Tác giả, tác phẩm đoạt giải cao tại giải thưởng Văn học - Nghệ thuật Lâm Đồng lần thứ I

04:07, 17/07/2013

Giải thưởng Văn học - Nghệ thuật Lâm Đồng đã ghi nhận, tôn vinh 24 tác giả - 25 tác phẩm có sức sống trong lòng công chúng, góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Lâm Đồng cuối tuần xin giới thiệu với bạn đọc 3 tác giả - tác phẩm đoạt giải A ở giải thưởng lần này.

Giải thưởng Văn học - Nghệ thuật Lâm Đồng đã ghi nhận, tôn vinh 24 tác giả - 25 tác phẩm có sức sống trong lòng công chúng, góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Lâm Đồng cuối tuần xin giới thiệu với bạn đọc 3 tác giả - tác phẩm đoạt giải A ở giải thưởng lần này.

+ Họa sĩ Vi Quốc Hiệp với tác phẩm “Mất rừng người về đâu”

Họa sĩ Vi Quốc Hiệp đã đặt dấu ấn tài năng của mình vào sự nghiệp cầm cọ là đề tài vẽ người đẹp và hoa, biệt thự cổ Đà Lạt. Với tác phẩm "Mất rừng người về đâu" lại là hình ảnh một người nghệ sĩ đầy trách nhiệm trước cuộc nhân sinh. Là một chàng trai của núi, gắn bó với rừng (sinh ra ở Lạng Sơn), sau khi tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Vi Quốc Hiệp lên Hà Giang công tác, rồi chuyển vào Đà Lạt, đâu cũng là rừng. Sinh ra ở rừng, gắn bó với rừng, thấu hiểu giá trị của rừng; mà từng ngày phải chứng kiến sự chuyển dịch… Tác phẩm ra đời năm 1999 là kết tinh nỗi trăn trở sau những năm tháng ông rong ruổi trên các nẻo đường Tây Nguyên, chứng kiến những mảng rừng loang lổ, những đám khói quẩn lên, những gốc cây trơ trụi, ứa nhựa. Nỗi đau lớn nhất ám ảnh ông là khi nghĩ đến thế hệ tương lai.

Tác phẩm
Tác phẩm "Mất rừng người về đâu"


Tác phẩm được vẽ bằng chất liệu sơn dầu diễn tả một cuộc “du canh du cư” với hình ảnh 3 con người, chồng vác trên vai xà gạc, theo sát phía sau là vợ địu đứa con trên tay đang đi về hướng vô định, bỏ lại phía sau là “chiến tích” phá rừng: một cánh rừng trơ trọi những gốc cây, những đám khói. Gương mặt người chồng đầy lo âu không biết tương lai sẽ đi đến nơi nào, người vợ lầm lũi địu con bước theo, đứa con trên tay vẻ mặt hồn nhiên ngẩng lên nhìn trời không biết chuyện gì đang diễn ra, cha mẹ đang nghĩ gì…

Với “ý đồ” nghệ thuật, tác giả hình thành bố cục sắp xếp đưa 3 nhân vật trong tranh dồn vào góc hẹp bên trái; cánh rừng sau lưng các nhân vật bị tàn phá, ngổn ngang khói bụi, lởm chởm gốc cây… chiếm phần lớn diện tích tranh - Tất cả bố cục đã cho thấy; nếu cứ phá rừng mãi sẽ có kết cục bế tắc, đi vào bước đường cùng. Ngôn ngữ hình ảnh, đường nét, màu sắc, tên tác phẩm ngắn gọn, dễ hiểu, tác phẩm còn thức tỉnh đồng bào dân tộc không phá rừng làm rẫy, không du canh du cư. Sâu xa trong tác phẩm là tình yêu rừng của người nghệ sĩ, tình yêu đó sẽ có sức lan tỏa để mọi người cùng chung tay bảo vệ rừng, bảo vệ sự sống còn. Tác phẩm đoạt giải ba triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 2000, hiện đang được lưu giữ trưng bày tại Bảo tàng Lâm Đồng.

+ Nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Hồng Quang với tác phẩm “Niềm vui tuổi già”

Vượt qua nhiều tên tuổi trong làng nhiếp ảnh Lâm Đồng với rất nhiều tay máy, nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Hồng Quang (Bảo Lộc) đã giành giải A tác phẩm "Niềm vui tuổi già" là một bất ngờ tại giải thưởng VHNT Lâm Đồng lần thứ I.

