Tiếng hát giữa đại ngàn

KHÔI NGUYÊN THẢO 05:23, 04/05/2023

“Về đây đồng đội ơi” - những tiếng hát khắc khoải như cứa lòng người xung quanh. Tiếng gọi tha thiết từ trái tim đang cố dằn lại tiếng khóc của một người đàn ông từng trải, một người lính già với những đồng đội mà anh đã tự tay ôm xác đưa về đất mẹ một mùa xuân biên giới năm nào. Đó là lần đầu tiên tôi nghe một người hát giữa đại ngàn, khi nước mắt mình trào ra nóng hổi.

Những tiếng hát cất lên ở một sân khấu đặc biệt
Những tiếng hát cất lên ở một "sân khấu đặc biệt"

Tôi đã có dịp được nghe các ca sĩ hát giữa đại ngàn - nghĩa trang Đường 9, Trường Sơn, giữa trập trùng núi đồi Vị Xuyên hay trên Đồng Lộc - túi bom một thời. Và, thật khó để hình dung, không chỉ riêng tôi, bất cứ ai có dịp được nghe lời ca tiếng hát ở những "sân khấu đặc biệt" ấy đều khó kìm được nước mắt, kìm được những cảm xúc trào lên từ trái tim mình.

“TÔI ĐÃ HÁT BA LẦN KHÔNG TRÒN CÂU”

Nghệ sĩ Ưu tú Lê Thiện kể tôi nghe về kỷ niệm đứng hát ở đại ngàn của bà, nước mắt vẫn trào ra nơi khóe mắt dù đã hơn 50 năm trôi qua. Mười ba tuổi, nghệ sĩ Lê Thiện được tuyển vào đoàn văn công giải phóng. Cô bước vào mặt trận Trường Sơn khi 26 tuổi, dày dặn tuổi nghề. Bộ đội ở đâu, văn công đến đấy. Nhiều khi, bước chân đến mặt trận, sau một trận thả bom, đất rừng Trường Sơn bị cày xới xốp đến mức tưởng như bước chân lên bột mì. Đứng hát múa trên những sân khấu tạm bợ giữa rừng hoặc trong hầm tối cho chiến sĩ nghe. Mệt đến độ nhiều lần ngồi xuống đất, không kịp dỡ ba lô ra khỏi lưng, tựa vào gốc cây đã ngủ. Học căng tăng, căng võng khi không có lán trại để nghỉ lại giữa rừng già đầy muỗi, vắt... Nhưng chẳng ngại chi, vì những nghệ sĩ vào Trường Sơn như Lê Thiện đều cảm thấy vui, ý nghĩa khi có thể góp sức động viên tinh thần những người lính giữa chiến trường.

Nghệ sĩ Lê Thiện vừa viết kịch, diễn kịch, ca, múa, hát, diễn cải lương… suốt những tháng ngày ở Trường Sơn. Điều kiện chiến tranh khắc nghiệt, những anh chị em đi vào chiến trường thường vận dụng hết tất cả những khả năng mình có để phục vụ chiến sĩ. Ai cũng thương chiến sĩ vì hiểu rằng, những anh lính trẻ kia, hôm nay họ có thể đang xem mình ca hát, ngày mai, thậm chí một lúc sau có thể đã hy sinh rồi. 

Có những kỷ niệm ở Trường Sơn đến giờ nghệ sĩ Lê Thiện nhắc lại vẫn còn xúc động: “Có lần, tôi cùng nghệ sĩ Minh Nguyệt đi đến một bệnh viện dã chiến, thực chất đó là một hang đá, bác sĩ quân y sử dụng làm hầm phẫu thuật. Hai chị em hát bài “Niềm thương mến” cho các anh chiến sĩ đang nằm trên cáng phẫu thuật nghe: “Trải qua mấy mùa thu kháng chiến, chúng ta là người ở bốn phương. Cùng thoát ly gia đình ra đi, cùng gặp nhau trong đại gia đình...”. Phải ba lần bảy lượt hai chị em nắm tay nhau cùng cố gắng vượt qua cơn nghẹn ngào để có thể hát cho các anh nghe nhưng vẫn không thể nào hát trọn bài vì xót xa quá. Bởi vì trước mắt tôi lúc ấy là những người lính còn rất trẻ, bị thương rất nặng. Bác sĩ cho chúng tôi biết luôn có những người chỉ còn sống được vài giờ đồng hồ nữa. Quanh chỗ những người lính nằm chờ chết, chuột chạy ngang qua, cắn vào chân mà họ không còn có cảm giác gì khi trước đó bị đứt xương sống”.

Hình ảnh đó ám ảnh nghệ sĩ Lê Thiện mãi. Đau đáu gần 50 năm cô mới được đặt chân đến Nghĩa trang Trường Sơn thăm các anh. Chiều hôm ấy, cô nghệ sĩ ngoài hai mươi năm xưa nay đã gần 80, đi giữa những hàng bia mộ của Nghĩa trang Đường 9, Nghĩa trang Trường Sơn, nơi hàng chục ngàn liệt sĩ nằm lại. Cô lại hát Tiếng đàn Ta - lư, Niềm thương mến, Câu hò bên bến Hiền Lương, Qua sông... Giọng cô nghẹn đi vì xúc động khi hỏi: “Này các anh đang nằm dưới ấy ơi, có ai từng nghe tôi hát không? Hôm nay tôi đến đây, xin lại hát tặng các anh như những ngày năm xưa ấy...”.

