Thư viện phải đi đầu làm hồi sinh văn hóa đọc

08:03, 03/03/2016

Ngày 1/3, Liên hiệp thư viện miền Đông Nam bộ và Cực Nam Trung bộ đã tổ chức tổng kết nhiệm kỳ 3 năm hoạt động (2013 - 2015) tại Đà Lạt, với sự tham dự của đại diện lãnh đạo Vụ Thư viện (Bộ VH-TT-DL), Sở VH-TT-DL Lâm Đồng cùng 80 cán bộ, thủ thư của thư viện 9 tỉnh miền Đông Nam bộ và Cực Nam Trung bộ. 

Ngày 1/3, Liên hiệp thư viện miền Đông Nam bộ và Cực Nam Trung bộ đã tổ chức tổng kết nhiệm kỳ 3 năm hoạt động (2013 - 2015) tại Đà Lạt, với sự tham dự của đại diện lãnh đạo Vụ Thư viện (Bộ VH-TT-DL), Sở VH-TT-DL Lâm Đồng cùng 80 cán bộ, thủ thư của thư viện 9 tỉnh miền Đông Nam bộ và Cực Nam Trung bộ. 
 
Ông Hồ Thanh Hà - Giám đốc Thư viện Lâm Đồng (bên phải) được tín nhiệm cử làm Giám đốc Liên hiệp thư viện miền Đông Nam bộ và Cực Nam Trung bộ (2016 - 2018)
Ông Hồ Thanh Hà - Giám đốc Thư viện Lâm Đồng (bên phải) được tín nhiệm cử làm Giám đốc Liên hiệp thư viện miền Đông Nam bộ và Cực Nam Trung bộ (2016 - 2018)

Trong nhiệm kỳ 2013 - 2015, Liên hiệp thư viện đã thực hiện tốt các hoạt động tuyên truyền, công tác biên soạn thư mục, xây dựng phong trào cơ sở, xây dựng website liên hiệp, tập san liên hiệp, thiết kế logo, phục vụ xe lưu động số, tham dự Đại hội thư viện Đông Nam Á tại Thái Lan. Theo đó, Liên hiệp thư viện đã có nhiều hoạt động gắn với những ngày lễ kỷ niệm trọng đại của đất nước, tổ chức thành công 2 kỳ Liên hoan cán bộ thư viện và giới thiệu sách “Âm vang Điện Biên” và “Việt Nam - Đất nước, con người”, chia sẻ các tài liệu số hóa, phối hợp biên soạn 2 thư mục tóm tắt “Chiến thắng Điện Biên” (2014), “Đất nước thống nhất” (2015), chia sẻ kinh nghiệm phục vụ phòng đọc sách các xã nông thôn mới, tặng sách cho Trạm Rada 575 thuộc Vùng 4 Hải quân đóng quân trên đảo Phú Quý, biên soạn và phát hành mỗi năm một tập san Liên hiệp thư viện, Thư viện Khoa học tổng hợp Tp.Hồ Chí Minh hỗ trợ xe thư viện lưu động số cho Thư viện tỉnh Bình Phước phục vụ lưu động tại các trường học, thu hút hàng ngàn bạn đọc là học sinh - sinh viên, phục vụ hàng chục ngàn lượt tài liệu.
 
Ông Hồ Thanh Hà - Giám đốc thư viện Lâm Đồng đã được tín nhiệm giao trách nhiệm làm Giám đốc Liên hiệp thư viện khu vực miền Đông Nam bộ và Cực Nam Trung bộ nhiệm kỳ mới (2016 - 2018). Hội nghị đã trao tặng Bằng khen của Bộ VH-TT-DL cho 1 cá nhân (bà Đào Thị Duyên - Thư viện Lâm Đồng) và 2 đơn vị xuất sắc (Thư viện Đồng Nai và Thư viện Bình Dương); trao Kỷ niệm chương cho 18 thủ thư của 9 tỉnh, thành trong Liên hiệp thư viện vì có nhiều đóng góp cho sự phát triển văn hóa đọc. 
 
