Phạm Quốc Ca - một hồn thơ bình dị mà ám ảnh

09:04, 28/04/2016

Văn học là nhân học. Có thể lấy thơ Phạm Quốc Ca làm một minh chứng cho nguyên lý này. Thơ anh chính là cuộc đời anh vậy. Lộ trình thơ Phạm Quốc Ca khiến ta liên tưởng đến bản lý lịch trích ngang hiện rõ lai lịch hành trạng của tác giả.

Văn học là nhân học. Có thể lấy thơ Phạm Quốc Ca làm một minh chứng cho nguyên lý này. Thơ anh chính là cuộc đời anh vậy. Lộ trình thơ Phạm Quốc Ca khiến ta liên tưởng đến bản lý lịch trích ngang hiện rõ lai lịch hành trạng của tác giả.
 
Tiến sĩ Nhà thơ, Phạm Quốc Ca.
Tiến sĩ Nhà thơ, Phạm Quốc Ca.
Cho đến nay, Tiến sĩ, Nhà thơ Phạm Quốc Ca đã in 5 tập thơ và 1 tập tiểu luận phê bình, nghiên cứu văn học, được tặng 10 Giải thưởng Văn học. Trong khuôn khổ bài viết này tôi chỉ xin bàn đến một tập thơ điển hình của anh: Tập Chân trời mở (Nxb Văn hóa - Thông tin, 1994), Giải thưởng hạng B của UBTQ Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam 1995, tập thơ thứ hai sau tập Tiếng trầm. Chân trời mở gồm 51 bài viết trong hơn 20 năm, từ những năm 70 đến những năm 90 thế kỷ trước. Nội dung tập thơ gồm 3 mảng chính: Thơ về làng quê, thơ ra trận và thơ trữ tình cá nhân. Không gian thơ trải rộng từ làng quê anh tới chiến trường miền Nam, ra Hà Nội, sang Liên bang Nga rồi về Đà Lạt - Lâm Đồng. Thơ anh ở giai đoạn này đang chín, dồi dào năng lực sáng tạo. Điều quan trọng hơn, với tập thơ này, Phạm Quốc Ca đã khẳng định được bản sắc riêng trên con đường sáng tạo của mình. Nói một cách nôm na là một tạng thơ đã được xác lập - đó là bình dị mà ám ảnh. Tôi rất đồng ý với nhận xét của nhà thơ Thanh Thảo: “Thơ Phạm Quốc Ca chuộng những màu đạm, những nét thanh. Mỗi bài thơ với mức độ thành công khác nhau đều là một giao tiếp chân tình, một lời thủ thỉ. Mong thơ anh cứ là một bông hoa đồng nội giản dị với hương thơm kín đáo. Và phải chăng tận cùng thơ ca là lặng lẽ”. 
 
Đọc thơ Phạm Quốc Ca, nhất là ở tập Chân trời mở, ta bình tâm tri giác từng bài, từng dòng để khám phá rồi tri âm, chia sẻ cùng tác giả và cuối cùng có được những cảm nhận hay và kinh nghiệm quý cho bản thân trong quá trình sống và sáng tác. Với tôi, bài học kinh nghiệm cho lao động sáng tác đó là: Luôn bám rễ, hướng về mảnh đất thiêng liêng của đời mình, nơi chôn nhau cắt rốn; nơi lưu giữ nhiều kỷ niệm êm đềm trong trẻo tuổi thơ; nơi ta sinh ra, lớn lên và ra đi từ đó. Đây là nguồn cảm hứng, động lực sáng tạo khôn cùng cho mỗi cây bút.
 
Trên văn đàn thế giới đã có không ít những tác gia để lại nhiều tác phẩm đồ sộ mà nội dung đề tài, cảm xúc sáng tạo thường gắn bó và hướng về một vùng miền cụ thể, chốn khu biệt cho văn chương, thậm chí đặt cược cả văn nghiệp đời mình ở đó. Văn học Nga có Sô-lô-khốp với vùng sông Đông; Ê-xê-nhin với ngôi làng nông thôn Nga vùng Ria-zan… Văn học Việt Nam: Tô Hoài với Tây Bắc; Nguyên Hồng với Thành phố biển Hải Phòng…
 
Với Phạm Quốc Ca, điểm xuất phát và luôn trở về của thơ anh là làng quê ven sông Bùng, Diễn Châu xứ Nghệ. Ta thấy rõ bản ngã thi nhân, một người con luôn trân trọng những kỷ niệm chốn quê như báu vật riêng mình. Chính tình cảm và lẽ sống ấy đã tạo cho tác giả nguồn cảm hứng thi ca dồi dào. Tôi nhớ có lần nhà thơ Phạm Tiến Duật tâm sự: “Thơ viết về làng quê mình giống như việc đào măng vậy. Đào nhiều ngờ như đã hết, ấy mà cứ lầm lũi, nhẫn nại dụng công, bất chợt lại có mầm mới xuất hiện…”.
 
