Một lữ khách của Đà Lạt

10:10, 27/10/2016

Cụ bà trạc tuổi thất thập đến sớm trước buổi giao lưu, tìm gặp riêng tôi. "Ủa, anh là tác giả của hai cuốn sách về Đà Lạt?". "Dạ, cháu đây". "Tôi tặng anh món quà này. Tôi cũng như anh, một lữ khách, một người yêu Đà Lạt".

Cụ bà trạc tuổi thất thập đến sớm trước buổi giao lưu, tìm gặp riêng tôi. “Ủa, anh là tác giả của hai cuốn sách về Đà Lạt?”. “Dạ, cháu đây”. “Tôi tặng anh món quà này. Tôi cũng như anh, một lữ khách, một người yêu Đà Lạt”.
 
Tác giả và bà Cúc Trang trước buổi ra mắt sách Đà Lạt một thời hương xa ở Sài Gòn vào giữa tháng 10/2016
Tác giả và bà Cúc Trang trước buổi ra mắt sách Đà Lạt một thời hương xa ở Sài Gòn
vào giữa tháng 10/2016

Báu vật tâm hồn
 
Tôi nhận từ tay bà một tập bản thảo photo, nét chữ bay bướm, có tựa: Kỷ niệm đẹp là báu vật của tâm hồn. 
 
Tập bản thảo là tập hợp những bài viết trên đường rong ruổi của người đàn bà dành cả đời mình để… si mê Đà Lạt. 
 
Ngoài phần ghi chép, còn có cả hình ảnh tư liệu cá nhân.
 
Bà lật ra phần cuối của tập bản thảo và chỉ vào một tấm chụp năm 1952 tại Cầu Đất. “Tui đó, lúc đó mới bốn tuổi. Ba tui đưa tui đi Cầu Đất chơi. Dạo đó Cầu Đất còn có cảnh cọp vô bắt người”. Cô bé 4 tuổi ôm cây đàn người Châu Mạ đứng trước ngôi nhà gỗ, hậu cảnh là một góc trại gỗ, xa hơn là quang cảnh núi đồi. Bức ảnh khác, cũng chụp năm 1952: hình ảnh một gia đình Sài Gòn hạnh phúc đứng bên đường (gần cầu đường sắt cũ nay đã không còn). Bên dưới bức ảnh, ghi: “1952… (D’ran) nơi có ‘Cánh hoa vàng mỏng manh cuối trời’” (Cánh hoa vàng mỏng manh cuối trời là ca từ Trịnh Công Sơn mà tôi mượn đặt cho một bài viết về con đường về D’ran cuối mùa dã quỳ trong quyển Với Đà Lạt, ai cũng là lữ khách mà độc giả lớn tuổi này đã đọc và nhớ!).
 
Và một bức ảnh cũ khác, ghi lại ngôi nhà gỗ vào năm 1954. Đó là năm song thân của bà, vì quá yêu thành phố cao nguyên Đà Lạt mà dẫn con cái lên mua cho được căn nhà gỗ ở số 2C - Đoàn Thị Điểm. Ký ức ngôi nhà đó sống động mãi trong tâm trí bà, dù sau đó gia đình đã lưu lạc nhiều nơi trước khi trở lại Sài Gòn cho đến nay. Dưới bức ảnh, đề: “1954. Ngôi nhà 2C - Đoàn Thị Điểm ngọt ngào vì là lò bánh kẹp của má (liền kề bên Ủy ban phường 4 hiện nay!)”.
 
Trên trang ảnh, còn có bức ảnh màu, phóng lớn, hình ảnh một cụ bà phúc hậu ngồi bên hồ Xuân Hương, phía sau lưng thấp thoáng là Thủy Tạ. Dưới bức ảnh ghi: “Và… 60 năm sau, 2012… vẫn mơ và tiếc Đà Lạt xưa…”.
 
