Nâng cao Chỉ số CCHC của tỉnh cần gắn với việc thực hiện có hiệu quả Kế hoạch CCHC năm 2022 của tỉnh; gắn với việc cải thiện, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI).
 
Trong phát triển kinh tế - xã hội, thời gian tới, Lâm Đồng vẫn tiếp tục thu hút đầu tư, nỗ lực giải ngân 100% vốn đầu tư công, đẩy mạnh xuất khẩu, kích thích tiêu dùng nội địa, coi đây là các mũi đột phá để thúc đẩy tăng trưởng.
 
UBND tỉnh cũng nêu rõ việc nâng cao Chỉ số CCHC của tỉnh là nhiệm vụ chung của tất cả các cấp, các ngành; trong đó, các cơ quan, đơn vị được giao chủ trì các lĩnh vực liên quan đến công tác CCHC, liên quan đến các tiêu chí đánh giá, xác định Chỉ số CCHC hàng năm của tỉnh giữ vai trò quan trọng trong việc tham mưu, tổ chức, triển khai và thực hiện các nhiệm vụ được UBND tỉnh giao.
 
Trong lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính (TTHC), các đơn vị địa phương cần thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, chấn chỉnh việc giải quyết TTHC tại cơ quan, đơn vị mình; nâng cao chất lượng giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông, phấn đấu không để người dân, tổ chức phải đi lại từ 3 lần trở lên để giải quyết TTHC; khắc phục tình trạng hồ sơ quá hạn, phấn đấu toàn bộ hồ sơ TTHC được giải quyết theo cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông đúng và trước hạn; 100% hồ sơ TTHC giải quyết quá hạn của các cơ quan, đơn vị phải có văn bản xin lỗi người dân, tổ chức.
 
UBND tỉnh cũng yêu cầu ngành chức năng cần tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện hệ thống một cửa điện tử và dịch vụ công trực tuyến của tỉnh, đảm bảo hệ thống hoạt động đồng bộ, cập nhật, cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin phục vụ cho hoạt động quản lý, điều hành và giao dịch của người dân, doanh nghiệp; xây dựng và hiện đại hóa các cơ sở dữ liệu phục vụ giải quyết TTHC, tích hợp các chương trình, cơ sở dữ liệu liên quan để phục vụ nhanh, chính xác cho việc giải quyết TTHC, nhất là trong các lĩnh vực quy hoạch, đầu tư, xây dựng, đất đai...
 
Lâm Đồng cũng đang thúc đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, hiện đại hóa hành chính, tích cực vận động người dân, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công điện tử mức độ 3, mức độ 4 trong giải quyết TTHC. Chỉ tiêu của tỉnh đặt ra 50% số TTHC mức độ 3, mức độ 4 có phát sinh hồ sơ; ít nhất 20% hồ sơ được giải quyết trực tuyến trên tổng số hồ sơ phát sinh của các TTHC mức độ 3, mức độ 4. Tỉnh yêu cầu Cổng thông tin điện tử Lâm Đồng cùng các trang thành viên cần đáp ứng yêu cầu liên quan đến công tác CCHC, ICT Index, Papi Index nhằm phục vụ tốt nhất việc khai thác thông tin của người dân và doanh nghiệp. Tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện để Bưu điện tỉnh Lâm Đồng nâng cao số lượng hồ sơ chuyển phát TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích.
 
UBND tỉnh cũng yêu cầu 70% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh; 60% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 40% hồ sơ công việc tại cấp xã phải được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước); đồng thời, triển khai thí điểm việc áp dụng ISO điện tử tại các cơ quan hành chính nhà nước kết nối với hệ thống một cửa điện tử của tỉnh nhằm nâng cao hiệu quả áp dụng ISO, giảm giấy tờ và rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ TTHC, cập nhật nhanh các quy trình giải quyết công việc.
 
•  CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ 
 
Đối với tác động của CCHC đến người dân, tổ chức trong phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh yêu cầu các đơn vị chức năng cần thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Trung ương nhằm cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh trong tỉnh, tăng số lượng doanh nghiệp mới thành lập hằng năm; giảm tỷ lệ doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động; giảm chi phí đầu vào, chi phí cơ hội, chi phí không chính thức cho doanh nghiệp và người dân.
 
Lâm Đồng sẽ tiếp tục góp ý với các cơ quan Trung ương để đơn giản hóa hơn nữa các thủ tục đăng ký doanh nghiệp; hoàn thiện quy chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan trong xử lý hồ sơ đăng ký doanh nghiệp để tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.
 
Tỉnh yêu cầu các đơn vị chức năng cần triển khai hiệu quả, đồng bộ Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, các chính sách hỗ trợ đã ban hành trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh hoạt động của Quỹ Tài chính, tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển sang hoạt động theo các loại hình doanh nghiệp; tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo phát triển thị trường; nâng cao vai trò, năng lực của các Hiệp hội nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, tăng cường chức năng tham vấn và phản biện xã hộị; tiếp tục nâng cao mức độ thu hút đầu tư của tỉnh trong thời gian đến.
 
Đối với Chỉ số hài lòng (SIPAS), UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành; các huyện, thành phố, các xã không ngừng nâng cao tinh thần, trách nhiệm, thái độ phục vụ nhằm góp phần nâng cao sự hài lòng của người dân và tổ chức. Đội ngũ CBCC của tỉnh khi tham gia trả lời phiếu điều tra xã hội học xác định Chỉ số CCHC của tỉnh cần đọc kỹ nội dung trong phiếu hỏi và trả lời khách quan, trung thực, phản ánh đúng thực tế việc triển khai công tác CCHC trên địa bàn tỉnh tác động đến người dân, tổ chức và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; gắn trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị thực hiện trả lời phiếu, đảm bảo hiệu quả đánh giá năm sau tốt hơn năm trước.
 
VIẾT TRỌNG