Vòng phỏng vấn cuối cùng

03:05, 28/05/2014

Huỳnh Lan kẹp tờ lịch vào cuốn sổ tay, mắt ráo hoảnh bước ra khỏi nhà hàng, đi thẳng một mạch không hề ngoái lại. Tự dặn mình chớ có bao giờ cạn nghĩ như hôm nay, rồi bước vào phòng trọ nhẹ như chiếc lá rơi. 

Huỳnh Lan kẹp tờ lịch vào cuốn sổ tay, mắt ráo hoảnh bước ra khỏi nhà hàng, đi thẳng một mạch không hề ngoái lại. Tự dặn mình chớ có bao giờ cạn nghĩ như hôm nay, rồi bước vào phòng trọ nhẹ như chiếc lá rơi. Thằng Hùng ngưng đọc báo, hỏi:
 
- Về sớm thế? Bộ… không hạp với công việc hả? 
 
- Tớ quyết định “gặm hồ” với cậu!
 
Thằng Hùng bỏ tờ báo xuống, ánh mắt xoi mói, nghi ngờ khả năng của con người “nhẹ như lá lúa” cùng phòng với con em song sinh của mình.
 
Minh họa: HỒ TOÀN
Minh họa: HỒ TOÀN
 
Sáng tinh mơ, Huỳnh Lan ra khỏi giường, tròng chiếc quần rin thụng đã bạc màu bị bỏ quên ở góc rương vừa được lôi ra và chiếc áo sơ mi rộng thùng thình đã rách, cột túm củ hành củ tỏi của thằng Hùng cho mượn. Soi mình trước gương. Đứa con gái phụ hồ nhìn cô nhoẻn miệng cười. Tóc búi hột xoài sau gáy. Hai tròng mắt ẩn, hiện hai con số 8 của tờ lịch. Cái sống mũi cao, thẳng như một gạch sổ phân cách giữa hai con số. Đó là ngày tháng mà Huỳnh Lan khó quên! Những con chữ phía sau tờ lịch Huỳnh Lan kẹp trong cuốn sổ tối qua cũng nhảy tót vào đó múa may dường như khích lệ. Huỳnh Lan coi đó như một cú huých nhẹ đủ cho cô giật mình.
 
Và thật sự cô đã giật mình!
 
Cô ngàn vạn lần cảm ơn cú huých đó!
 
Đứa con gái phụ hồ lại hóm hỉnh giơ tay lên rồi giật chỏ mạnh xuống cho thấy sự quyết tâm phụ hồ.
 
*
 
Năm tháng dần trôi. Đồng tiền phụ hồ xây thành đắp lũy cho ước mơ giờ đã thành hiện thực. Huỳnh Lan tự tin cầm văn bằng tốt nghiệp đại học mà lòng rạo rực lạ, thẳng tiến đến một công ty lớn có tên tuổi của thành phố. Năm lần ba lượt so kè so đũa, sàng, lọc, của công ty. Giờ còn cô và hai đối thủ nữa. Hôm nay đích thân tổng giám đốc trực tiếp phỏng vấn ba người. Loại hai chọn một trợ lý đắc lực cho mình. Với chiếc ghế thơm thảo như thế ai mà không muốn đặt mông vào trong thời buổi “ghế ít đít nhiều” này. Đã đến vòng đây rồi thì kiến thức hẳn ai cũng như ai, mọi so sánh đều trở nên khập khiễng. Vì vậy, ngoài kiến thức được tiếp thu trong trường đại học ra, ai cũng muốn mình may mắn nhận được chút cảm tình trong mắt vị tổng giám đốc khi diện kiến. Huỳnh Lan là một trong số đó. Hơn ai hết, nàng khát khao nhận được sự cảm tình ấy để có điều kiện đẩy lui căn bệnh hiểm nghèo của người mẹ mà cô hết mực thương yêu. Và cũng vì con bệnh tai ác ấy làm cô có lần nông nổi nghĩ suy. Ngày 8 tháng 8 năm đó nếu không có “cú huých” đủ dội vào tim vào óc cô thì …  Nghĩ đến đấy Huỳnh Lan thấy rùng mình khiếp sợ. 
 
*
 
Vị tổng giám đốc xuất hiện! Ngồi bên kia chiếc bàn ô-van lớn với mọi người trong ban lãnh đạo công ty, đối diện ba ứng thí. Bỗng Huỳnh Lan sửng sốt! Đầu ốc choáng váng lảo đảo như người say rượu khiến thu hút mọi ánh nhìn lo ngại của những người xung quanh. Cô như bị lọt thỏm vào nơi không đáy. Không tin vào mắt mình, cô chớp chớp đôi my cong mượt như cố lau đi lớp bụi mờ nơi con ngươi để nhìn cho rõ hơn. 
 