Trong giai đoạn khó khăn chung, bạn đọc đến thư viện ngày càng thưa dần, Liên hiệp thư viện đã luôn nhận trách nhiệm quan trọng: Thư viện phải luôn đi đầu làm hồi sinh văn hóa đọc. Từ đó, các thư viện đã cùng thảo luận các mô hình hoạt động hiệu quả, cách làm hay, giải pháp hữu ích, xây dựng không gian thư viện mới nhằm đưa tri thức đến bạn đọc; có thể kể các tham luận: Xây dựng thư viện điện tử (Thư viện Bà Rịa - Vũng Tàu), Luân chuyển sách phục vụ công nhân các công ty, khu nhà trọ và các đối tượng xã hội (Thư viện Bình Dương), Công tác phục vụ sách báo tại dạ hội điện ảnh (Thư viện Bình Thuận), Không gian chia sẻ - S.HUB (Thư viện Khoa học tổng hợp Tp.Hồ Chí Minh), Công tác phối hợp hoạt động phục vụ sự kiện và các lễ lớn (Thư viện Ninh Thuận)…
 
Tặng Bằng khen của Bộ VH-TT-DL cho các đơn vị, cá nhân xuất sắc
Tặng Bằng khen của Bộ VH-TT-DL cho các đơn vị, cá nhân xuất sắc

Chúng tôi xin giới thiệu một số điển hình cách làm hay, sáng tạo của các thư viện trong khu vực: 
 
Thư viện điện tử - Một xu thế tất yếu (Thư viện Bà Rịa - Vũng Tàu)
 
Thư viện điện tử có nhiều ưu thế hơn thư viện truyền thống, bạn đọc tiết kiệm được rất nhiều thời gian và công sức cho việc tìm kiếm thông tin như kiểu truyền thống là lục tìm tên sách trong mục lục, viết vào giấy gửi cho thủ thư lấy sách, sau đó mới đem sách truy tìm những thông tin cần thiết. Sau đó lại nảy sinh thêm những rắc rối khác là để sở hữu văn bản thông tin ấy, bạn phải làm thủ tục mượn để photo, nếu không phải ngồi chép lại. Với thư viện điện tử, những khâu đó được giải quyết nhanh chóng, chỉ cần click chuột, máy sẽ giúp bạn đọc tìm kiếm, không cần đến thư viện mà bạn đọc vẫn có được đầy đủ thông tin mình cần vào bất cứ thời điểm nào qua mạng Internet. Thư viện Bà Rịa - Vũng Tàu triển khai mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin từ năm 2003, đến nay đã thực hiện tương đối hoàn thiện các khâu biên mục, quản lý mượn - trả sách, thống kê quản lý sách bằng mã vạch; xây dựng các nguồn thông tin điện tử (số hóa toàn văn tài liệu địa chí, sản phẩm thông tin sách web, sách điện tử, số hóa các tài liệu quý hiếm…); mượn, trả sách điện tử. Nhờ vậy, thư viện đã phục vụ tốt nhu cầu đọc của đông đảo nhân dân trong tỉnh, tiết kiệm được thời gian, công sức của cán bộ thư viện và người dùng thông tin thư viện; công tác phục vụ bạn đọc nhanh chóng, dễ dàng, quản lý mượn trả, thống kê lượt đọc, lượt mượn tài liệu chính xác; bạn đọc tìm kiếm tài liệu nhanh hơn, dễ dàng, chính xác thông qua mục lục truy cập trực tuyến (OPAC), website và điện thoại di động. 
 
Luân chuyển sách phục vụ đông đảo đối tượng bạn đọc (Thư viện Bình Dương)
 
Là tỉnh thu hút lực lượng lao động lớn từ khắp nơi trên mọi miền đất nước đến sinh sống lao động trong các khu công nghiệp; nhu cầu về thông tin, giải trí lành mạnh, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cũng là một nhu cầu, đòi hỏi bức thiết của công nhân ở các nhà trọ sau giờ làm việc.
 