Tác phẩm
Tác phẩm "Niềm vui tuổi già"


Tác phẩm "Niềm vui tuổi già" là bức ảnh nói về tình cảm gia đình, được ban tổ chức giải thưởng đánh giá cao vì gia đình là tế bào của xã hội, là nền tảng của đất nước, nhất là năm 2013 này được chọn là Năm Gia đình Việt Nam. Trong đó, cái gốc làm nên sự gắn kết giữa các thế hệ trong gia đình là tình yêu thương. Với bố cục tác phẩm là: bà bế cháu, ông cầm quả chuông lắc, ông bà cùng vui đùa với cháu nhỏ, ánh mắt của họ đều ánh lên niềm vui, tình thương yêu, sự chăm sóc nâng niu, kỳ vọng vào thế hệ tiếp nối.

Kể về quá trình gian nan tạo nên tác phẩm của mình, NSNA Vũ Hồng Quang “bật mí”: Nhìn vào bức ảnh thì thấy tình cảm hạnh phúc, nồng ấm của 3 thành viên trong một mái nhà là ông - bà - cháu. Nhưng ngoài đời, 3 nhân vật đều ở 3 gia đình khác nhau. Anh kể, tác phẩm này được anh bấm máy năm 2005, ý tưởng hình thành trước đó 3 năm. Với quyết tâm thực hiện bằng được ý tưởng của mình. Các nhân vật đều cho anh gặp tình cờ, để thuyết phục họ trở thành nhân vật trong ảnh của mình, anh Quang cũng gặp không ít gian nan vất vả. Cụ ông tên là cụ Đồng, lúc đó đã 75 tuổi, quê gốc Thanh Hóa, với nét đẹp phong trần, dân dã, chòm râu và mái tóc đẹp của người già, thấy cụ đi bộ trên đường, nhìn cụ phù hợp với sự kiếm tìm nhân vật của mình, anh tìm đến nhà cụ ở phường 2 - Bảo Lộc làm quen. Khi đã hiểu ý anh, cụ vui vẻ nhận lời. Cụ bà là cụ Tuế 68 tuổi, quê gốc Hà Tây, vẻ mặt hiền lành, phúc hậu, hàm răng nhuộm đen, mang vẻ đẹp truyền thống. Cháu bé 8 tháng tuổi, mắt sáng, bụ bẫm là con gái của một gia đình mà anh quen biết. Vì 3 nhân vật ở 3 gia đình, nên khó khăn nhất là chọn đúng thời điểm để kết hợp 3 nhân vật với nhau, nhất là lúc đó điện thoại di động chưa phổ biến. Có hôm ông rảnh thì bà lại bận, hôm bà rảnh thì ông lại có việc, phải lâu lắm mới đến một ngày cả 2 ông bà cùng có thời gian đi vào tác phẩm của anh. Anh phải đến từng nhà, chở từng cụ đến nhà mình bằng xe máy, còn cháu bé được mẹ đưa đến. Sự lao động nghiêm túc của anh và sự nhiệt tình của các cụ đã gắn kết các nhân vật như một gia đình thực sự. Với ảnh nghệ thuật thì backround (phông nền) thường là màu đen, nâu, để có nền ưng ý anh phải lấy sơn quét đen một bức tường nhà mình. Bức ảnh được chụp bằng máy cơ sử dụng phim. Anh tận dụng cả ánh sáng thiên nhiên và đèn flash để có bức ảnh hoàn hảo về ánh sáng. Anh đã chuẩn bị quần áo cho các nhân vật để tạo nên hiệu ứng màu sắc cho tác phẩm hài hòa, ấm áp. Để có bức ảnh đẹp ưng ý, từ ánh mắt, nụ cười, quả chuông ông lắc vui chơi cùng cháu cũng như đang chuyển động, ánh mắt cháu cũng chuyển động, anh không bấm máy nhiều, mà đi vào chiều sâu, tạo bố cục ông bà 2 bên, cháu ở giữa, chớp khoảnh khắc đẹp nhất. Và sau 2 giờ đồng hồ bức ảnh đã ra đời. Với góc độ và ánh sáng, hiện lên rõ từ tia sáng hạnh phúc trong ánh mắt cả 3 nhân vật. Ngay sau đó, tác phẩm Niềm vui tuổi già của anh đoạt giải ba cuộc thi Trẻ em và mối quan tâm của chúng ta do Ủy ban Dân số kế hoạch hóa gia đình Việt Nam tổ chức (2006).