Trời ơi! Đúng là trái đất xoay tròn! Cô thầm trách cuộc đời sao mãi trêu chọc mình. Sự khát khao cháy bỏng được lọt vào mắt xanh vị tổng giám đốc trước đây mấy phút trong cô bỗng tiêu tan. “Liệu cơ quan nào dám nhận khi biết cô từ đây đi ra”, câu nói năm nào lại réo rắt trong đầu khiến Huỳnh Lan nghĩ ngay: “Mình rớt chắc rồi!”. Sự khẳng định đó khiến cô đứng dậy rời chỗ, đau đớn chấp nhận sự thua cuộc.
 
Tức thì, vị tổng giám đốc đứng lên, đưa ngón trỏ về hướng cô, sắc thái điềm tĩnh:
 
- Tôi chọn cô kia! Cô Lê Huỳnh Lan! – Nói xong bà trịnh trọng tuyên bố cuộc phỏng vấn kết thúc.
 
Huỳnh Lan quá đỗi ngạc nhiên, không dám tin vào tai mình. Song cô hết sức bình tĩnh, hỏi lại trước khi vị tổng giám đốc ra khỏi phòng: 
 
- Thưa Tổng giám đốc, chắc bà chưa nhận ra tôi?
 
- Tôi có nhận ra! 
 
Đôi môi mấp máy, Huỳnh Lan tính nói gì đó nhưng vị Tổng giám đốc bảo:
 
- Tôi chân thành chúc mừng cô! Tôi quyết định tuyển cô là vì năng lực và bản lĩnh của cô. Tôi phục cái bản lĩnh đó và kèm theo một sự cảm thông. Bởi tôi hiểu cái bằng tốt nghiệp hạng ưu của cô không thể có được bằng đồng tiền trong môi trường của ngày ấy.
 
*
 
Ngày ấy… 
 
Cái ngày mà ngón cái và ngón trỏ tay của chồng bà ấy day day hai bên thái dương. Ông ta thấy hơi chếnh choáng chứ không còn dáng đường vệ như khi bước vào quán. Ước gì về nhà để được lăn ra ngủ một giấc no tròn. Ông ta nghĩ thế rồi thiểu não chống hai tay lên trán, cố giữ thăng bằng cho đầu không gục xuống. Nhưng rồi nó vẫn cứ gục. Phần trán ông ta tựa vào thành bàn ăn. Và từ đó, mắt ông ta bị thôi miên bởi cái váy ngắn cũn cỡn đến nỗi không thể ngắn hơn được nữa. Bên trong chiếc váy ấy không có lấy một mụn vải. Cái hông săn chắc và cơ đùi cô gái cứ uốn éo co giật rồi gồng lên một cách thảm hại. Cho thấy cô ta đang khổ sở chịu đựng thói mơn trớn tinh nghịch của đôi bàn tay thô kệch, và như đang bỏng lên vì nôn nóng của những người cùng bàn nhậu với ông ta… Bỗng ông ta chạnh lòng “bọn chúng còn non choẹt như tuổi con gái mình”. Ông ta thấy gợn lên chút thương tâm. Thế rồi ông ta đảo mắt một lượt, thấy cặp nào cũng hành động rập khuôn. Và biết “tăng ba” sắp xảy ra! Ông ta thấy tởm lợm, muốn ra về. Song không làm vậy. Nếu làm đuợc thì ông ta đã làm rồi. Gọi là đãi đằng nhau cơ mà! Không cùng hội cùng thuyền thì anh em sẽ ngại, xa lánh mình. Làm lãnh đạo là phải biết hòa đồng với cấp dưới, với cán bộ chung quanh. Có như vậy mới lấy lòng được họ, mới lãnh đạo được họ. “Cái ghế” lâu nay mình ngồi vững được cũng nhờ vào sự tín nhiệm của họ. Bỗng ông ta rùng mình nghĩ đến những bàn tay thô kệch kia rồi đây sẽ giơ lên biểu quyết ủng hộ mình vào những vị trí chủ chốt sắp tới…Ông ta lại nghĩ: Không! Ta hòa đồng chứ nhất quyết không hòa tan. Ta là ta chứ không phải là họ. Nghĩ thế, ông ta quyết tâm rút ra khỏi “đám bùi nhùi” mà những mong sắp tới mình không mất đi một lá phiếu tín nhiệm nào trong cơ cấu bộ máy...
 
Vợ ông ta tất tả tới nhà hàng trên con đường tấp nập của thành phố. Năn nỉ đến mỏi miệng nhưng bảo vệ nhà hàng vẫn không cho vào phòng “đặc biệt”. Cuối cùng vợ ông ta phải mở điện thoại đưa ra mẩu tin nhắn. Bấy giờ họ mới cho vào. Cánh cửa được nhẹ nhàng mở ra. Vợ ông ta tím ruột nở một nụ cười xã giao. Tức thì các cô gái luống cuống rời khỏi “thượng đế” của mình với đôi tay đôi chân thừa thãi vụng về. Còn các “thượng đế” mặt mày dáo dác xanh mét dưới lớp da bì bì vì no rượu. Riêng ông ta thì mừng thầm. 
 
