"Xứ Đông Dương" qua "mắt xanh" Vương Hồng Sển

09:08, 18/08/2016

Tháng 6/2016, Báo Lâm Đồng Cuối tuần có đăng trong chuyên mục "Hồ sơ - Tư liệu" bài viết "Xứ Đông Dương - Một tài liệu tham khảo rất đáng quý" giới thiệu tập hồi ký "Xứ Đông Dương" của Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer (1897-1902), Tổng thống Pháp (1931-1932) xuất bản lần đầu năm 1905 được dịch từ nguyên bản tiếng Pháp L'Indochine Frangcaise (Souvenirs)

Học giả Vương Hồng Sển
Học giả Vương Hồng Sển
Tháng 6/2016, Báo Lâm Đồng Cuối tuần có đăng trong chuyên mục “Hồ sơ - Tư liệu” bài viết “Xứ Đông Dương - Một tài liệu tham khảo rất đáng quý” giới thiệu tập hồi ký “Xứ Đông Dương” của Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer (1897-1902), Tổng thống Pháp (1931-1932) xuất bản lần đầu năm 1905 được dịch từ nguyên bản tiếng Pháp L’Indochine Frangcaise (Souvenirs). Tập hồi ký do NXB Thế giới phát hành ra mắt độc giả Việt Nam tháng 3/2016. Tôi đã tìm mua được “Xứ Đông Dương” và say mê đọc bởi bị phong cách văn chương của Toàn quyền Paul Doumer quyến rũ trước nhiều sự kiện đầu thế kỷ XX ở Việt Nam. Một lần lục lọi kho sách tư gia, bất chợt thấy cuốn “Dỡ mắm” (di cảo, NXB Trẻ tái bản lần thứ nhất 2015) của học giả Vương Hồng Sển có lời tựa “Ngồi buồn dỡ mắm nhau ra/ Mắm ông thì thúi, mắm bà chẳng thơm”. Thấy lý thú nên tò mò lần dở mới hay nhà nghiên cứu văn hóa nổi tiếng, học giả Vương Hồng Sển từng đọc hồi ký “Xứ Đông Dương” bằng tiếng Pháp khi phát hành vào thập niên đầu thế kỷ XX. 
 
Nhận xét về tập hồi ký “Xứ Đông Dương”, học giả Vương Hồng Sển trần tình: “… Viết về ông Doumer, tôi đã sửa ngòi bút, suy nghĩ thật nhiều: viết sai thì hổ với lương tâm, bằng bốc thơm ông lại ngại tiếng gièm pha còn mến tiếc Tây đầm. Nhưng ở Hà Nội cầu Long Biên còn đó, ai giẫm chơn lên phải nhớ người xây dựng, mới không thẹn sao “uống nước nỡ quên nguồn”! Ở Huế, cầu Tràng Tiền đổi tên mấy lượt, nhưng vẫn còn sờ sờ, ở Sài Gòn này, cầu Bình Lợi cũng là kỳ công bất hủ của ông Doumer, chớ mấy ai khác. Vậy tôi biết gì, cứ nói.
 
Doumer qua Việt Nam khi tuổi chưa đầy 40. Người khỏe mạnh, làm việc bằng mười, thêm tài ba xuất chúng.
 
Những kỳ công của ông là: 
 
- Ông thấy xa, lập trường Viễn Đông Bác Cổ, để bảo vệ cổ tích, đền chùa khỏi bị phá phách cắp gỡ, tu bổ cổ tích còn lại. (Doumer từng than tiếc cổ tích Chàm ở Đà Nẵng bị cạy gỡ mất mát nhiều nên năm 1899, ký sắc lịnh cho lập trường Viễn Đông Bác Cổ).
 
- Ông lập trường cao đẳng ở Hà Nội, để tiện cho học sanh bên Trung Quốc qua học, thêm học trò miền Nam, con cháu điền chủ có tiền, dễ ra học hơn mở trường cao đẳng ở Sài Gòn, học trò Tàu chê xa, và học trò xứ Bắc xứ Trung, phần đông đều con ông đồ ông bảng thanh bạch, giàu chữ hơn giàu tiền làm sao gởi con vào Nam học được nhiều.
 
- Chính ông năm 1901 đã đến tại chỗ, chọn Đà Lạt thay vì Dankia và đốc thúc, tài trợ cho bác sĩ Yersin thành lập nơi nghỉ mát Đà Lạt như ngày nay đã thấy. 
 