NSNA Vũ Hồng Quang tâm sự: Ở Bảo Lộc, anh em trong giới nhiếp ảnh vẫn gọi anh là “ông mai bà mối”, “gắp” ông này “bỏ chung” với bà kia. Anh quan điểm: đã là ảnh nghệ thuật thì từng nhân vật trong ảnh phải đẹp mới có sức cuốn hút, trong khi trong đời thường rất ít gia đình cả vợ cả chồng, cả ông cả bà cùng đẹp. Vốn là người yêu gia đình, yêu cuộc sống, có tấm lòng kính già, yêu trẻ, 35 năm cầm máy, NSNA Vũ Hồng Quang luôn hướng về đề tài gia đình, anh chụp nhiều thế hệ, ảnh của anh được đăng trên rất nhiều báo và tạp chí trong nước như báo: Gia đình và xã hội, Giáo dục và thời đại, Phụ nữ Tp.Hồ Chí Minh, Tuổi trẻ (ảnh minh họa trong các bài viết trong cuộc thi viết về cha). Đặc biệt, Tạp chí Vì tuổi thơ, có số sử dụng đến 10 ảnh của anh. Anh vẫn thường xuyên thăm hỏi, chúc tết các cụ, các nhân vật đã từng đi vào ảnh của mình, họ trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống của anh. Càng xúc động hơn, mỗi lần gặp lại anh, các cụ thường vui mừng hỏi thăm như hỏi thăm đứa con: “Tác phẩm có mang lại thành công gì cho con không, có mang lại tiền bạc để con nuôi vợ nuôi con không. Có cần bác giúp gì nữa không???”. Lời thăm hỏi ân cần như lời động viên, tiếp sức, tạo niềm tin yêu cho anh tiếp tục đeo đuổi những ý tưởng, niềm đam mê.

+ Nhạc sĩ Đình Nghĩ và Album “Trở về đồi cỏ cháy”

Đây là album thứ 2 sau mấy mươi năm nhạc sĩ Đình Nghĩ thổi hồn vào từng nốt nhạc, rút ruột nhả tơ. Khác với những ca khúc Say trăng, Hoa Lang Biang… trong album đầu tiên “Lời ru trong mưa”; 14 nhạc phẩm trong album “Trở về đồi cỏ cháy” nhẹ nhàng, lãng mạn, mang đậm phong cách nhạc dân gian đương đại, lấy âm hưởng từ các làn điệu Yalyau của đồng bào K’Ho.

Tác phẩm
Tác phẩm "Trở về đồi cỏ cháy" của nhạc sĩ Đình Nghĩ


“Đồi cỏ cháy” được Đình Nghĩ liên tưởng đến chính là đồi Cù. Đồi Cù ngày xưa không phải là những lớp cỏ Nhật mượt như bây giờ, mà vào mùa đông và mùa xuân (là mùa khô) cỏ cháy, lá úa vàng đan cài cùng những thảm “chiếu” lá thông rơi rụng. Đã bao nhiêu chiều nhạc sĩ cầm đàn ghi ta lên đồi cỏ cháy, tựa vào gốc thông già nghêu ngao hát, hòa vào tiếng vi vút của gió của thông, bỏ mặc xung quanh là trời Đà Lạt, là hoa dại, là hồ Xuân Hương dưới chân sóng gợn. “Ngập ngừng sương mai lãng đãng mây chiều/ dập dìu bóng mưa lạc vào mái phố, thực thực mơ mơ, ngẩn ngơ mùa đông/ Lạc vào mênh mông bỗng gặp cao nguyên… Lúng liếng hoa vàng/ thả nắng đồi hoang (Lạc vào mái phố); Nghe mênh mông trống vắng khúc ca trầm mùa khô/ Em mong anh trở về, trở về đồi cỏ cháy/Nghe miên man miên man tiếng suối dịu mềm lá những vui buồn trở về… Ru ru qua xanh ngàn, ru thơm lúa vàng / Ngày mùa rộn ràng ngô khoai/ Đàn bò rung reng/ Anh hãy trở về vết chân trần cổ tích/ về dòng sông đưa nôi, ru anh ru anh ngọt ngào” (Trở về đồi cỏ cháy). Mỗi ca từ trong từng ca khúc như những lời thơ. Những cảm xúc như day dứt, lắng đọng mang đến cho người nghe về những kỷ niệm thời thanh tân với mái phố, với những mùa rực nắng, với lời ru của mẹ, với bến sông, với những chiều mây trắng… để được cùng Đình Nghĩ phiêu du trên đồi cỏ cháy trong mùa khô Tây Nguyên.

14 ca khúc là 14 lời tự tình với thiên nhiên và con người Đà Lạt, với cỏ, với hoa, với mây với nước. Cảm xúc của tác giả được chuyển tải trong ngôn từ, giai điệu lúc hoài cổ man mác buồn, khi khát khao mãnh liệt, đã gửi gắm một thông điệp: Hãy “Trở về đồi cỏ cháy”, trở về với cội nguồn, về miền ký ức, gìn giữ, trân trọng và nâng niu. Các giọng ca trẻ: Tuyết Mai, Mỹ Lệ, Mai Khôi, Nguyên Thảo, Hoàng Nghiệp… trong Album cũng làm cho giai điệu và ca từ của Đình Nghĩ thêm cất cánh. Mời các bạn vào đây để nghe “Trở về đồi cỏ cháy” http://mp3.zing.vn/bai-hat/Tro-ve-doi-co-chay-Tuyet-Mai/IW6B0DWO.html.

Quỳnh Uyển