Người anh trai

09:04, 13/04/2017

Năm lên 6 tuổi, Hà mất cả ba lẫn mẹ. Họ bị tai nạn giao thông, trong một lần về quê thắp nhang cho ông bà nội.

Năm lên 6 tuổi, Hà mất cả ba lẫn mẹ. Họ bị tai nạn giao thông, trong một lần về quê thắp nhang cho ông bà nội.
 
Minh họa: Phan Nhân
Minh họa: Phan Nhân
6 tuổi, Hà chưa thể nào hiểu hết mọi chuyện đã và đang xảy ra với bản thân mình. Hà nhớ ba mẹ, suốt ngày chỉ biết khóc vì mãi chẳng thấy hai người về. Hà còn có một anh trai tên là Nam.Vào cái năm ba mẹ ra đi, anh trai Hà vừa tròn 15 tuổi. Lúc ba mẹ mất, anh trai không khóc, không gào thét mà chỉ biết ôm chặt em gái vào lòng cho đến khi ngủ thiếp đi. Suốt ngày, Hà cứ bám riết lấy anh trai đòi ba, đòi mẹ. Cô cũng chẳng thích ăn cơm lúc sống, lúc chín do anh trai nấu, không thích mặc những bộ quần áo nhăn nhúm do anh trai giặt,…
 
Rồi đến một đêm, trời Đà Lạt như chìm trong mưa gió. Hàng thông sau nhà cứ gào lên từng đợt, như tiếng khóc ai oán của đất trời cao nguyên. Hà sợ sệt, ôm chặt lấy anh và hét to: “Anh ơi! Em muốn gặp mẹ!”.
 
- Ba, mẹ đều không còn nữa đâu em. Họ sẽ không thể quay về với anh em mình nữa rồi em ơi! 
 
Vừa ôm chặt đứa em bé bỏng vào lòng anh trai Hà nói với em. Giọng anh vang lên khá to khiến Hà im lặng. Rồi dần dần em cũng hiểu được ba mẹ sẽ mãi mãi không quay về. Và giờ đây chỉ còn Nam là người thân duy nhất của mình. Rồi bỗng một hôm Hà thấy anh úp mặt xuống giường khóc thật to. Đó cũng là lần đầu tiên người anh trai thân thiết của em khóc kể từ khi ba mẹ không còn. Hà nhẹ nhàng dùng đôi tay bé nhỏ của mình ôm chặt lấy anh. Cũng từ đó, Hà bắt đầu dựa vào anh. Đi học, Hà đòi anh phải chở đi; tan học, anh trai phải đến đón em mới về.
 
Nhà ở cách khá xa trường học, mỗi ngày, anh Hà đều chịu khó chở em đến trường trên chiếc xe đạp “cà tàng” của ba ngày nào. Đường xa, xe lại cũ, để đưa được em đến trường cho kịp giờ học, người anh ướt đẫm mồ hôi, dù rằng trời Đà Lạt lúc nào cũng khá mát mẻ. Ngồi sau xe, Hà cứ nắm chặt lấy áo của anh. Cũng kể từ đó, Hà không còn khóc đòi ba mẹ nữa. Giờ đây, chỉ còn Nam là người thân duy nhất của em. Chợt dâng lên trong lòng Hà một nỗi lo sợ khó tả. Em lo sợ đến một ngày nào đó, người anh duy nhất cũng sẽ rời xa em. Chính cái cảm giác đó đã làm cho một đứa trẻ mới lên 6 như em trở nên ngoan ngoãn và luôn nghe theo lời anh một cách kỳ lạ. Thế rồi, cái điều lo lắng, sợ hãi kia vẫn xảy ra.  Đó là vào một buổi sáng nọ, sau khi ngủ dậy, Hà thấy mình ở trong một căn nhà khác lạ, còn anh Nam thì không biết đi đâu, em hốt hoảng vừa khóc vừa chạy tìm anh. Chủ căn nhà là một phụ nữ vốn là hàng xóm mà em vẫn thường gọi là dì nói với em rằng, anh Nam đã đi làm xa và nhờ dì chăm sóc, nuôi nấng Hà, từ nay về sau, em sẽ sống cùng gia đình họ. Mặc dù biết gia đình dì là người hàng xóm thân thiết với ba má trước đây, nhưng cảm giác bị anh trai bỏ rơi đã dâng đầy trong em nỗi tuyệt vọng, đớn đau đến cùng cực. Suốt cả ngày hôm đó, Hà bỏ ăn, chỉ biết khóc và khóc…
 
