Đón đợi mùa lễ hội văn chương

THU HƯƠNG 07:47, 04/02/2023

(LĐ online) - Rằm Nguyên Tiêu được chọn làm Ngày thơ Việt Nam nhưng mùa lễ hội của những người yêu văn chương đã xôn xao cả tuần nay. Sau 3 năm bị gián đoạn bởi đại dịch COVID-19 không thể tổ chức tập trung, vào dịp Tết Nguyên tiêu - Rằm tháng Giêng năm Quý Mão 2023, từ ngày 4 - 5/2 (tức ngày 14 và Rằm tháng Giêng), Ngày thơ Việt Nam sẽ trở lại ở nhiều tỉnh thành, quy mô và cách làm mới mẻ hơn trước. Điều đặc biệt, ở bất kì hội thơ, sân thơ nào cũng có dấu ấn của những gương mặt thơ trẻ.

Ngày Thơ Việt Nam tổ chức trở lại sau 3 năm gián đoạn do dịch Covid-19
Ngày Thơ Việt Nam tổ chức trở lại sau 3 năm gián đoạn do dịch Covid-19

SỨC TRẺ TẠO NÊN SỰ MỚI MẺ

Từ 3/2 đến ngày 5/2 (Rằm tháng Giêng xuân Quý Mão) công chúng và du khách yêu thơ sẽ có nhiều cơ hội tham quan và trải nghiệm nhiều hoạt động phong phú và đa dạng, gặp gỡ các nhà thơ nổi tiếng, tham gia không gian thơ trẻ, được tiếp cận gần gũi với các hiện vật, kỷ vật và lắng nghe những câu chuyện đầy cảm xúc gắn với cuộc đời và sự nghiệp của các nhà thơ nổi tiếng đã góp phần đặt nền móng cho nền thi ca Việt Nam trong một không gian di sản Hoàng Thành Thăng Long.

Lần đầu tiên được tổ chức tại Hoàng Thành Thăng Long, Ngày thơ Việt Nam với chủ đề “Nhịp điệu mới” hiện đang được giới văn chương cả nước chờ đợi. Công chúng sẽ được gặp lại hình ảnh của các nhà thơ nổi tiếng giai đoạn Thơ Mới đến thơ kháng chiến chống Pháp như: Nguyễn Đình Thi, Chế Lan Viên, Huy Cận, Xuân Diệu, Hoàng Cầm, Lê Đạt, Chính Hữu… qua giọng đọc của chính các nhà thơ từ kho tư liệu của Bảo tàng Văn học Việt Nam. Tiếp theo là phần đọc, trình diễn, diễn xướng thơ của các nhà thơ thế hệ chống Mỹ; thế hệ nhà thơ sau 1975 đến thời kỳ Đổi mới; và cuối cùng là của các nhà thơ Trẻ. Đan xen với đọc thơ, sẽ trình diễn những ca khúc được phổ nhạc từ các bài thơ được công chúng yêu thích với sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng.

Ngày thơ Việt Nam năm 2023 sẽ đón khách thơ tới tham quan và trải nghiệm nhiều không gian sáng tạo đặc sắc, mới lạ như: Cổng thơ, Đường thơ, Quán thơ, Nhà ký ức thơ, Cây thơ, Mèo hoạ thơ, Đường sách thơ, Đàn thơ... với những tác phẩm và mỹ thuật sắp đặt của những hoạ sĩ nổi tiếng Phạm Hà Hải, Lê Đình Nguyên và Nhiếp ảnh gia Dương Minh Long. Tác giả kịch bản - Tổng Đạo diễn Lê Quý Dương, Kịch bản: Nhà thơ Trần Hữu Việt, nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ cùng nhóm sáng tạo sẽ dựng nên một cõi thơ vừa đậm đà bản sắc truyền thống dân tộc, vừa hiện đại và mang tính hội nhập quốc tế, lan toả cộng đồng sâu rộng.

Nói về mục đích của chương trình, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ, các chương trình sẽ hòa quyện giữa trình diễn thơ, âm nhạc, hội họa và thơ. Bằng mọi cách thức, mọi cung bậc để lan tỏa thơ ca đến với mọi người. Không chỉ là người yêu thơ mà cả người chưa yêu thơ, chưa hiểu thơ, khi bước chân đến Cõi thơ cũng hiểu hơn về thơ, yêu thơ hơn. 