Đọc Chân trời mở của Phạm Quốc Ca, ta thấy bất kỳ ở đâu và lúc nào tác giả cũng luôn hướng về làng quê yêu dấu của mình bằng tấm lòng chân thành, sâu nặng.
 
Làng Thọ Khánh quê anh là một làng quê lam lũ nhưng cũng thật đẹp trong mưa xuân:
 
LTS: Tháng Tư lại về với bời bời kỷ niệm chiến tranh. 41 năm về trước, chiến sĩ - nhà thơ Phạm Quốc Ca đã viết bài thơ về những ngày dữ dội đồng thời đầy dự cảm về cuộc chiến tranh sắp kết thúc ấy. Bài thơ CỬA RỪNG nói về sự hy sinh của đồng đội trước cửa ngõ hòa bình với cảm hứng bi tráng. Sự hy sinh của đồng đội lúc nào, ở đâu cũng đau xót nhưng hy sinh để mở đường thắng lợi, trước bình minh của trang sử mới: hòa bình, thống nhất lại càng gây cho tác giả sự xúc động sâu sắc. Tòa soạn xin trân trọng giới thiệu bài thơ. 
 
PHẠM QUỐC CA
 
Cửa rừng
 
- “Hàng đi” - Giặc la hét        
Trả lời: Tiếng sét bùng!
Bạn ngã trong bựng khói
Xác giặc nằm nám đen.
Mặc cho tôi lay gọi
- “Đừng chết! Hùng!
Hùng ơi!...”
Phút giây thiêng vĩnh biệt
Bạn không nói một lời!
Thương bạn chiều hậu cứ
Tháng Tư ướt rừng chồi
Mơ gì bạn ngồi hát
“Sài Gòn của ta ơi!...”
- Đường “Tự do” rẽ trái!...
Lòng ta vui bồn chồn
Trận đánh này nào định!
Bạn ngã xuống cửa rừng
Lời ca về thành phố
Trong tôi thành vết thương.
Đâu hẻm phố Nguyễn Thông?
Má còng lưng giặt ủi
Kiêu sa áo quần người
Thầm thương con phía núi.
Và đâu người bạn gái
Áo trắng trường Văn khoa
Mơ quân về giải phóng
Em tìm một người xa?
Và bao nhiêu bè bạn
Đốt xe Mỹ đen trời
“Lửa hồng đêm không ngủ”
“Hát cho đồng bào tôi”...
Tất cả trong lời bạn:
“Sài Gòn của ta ơi!...”
Tất cả thao thức đợi
Vầng sáng cuối chân trời…
Thôi bạn nằm đây nhé!
Cửa rừng trắng mây trôi
Bao năm rừng lá thấp
Ta khát một khoảng trời.
Giờ G. rồi sẽ điểm
Đất gầm lên pháo tăng
Quân ta như thác lũ
Sẽ tràn xuống Sài Gòn.
Có thể mình cũng ngã
Trước cửa thềm rạng đông
Trong tay một người bạn
Nước mắt ràn đau thương.
Nhưng khát về với biển
Thác đổ vỡ rừng chiều
Mạnh hơn cả cái chết
Là những gì ta yêu!
Đường chiều nay bạn mở
Quân ta đang bươn đèo
Sau lưng hoàng hôn đỏ
Trước cửa rừng trăng treo...
4/1975
- Ngày đang mưa lay phay
Chân trời pha màu sữa
Lúa chiêm non hớn hở
Xanh một màu tháng giêng.
 (Trước cánh đồng tháng giêng)
 
- Em đi làm sáng không mang nón
Tóc dài bay trong gió trắng hơi mưa
Đồng vào vụ chỉ tiếng gà ở lại
Hoa xoan rơi đường làng từng trận nhặt thưa…
 (Mưa xuân)
 
Ta bắt gặp nhiều chi tiết đời sống trong những câu thơ gợi cảm, kết đọng và rất sinh động. Đây chính là thước đo phẩm chất thi sĩ:
 
- Cắm bàn chân xuống đồng
Tiết đại hàn cá chết
Từng dảnh mạ mong manh
Em cấy vào giá rét.
 (Trước cánh đồng tháng giêng)
 
- Gió bấc về những đợt đầu tiên
Quàng thêm áo mẹ quảy quang đi gặt
Chim sẻ chim ri theo về cắn chắt
Tiếng cu gù ấm cả ngày đông.
Ôm trong tay vàng rực lượm hương đồng
Thương mùa lũ cả một vùng nước trắng
Áo quần mẹ suốt ngày ướt sũng
Đôi tay gầy dầm nước nhợt da.
 (Hương lúa miền Trung)
 
