Hoa mười ba cánh

04:02, 01/02/2016

Anh được mời tham dự hội thảo khoa học về ngành hoa. Muốn dành cho Lê sự bất ngờ như một món quà thú vị nhân dịp Festival Hoa Đà Lạt lần thứ VI - 2015 nên không phôn trước! Chà "Đà Lạt muôn màu sắc Hoa" năm nay quả đã khiến thành phố bừng sắc công viên hoa lộng lẫy. Anh đang nóng lòng, mình gặp nhau nhé! 

I. - Trời, Thành! Anh đã vào Đà Lạt! Thế mà… 
 
    - Anh được mời tham dự hội thảo khoa học về ngành hoa. Muốn dành cho Lê sự bất ngờ như một món quà thú vị nhân dịp Festival Hoa Đà Lạt lần thứ VI - 2015 nên không phôn trước! Chà “Đà Lạt muôn màu sắc Hoa” năm nay quả đã khiến thành phố bừng sắc công viên hoa lộng lẫy. Anh đang nóng lòng, mình gặp nhau nhé! 
 
- Dạ, quán cũ ta ngồi! Lê đến ngay!
 
 Quán cà phê Bích Câu. Chiều nay, Lê khoác áo măng-tô màu lụa vàng tươi trông cô tươi tắn và kiều diễm. Nàng ùa vào quán với những bước gấp gáp, nhanh nhẹn. Hai người bồi hồi đứng lặng nhìn nhau. Sau ít phút phụng phịu hờn dỗi vì không báo trước để ra sân bay đón, Lê ríu ran thăm hỏi bao chuyện gần xa… Đã đến lúc Thành phải về khách sạn, hai người sánh vai thả bước ngắm sương khói hồ Xuân Hương vương tỏa.
 
Rời đường bên hồ, Thành dìu Lê rẽ sang lối dốc mòn trên sườn đồi lên phía trường sư phạm có tháp chuông như ngọn bút vút lên trời xanh. Hai người chậm bước bên vạt hoa Dã Quỳ tỏa hương ngào ngạt trong không gian se lạnh. Lê rút tay khỏi túi áo măng-tô, áp chặt bàn tay thon mảnh, ấm áp lên tay Thành như muốn anh xiết chặt hơn vòng lưng thon thả của mình. Cô bất chợt ngừng bước, nhìn Thành và thì thầm: - Anh cảm nhận hương hoa Dã Quỳ thế nào? Thành đặt nhẹ làn môi lên mái tóc nàng, hít một hơi thật sâu vào lồng ngực rồi thì thầm: - Hương hoa gợi sự thổn thức, nồng nàn, sâu lắng như tình yêu của chúng mình. Đúng không?
 
 Lê ngả đầu vào vai anh rúc rích: - Anh khéo tưởng tượng. Nhưng cũng không sai… vì qua “lăng kính” tình yêu, lăng kính khoa học mà!
 
Lê chưa dứt lời, Thành bồng cô lên, xăm xăm ngược lên dốc. Ánh mắt mềm mại, Lê âu yếm choàng cổ anh, nũng nịu: - Đừng, anh!
 
Thành đặt Lê xuống, anh cuống quýt hôn lên đôi mắt Lê, thảng thốt: 
 
- Ôi nữ hoàng Dã Quỳ! Sắc Hoa Mười Ba Cánh của anh!
 
- “Ga-lăng” vừa thôi! Mà Lê bắt đền đấy… trước anh gọi em là “Hoa Đào Nhật Tân” tươi thắm cơ mà!
 
Minh họa: Phan Nhân
Minh họa: Phan Nhân
 
II. Festival Hoa Đà Lạt lần thứ IV - năm 2011, Thành rời Hà Nội vào Đà Lạt tìm hiểu, thu thập tư liệu viết luận văn Tiến sĩ khoa học chuyên ngành Công nghệ - Sinh học. Hay tin, bạn anh giảng dạy ở Đại học Đà Lạt mời thuyết trình cho sinh viên một đề tài đang được giới công nghệ - sinh học quan tâm. Cuối buổi, Thành bước ra khỏi hội trường, chợt thấy một nữ sinh viên mặc áo dài trắng, khoác áo len mỏng màu booc-đô, ôm tập vở, ngập ngừng trước cửa. Anh nghiêng đầu, mỉm cười:
 
Chào em!
 
