Một chuyến đi dài…

09:01, 21/01/2016

Chúng tôi đột ngột biết tin anh - nhà báo Khắc Dũng mất trong một ngày cuối tuần tháng chạp khi Tết đã cận kề.

Chúng tôi đột ngột biết tin anh - nhà báo Khắc Dũng mất trong một ngày cuối tuần tháng chạp khi Tết đã cận kề.
 
Đột ngột vì trước đó trong buổi sáng thứ hai đầu tuần, chúng tôi còn nói chuyện vui vẻ cùng nhau khi anh đến tòa soạn. Trông anh có vẻ xanh xao vì bệnh, chân khập khễnh chiếc nạng gỗ nhưng vẫn còn rất yêu đời, anh cười vui châm chọc chuyện bệnh tật của mình và mong cho mau bớt bệnh vì ở nhà nhớ tòa soạn lắm. Chúng tôi đứng trước sân cho anh sưởi nắng sáng, nắng Đà Lạt tháng chạp nhẹ ươm vàng, cây đào trước sân tòa soạn đang ươm nụ. Nhìn hoa, anh bảo năm nay không biết hoa đào có đẹp không? Chiều đó anh về Đạ Tẻh và rồi anh ra đi mãi mãi.
 
Nhà báo Khắc Dũng (hàng trước - bên trái), cùng các đồng nghiệp của Báo Lâm Đồng trong một chuyến công tác ở các tỉnh phía Nam
Nhà báo Khắc Dũng (hàng trước - bên trái), cùng các đồng nghiệp của Báo Lâm Đồng trong một chuyến công tác ở các tỉnh phía Nam

Tôi quen anh từ thời cùng nhau là sinh viên, khi chúng tôi cùng ở chung ký túc xá Đại học Đà Lạt trên ngọn đồi cao, chung nhau một sở thích là chơi đàn Guitar, nhạc cổ điển. Anh có một chiếc đàn đã cũ nhưng tiếng còn vang, đi đâu cũng mang theo, anh chơi cả nhạc cổ điển châu Âu lẫn nhạc Flamenco, chơi được những bài rất khó. Chúng tôi một nhóm chừng 4 - 5 thành viên thỉnh thoảng lại gặp mặt nhau cùng chơi đàn cổ điển tiếng đàn vang khắp ký túc trong những đêm trăng vắng ngập sương mù. Anh rất giỏi nhạc lý, biết nhiều thể loại nhạc, biết đệm đàn hát rất điệu nghệ, mãi cho đến sau này dù ở đâu trong nhà anh cũng luôn có một cây Guitar, khi gặp nhau bên chén rượu chúng tôi lại lấy đàn ra chơi, anh hát những bài sáng tác mới cho chúng tôi nghe. Anh sáng tác nhạc từ thời còn sinh viên và mãi sau này niềm đam mê đó vẫn còn nguyên vẹn, anh đã từng nhiều lần xuất bản các tập nhạc do tự anh sáng tác. Niềm đam mê âm nhạc cùng vốn kiến thức về nhạc này theo anh cả vào các nghiên cứu âm nhạc dân gian của các tộc người trên đất Tây Nguyên trong nghề báo của mình.
 
Anh học sử, có một vốn kiến thức lớn về Dân tộc học và anh sử dụng rất tốt cho công tác nghiên cứu khoa học lẫn cho nghề báo. Làm việc ở Lâm Đồng, ở Tây Nguyên, vốn kiến thức này lại càng hữu dụng, được anh phát huy một cách hữu hiệu. Làm báo cho anh cơ hội đi khắp cả vùng Tây Nguyên, vào các buôn làng, các tộc người, nói chuyện với già làng, không chỉ để viết báo anh còn tham gia thực hiện các đề tài khoa học với Đại học Đà Lạt, với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lâm Đồng, tham gia viết khảo cứu dân tộc học với rất nhiều công trình nghiên cứu đáng giá, là thành viên tích cực trong văn học dân gian của Hội Văn học Nghệ thuật Lâm Đồng. 
 
Anh thích hội họa. Trong căn phòng sinh viên thời còn ở tập thể anh đã cho tôi xem các phác thảo chân dung rất độc đáo. Anh vẽ trang trí, cắt chữ rất đẹp, là người có hoa tay, không phải vô cớ từng có thời anh ở lại Đại học Đà Lạt làm công tác thông tin cho trường. Dù sau này bận rộn, thỉnh thoảng tôi vẫn thấy anh vẽ chân dung với những nét vẽ ấn tượng. Anh còn thích làm thơ, sáng tác truyện, anh từng xuất bản không ít các tập thơ, ký và tiểu thuyết.
 