Với phương châm “Sách đi tìm người”, mở rộng đối tượng bạn đọc, phát huy văn hóa đọc trong công nhân; Thư viện Bình Dương đã tăng cường luân chuyển sách phục vụ công nhân ở các công ty, khu nhà trọ, các đối tượng xã hội đang được giáo dưỡng tại các trại giam, trung tâm cai nghiện trên địa bàn tỉnh. Kho sách phong trào gồm 52 ngàn bản, thường xuyên được bổ sung 5 ngàn bản/năm; các khu công nghiệp trải đều trên địa bàn toàn tỉnh, giao thông thuận tiện đã giúp Thư viện Bình Dương chủ động luân chuyển tài liệu nhanh chóng, kịp thời. Được sự quan tâm đầu tư cơ sở vật chất của các doanh nghiệp trên địa bàn, Thư viện Bình Dương đã ký kết hợp đồng thường xuyên luân chuyển 5.200 bản sách đến các phòng đọc sách của 3 công ty: Sato Sangyo Việt Nam, May mặc Bình Dương, Điện tử Foster với 6.200 bản sách/12 đợt/năm, phục vụ 16.400 công nhân tham gia đọc sách với 21.112 lượt sách, báo được luân chuyển. Các thư viện huyện, thị xã, thành phố đã thực hiện luân chuyển sách cho 18 công ty với số sách luân chuyển từ 200 - 1.000 bản sách/ lần. Trong năm 2015, Thư viện Bình Dương luân chuyển sách phục vụ 3 khu nhà trọ với 800 bản sách/2 lần/năm. Riêng thị xã Thuận An đã có 41 chi hội Thanh niên công nhân nhà trọ được trang bị tủ sách, các tủ sách được thư viện luân chuyển 30 đợt/năm. Ngoài ra, thư viện đã luân chuyển gần 6.000 bản sách hàng năm đến trung tâm cai nghiện ma túy, trung tâm giáo dục tạo việc làm, các trại giam trong tỉnh phục vụ gần 40 ngàn lượt bạn đọc là các đối tượng đặc biệt. 
 
Không gian chia sẻ - S.HUB - Mô hình thư viện đa phương tiện hiện đại đầu tiên ở Việt Nam (Thư viện Khoa học tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh) 
 
Cuộc sống thay đổi, không chỉ đọc sách, giới trẻ có nhu cầu được hội họp, sẻ chia, tìm kiếm những ý tưởng đồng điệu. S.HUB đã ra đời tại Thư viện Khoa học tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh với ý tưởng tạo không gian thoải mái, đồng thời tận dụng công nghệ tiên tiến để tạo điều kiện tốt nhất cho việc học, tìm tòi và nghiên cứu. Đây là một không gian mở được trang bị đầy đủ thiết bị công nghệ tiên tiến và hoàn toàn miễn phí. Các bạn trẻ có thể đến không gian này của thư viện để chia sẻ ý tưởng, kiến thức, trao đổi tri thức, chia sẻ những dự án ấp ủ, kết nối ước mơ và học hỏi từ những người truyền cảm hứng. Để triển khai dự án, Công ty Samsung Việt Nam đã hỗ trợ thư viện nâng cấp hạ tầng, tài trợ thiết bị công nghệ cao, hợp tác thực hiện các hoạt động trao đổi tri thức, truyền cảm hứng sáng tạo. Không gian chia sẻ - S.HUB tại Thư viện Khoa học tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh đã tạo cho hệ thống thư viện công cộng thành phố nói riêng và hệ thống thư viện công cộng Việt Nam một diện mạo mới với khái niệm đầy đủ về một thư viện hiện đại đang được ứng dụng ở các nước tiên tiến trên thế giới. Như một không gian trao đổi tri thức mở, các phòng như: phòng phục vụ nhu cầu tự học và trao đổi nhóm, phòng nghe nhìn, hội thảo, tra cứu thông tin, dịch vụ tham khảo… đều được trang bị các thiết bị tương tác hiện đại (máy tính bảng, màn hình lớn, tai nghe…). Các buổi triển lãm, tọa đàm, đào tạo kỹ năng được tổ chức định kỳ đã đáp ứng nhu cầu kết nối, chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau giữa các bạn trẻ. Sau 3 tháng đưa vào hoạt động, mô hình thư viện hiện đại “Không gian chia sẻ - S.HUB” tại Thư viện Khoa học tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh đã phục vụ 14.686 lượt bạn đọc. Số thẻ bạn đọc của thư viện không ngừng tăng lên và tăng khoảng 40% so với trước khi đưa không gian này vào hoạt động.
 
QUỲNH UYỂN