- Dạ, dạ! - Gương mặt nữ sinh ửng hồng, làn mi dài chớp nhẹ, cô ngước đôi mắt thẫm mượt nhìn Thành, nhỏ nhẹ: - Cảm phiền thầy, buổi thuyết trình của thầy đã giúp em quyết định sẽ theo trọn ngành mình đang học…
 
- Tại sao?
 
- Em mới vào năm thứ nhất. Nhà làm vườn nên gia đình khuyên học Công nghệ - Sinh học. Mấy tháng ngồi giảng đường, vẫn chưa hào hứng, chuyên tâm với ngành học… Bạn bè cứ tiếc là chẳng thi ngành y, ngành dược, quản trị kinh doanh… Nay nghe thầy nói, chợt nhận ra ngành mình đang học không khô khan như người ta nói.
 
- Đúng vậy! Một lĩnh vực khoa học mới và còn rất nhiều điều lý thú vẫn ở phía trước.
 
Nghe cô sinh viên có giọng nói sang trọng đất Bắc pha chút nhẹ nhàng của xứ kinh kỳ Huế, Thành buột hỏi: - Xin lỗi, em ở đâu?
 
- Dạ, em ở Làng hoa Hà Đông?
 
- Làng hoa Hà Đông! - Thành ngơ ngác, lẩm bẩm: - Hà Nội giờ chỉ còn Làng hoa Nhật Tân, Ngọc Hà…?
 
- Dạ, không phải ở Hà Nội! Em người ấp Hà Đông, dốc Đa Thiện, lối đi Thung lũng Tình Yêu! - Thiếu nữ vội giải thích. 
 
- À, ấp người Hà Đông xưa vào lập nghiệp ở Đà Lạt. Vậy… chắc biết tình khúc “Áo lụa Hà Đông” phổ thơ Nguyên Sa?
 
Ánh mắt bừng sáng niềm vui: - Em tên Lê. Dạ, nhạc sĩ Ngô Thùy Miên đã phổ “Áo lụa Hà Đông” vào năm 1971 ạ!
 
Cuộc trò chuyện khiến hai người trở nên thân tình và họ hẹn sớm gặp lại…
 
Đêm khai mạc Festival Hoa lung linh, nhịp tim Thành bất chợt rộn ràng, trời giá lạnh mà người anh nóng bừng  khi nhận ra Lê đội vương miện hoa rực rỡ ở hàng thiếu nữ đầu tiên của dòng người rước xe kết hoa của Làng hoa Hà Đông diễu hành qua Quảng trường. Xuýt nữa, anh đã bật reo: - Lê, Lê! Thành này!
 
Chiều trước khi Thành ra Hà Nội, anh mời Lê ra vườn hoa Bích Câu uống cà phê. Lê đã kể cho anh về nguồn gốc gia đình: Miền sơn cước Đà Lạt được bác sĩ Yersin phát hiện vào ngày 21/6/1893 và ông kiến nghị với Chính phủ Pháp cho xây dựng tại đây một trung tâm nghỉ dưỡng cho quan chức, binh lính Pháp ở Đông Dương… Năm 1936 ông Trần Văn Lý được triều đình Nguyễn ở Huế bổ nhiệm làm Quản đạo đầu tiên ở Đà Lạt. Tìm hiểu thế mạnh vùng đất này, Quản đạo nghĩ tới chuyện lập ấp, di dân trồng rau, hoa cung cấp cho người Pháp lên nghỉ dưỡng nên đề nghị Tổng đốc Hà Nội Hoàng Trọng Phu đưa dân miền Bắc vào. Ông Phu giao việc cho Thương tá canh nông tỉnh Hà Đông Lê Văn Định. Ông Định vận động và tuyển mộ trai tráng ven hồ Tây vốn là những làng nghề trồng rau, hoa (nhất là hoa đào) nổi tiếng tình nguyện vào Đà Lạt. Trước khi ly hương, họ được tập huấn cách trồng rau, hoa; tham quan, học tập thêm nghề canh nông tại các vườn rau, hoa của người Pháp ở làng Ngọc Hà (cạnh vườn Bách Thảo), thuộc tỉnh Hà Đông; trong đó có vườn của ông Victor Vouillon và trại gà của ông Hoàng Trọng Phu… Ngày 29/5/1938, 35 người gốc Hà Đông lên tàu hỏa rời ga Hàng Cỏ xuôi vào Nam. Họ là dân sáu làng ven hồ Tây: Quảng Bá, Nghi Tàm, Tây Tựu, Ngọc Hà, Xuân Tảo, Vạn Phúc. Chuyến đi đầu tiên, ông Định mua vé tàu và cấp cho mỗi người 1 tháng 7 đồng (1 đồng mua được 50kg gạo) để chi tiêu, mua sắm dụng cụ sản xuất. Ngày 31/5/1938, những cư dân đầu tiên của Làng hoa Hà Đông ngày nay đã đến ga Đà Lạt. Trong số đó, cụ nội họ Đỗ của Lê là một trong sáu người dân làng Ngọc Hà sớm có mặt ở sơn nguyên… Đến đời Lê là đời thứ 4 ở Đà Lạt gắn bó với nghề trồng rau, hoa ôn đới.
 
