Suốt đời mình chỉ muốn kể chuyện cho trẻ con

09:06, 02/06/2016

Từng giành cú đúp quán quân trong cuộc thi viết truyện ngắn Tạp chí Văn nghệ Quân đội và cuộc vận động sáng tác dành cho thiếu nhi do NXB Kim Đồng - Đan Mạch phối hợp tổ chức, Nguyễn Thị Kim Hòa là nhà văn trẻ được nhiều người mến mộ.

Từng giành cú đúp quán quân trong cuộc thi viết truyện ngắn Tạp chí Văn nghệ Quân đội và cuộc vận động sáng tác dành cho thiếu nhi do NXB Kim Đồng - Đan Mạch phối hợp tổ chức, Nguyễn Thị Kim Hòa là nhà văn trẻ được nhiều người mến mộ. Trong số những người mến mộ Kim Hòa, hẳn nhiên không thể thiếu trẻ con và những người yêu trẻ con, khi hơn một nửa tác phẩm của cô đã viết dành cho lứa tuổi này.
 
PV: Hòa bắt đầu viết cho thiếu nhi từ lúc nào? 
 
Nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa
Nhà văn Nguyễn Thị
Kim Hòa
Nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa: Có thể nói tôi bén duyên với thiếu nhi ngay từ những ngày đầu cầm bút. Năm 2011, tôi viết cuốn sách đầu tay, cũng là một truyện vừa cho thiếu nhi: Tay chị tay em. Viết chủ yếu định để... mình đọc. Vì toàn những chuyện kể, rồi kỉ niệm liên quan đến tuổi thơ tôi. Rồi ngày nọ, chả hiểu nghĩ gì tôi gửi cho một người bạn viết tôi rất quý, nhờ đọc giúp. Giờ vẫn còn nhớ cuộc điện thoại bạn vội gọi cho tôi ngay sau đó. “Được đấy. Hòa rất hợp với thiếu nhi. Viết tiếp đi!”. Phải nói là đêm đó tôi vui đến mất ngủ! (cười) Được động viên từ bạn bè và nhất là từ độc giả nhí sau khi cuốn sách được in ở NXB Kim Đồng, tôi cứ thế vui vẻ, háo hức bước tiếp trên chặng đường mang tên Văn học thiếu nhi. 
 
PV: Bạn có kỷ niệm gì khi viết cho lứa tuổi này? 
 
Nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa: Viết cho thiếu nhi lúc nào cũng cho tôi những kỷ niệm quá trời dễ thương. Kỷ niệm đáng nhớ nhất cho tới bây giờ chắc phải kể đến quá trình viết Cút ca cút kít, quyển sách được NXB Kim Đồng in trong năm 2015 vừa rồi. Sau nhiều tập sách, sau 4 năm, tôi quyết định sẽ trở lại làm một truyện vừa. Nhưng bao nhiêu vốn liếng tuổi thơ mình đã đưa vào Tay chị tay em hết cả rồi. Tôi lại tự đặt deadline cho mình phải xong trong 1 tháng. Tình hình đến là nan giải. Nhưng may quá. Tôi đã có bên cạnh cả một “tập đoàn thiên thần”. Đó là những cô cậu bé học trò đáng yêu của tôi. 3 trong số các em đã xung phong làm... nhân vật chính cho truyện. Mỗi ngày, các em kể cho tôi nghe một câu chuyện. Mỗi ngày, các em bắt tôi phải viết xong một chương, còn đọc và nhận xét rất bài bản. Bạn sẽ làm gì nếu có những “thiên thần” như thế bên những trang bản thảo của bạn? Chắc chắn sẽ như tôi, cầm bút lên và miệt mài viết. Đó thật sự là những khoảnh khắc tuyệt vời.
 
PV: Viết cho thiếu nhi, có người nói dễ viết, người bảo khó viết. Thực tế là số nhà văn kiên trì với đối tượng này chỉ đếm trên đầu ngón tay. Bản thân bạn, một nhà văn trẻ gắn bó nhiều với văn học thiếu nhi, đồng thời có nhiều dấu ấn ở các đề tài khác, bạn nghĩ sao về văn học thiếu nhi hiện nay? 
 