Nhưng sở trường của anh vẫn là làm báo. Với vốn kiến thức dân tộc học từ trường đại học, anh như “cá gặp nước” khi làm báo ở Lâm Đồng, trong một môi trường chung quanh giàu bản sắc văn hóa các tộc người. Nhưng không chỉ là dân tộc học, anh là nhà báo đa năng, viết từ nông nghiệp đến lâm nghiệp, rừng, lâm sinh, môi trường đến các đề tài khác nhau như giáo dục, các vấn đề xã hội, văn hóa nghệ thuật, phê bình, giới thiệu sách. Chỗ nào anh cũng viết được, viết có cảm xúc, có cái nhìn của một nhà báo nhìn vào vấn đề hẳn hoi. Anh viết rất đều tay, làm việc nghiêm túc, có trách nhiệm, là một cây bút sung sức hàng đầu của Báo Lâm Đồng, cho đến tận ngày mất anh vẫn viết. Anh cộng tác với rất nhiều báo trong nước như Lao Động, Nông nghiệp Việt Nam… Không ngại đụng chạm, không né tránh vấn đề, mạnh dạn trong cầm bút, anh sinh ra như để làm báo. 
 
Anh rất thích đi. Đi như một bản năng trong anh, đi để nhìn ngắm, để gặp những con người thú vị và tất cả được chọn lọc biến thành nguyên liệu cho bài viết của anh. Trong mấy mươi năm làm báo anh đã đi khắp Lâm Đồng, chỗ nào gian khó lại thấy bài viết của anh. Anh đi khắp Tây Nguyên, khắp cả nước. Những ngày làm việc ở tòa soạn, anh tranh thủ cuối tuần lại lên đường, một mình trên chiếc xe máy, lúc thì Sơn Điền, lúc vào vùng sâu Lạc Dương. Về nhà ở Đạ Tẻh, anh lên Đồng Nai Thượng; tết đến, anh vào hang Thoát y ở Cát Tiên, xuôi dòng Đồng Nai, qua rừng Quốc gia Cát Tiên viết ký sự. Kỳ nghỉ xong mọi người còn chưa ngồi vào bàn viết thì anh đã có bài đăng báo. Đi thăm Trường Sa về, anh có ngay một tập bút ký. Sức viết của anh thật đáng kinh ngạc!
 
Với vốn sống phong phú của mình về nghề báo, anh là một thầy giáo dạy báo chí có duyên của Đại học Đà Lạt. Những bài giảng của anh sinh động vì anh gắn vốn kiến thức hàn lâm vào thực tiễn, sinh động như cuộc đời thích lang bạt của anh với những trải nghiệm độc đáo mà chỉ anh mới có. Cũng như nghề báo, anh dường như sinh ra để đi dạy.
 
Đó là một con người ham làm việc đến kỳ lạ. Trong anh như có một ngọn lửa thôi thúc; anh làm việc không ngừng nghỉ, bất kể ở đâu, bất kể thời gian nào. Anh chăm chỉ và cần mẫn như một con ong thợ góp mật cho bài viết mỗi ngày, anh luôn vội vã vì dường như thời gian không cho phép anh đủng đỉnh. Anh viết như chưa bao giờ được viết, như một nỗi ám ảnh, luôn như những ngày đầu mới vào báo đầy hăm hở và chính điều này anh như đã rút ngắn mình lại. Cho đến tận phút chót trước lúc ra đi anh vẫn còn viết. Anh ngã xuống hôn mê khi đang ở trên bàn phím. 
 
Tiễn anh đi trong buổi sáng tinh mơ tháng chạp, trời Đạ Tẻh đầy sương mù  có các đồng nghiệp làm báo, có học trò anh, có người thân bạn bè bà con lối xóm, tất cả tiếc nhớ cho một con người đầy tài hoa như anh… Anh nằm trên một ngọn đồi, quanh anh là người thân, có cha anh, một chiến sỹ cách mạng, người từng mang anh vào nhà tù ở chung vì bị địch bắt. Trên ngọn đồi đó có một gốc cổ thụ nhiều bóng mát nơi anh nằm, phía xa dưới chân anh là dòng Đạ Tẻh uốn mình đưa nước nặng phù sa về sông Đồng Nai, nơi còn hằn dấu chân anh trong những chuyến đi của đời làm báo. Trong chuyến đi dài này, tôi vẫn mong anh có mang theo cây đàn yêu quí để anh cất lên tiếng ca vơi bớt những khắc khoải của kiếp người.
 
Viết Trọng