Bà thuyết minh với tôi về từng bức ảnh và nói rằng: “Lẽ ra gia đình tôi đã là người Đà Lạt từ 1954. Nhưng thời cuộc bao đổi thay. Giấc mộng đó không thành. Từ bấy đến nay, Đà Lạt cứ ở trong đầu tôi, xui khiến tôi trở về đó, dù là trong cách thế, nói như anh, là một lữ khách. Đến rồi đi. Tháng nào tôi cũng ngoắt xe đi Đà Lạt…”.
 
Nhật ký của người yêu Ðà Lạt
 
Đọc tập bản thảo nhật ký của bà Cúc Trang (cụ bà mà tôi kể trên), tôi giật mình vì giọng văn mộc mạc, lôi cuốn, những ý tưởng đẹp được giãi bày trên trang giấy một cách tự do, tự tại. Đó không là những sắp xếp công phu mà vẫn mạch lạc - sự mạch lạc của thứ thi tính riêng, tự nhiên, hồn hậu. Không là những dụng công chữ nghĩa mà sao vẫn thấy độ tinh tế lạ lùng. Và chất tư liệu dày đặc. Mọi tinh chất được tiết ra từ tình yêu Đà Lạt một cách hồn nhiên. Mỗi câu chữ như nhịp tim trẻ trung rung lên trước làn gió thiên đường…
 
Trong một bài viết Đường Đà Lạt - Sài Gòn bà Cúc Trang viết về chặng đường xa đến với thành phố mình yêu như đến với người tình trong lần hò hẹn đầu tiên: “Với cảnh quan dọc đường còn hoang sơ, xa lắm mới có nhà hoặc chòi canh rẫy, canh rừng.
 
Xe đò thời đó không có máy lạnh kín cửa cho nên đến đoạn nào cũng được thưởng thức mùi hương thiên nhiên: mùi cỏ tranh là khi đi qua Bảo Lộc, Di Linh, mùi nồng nàn của bông quỳ dại mọc ven đường, làn hơi lạnh mát khóe mũi khi xe leo đèo Bảo Lộc, lại bồi hồi muốn khóc khi xe qua Trường Quốc gia Nông Lâm Mục, vẫn còn ngôi nhà sàn “cao cẳng” mà ba năm gia đình tôi sống êm ấm, và nữa, ngôi trường tiểu học nhỏ bé sát Quốc lộ 20 - ấy là lúc trước 1975, cho đến 1987 (giờ đã không còn). Khi lên đèo Frenn vào thành phố thì thoảng mùi Mimosa, mùi đặc biệt để tôi nhớ Đà Lạt.
 
Đường Đà Lạt - Sài Gòn xa cách quá là vì dân thưa thớt. Mãi đến các thị trấn nhỏ bên đường mới có nhiều nhà cửa...”.
 
Và những ký ức khi ríu rít cùng anh chị em, cha mẹ trên vùng đất mộng khi trở thành cư dân Đà Lạt trong quãng thời gian ngắn ngủi chưa đầy ba năm:
 
“Tôi nhớ khi ấy mới 6, 7 tuổi (khoảng 1955-1957) với anh Hai, chị Ba thường cùng nhau đi bộ từ nhà đến suối Cam Ly. Hồi đó ai cũng gọi là suối chớ không phải là thác. Dọc đường vắng vẻ, toàn rừng thông, vừa đi chơi vừa nhặt cành thông gãy, trái thông khô về cho má chụm lửa. Rải rác các gốc thông có những bụi glaieuls (hoa lay-ơn) dại đỏ, vàng, hồng, những chùm dâu trái mọng đỏ tươi trông thật đẹp và ngon rồi leo lên biết bao nhiêu bậc thang để đến mộ ông Nguyễn Hữu Hào. Không gian vắng tịch và ngành du lịch chưa có nhiều. Lúc đó chỉ có ba anh chị em tôi vẩn vơ chơi với phong cảnh, thông ngàn, suối bạc”.
 