Nguyễn Thị Kim Hòa là nhà văn trẻ nhất trong đợt kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam 2015. Tác phẩm chính của Nguyễn Thị Kim Hòa: Tay chị tay em, Leng keng Noel, Cút ca cút kít, Nho đắng, Sa mạc và những vệt nhớ… Kim Hòa là một trong những tác giả thế hệ 8x đoạt nhiều giải thưởng về văn học nghệ thuật: Giải nhất cuộc thi Truyện ngắn Văn nghệ Quân đội 2013-2014, giải nhất cuộc vận động Sáng tác văn học thiếu nhi Việt Nam - Đan Mạch, giải C Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam 2015 với tập Đỉnh khói. Cô còn được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì những nỗ lực lao động nghệ thuật đặc biệt. Hiện Hòa đang viết văn và dạy học ở Ninh Thuận.
Nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa: Văn học thiếu nhi viết không dễ. Vấn đề không chỉ ở khả năng mà còn ở tâm huyết của người viết. Tâm huyết với nghề. Tâm huyết với đối tượng độc giả đặc biệt này. Văn học thiếu nhi, theo tôi, lúc nào cũng là một thị trường “khát” bản thảo và “khát” tác giả. Nhưng thực sự những sáng tác tiếp cận được với độc giả nhỏ tuổi lại không nhiều. Tôi không nghĩ là trẻ con ngày nay không thích đọc. Chỉ là chúng ta, người lớn (cũng là người viết) chưa làm các em thích và quan tâm. Cũng như chưa giới thiệu, hướng dẫn được cho các em cách đọc hợp lí. Tôi rất thích ý kiến của một nhà văn đi trước, một người viết thiếu nhi rất tâm huyết, rằng: Nếu trước đây bạn đọc nhỏ phải tìm kiếm nhà văn để đọc. Thì nay, người viết, nên đem mình đến với độc giả. Tôi nghĩ, đó cũng là một cách để văn học thiếu nhi (và cả văn học nói chung) đến được với độc giả rộng rãi hơn.
 
PV: Đọc tác phẩm viết cho thiếu nhi của Kim Hòa rất duyên và ngọt, bí kíp để làm nên điều này? 
 
Nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa: Bí kíp chắc là tôi chả bao giờ nghĩ về...bí kíp (cười). Khi viết, tôi chỉ nghĩ về độc giả, tôi hay thử làm một đứa trẻ xa lạ, ngồi trước câu chuyện của tôi, xem có thích hay không, có muốn nghe, muốn đọc tiếp hay không. Thường chạy chơi trên trang bản thảo của tôi là một bầy con nít. Con nít nhân vật. Con nít người đọc. Tất cả cãi nhau ì xèo. Nhưng lại làm câu chuyện tôi kể cứ băng băng. Bạn sẽ nghĩ, khó lắm đấy, người lớn làm sao làm con nít được. Đúng thật vậy, nhưng là khi bạn không có gần 11 giờ một ngày bên các học trò siêu quậy, như tôi... 
 
PV: Bạn có ý định gắn bó lâu dài với mảng đề tài văn học thiếu nhi không? 
 
Nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa: Như đã nói, văn học thiếu nhi là lựa chọn ban đầu khi tôi cầm bút. Tánh tôi lại được cái... chung thủy (cười) nên văn học thiếu nhi nhất định là con đường tôi sẽ theo đuổi lâu dài. Cũng có thể vì tôi có những học trò, những “thiên thần” luôn bên cạnh, nên tôi càng có thêm động lực để viết. Có thể bạn sẽ thấy tôi ở những đề tài, thể loại khác. Nhưng thực sự, suốt đời mình, tôi vẫn luôn muốn được là người kể chuyện cho trẻ con.
 
Võ Thu Hương (thực hiện)