Như soi vào ánh mắt Lê thăm thẳm, lấp lánh tựa gương hồ ban chiều, Thành thốt: - Lê ạ, em thật đẹp và trân quý như bông hoa đào Nhật Tân ở ấp Hà Đông của thành phố cao nguyên thơ mộng! 
 
Trong 4 năm qua, Thành bận nhiều thời gian nghiên cứu khoa học không có dịp vào Đà Lạt. Điện thoại, internet kết nối họ gần nhau. Thành thường cùng Lê trao đổi và tìm cách giải quyết những vấn đề về lai tạo giống hoa mới, nâng cao chất lượng, giá trị hoa công nghệ cao của Đà Lạt. Hai năm qua, Lê giúp ba má lập cơ sở nuôi cấy mô thực vật sản xuất mỗi năm khoảng 2 triệu cây hoa giống gốc invitro cung cấp cho các vườn ươm… Tuy không nói ra nhưng Thành và Lê đều nhận thấy Đà Lạt sẽ là “điểm đến” và “điểm đón” của hai người bởi mối liên kết giữa họ là niềm đam mê khoa học, là tình yêu ngay từ lần gặp ban đầu.    
 
III. - Chẳng phải Lê đang khoác áo măng-tô màu vàng tươi sáng, ấm áp không chỉ là hiện thân lời thơ “Áo nàng vàng anh về yêu…” của Nguyên Sa mà còn là của sắc hoa Dã Quỳ đó sao!
 
Dạ! Dã Quỳ mang truyền thuyết về một tình yêu nhưng…buồn lắm!
 
Ngồi xuống lưng đồi, hai người đan tay trong tay, Lê nhìn xa xăm, giọng sụt sùi thức thổn: Xưa lắm rồi, nơi cao nguyên có vợ chồng K’Lang và H’Limh là cặp trai tài, gái sắc yêu nhau tha thiết. Một ngày, K’Lang vào rừng săn thú nhưng tới tối muộn vẫn chưa về. H’Limh chờ hoài không thấy, nàng lo lắng vội đi tìm chồng. Đi mãi, đi mãi, hết mười mấy con suối, mười mấy ngọn núi mà vẫn không thấy K’Lang. Giá rét trời lập đông khiến nàng lạnh lẽo, hiu quạnh, cô đơn… Mệt lả, K’Limh đã gục ngủ thiếp và trong giấc mơ thấy K’Lang gọi, bảo nàng hãy đi thêm một con suối nữa sẽ gặp chàng. H’Limh tới cuối nguồn. Một cảnh tượng thật hãi hùng và vô cùng đau xót hiện ra, K’Lang đang bị người bộ tộc Lasiêng trói chặt và chết từ lúc nào không biết. Quá đau khổ, nàng lao đến ôm lấy thi thể chồng mặc cho những mũi tên, những ngọn giáo đâm vào da thịt. Rồi bất chợt nàng bị trúng mũi tên độc cuối cùng của La Rihn - con trai tộc trưởng Lasiêng. Thì ra vì quá ghen tuông với tình yêu của H’Limh dành cho K’Lang, La Rihn đã bắt K’Lang và bắn ra mũi tên hận tình. Nào ngờ, người lãnh trọn mũi tên nghiệt ngã ấy lại là người anh ta trộm nhớ thương thầm. Từ đó, cứ mỗi độ tới tháng 10, nơi H’Limh chết lại nở ra một loài hoa vàng rực, tràn đầy sức sống mãnh liệt, biểu hiện ý chí bất khuất như tình yêu chung thủy của nàng H’Limh… Người ta thường gọi là hoa Dã Quỳ và hoa nhanh chóng lan tràn trên cao nguyên đầy nắng, đầy gió. 
 
