Đèn cổ nhà xưa

08:07, 03/07/2013

(LĐ online) - Chỉ là một trong những điểm dừng chân khiêm nhường trong hành trình Festival Di sản 2013, nhưng bảo tàng đèn cổ và không gian nhà xưa ở huyện Điện Bàn (Quảng Nam) lại níu chân người bằng những nét rất riêng…

(LĐ online) - Chỉ là một trong những điểm dừng chân khiêm nhường trong hành trình Festival Di sản 2013, nhưng bảo tàng đèn cổ và không gian nhà xưa ở huyện Điện Bàn (Quảng Nam) lại níu chân người bằng những nét rất riêng…

Những cây đèn độc đáo

Nằm trong Bảo tàng Điện Bàn, bộ sưu tập đèn cổ với hơn 500 hiện vật, trong đó là 300 cây đèn cổ nguyên vẹn được bày biện theo phong cách hoài niệm cổ điển. Nổi bật trong gian phòng trưng bày là hai tủ kính để khoảng vài chục chiếc đèn. Nét bí ẩn của bộ sưu tập này là chưa một ai có thể xác định niên đại của từng chiếc đèn ngoại trừ chủ nhân đã qua đời hơn 10 năm trước. Một tủ để những chiếc đèn tạm gọi là đèn "chân dài" châu Âu bởi thân đèn bằng đồng, chủ yếu hình các cô gái cao 50-70cm. Một chiếc khác trưng bày các loại đèn đầy màu sắc, chỉ có thể phân biệt xuất xứ của đèn qua họa tiết mang phong cách châu Âu hay châu Á.


Hai cây đèn cổ bằng thủy tinh màu được 2 tượng thần một nam và một nữ, đúc bằng đồng với những đường nét uyển chuyển, tinh tế cầm vươn lên cao được sắp đặt áp vào phía tường để dành riêng một không gian cho người thưởng ngoạn. Cảm giác của bất kỳ ai khi nhìn cặp đèn này sẽ có cảm giác chủ nhân xưa của nó phải là tầng lớp quý tộc trong hoàng gia châu Âu. Thêm rất nhiều chiếc tủ kính lớn, được ngăn thành mấy tầng để chứa đèn. Đa số đèn trưng bày ở tủ này là đèn thủy tinh màu mang dáng dấp nghệ thuật thời Phục hưng của châu Âu, với chân đèn là tượng các vị thần Hy Lạp bằng đồng... Các chao đèn bằng thủy tinh mà phần mép được thổi uốn lượn hình những bông hoa cách điệu được riêng ra một góc. Không cái nào giống cái nào. Chủ nhân của bộ sưu tập này là anh Lê Công Anh Đức, sinh năm 1970 quê Điện Hồng, Điện Bàn. Niềm say mê sưu tập đèn cổ đã theo anh từ lúc còn rất nhỏ. Theo những lời kể từ gia đình, kết hợp với các chuyến công tác,  Đức đã đến một số nước trên thế giới như Pháp, Bỉ… có mặt hầu hết các tỉnh thành, kể cả phố cổ Lê Công Kiều để sưu tập đèn cổ. Những chiếc đèn cổ của anh Đức lớn nhỏ đủ kiểu, rất đa dạng và phong phú. Có những chiếc đèn mang dáng dấp nghệ thuật thời Phục Hưng, đó là những chân đèn khắc tượng thần Vệ nữ, tượng những vị thần Hy Lạp. Cả những chiếc đèn thể hiện sinh hoạt của sĩ, nông, công, thương, những anh lính chiến…

Để gìn giữ giá trị của bộ sưu tập, gia đình Lê Công Anh Đức sau tai nạn bất ngờ của anh đã gửi tặng toàn bộ sưu tập đèn cổ này cho Bảo tàng huyện Điện Bàn, quê hương của dòng họ. Những chiếc đèn tưởng vô tri, vô giác nhưng sâu thẳm là những linh hồn dung chứa cả một vùng trời quá khứ và lẽ sống của đời người. Lần đầu tiên, Bảo tàng Điện Bàn trưng bày đầy đủ các hiện vật này với mong ước những chuyên gia đồ cổ khi ghé phòng trưng bày có thể xác định được từng xuất xứ, lai lịch của những chiếc đèn.

 

Những chiếc đèn cổ chưa được xác định niên đại. Ảnh: Thanh Đạm
Những chiếc đèn cổ chưa được xác định niên đại.


Không gian nhà Việt

Cách Bảo tàng Điện Bàn không xa, không gian nhà Việt xưa nằm trên diện tích 11.000m2, bao gồm 18 nếp nhà cổ xưa độc đáo nhất của người Việt và 15 công trình kiến trúc đang được phục dựng trở lại. Đó là lối trúc quanh co của làng quê Bắc Bộ, là hàng cau cao vút của nhà vườn Trung bộ, là mái tranh vách đất của căn nhà tre hơn 100 tuổi Quảng Nam được bảo tồn nguyên vẹn. Chính thức ra mắt vào dịp Festival Di sản 2013 năm nay, không gian nhà Việt của Vinahouse trở thành một điểm đến đặc biệt, như được trở về với chính căn nhà mình cho dù bạn có là người ở miền nào. Trên nền đất của làng La Qua xưa, những căn nhà Việt xưa cũ được dựng lên im vắng, chờ đợi và dung chứa cả một trời hoài niệm về những ký ức nhà Việt. Không gian này gợi lên một chút tình quê hồn hậu, chút yên bình lặng lẽ và cảm giác ấm áp nồng đượm, gần gũi của làng quê Quảng Nam nói riêng.

Góp mặt trong hành trình Di sản Quảng Nam 2013, anh Lê Văn Vĩnh - Giám đốc của Vinahouse cho biết tài trợ 2 căn nhà cổ trưng bày tại Quảng trường Sông Hoài, Hội An. Một căn nhà 3 gian 2 chái Quảng Nam và một nhà Bát giác cổ lầu Huế đều có niên đại hơn 100 năm. Hơn nữa, ngay tại không gian Vinahouse sẽ là nơi hội tụ, công bố những kỷ lục ẩm thực của Quảng Nam. Hiện nay, Vinahouse đang tập trung đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên hiểu đúng về kiến trúc cổ, về văn hóa sinh hoạt của từng khu, từng gian nhà trong không gian nhà Việt Nam để hướng dẫn du khách.

Với chặng hành trình rong ruổi trên miền cảm xúc qua khu bảo tàng nhà cổ, du khách có thể thưởng lãm nét đẹp cổ kính, những giá trị di sản tuyệt mỹ mà bao thế hệ người Việt đã dày công tạo dựng. Với không gian nhà Việt xưa, cảm giác về ý niệm thời gian, sự nối tiếp bảo tồn, giữ gìn cái đẹp từ căn nhà Việt cứ theo đó tìm về. Một ngày đi qua cùng hành trình Di sản Quảng Nam, có thể nghe hương cau trong nắng sớm ở một nơi như thể căn nhà tuổi thơ mình sẽ là điểm nhấn ấn tượng của Festival Di sản lần này.

 

 

Du khách tham quan nhà cổ. Ảnh: Thanh Đạm
Du khách tham quan nhà cổ.

Bài: MỸ TRÂM, Ảnh: THANH ĐẠM