Thơ xuất bản ngày càng nhiều, người đọc ngày càng ít

09:02, 25/02/2016

Kỉ niệm Ngày Thơ Việt Nam, ngoài việc tổ chức các chương trình tôn vinh thơ - một nguồn kết tinh văn hóa, tinh thần giàu cảm xúc của dân tộc; các chương trình hội thảo bàn về thơ, sự phát triển của thơ cũng đã diễn ra sôi nổi không kém. 

Kỉ niệm Ngày Thơ Việt Nam, ngoài việc tổ chức các chương trình tôn vinh thơ - một nguồn kết tinh văn hóa, tinh thần giàu cảm xúc của dân tộc; các chương trình hội thảo bàn về thơ, sự phát triển của thơ cũng đã diễn ra sôi nổi không kém. Tại cuộc tọa đàm “Sức sống thơ ca tại TP.HCM từ 2010-2015” vừa được Hội Nhà văn TP.HCM tổ chức nhân Ngày Thơ Việt Nam 2016,  nhiều ý kiến đã đưa ra những nhận định về thơ  với không ít nỗi niềm…
 
“Hiện tượng” tác giả trẻ Nguyễn Phong Việt bán vài chục ngàn bản mỗi tập thơ thời gian qua gây bất ngờ với giới cầm bút. Bởi lâu nay, người ta hay quan niệm làm thơ để tặng chứ bán chả ai mua.
 
Nhưng thực ra “hiện tượng” như Nguyễn Phong Việt cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhà thơ ngày một nhiều lên, thơ xuất bản cũng không ít… nhưng người đọc thơ lại ngày càng ít đi. 
 
Hiếm hoi lắm mới có một tập thơ bán được hàng ngàn cuốn ngay trong tuần đầu ra mắt như “Đi qua thương nhớ” của Nguyễn Phong Việt
Hiếm hoi lắm mới có một tập thơ bán được hàng ngàn cuốn ngay trong tuần đầu ra mắt như “Đi qua thương nhớ” của Nguyễn Phong Việt

Thơ và người đọc chưa gặp nhau
 
Sáng 22/2, tức Rằm tháng Giêng năm Bính Thân, Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 14 khai mạc tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám... Ngoài sân thơ Truyền thống diễn ra trên sân Thái Miếu, tại sân Thái Học năm nay là sân khấu của sân thơ Thiếu nhi và sân thơ Trẻ. 
 
Chủ đề chung của sân thơ Thiếu nhi và thơ Trẻ có tên “Đường Xuân”, phần thơ Thiếu nhi mở đầu có chủ đề “Reo vang bình minh”. Sân thơ Thiếu nhi hội tụ các bài thơ quen thuộc với các thế hệ trẻ em Việt Nam bên cạnh những bài thơ do chính các tác giả nhí sáng tác. Còn sân thơ Trẻ có sự xuất hiện của 13 tác giả, trong đó có 2 tác giả thơ quốc tế đến từ Cộng đồng châu Âu (có tác giả đoạt giải thưởng văn học Goncourt).
Các nhà thơ thế hệ trước như Văn Lê, Phạm Sỹ Sáu, Quang Chuyền, Ánh Huỳnh, Trương Nam Hương, Phan Hoàng… hay những thế hệ trẻ cuối 7X, 8X như Nguyễn Phong Việt, Lê Thiếu Nhơn… cũng đang góp phần vào sự năng động của đời sống thơ văn hiện đại của thành phố. Nhưng trên thực tế, dường như thơ vẫn đang đứng ngoài cuộc, chưa thực hiện “sứ mệnh” của mình trong cuộc sống hiện đại. Nhà thơ Nguyễn Vũ Quỳnh chỉ ra một thực tại: “Tác phẩm thơ ra đời khoảng hơn chục năm trở lại đây số lượng rất nhiều nhưng lại có ít tác giả và tác phẩm ở lại với bạn đọc”. Và thực tế: “Hiện nay, nhiều người viết ngộ nhận mình là nhà thơ, họ viết lách hời hợt, thiếu nhân văn, có chữ mà không có nghĩa, số ấy không ít. Rất buồn cho tình trạng thơ ngày nay là các NXB bán giấy phép mà quên đi chức năng biên tập, người biên tập có khi chưa phải là nhà thơ, không làm đúng chức năng của người “gác cửa” văn chương…”.
 
Đồng quan điểm này, nhà thơ Quang Chuyền cho rằng: “… Những khát vọng, ước mơ, nỗi vui buồn, khổ đau của kiếp người - thơ chưa đồng điệu. Thơ chỉ tìm được chỗ đứng khi nỗi niềm của nhà thơ hòa nhập với nỗi niềm chung của mọi người”. 
 
Thơ phải thực hiện “sứ mệnh” của mình
 
Nếu như thời kì chiến tranh, cách mạng, thơ văn chính là vũ khí để chiến đấu với kẻ thù, tạo sự đoàn kết và tăng thêm sức mạnh, ý chí cho quân và dân ta. Sứ mệnh của các nhà văn, thơ đã phát huy hiệu quả như Tố Hữu, Chế Lan Viên, Quang Dũng, Nguyễn Đình Thi, Hoàng Cầm, Phạm Tiến Duật… Vậy sứ mệnh của các nhà thơ trong cuộc sống hiện đại là gì? Trong khi cuộc sống hiện đại, hàng loạt các vấn đề nóng hổi của cuộc sống, gia đình, xã hội… lại chưa được nhà thơ khai thác. Có thể nói, thơ hiện đại ngày càng xa rời cuộc sống đang ngồn ngộn chất liệu.
 
Nhà thơ Nguyễn Thị Ánh Huỳnh cho rằng: “Thơ và người đọc hình như có lúc đang xa dần nhau. Sự thưởng ngoạn của công chúng càng đòi hỏi, càng kỹ tính thì sáng tác của nhà thơ càng có giá trị. Làm thơ không phải là việc khó nhưng làm thơ hay để truyền đạt đến với người đọc thì không phải ai cũng có thể làm được. Thơ xuất bản nhiều quá, có số mà không có chất, người đọc một lần thấy không hay, từ đó làm họ quay lưng”.
 
Nhà thơ Trần Hữu Dũng chia sẻ: “Internet bùng nổ, các trang web văn chương tấp nập ra đời, các báo có trang online, mạng xã hội, thơ có dịp xuất hiện nhiều đều đặn nhưng hình như không gây ấn tượng mạnh mẽ với bạn đọc. Nhiều trào lưu thơ tân hình thức, hậu hiện đại, Haiku… được các nhà thơ thể nghiệm trên nền hiện thực đời sống sinh động. Thế nhưng sau một thời gian rầm rộ trên báo chí, diễn đàn văn chương rồi lại chìm nghỉm, không âm vang hay chững lại”.
 
“Thơ viết cho ai, ai đọc và thẩm thấu, lưu giữ thơ cùng thời gian? vẫn là câu hỏi muôn đời với người làm thơ. Viết những câu thơ, bài thơ có ích cho đời, là trách nhiệm của người làm thơ và chỉ có như vậy cuộc đời này mới cần thơ”. Câu hỏi của nhà thơ Quang Chuyền cũng chính là câu hỏi dành cho những người cầm bút. Sứ mệnh của thơ trong cuộc sống hiện đại có thực hiện được hay không chính là ở các nhà thơ.
 
TS tổng hợp (theo baovanhoa.vn và hanoimoi.com.vn)