Nhiều ca sĩ trẻ sinh ra sau chiến tranh cũng cất lên tiếng hát của mình gửi những người nằm xuống. Ca sĩ Ngọc Linh, thần tượng một thời của thế hệ 8X kể lại câu chuyện xúc động của mình khi đến với Trường Sơn. Khi mẹ chị bị chẩn đoán bệnh nan y, chị đã cạo đầu để nguyện cầu cho mẹ của mình vượt qua được nguy nan. Khi đến Trường Sơn, chị đã hát hàng tiếng bên những ngôi mộ liệt sĩ, cầu mong anh linh liệt sĩ phù hộ điều duy nhất dành cho mẹ - cũng là một người lính hy sinh tuổi xuân cho chiến trường. Và thật kỳ diệu, ngày hôm sau, bác sĩ báo tin, khối u của mẹ lành tính. “Có lẽ những anh linh liệt sĩ đã nghe được lời nguyện cầu và tiếng hát của tôi, đã phù hộ cho mẹ tôi - người đồng đội đã hiến dâng tuổi xuân cho Tổ quốc”, Ngọc Linh tâm sự.

TIẾNG HÁT GỌI ĐỒNG ĐỘI

Trong chuyến Về nguồn Mùa xuân biên giới - đi về Hà Giang, mảnh đất địa đầu Tổ quốc, chúng tôi lặng đi khi nghe ca sĩ Huỳnh Lợi hát “Về đây đồng đội ơi”. Tiếng hát ấm nồng của người nghệ sĩ tựa như trôi theo ánh nến, tỏa lan trong không gian thiêng liêng của Nghĩa trang Vị Xuyên, nơi nằm lại của hàng nghìn chiến sĩ tuổi hai mươi. Và nước mắt cùng những tiếng nấc thổn thức của người nghe bất ngờ theo từng câu hát:

“Về đây đồng đội ơi, người chiến sĩ sư đoàn/ Hà Giang đã ngưng chiến trận.
Về đây đồng đội ơi, những chiến hữu đơn vị bạn/ Đài hương 468 (bốn sáu tám) ta hội quân.
Hãy về đồng đội ơi! Còn nằm khe đá hay thung sâu... Về đây có nhau, như nguyện ước chiến hào...
Được hòa cùng bầy trẻ thơ bên sông Lô hát yên bình/ Quân dân nồng ấm nghĩa tình”.

Bài hát này được nhạc sĩ Trương Quý Hải viết riêng cho đồng đội của mình - những người lính mãi mãi nằm lại trong lòng đất mẹ sau cuộc chiến. Tôi đã nghe nhiều lần, lặng đi vì những ca từ thổn thức nhưng khó có thể ngờ được nghe lại trong sự linh thiêng của vùng đất Vị Xuyên, giữa bốn bề địa danh “sông Lô”, “đài hương 468” “Cô Ích”... những cảm xúc thật khó gọi tên, chỉ nước mắt trào ra trên mi mắt những người nghe khi tiếng hát cất lên, dành trọn vẹn yêu thương, yêu kính cho người đi xa là cảm nhận thật gần với từng nhịp đập trái tim mình.

Bài hát là niềm day dứt thẳm sâu trong đáy lòng tác giả, cũng chính là một người lính, viết về những người bạn chiến đấu đã ngã xuống trên chiến trường Vị Xuyên (Hà Giang). Chính ông đã từng nhiều lần ôm đàn ngồi hát giữa hàng nghìn ngôi mộ mãi mãi tuổi thanh xuân nơi vùng biên cương. Nước mắt trào ra trên khóe mắt người nhạc sĩ tuổi xế chiều và giọng trầm khàn, dường như khản đi vì tiếng gọi bạn đầy xúc động: “Về đây đồng đội ơi”...

Nhạc sĩ từng chia sẻ, là người trực tiếp tẩm liệm cho cả trăm liệt sĩ trong những ngày tháng khốc liệt đó, cho đến tận 30 năm sau, hình ảnh những người lính còn trẻ măng với những nụ cười hồn nhiên, hằng ngày vẫn vui đùa với trẻ nhỏ, bỗng chốc ngã xuống vì bom đạn địch, vẫn không thể nào phai trong tâm trí anh. Nhạc sĩ Trương Quý Hải viết bài hát này chỉ trong một ngày, sau khi anh em đồng đội của sư đoàn có ước nguyện lập cây hương ở cao điểm 468 trong dịp kỉ niệm 30 năm sau chiến dịch MB84 để "lấy chỗ đi về" cho những liệt sĩ đã hi sinh mà vẫn đang nằm lại chiến trường, chưa tập kết được về nghĩa trang liệt sĩ. 

Và cho đến giờ, có lẽ đây là một trong những bài hát xúc động nhất về liệt sĩ ở đất Vị Xuyên nói riêng, Tổ quốc nói chung. Rất nhiều người, cả nghệ sĩ chuyên và không chuyên, cả những người lính tóc bạc hoa râm, giọng khàn vì tuổi tác, đã chọn bài hát này để hát khi về với đồng đội mình hay về với đất thiêng nơi biên giới, để bày tỏ sự yêu thương, kính trọng những người đã hòa máu xương mình vào đất đai xứ sở.

* * * 

Sau những chuyến đi, tôi vẫn thường nâng niu những trải nghiệm mình có duyên gặp được. Và những trải nghiệm đặc biệt về lời ca tiếng hát mà chúng tôi được hát, được nghe khi đất nước đã gần 50 năm trọn niềm vui - thật đặc biệt khi hát cho những người nằm xuống, tưởng chỉ là những hàng mộ im lìm giữa nghĩa trang gió ngàn - kì lạ thay, luôn để lại trong lòng chúng ta nhiều suy tư, ấm áp.