Cũng với sự hồn nhiên đó, bà Trang kéo tôi về thực tại khi ngắm nhìn Đà Lạt từ… xe bus. Ngày 27/8/2014, bà Cúc Trang viết trong nhật ký lữ hành của mình sau chuyến Đà Lạt - Cầu Đất: “Tuyến xe bus Đà Lạt - Trại Mát - Trạm Hành 1 và Trạm Hành 2. Tôi đã đi lần này là lần thứ tư rồi mà vẫn còn thích. Chiếc bus nho nhỏ, màu đỏ cam chở chừng 20 người đi qua một cung đường thật đẹp với hai bên là rừng, đồi thông xanh mướt. Con đường dài chưa đến 20 km quanh co uốn lượn giữa thung lũng trồng trái hồng, ven đường nhiều ngôi nhà thật xinh, nhà cũ cũng như nhà mới đều dễ thương vì nó nằm trong một cái nền cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp. Ở đây, sẽ dễ dàng tìm các loại hoa tầm thường như hoa vạn thọ, thược dược, phù dung… Thị trấn Cầu Đất ấn tượng vì cư dân khiêm tốn, cái chợ cũng nho nhỏ, nhất là Nhà thờ Cầu Đất như chiếc bánh kem trong tủ trưng bày của hiệu bánh. 
 
Tôi so sánh lại với những bức hình lúc gia đình mới đặt chân lên đây 1952, vậy mà thay đổi quá. Chỉ có đồi núi là vẫn còn đó. Lại còn cửa hiệu internet, TV cable… nên thêm vui. Đường thì vẫn nhỏ, hẹp như xưa và rất ít xe cộ. Vì thế nên chiếc xe bus nhỏ màu đỏ cam càng dễ thương và thong dong uốn lượn theo đoạn đường lúc thì ẩn hiện giữa các rặng thông già, khi thì chênh vênh dốc cao, đẹp không tả xiết. Dọc bên đường bây giờ được trồng toàn cây mai anh đào (chừng mười năm sau chắc sẽ là một cảnh đẹp chẳng thua gì xứ Nhật Bản)…”.
 
Lời hứa trở về
 
Trong một bài viết, bà cụ có tô đậm câu nói của bác sĩ A. Yersin, người khám phá ra Đà Lạt, rằng: “sống mà không dịch chuyển là không phải sống”. Nhưng dịch chuyển về đâu trong thế giới hỗn mang này? Thì cũng trong tập nhật ký này, chính bà tự trả lời: đi về Đà Lạt, xứ mộng, cõi thiên đường trên mặt đất. Có đôi lần tìm câu trả lời tại sao mình vẫn “đi Đà Lạt hoài mà không biết chán?”; và bà, cũng như tôi hay bao lữ khách khác, cũng không tìm ra câu trả lời! 
 
Bà nắm tay tôi, chào tạm biệt trong buổi sáng Sài Gòn vào thu nhiều mây. Trước khi đi, bà còn khoe vừa mua được căn hộ ở chung cư Nguyễn Lương Bằng, đi bộ ra bờ hồ Xuân Hương chỉ mất 10 phút. Đó là căn hộ mà bà đã gom góp suốt cả cuộc đời chỉ để thực hiện lời hứa mà bà ghi trong cuốn nhật ký: “Đà Lạt ơi, tôi xin hứa rằng tôi trở về…”.
 
Khi bạn đọc những dòng này, cụ bà Cúc Trang có lẽ đang tản bộ bên bờ hồ hoặc có thể lắm, đang trên chuyến xe bus màu đỏ cam đi về ngoại ô Đà Lạt tìm lại ký ức của mình. Tôi tin bà đang hạnh phúc với hành trình của một lữ khách được sống những năm tháng cuối đời với thành phố mình yêu!
 
Tùy bút của NGUYỄN VĨNH NGUYÊN