- Chào các anh! Tôi vào nhậu cùng các anh cho vui, chứ không có gì đâu, các anh, các cô cứ tự nhiên.
 
Nói xong vợ ông ta bước tới bên chồng và lướt mắt tìm ghế ngồi. Cô gái nãy giờ đứng rụt rè sau lưng ông ta đem ghế đến. Vợ ông ta đã nói thế nhưng ba hồn chín vía kia chưa dám quay về nhập xác. Ánh mắt họ hướng ra cửa như đang chờ đợi điều chẳng lành. 
 
Hiểu được tâm trạng đó, ông ta bồi thêm cho hồn họ vững tâm quay về.
 
- Không có gì đâu. Các ông cứ yên tâm đi!
 
Để chứng minh mình là người có uy ngoài xã hội cũng như trong gia đình, ông ta cho mọi người kiểm chứng tức thì. Ông ta nắm tay Huỳnh Lan, cô gái được giao nhiệm vụ làm vui lòng mình nhưng từ nãy giờ chưa phải làm gì, kéo cô ta đến cạnh rồi ông chìa má ra, trước mặt vợ. Cô gái ngại ngùng hết nhìn ông ta đến nhìn vợ ông ta rồi bối rối không biết làm sao.
 
Thấy vậy vợ ông ta nói:
 
- Khách hàng yêu cầu thì cô cứ làm. Đó là công việc của cô mà!
 
Trái tim Huỳnh Lan nhói lên trong lồng ngực. Cô gượng cười, miệng méo xệch, lí nhí:
 
- Chị đừng hiểu lầm em. Em là… sinh viên trường đại học…
 
- Tôi chẳng hiểu lầm gì cả. Cô hãy nhìn lại mình một cách nghiêm túc xem! Cô sẽ thấy đó là một sự thật hết sức trần trụi mà cô và có lẽ cả các bạn của cô nữa đều không muốn thừa nhận. Trần trụi đến mức khi cô bước chân vào làm ở chốn này thì tự khắc người ta hiểu cô là ai. Và như vậy, thiết nghĩ cô không được cho phép mình xưng danh là sinh viên trường này trường nọ. Nhân danh cựu sinh viên của trường tôi có thể…  
 
Vợ ông ta có tài kìm chế đúng lúc nên bỏ lửng câu ở đấy nhưng tiếp tục với một câu nói khác: 
 
- Cô nói xem, trường đại học nào đào tạo cô làm cái công việc này? Cô nghĩ sao nếu tôi báo cho thầy cô cô biết là cô đang “thực hành” những điều không có trong giáo án ở nơi đây? Và cô có nghĩ, cho dù cô hoàn thành chương trình đại học đi chăng nữa, khi ra xin việc, liệu cơ quan nào dám nhận khi biết cô từ đây đi ra?
 
Huỳng Lan choáng váng, khác nào vừa nhận một cái tát. Nói đúng hơn còn đau gấp bội cái tát nữa là đàng khác. Bất giác cô sực tỉnh, rồi như chết điếng cả thân người. Cô nhìn quanh nhìn quất ánh mắt như muốn xoi lỗ mà chui xuống. Nhưng rồi cảm thấy đất cũng không dung, trời cũng không tha điều mà người phụ nữ kia đã thẳng thắn. Tại sao mình cứ tự lừa dối? Liệu có giữ mình mãi trước những sinh vật già khuyết răng chỉ thèm cỏ non không chứ? Chị ấy đã nói thật, dù sự thật khiến tim cô nhói đau. Cô thấy quá xấu hổ, không biết giấu mình vào đâu, đành cúi đầu hai tay ôm mặt, vai cô rung lên. Mặc dù cô đã cố nén nhưng tiếng nấc vẫn vỡ òa như hồi chuông báo tử, cô nói trong nước mắt:
 
- Chị nói đúng! Thật xấu hổ cho em quá! Chắc chẳng sống nổi với sự ê chề này…
 
Tiếng thút thít vỡ òa không thôi. Vợ ông ta hơi chạnh lòng, gợn lên một chút thương cảm. 
 
- Tôi mừng là em còn biết khóc. Muốn khóc thì vào trong mà khóc. Khóc cho đã đi. Chừng ấy tôi chắc em sẽ có cách.
 
Vợ giám đốc dứt lời. Cô gái chạy thẳng vào trong. Bà với tay gỡ tờ lịch treo hờ hững trên tường, lật phía sau viết mấy chữ: “Tôi gửi cô một trăm ngàn để uống nước và kèm theo một sự cảm thông chứ không phải một lời xin lỗi”. 
 
*
 
Huỳnh Lan sực tỉnh bởi cánh tay dịu dàng nhân ái của vị tổng giám đốc choàng qua vai mình khi bà cũng vừa về với thực tại.
 
Truyện ngắn: TUYẾT SƯƠNG