Người con hiếu thảo sợ "Mẹ đi mãi không về..."

08:11, 03/11/2016

Có câu chuyện cổ tích về một đứa trẻ, mong muốn mẹ sống lâu nên trèo đèo lội suối đi tìm thầy, tìm thuốc về trị bệnh cho mẹ. Theo lời Bụt, số ngày mẹ sống chỉ tính bằng cánh hoa trên bông hoa trắng em hái được, cô bé đã nhẹ nhàng xé những cánh hoa nhỏ thành những sợi trắng tinh mỏng mảnh để mẹ sống lâu bên mình.

Là hội viên Hội VHNT Lâm Đồng, chị Ngoãn đã xuất bản 2 tập thơ, trong đó nhiều bài thơ viết về cha mẹ mình
Là hội viên Hội VHNT Lâm Đồng, chị Ngoãn đã xuất bản 2 tập thơ, trong đó nhiều bài thơ viết về cha mẹ mình
Có câu chuyện cổ tích về một đứa trẻ, mong muốn mẹ sống lâu nên trèo đèo lội suối đi tìm thầy, tìm thuốc về trị bệnh cho mẹ. Theo lời Bụt, số ngày mẹ sống chỉ tính bằng cánh hoa trên bông hoa trắng em hái được, cô bé đã nhẹ nhàng xé những cánh hoa nhỏ thành những sợi trắng tinh mỏng mảnh để mẹ sống lâu bên mình. Câu chuyện xúc động đã làm nên một loài hoa biểu tượng của lòng hiếu thảo - Bông hoa cúc trắng. Nhưng hôm nay có một người phụ nữ không còn là cô bé, chị cũng không có vị thuốc thần tiên nào, mà dành hơn 20 năm để chăm sóc cả cha mẹ như viết nên một câu chuyện cổ tích trong đời sống hiện đại đó là chị là Trần Thị Hồng Ngoãn ngụ phường 7 - Đà Lạt. 
 
Chị Ngoãn là con gái út nên ở độ tuổi 45 - 50 các cụ mới sinh ra chị, sức vóc nhỏ bé, thể lực yếu hơn 4 anh chị em trước mình. Học hết phổ thông, chị Ngoãn không đi đại học, mà xung phong lên làm công nhân trên công trường thủy điện Sông Đà ngay từ những ngày đầu công trình mới khởi công xây dựng.  
 
Tuổi trẻ cùng những kỷ niệm đẹp đẽ hơn 10 năm chị gửi lại Sông Đà, năm 1990, công trình hoàn thành, trở về quê, lúc đó bố đã ở tuổi 80, mẹ đã 77 tuổi, 3 anh trai đã lấy vợ, công tác ở xa, chị gái lấy chồng; chị Ngoãn không đành lòng nhìn cha mẹ già hiu quạnh nên chị không theo đơn vị, cùng các chàng trai cô gái tiếp tục đến Gia Lai làm thủy điện Yaly, mà ở lại quê nhà chăm sóc cha mẹ. Năm 1992, chị cùng cha mẹ vào Đà Lạt - nơi các anh đang công tác để gia đình quây quần đoàn tụ. Cuộc sống những ngày đầu rất khó khăn, chị vẫn dành sự quan tâm chăm sóc đặc biệt cho cha mẹ mình, để các anh chị yên tâm công tác. Hai cụ mỗi ngày một già yếu, ngày 3 bữa, vệ sinh cá nhân, thay chăn, ga, gối đệm và giặt giũ, chị quan tâm đến cha mẹ từng li từng tí để các cụ luôn sạch sẽ, giường chiếu thơm tho. Chị lên lịch chăm sóc giờ ăn, giờ uống sữa, lên thực đơn để các cụ ăn uống ngon miệng, nghỉ ngơi đúng giờ giấc. Tối đến, sau khi cơm nước, dọn dẹp, vệ sinh, chị lại dành thời gian ngồi bên cạnh kể chuyện, trò truyện cùng bố mẹ, đọc báo cho các cụ nghe, ngồi cạnh xem tivi cùng các cụ để tránh bị chứng “lẫn” do tuổi tác.
 
Gần 100 tuổi, các cụ vẫn sống minh mẫn, bên nhau, bên con cháu hạnh phúc bằng sự chăm sóc tận tình của cô con gái.
 