Và những kỷ niệm mãi rưng rưng sâu thẳm, đậm chất nhân văn:
 
- Thuở nhỏ mẹ đi vắng
Khi nhập nhoạng tối trời
Nơi đây chờ ngóng mẹ
Tôi khóc cùng em tôi
……
- Nơi bậc đá nhẵn trơn
Những dấu chân tần tảo
Dặn con, cài khuy áo
Mẹ đi vào rạng đông
(Từ cánh cổng - hố bom)
 
Những câu thơ như sự tạ lỗi của đứa con hiếu lễ:
 
- Mẹ thương cháu đêm mòn guốc võng
Đêm của mẹ đêm nào cũng rộng
Lời ru đầy khuyết vầng trăng
- Chưa xây xong cho mẹ căn nhà
Cam con trồng ngày giặc tan còn bé
Lận đận đời con nhuốm buồn gương mặt mẹ
Báo hiếu mẹ già thơ mấy vần thương
(Bình minh con sẽ lên đường)
 
Những bài thơ hoài niệm chiến tranh của Phạm Quốc Ca chất chứa nhiều hy sinh cao cả và cũng thật xót xa, cảm động. Hai anh em cùng nhập ngũ, người anh hy sinh cho đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt:
 
- Cùng ra đi em bé gầy hơn
Mẹ cứ sợ không trèo qua hết dốc
Sau cơn bão cây đa thì bật gốc
Em là cây xoan còn đứng trong vườn
- Giờ có đêm mẹ mơ thấy anh về
Rồi choàng dậy bàng hoàng bật khóc
Em cứ đợi điều không còn có được
Một đêm kia tiếng gõ cửa anh về.
(Viết trong ngày giỗ anh)
 
Cũng từng là người lính, tôi thật sự chấn động trước những câu thơ anh viết về người mẹ trong chiến tranh:
 
- Mẹ đã khóc cha con
Tóc còn xanh tuổi trẻ
Mẹ đã khóc anh con
Mây đỏ hồn liệt sĩ….
(Bên mồ mẹ)
 
- Những năm con đánh Mỹ. Rừng sâu
Mẹ lạnh ướt bao mùa mưa ở đó
Dõi mắt phương con ì ầm tiếng nổ
Lòng mẹ ngày nào cũng bị ném bom.
(Bình minh con sẽ lên đường)
 
“Lòng mẹ ngày nào cũng bị ném bom”. Nói có vẻ cực đoan, song với tôi thật tâm phục và thưa rằng: Đời một thi sĩ có được câu thơ ấy cũng đủ hạnh phúc lắm rồi… 
 
Tôi cũng xúc động mạnh trước những câu thơ anh viết khi từ giã làng quê vào Trường Đại học Đà Lạt phục vụ sự nghiệp “Trồng người”. Đó cũng là khi quê hương không còn mẹ:
 
- Và con trai của mẹ
Sẽ đi xa phương trời
Để nhà cho gió thổi
Để vườn cho lá rơi
 
Ngôn ngữ thơ Phạm Quốc Ca: Nghiêng về vẻ đẹp truyền thống dễ tiếp nhận. Sự chuyển tải nội dung trong thơ anh rất hiệu quả do ngôn ngữ giản dị nhưng là giản dị đầy tính nghệ thuật sàng lọc, lựa chọn cẩn trọng. Từ ngữ trong thơ anh được đặt đúng chỗ và thật đắt, mang lại hiệu quả bất ngờ, đột biến cho câu thơ, tạo dư ba, ám ảnh trong lòng người đọc.
 
Xin dẫn những câu thơ điển hình trong những bài thơ ra trận để phác họa thêm về hình thức và thi pháp thơ Phạm Quốc Ca:
 
- Mạnh hơn cả cái chết
Là những gì ta yêu.
- Sau lưng hoàng hôn đỏ
Trước cửa rừng trăng treo.
- Rừng đã rụng cả mùa khô xuống đất
Ngành ngạnh nảy chồi lá mướt cánh ong.
- Lặng thầm quân đi trong mây
Hun hút gió lùa lạnh sắc
Cành níu ba lô
Thác xô ngang ngực
Hải Vân cao như chất bằng gian nan.
- Đồng đội uống cả cơn mưa không đã khát…
 
Trên đây là lược ghi lại những cảm nhận của tôi về thơ Phạm Quốc Ca qua tập thơ Chân trời mở. Tôi sẽ chân thành là bạn tri âm, đồng hành cùng tác giả trên con đường sáng tạo thi ca, đặc biệt là với mảng thơ về đề tài làng quê và chiến tranh cách mạng.
 
Đà Lạt, tháng 3/2016
 
VƯƠNG TÙNG CƯƠNG