Lạc vào "lối Huế" qua "Trước nhà có cây hoàng mai" của Minh Tự

09:06, 09/06/2016

Bao năm chờ đợi, rằng "đứa con tinh thần" đầu tay của anh, nhà báo Minh Tự sẽ là tuyển thơ. Rồi điều đó cũng đến, nhưng thay vào đấy là "Trước nhà có cây hoàng mai" - tùy bút và phóng sự về Huế xứ sở phong rêu kiêu sa. Giọng văn nhẹ nhàng, sâu lắng, anh như một 'hướng dẫn viên" nặng lòng, thấu cảm Huế để rồi đưa ta vào "lối Huế" trong không gian văn hóa đầy trầm tích cố đô.

Bao năm chờ đợi, rằng “đứa con tinh thần” đầu tay của anh, nhà báo Minh Tự sẽ là tuyển thơ. Rồi điều đó cũng đến, nhưng thay vào đấy là “Trước nhà có cây hoàng mai” - tùy bút và phóng sự về Huế xứ sở phong rêu kiêu sa. Giọng văn nhẹ nhàng, sâu lắng, anh như một ‘hướng dẫn viên” nặng lòng, thấu cảm Huế để rồi đưa ta vào “lối Huế” trong không gian văn hóa đầy trầm tích cố đô.
 
Nói đón đợi tập sách đầu tay của anh, thi phẩm thơ, bởi quen anh từ thuở hàn vi, uống rượu, ngâm nga thi phú trong những vuông trời mơ buồn cách đây hơn 20 năm. Một Minh Tự vừa ra trường đại học, khoác ba lô tạm biệt Huế rêu phong, lãng du vào xứ mộng mơ Đà Lạt làm báo. Những năm tháng ở đấy còn mối lương duyên đồng nghiệp cùng cơ quan Báo Lâm Đồng, được anh chia sẻ những dây mơ vướng bện đời thơ - báo nên cứ hoài mong một ngày nào đó trên tay cầm tập thơ của anh - nhà báo Minh Tự là vậy. Vẫn còn “Đà Lạt hình kim” trập trùng thông xanh mà anh đặt tên cho xứ sở này, và nữa tình cảm nặng lòng yêu mến, giận hờn, trách thương “em ơi Đà Lạt vô tình quá/anh hóa đồi Cù lăn dưới chân em”. Miền lạnh “cơm áo không đùa với khách thơ”, anh vẫn sống điềm nhiên, giản dị nhưng không kém phần lãng tử, hào sảng “trời đãi ta một bữa sương/cũng như ngày tháng vô thường đãi nhau…” - như lời thơ anh từng viết ngày nào.
 
Tạm biệt “những đồi hoa thương nhớ” Đà Lạt, đứa con đi xa sau hơn mười năm bôn tẩu, trở về với Huế mộng mơ thoắt đã ngót trên mười lăm năm. Nay gặp anh trên những trang viết từ tập sách “Trước nhà có cây hoàng mai - tập tùy bút và phóng sự về Huế - xứ sở rêu phong kiêu sa” do Nhà Xuất bản Trẻ ấn hành mới đây, còn tươi nguyên mùi giấy. Điều thú vị là, thay vì đưa ta vào “cõi thơ”, anh đã dẫn ta vào ngõ văn hóa của Huế. Đó là “lối ăn, lối mặc, lối ở, lối chơi, lối nói, lối yêu, lối ghét, lối đi, lối lại…” và anh gọi là “lối Huế” - lối sống của Huế, nó tạo ra bản sắc riêng của Huế.
 
Để khám phá ra cái chất văn hóa rất Huế, riêng Huế ấy, anh thừa nhận: “Những tháng năm được làm một người Huế sống ngoài Huế, và nhờ vậy mới hiểu rõ hơn, một cách khách quan hơn, về bản sắc riêng biệt của xứ sở này. Một vùng đất mà ngay từ khi tạo hóa sinh ra thì nắng cũng đã khác nắng, mưa không giống mưa, hình sông thế núi, cây cối chim muông, cách ăn, cách ở của con người… cũng mang nét riêng biệt”. Sự riêng biệt rất Huế được anh “biệt đãi” bạn đọc trong 214 trang viết, với hơn 30 bài tùy bút và phóng sự đậm đà văn hóa Huế. Đó là những cảm nhận sâu lắng về ẩm thực Huế với cơm hến, bún bò, bánh canh đến chiếc nón Huế, tà áo dài, dòng Hương Giang… hay khung gian nhà vườn, ngõ phố “Nơi chốn trú ngụ của tâm hồn Huế”. Không chỉ dừng lại ở nét văn hóa ăn, ở, anh còn dẫn dụ bạn đọc vào không gian nghệ thuật được “Vẽ bằng mũi kim”, tạo tác từ “Chuyện ít ai biết của giới hoa cảnh Huế” hay thú đam mê chơi đồ cổ, nghiên cứu Huế, thư viện gia đình… Tất cả “lối Huế” ấy là“Tích tụ phước đức cho muôn đời sau”. 
 
Sống trong Huế mà vẫn nhớ Huế huống chi ở ngoài Huế, ở xa Huế. Những ngày đi xa đó, anh luôn dành một tháng Giêng để về quê, rong chơi với Huế, để tích tụ cho mình thứ “Năng lượng tháng Giêng” mà sống cho hết những tháng còn lại trong năm. Khi xa Huế trở về, hoặc đến Huế để vui chơi, chỉ cần có cuốn sách “Trước nhà có cây hoàng mai” của Minh Tự làm bạn đồng hành sẽ an tâm như có được người “hướng dẫn viên” tận tụy, am hiểu, tinh tế đưa ta vào “lối Huế” để thâu nhận đầy đặn cảm xúc về những ngõ ngách đời sống Huế. Nói như nhà văn Vĩnh Quyền “nhàn nhã trò chuyện cùng nó cho đỡ nhớ nhà” - với người xa Huế, hoặc “có bầu bạn dẫn dắt lần đầu đến chơi miền phủ đệ” - cho người nơi khác đến Huế. Bởi mặc dù là đứa con của Huế, nhưng cách nhìn, nghĩ của Minh Tự về Huế từ bên ngoài, mà theo nhà văn Vĩnh Quyền, đã làm nên khác biệt với những tác giả viết về Huế - khúc ruột của mình - bằng tinh thần cực đoan đáng yêu kiểu “không nơi nào có được” hoặc “chẳng thể nào đổi khác được”. 
 
Lâu không đọc thơ Minh Tự, nhớ thơ anh và chờ mong. Nay được khoản đãi “Trước nhà có cây hoàng mai” chậm rãi thưởng thức, nhấm nháp từng dòng lối sống đậm nét văn hóa Huế mà bâng khuâng nhớ Huế. Muốn khoác ngay ba lô lên vai để về thăm thú vùng đất cố đô trầm tích Huế.
 
XUÂN TRUNG