Không chỉ ở những thành phố lớn, ở nhiều địa phương chương trình thơ cũng hướng nhiều tới độc giả trẻ. Ngày Thơ Việt Nam tại Đắk Lắk được tổ chức tại ngay không gian Đường sách cà phê Buôn Mê Thuột, nơi tập trung nhiều giới trẻ. Một trong những điểm nhấn của chương trình Ngày Thơ Việt Nam tại Đắk Lắk là ra mắt tuyển tập thơ văn thiếu nhi Hương Rừng của những cây bút tuổi học sinh được các nhà văn hướng dẫn sáng tác trong trại sáng tác năm qua.

DẤU ẤN DÒNG THƠ TRẺ GIỮA THÀNH PHỐ TRẺ

Nói đến sức trẻ văn chương, có thể nói đậm nét nhất vẫn ở TP Hồ Chí Minh. Tọa đàm “Dòng thơ giữa phố” có thể xem là điểm nhấn được chọn làm hoạt động chính thức mở màn cho Ngày Thơ Việt Nam 2023 mang chủ đề “Khát vọng phương Nam” tại TP Hồ Chí Minh địa phương có nhiều nhà thơ trẻ đang sinh sống, sáng tạo. Tọa đàm được giao cho Ban Nhà văn trẻ của Hội thực hiện với kì vọng vào sức trẻ. Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh mong muốn thông qua tọa đàm này để nhận diện sức sống thi ca ở đô thị lớn nhất phương Nam. 

Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh tổ chức tọa đàm “Dòng thơ giữa phố” trong khuôn khổ Ngày Thơ Việt Nam 2023 với thiện chí được lắng nghe những ý kiến tâm huyết của các nhà thơ nhiều lứa tuổi khác nhau, nhiều bút pháp khác nhau, để có sự thấu hiểu và chia sẻ lẫn nhau trên hành trình sáng tạo cô độc và nhọc nhằn. Đây là cơ hội để các nhà thơ trẻ có thể ngồi lại, lắng nghe sự sẻ chia của người đi trước và bày tỏ những mong đợi của mình. Những ý kiến dù dị biệt và gay gắt, cũng là thông tin tham khảo đầy cởi mở để chúng ta cùng suy tư cho sự phát triển của thơ Việt trong thế kỷ 21.

Nhà thơ Trần Đức Tín - Khét (Hội viên Nhà văn Việt Nam), giải thưởng Nhà văn trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam 2022 chia sẻ: “Nhiều người, và kể cả tôi đều đồng ý với quan niệm rằng: Thành phố Hồ Chí Minh là thành phố luôn trẻ. Trẻ không chỉ ở sự liên tục vận động phát triển cơ hữu của nó, mà còn ở sự cập nhật, khuyến khích, cởi mở của văn chương thành phố với thơ Trẻ. Vì văn chương thành phố luôn chấp nhận mọi sự tìm tòi, khám phá, lối viết mới đối với những người làm thơ Trẻ như chúng tôi. Ở đây, chúng ta luôn tôn trọng mọi khuynh hướng sáng tác cả cũ lẫn mới. Tôi cho rằng đây là một điều rất quan trọng để văn chương phát triển. Và tính cởi mở của văn chương thành phố còn nằm ở sự tương trợ của nó. Các khuynh hướng sáng tác không, chưa bao giờ đối kháng nhau, mà nó dung nạp và bổ trợ cho nhau, tạo nên một tổng thể đầy tiềm năng”.

Sự dung nạp của văn chương TP Hồ Chí Minh, theo Khét, còn nằm ở sự đón nhận nguồn gốc của thơ Trẻ. Lê Thiếu Nhơn, Nguyễn Phong Việt mang hồn cốt văn hóa Phú Yên, Phạm Phương Lan, Ngô Thúy Nga và ví dặm Nghệ Tĩnh, Trần Võ Thành Văn với lịch sử  Bình Định, Đoàn Thị Diễm Thuyên với nôi kiên trung Đồ Chiểu, Tô Minh Yến cùng câu xuống xề vọng cổ của vùng Cửu Long,… tất cả đều quy tụ lại trong thơ trẻ TP Hồ Chí Minh. Chính sự dung nạp này cho chúng ta một vườn hoa thơ đa sắc, phong phú và rạng rỡ.

Một điểm nhấn khác của Ngày thơ Việt Nam năm nay là sự góp mặt của… nhà văn. Tại TP Hồ Chí Minh, trong sân thơ trẻ xuất hiện những gương mặt văn trẻ được tôn vinh. Chính điều này làm nên sức lan tỏa rộng của chương trình Ngày thơ trở thành ngày hội, ngày Tết chung cho giới văn chương.