Vũ điệu Arya gắn kết cộng đồng người Chu Ru

09:12, 17/12/2015

Suốt một thời gian dài rơi vào quên lãng, điệu dân vũ Tamya Arya của người Chu Ru bỗng được hồi sinh với sức sống mãnh liệt. Trong những năm qua, điệu múa dân dã này không ngừng lan tỏa, góp phần gắn kết cộng đồng các dân tộc vùng Đơn Dương.

Suốt một thời gian dài rơi vào quên lãng, điệu dân vũ Tamya Arya của người Chu Ru bỗng được hồi sinh với sức sống mãnh liệt. Trong những năm qua, điệu múa dân dã này không ngừng lan tỏa, góp phần gắn kết cộng đồng các dân tộc vùng Đơn Dương.
 
Một ngày chớm đông. Khi ánh mặt trời vụt tắt sau chân núi thiêng K’Lơl, lũ làng Chu Ru lại tề tựu về trung tâm buôn Diom A (xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương) cùng vui ngày hội đại đoàn kết. Ánh lửa huyền ảo rực sáng giữa sân trường Tiểu học Lạc Xuân. Ngày hội của buôn làng, không chỉ thanh niên nam nữ mà cả những cụ cao niên cũng đến góp vui. Trong không gian tĩnh mịch của đại ngàn, tiếng chiêng quen thuộc vang lên, quyện với thanh âm rơkel (kèn bầu) và tiếng trống da trâu, “Dàn nhạc Ma Bio” mở màn ngày hội với Tamya Arya - điệu dân vũ đại diện cho tinh thần đoàn kết, gắn bó cộng đồng của dân tộc Chu Ru.
 
Người dân cùng vui ngày hội đoàn kết tại buôn Diom Avới vũ điệu Arya
Người dân cùng vui ngày hội đoàn kết tại buôn Diom A với vũ điệu Arya

Trong văn hóa của người Chu Ru, có những vũ điệu (Tamya) khác nhau nhưng điệu Arya mang tính cộng đồng cao hơn cả. Arya là một điệu múa cơ bản, thể hiện tình đoàn kết dân tộc và thường được sử dụng trong các lễ hội, gặp mặt cộng đồng bởi nó đơn giản, dễ thực hiện. Tamya Arya không mạnh mẽ, nóng bỏng mà nhẹ nhàng, uyển chuyển, quyến rũ đến nao lòng. Nghệ nhân Touneh Ma Bio (người góp công hồi sinh vũ điệu Arya) tâm sự: “Tuy là điệu múa truyền thống nhưng suốt một thời gian dài, Arya đã bị lãng quên. Vài năm trở lại đây, điệu dân vũ này được hồi sinh và trở thành điệu múa không thể thiếu trong các dịp lễ hội, tết đến của người Chu Ru trong vùng”.
 
Có lẽ là cơ duyên. Tamya Arya được hồi sinh nhờ công lớn của người đàn bà yêu văn hóa - Touneh Ma Bio ở buôn Diom A. Thế nên vùng này như cái nôi hội tụ những nét văn hóa đặc sắc của người Chu Ru. Nghệ nhân Ma Bio là một bảo tàng sống. Đội cồng chiêng của bà là hạt nhân kết nối cộng đồng mỗi khi họ trình diễn những vũ điệu quyến rũ của ngàn xanh cao nguyên. Nhờ tiếng chiêng, nhờ điệu múa, tình đoàn kết gắn bó của bà con trong buôn làng ngày một keo sơn, thắm thiết. Già làng Ya Toàn (buôn Diom A, xã Lạc Xuân) nhận xét: “Nhờ thực hiện tốt phong trào đại đoàn kết mà trong những năm qua, diện mạo đời sống kinh tế - xã hội tại địa phương ngày càng có nhiều chuyển biến. Đặc biệt là tình hình an ninh, trật tự được giữ vững, mối quan hệ gắn bó, đoàn kết tình làng nghĩa xóm, giúp đỡ lẫn nhau giữa bà con nhân dân trong khu dân cư ngày càng bền chặt”.
 
Quả thực, Diom A được coi là hình mẫu về xây dựng đời sống văn hóa, đoàn kết dân tộc ở xứ Đơn Dương. Trong những năm qua, không những kinh tế được nâng lên mà đời sống văn hóa tinh thần của bà con trong vùng ngày càng tiến bộ. Toàn thôn hiện có 210 hộ dân với hơn 1.000 nhân khẩu. Trong năm 2015, Diom A tiếp tục đạt danh hiệu thôn văn hóa với 168 hộ đại gia đình văn hóa, bà con trong buôn làng đã ý thức được việc đẩy mạnh phát triển kinh tế gia đình, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần một cách rõ rệt.
 
Trưởng thôn Diom A, ông Ya Kiệm, hồ hởi cho biết: “Nhờ những hoạt động giao lưu văn hóa mà trong những năm gần đây chất lượng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” ngày càng được nâng lên. Nhân dân và cán bộ đoàn kết, thi đua lao động sản xuất, giúp nhau xóa đói giảm nghèo và hăng hái tham gia thực hiện phong trào yêu nước, đoàn kết dân tộc”.
 
Trong những ngày vui, người Chu Ru thường tấu nhạc với điệu Arya. Đó là lễ mừng lúa mới, cúng thần đập nước, mừng nhà mới hay dịp cưới hỏi của thanh niên trong làng. Khi ấy, lũ làng cùng nhau biểu diễn điệu dân vũ Arya - điệu múa mà ai cũng biết, cũng thích. Qua tiếng nhạc, điệu múa, người lạ thành quen, thành dân bản địa, thành người Chu Ru. Cô giáo Nguyễn Thùy Trang (quê huyện Bảo Lâm) cứ bồi hồi: “Được tham gia ngày hội cùng bà con buôn làng mình vui lắm. Tình cảm nồng ấm cùng điệu múa duyên dáng khiến mình như quên mất là người ở nơi xa tới công tác. Mình cứ như một phần của Diom A, một người con của dân tộc Chu Ru vậy”.
 
NGUYỄN DŨNG