Ngày xưa, trên công trình thủy điện, vốn có năng khiếu sáng tác văn học, chị viết nhiều bài thơ, truyện ký có sức cổ vũ những người trẻ tuổi vượt qua gian khó, tiến lên phía trước và cống hiến như: “Đêm đông - ca ba/ Giấc ngủ chập chờn trong tiếng máy”, hay “Bát mì nóng nhường nhau đêm ca ba/ Tiếng reo hò vang dậy/ Đêm lấp sông/ Hai đứa mình ôm nhau cười nước mắt bỗng rưng rưng/ Đâu chỉ có mồ hôi/ Máu đã đổ trên công trường cho dòng điện ngàn năm sáng mãi”… Nếu thời ở Sông Đà, sức trẻ và tình yêu lớn với sức mạnh chinh phục thiên nhiên của con người đã bật thành những cảm hứng thi ca thì giờ đây về bên cha mẹ, cảm xúc về tình yêu thương cha mẹ lại bật lên thành thơ từ hành động rất thực: “Con chỉ là con, đứa con gái nhỏ/ Chén cơm ly nước hàng ngày/ Những khi cha đau/ mỗi chiều trở gió/ Con lặng thầm ủ ấm một đôi tay/ Con chỉ là con/ đứa con gái buồn vui một thuở/ Lớn lên trong lòng mẹ cha/ Chậu nước ấm ngày xưa/ Mẹ lau mặt cho con mỗi sớm/ Bây giờ lại đến lượt con…/ Niềm vui giản đơn đâu dễ kiếm tìm/ Con hạnh phúc bên mẹ, cha hạnh phúc/Quả hạnh phúc giữa cuộc đời rất thực/ Mùa xuân này con hái tặng song thân” (Nói cùng cha). Chị coi việc chăm sóc các cụ là niềm vui lớn, chị từ chối mọi cuộc vui chơi cùng bè bạn. Hiếm khi có việc phải ra khỏi nhà, chị cũng tranh thủ vào thời gian cha mẹ nghỉ ngơi, xong việc lại vội về cho kịp giờ chăm sóc cha, mẹ. Chỉ xa một bước là lo lắng bồn chồn: Đêm dài thao thức đầy vơi/ Nhớ về bố mẹ sống nơi phố lành/ Vắng con có ngọt bát canh/ Bát cơm có dẻo, áo lành có thơm/… Giờ này bố mẹ ngủ trưa/ Rừng khuya con cũng mới vừa ngả lưng/ Bồi hồi lắng giữa mênh mông/ Lời ru của mẹ ấm nồng giấc con (Đêm trong rừng). 
 
Những trang thơ cho cha mẹ. Ảnh: Q.Uyển
Những trang thơ cho cha mẹ. Ảnh: Q.Uyển

Xưa nay mẹ ru con, nhưng khi mẹ già, chị Ngoãn đã ru mẹ khi bà 90 tuổi: Mẹ ơi/ Hãy ngả vào vai con/ Đôi tay nhỏ con làm điểm tựa/ Mẹ gắng ngủ thêm chút nữa thôi mẹ nhé/ Tuổi 90 được mấy đêm mẹ trọn giấc ngủ ngon?/ Xin mẹ hãy tựa vào vai con/ Dẫu ngoài kia trời đang mưa gió nổi/ Nơi quê nhà bão vừa ập tới/Thương cây lúa ngậm đòng xơ xác giữa trời mưa/ Lời mẹ ru con từ thuở ấu thơ/ Cái vạc… cái cò ven sông lặn lội/Con lặng thầm nhẩm tiếp lời ru/Hát bài hát ngày xưa mẹ hát/ Ầu ơ… Cái cò… cái vạc” (Lời ru cho mẹ). Những lời thơ giản dị của chị, lúc như tiếng reo vui của “đứa trẻ nhiều tuổi” vẫn được sống hạnh phúc trong vòng tay cha mẹ, khi như lời ngậm ngùi vì biết rằng vòng tay ấy đang rất gần đến ngày phải rời xa: “Chiều nay con đi chợ Tết/ Chọn mua cho mẹ bộ đồ/ Cớ sao chợt cay khóe mắt/ Nhớ về cái Tết ngày xưa/ Chắt chiu mớ rau, con cá/ Những đồng tiền lẻ hiếm hoi/ Cuối năm mẹ đi chợ Tết/ Bâng khuâng con bước theo người/ Tuổi thơ vô tư đến lạ/ Lon ton con bước theo người/ Xênh xang bộ quần áo mới/ Đi bên dáng mẹ hao gầy/ Mẹ giờ đâu nhìn rõ nữa/ Run tay sờ tấm lụa thơm/ Rưng rưng con ngồi ngắm mẹ/ Mùa xuân chậm chầm trước thềm”. Chị luôn nơm nớp lo sợ: “Con rất sợ có những chiều như thế/ Mẹ ra đi mãi mãi không về/ Giường bỏ không chăn nệm ngẩn ngơ tìm/ Hơi ấm mẹ đọng trong từng sợi vải/ Khoảng lặng nào đau buốt phía tim/ Con rất sợ mẹ ơi có biết/ Khoảng trống mênh mông ai lấp cho đầy/ Để nghìn năm con còn gọi mẹ/ Để nghìn năm/ Con khát một vòng tay”…(Điều con không muốn). Là hội viên hội Hội Văn học nghệ thuật Lâm Đồng, thơ của chị Ngoãn mang đậm tình người, tình yêu thiên nhiên, tình yêu quê hương đất nước, tình cảm gia đình với những người thân. Chị đã làm hơn 200 bài thơ với nhiều cảm xúc gây cho người đọc rung cảm, và đã cho in 2 tập thơ “Hoa của đất” và “Lời thương để ngỏ” với bút danh Mai Đình. Trong đó, nhiều bài thơ chị viết dành riêng cho người sinh thành ra mình.  
 