Một tình yêu mãnh liệt! - Thành khẽ thở dài.
 
Ơ, Dã Quỳ nhiều cánh cơ mà! Sao anh lại gọi Hoa Mười Ba Cánh? - Lê choàng vai Thành nũng nịu. 
 
Thành mỉm cười, trầm ngâm và lên tiếng như nhà hiền triết: Dã Quỳ được gọi là Hướng Dương Mê xi cô, Cúc Nitobe; có tên khoa học Tithonia diversifolia, tiếng Anh là Wild sunflower. Hoa phân tán trên khắp các vùng cao nguyên ở Việt Nam,  thường gọi Cúc Quỳ, Sơn Quỳ. Hoa màu vàng dân dã như thiên nhiên. Hoa là biểu tượng của con người có nội tâm phong phú, được thán phục, yêu mến, quý trọng. Sống nơi cằn cỗi, hoang vu nên Dã Quỳ còn mang hàm ý về sức sống mãnh liệt, về tình yêu dám hy sinh cho nhau… Dường như cứ đến mùa hoa rộ trong tháng 10, tháng 11 hàng năm, anh lại thu xếp thời gian náo nức rời Hà Nội ngược lên miền Tây Bắc, lang thang trên những ngả đồi bạt ngàn hoa Dã Quỳ rung rinh lay động ngỡ đang say vũ điệu hoan ca với nắng và gió. Anh nhiều lần ngẩn ngơ ngắm những lá Dã Quỳ xanh mướt xòe tựa bầy dơi giang cánh chen chúc treo mình kín mít lùm cây. Lan man suy tư về hình tượng con dơi: Từ “dơi” và “phúc” đồng âm, dơi (Phúc thử) là vật tượng trưng cho điều may mắn, tốt lành… Anh từng đếm đi đếm lại xem hoa bao nhiêu cánh. Mười hai, mươi ba, mươi lăm, mười bảy… thế nhưng phần lớn đều chỉ đếm được 13 cánh. Trong Kinh Dịch, quẻ 13 “Thiên Hỏa Đồng Nhân”. Ứng nghiệm chung của cả quẻ là “Cùng người trên cánh đồng rộng lớn, hanh thông (Đồng nhân vu dã, hanh), Lợi sang sông lớn (Lợi thiệp đại xuyên), Lợi cho người quân tử trung chính (Lợi quân tử trinh)”. Trên Càn (乾  Thiên/Trời: Năng lượng mở rộng, bầu trời), dưới Ly (離 Hỏa/Lửa: Trung thành; chuyển động nhanh, rạng rỡ, mặt trời). Quẻ mang ý nghĩa đồng tâm hiệp lực, chiến hữu, cộng tác, thủy chung… Chẳng phải truyền thuyết về hoa cũng hàm ý nội dung đó sao! Dã Quỳ hội tụ cả Phúc cùng đồng tâm, chung thủy; vì vậy anh tâm niệm Dã Quỳ có 13 cánh.
 
- Đành thua ngụy biện của nhà khoa học! Em chấp nhận là “Hoa Mười Ba cánh”! - Nét ủ dột tan biến, giọng Lê chứa chan phấn khích. 
 
- Còn một điều bất ngờ nữa là anh đã cầm quyết định điều chuyển về Phân Viện Khoa học Việt Nam tại Đà Lạt! Nữ hoàng có đồng ý không?
 
Đặt nụ hôn nồng nàn lên má Thành, đôi mắt Lê ứa hai giọt lệ, nàng nghẹn ngào trong hơi thở gấp:- Dạ, chúng mình bên nhau từ Festival Hoa này!
 
Truyện ngắn: ĐAN THANH