Ba cây cầu sắt ông để lại, thật là kỳ công bất hủ:
 
- Ở Hà Nội, có cầu Long Biên, trước mang tên ông là Pont Doumer: hãng Daydé et Pillé de Creil (Oise) trúng thầu, đặt viên đá đầu tiên tháng 9/1898; cầu dài trên 2.500 m, khúc vào thành (hữu ngạn) trên đất liền, dài 800 thước, khúc giữa trên sông Hồng nối hai bờ, dài 1.680 m, gồm 19 nhịp, toàn sắt thép trứ danh Cantilever; 19 nhịp nằm trên 20 cột chống xây đá, móng cầu cừ đóng và trụ cây phải thọc sâu tới khi đụng đất nạc đất cứng, phải sâu hơn 30 m, từ mặt nước thấp nhất của Hồng hà và phía trên khỏi mặt nước là 13 m 50 nữa, tức cột đo 43 m 50. Một cầu dài nhất ở Á Đông, một kỳ công của kỹ sư thợ cái Pháp và của nhơn công người Việt, đáng mặt để đời. Cũng có thợ hồ, thợ sắt Tàu trợ lực. Khi đặt đá khánh thành, mọi người dự kiến đều hoài nghi sự thành công, nhứt là người An Nam đều cho là còn khó hơn chuyện vá trời, và khi cây cầu làm xong, lại le lưỡi nói: “Việc gì Tây muốn, họ đều làm được”; cầu ăn lễ lạc - thanh tháng 2/1902, một lượt với đoạn đường sắt xuyên Đông Dương sau này (đường sắt Hà Nội xuống Hải Phòng, dài độ 100 km, ông vui lòng được mắt thấy trước khi xuống tàu về Pháp), 5 năm nhiệm vụ đã tròn. (Phí tổn 6.000.000 quan Pháp, ăn 2fr50 mỗi 1$ (bạc 27gr).
 
- Ở Huế, ông để kỷ niệm lại cầu Tràng Tiền, bắc ngang sông Hương, nối liền xóm Tây qua xóm Việt và Thành nội và đưa đường xuống Đà Nẵng, cầu dài 400 m, cột cầu đóng xuống sâu 20 m, do hãng Pháp Creusot lãnh thầu và xây cất, chính ông làm lễ khánh thành và nhường vua Thành Thái cắt dây tượng trưng cho sự thông thương cho dân và ngày nay xe ô tô, thiết giáp đi (không có đường cho tàu hỏa). Không thấy ghi chi xuất bao nhiêu…
 
- Ở Sài Gòn, ông giúp cho một cầu sắt nối liền lên Biên Hòa, ấy là cầu Bình Lợi. Ông dự định cầu chịu nổi đường sắt xe lửa xuyên Đông Dương về tương lai, cột cầu dưới mặt nước thấp nhất đo được 31 m và do hãng Levallois-Perret thầu và xây cất, ăn lễ khánh thành vào tháng 2/1902. Cầu có 6 nhịp, một nhịp nơi giữa, dài đến 40 m, vẫn xây mở được để tàu thuyền thông thương.
 
Ngoài ra Doumer còn để lại nhiều công-tác cầu kỳ (tuy không quan trọng bằng ba cây cầu vĩ đại kia), thành tựu từ 1897 đến 1902, có thể gọi là thời kỳ mở mang Đông Dương, thời kỳ sắt và cầu sắt, đáng kể hơn là ở Bắc, cầu ở Hải Phòng, Hải Dương, Việt Trì, Lào Cai, miền Trung có cầu Thanh Hóa do hãng Daydé et Pillé xây cất, cầu này dài 160 m vòng cầu liên lạc một mạch nối hai bờ sông, không có nhịp ở giữa và khi ráp nối, trải ván rất cam go. 
 
Riêng miền Nam, ông còn có thêm: năm 1901, con lộ đá Sài Gòn đi Tây Ninh để sau này thông thương với Cao Miên, và năm 1903, con lộ đá Sài Gòn đi Bà Rịa, mở thông lên Tánh Linh xứ gỗ súc, sau này sẽ thông thương với miền Trung.
 
Ông còn dự định thiết lập một con đường sắt cho xe lửa chạy, nối liền Sài Gòn lên Nam Vang, nhưng việc này thời đại sau ông bỏ dở, tiếc thay”… 
 
Với nhận xét sắc sảo, công tâm như vậy chứng tỏ người Việt mình rất có đôi “mắt xanh” khi đánh giá chính khách nước ngoài. Rất tiếc độc giả Việt Nam và cũng không mấy người phương Tây có trong tay và đọc “Dỡ mắm”!
 
NGUYỄN THANH