Rồi cái điều chị không muốn cũng đến, các cụ lần lượt đi về cõi Phật như ngọn đèn cạn dầu. Năm 2010, cụ ông sống trọn một thế kỷ (1910 - 2010) đã về với tổ tiên, đến năm 2013, cụ bà cũng qua đời khi đã sống trọn một thế kỷ (1913 - 2013). Tôi nhớ mãi, trong tang lễ của cha mẹ mình, ở tuổi trên 55, chị Ngoãn ngồi lặng lẽ, trống trải, sắc mặt thẫn thờ như một đứa trẻ mất đi điều gì đó lớn lao nhất của đời mình.  
 
23 năm, chăm sóc cha mẹ già, nâng giấc, quan tâm từ bữa ăn giấc ngủ như một lập trình, chị luôn cảm thấy mình là người hạnh phúc. Chị tâm sự: “Nếu chị vào Yaly thì chỉ một công trình nữa là chị sẽ có chế độ lương hưu, tuổi già của mình sẽ an tâm, nhưng không gì có thể đánh đổi được quãng thời gian chị được sống bên cha mẹ, an ủi cha mẹ, đem lại niềm vui cho cha mẹ lúc tuổi giả. Đó là niềm hạnh phúc lớn nhất mà không gì sánh bằng, không gì đánh đổi được”. 
 
Gần đến tháng 10, chị Ngoãn gọi điện cho tôi: “Em ơi, chị tranh thủ đan được mấy cái mũ len, em có rảnh không, chị em mình cùng đến thăm và tặng cho các cụ ở Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh nhé”. Nghe điện thoại của chị, tôi biết cứ đến tháng 10 “bệnh” nhớ cha mẹ của chị đến dịp “tái phát”… Có kinh nghiệm chăm sóc cha mẹ già, chị thấu hiểu được nỗi cô đơn của người cao tuổi. Chị nói với tôi, không ai hiểu người già bằng chị, tâm lý người già khác lắm em ạ. Đời người có hai lần trẻ con, người cao tuổi khi sức khỏe đã suy giảm thì tinh thần cũng trở nên yếu đuối, rất cần điểm tựa, cần ai đó vỗ về. Người già rất dễ bị tổn thương, chỉ một câu nói, một thái độ không đúng cũng làm các cụ buồn lòng. Chăm sóc người cao tuổi chính là sự thấu hiểu, tình yêu thương, lòng quý trọng… Cùng chị Ngoãn đến Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh, vừa đi những câu chuyện của chị nói với tôi chỉ xoay quanh người cao tuổi. Qua dãy nhà của các cụ, chị bước ngay vào một phòng, đến bên giường nơi có một cụ già yếu không còn đi lại được. Chị cầm chén cháo đút cho cụ ăn như những người thân lâu ngày mới gặp. Những lời động viên của chị làm các cụ phấn chấn; và niềm hạnh phúc chị nhận được là những bàn tay nắm chặt, những nụ cười móm mém niềm vui. Những chiếc mũ len dày dặn chị tranh thủ đan trong 3 tháng được trao cho những cụ cao tuổi nhất của trung tâm để tránh cái lạnh Đà Lạt khi mùa đông sắp tới… Không chỉ là người con hiếu thảo với cha mẹ mình, chị Ngoãn luôn dành tình cảm yêu thương và cái nhìn trìu mến đầy độ lượng cho những người cao tuổi sống quanh mình, có dịp là chị luôn đến bên họ dành sự quan tâm, sẻ chia, giúp đỡ.
 
Thế mà trong cuồng quay cuộc sống, không ít những người trẻ tuổi luôn nghĩ rằng người cao tuổi là những người “đã hết thời”, những người đã “sống đủ”… Cuộc sống của con người không bao giờ là đủ, trăm năm chỉ bấy nhiêu ngày, cuộc đời con người đã tính bằng năm, bằng tháng; thì cũng có thể tính bằng ngày, bằng giờ, bằng phút, bằng giây. Hữu hạn là vậy, có đến thì có đi. Sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đấy, chăm sóc phụng dưỡng cha mẹ khi già yếu là chăm sóc cho tương lai của chính mình, con của mình sẽ nhìn vào tấm gương của cha mẹ chúng mà làm theo. Làm bạn với chị, tôi học được ở chị rất nhiều điều, tôi rất quý chị, quý ở đức hy sinh và lòng hiếu thảo. Tôi “giấu” chị kể cho bạn đọc tấm gương về lòng hiếu thảo để cho tôi và tất cả những ai đang làm con cùng suy ngẫm và nhìn lại mình.
 
Ký QUỲNH UYỂN