Và rồi Hà cũng dần thích nghi với hoàn cảnh mới, mà sau này, khi lớn lên em mới nhận ra rằng, đó cũng chính là một kiểu để nguôi đi nỗi đớn đau, hờn giận về người anh trai của mình.
 
Hà chủ động phụ giúp việc nhà cho cha mẹ nuôi. Kể từ khi anh Nam bỏ đi, Hà như mất đi quyền nũng nịu, được cưng chiều của một đứa trẻ. Hà cũng có một người anh trai khác, là con của gia đình ba mẹ nuôi. Người này, chỉ hơn em một tuổi và cũng rất nghịch ngợm, đôi lúc còn bắt nạt và giành phần quà nhiều hơn mà mẹ nuôi chia cho hai anh em.
 
Năm Hà 16 tuổi, đang học lớp 9 trường Quang Trung, một buổi tối, khi đang cùng mẹ nuôi gấp quần áo, Hà chợt nghe mẹ nuôi hỏi: “Mấy năm nay, con không nhớ đến anh con nữa sao? Khi đó, Nam còn bé, sao có thể chăm lo cho con được!”.
 
Nghe mẹ nuôi hỏi, em im lặng. Đúng vậy, cũng đã lâu lắm, cô hình như đã quên anh trai của mình mất rồi. Nghĩ đến đó, sự giận hờn từ đâu đó lại vụt về, Hà nói nhanh với mẹ: “Thôi mẹ à! Đừng nhắc đến anh con làm gì nữa.”.
 
Nghe Hà nói vậy, mẹ nuôi em thở dài, hình như trong lòng bà vẫn còn ẩn chứa một điều gì đó, nhưng Hà đã lặng lẽ đi về phòng với đôi mắt còn ươn ướt. 
 
Đúng ra, Hà vẫn còn rất giận anh Nam. Em chỉ biết hăng say, dồn hết tất cả cho việc học tập. Nhờ vậy, Hà đã thi đậu vào lớp chuyên Toán của Trường Chuyên Thăng Long của tỉnh. Còn người anh con ba mẹ nuôi thì học lớp 11 của Trường Phổ thông Trung học Tây Sơn.
 
Một năm sau, khi người anh đang chuẩn bị thi tốt nghiệp phổ thông, ba mẹ nuôi Hà, dù năm đó đã nghỉ hưu nhưng vẫn thuê một sạp nhỏ ở chợ để bán các loại hoa đẹp của Đà Lạt. Và đó cũng là nơi mà Hà vẫn thường đem sách vở học thêm mỗi khi có dịp phải ra phụ ba mẹ nuôi. Vào một buổi tối nọ, khi đang ngồi học, Hà chợt thấy khát nên nhẹ nhàng đi xuống phòng khách để tìm nước uống, thì tình cờ nghe được cuộc trò chuyện vọng ra từ phòng ba mẹ. Em nghe rõ, tiếng người anh nuôi nói với ba mẹ: “Ba, mẹ! Con không chịu đâu. Dù thế nào đi nữa thì con cũng phải học đại học.”
 
- Không được đâu con ơi! Con Hà học giỏi hơn con, nó có nhiều khả năng để thi đỗ đại học.
 
Tiếng nói của ba nuôi Hà tuy nhỏ nhẹ nhưng xem ra có vẻ kiên quyết lắm.
 
- Con ơi! Lấy đâu ra tiền mà nuôi hai đứa ăn học cùng một lúc hả con! Mẹ nuôi Hà nêu một sự thực không phải là dễ giải quyết.
 
Nghe đến đó, Hà như hết khát, em vội quay về phòng. Lúc đó, chợt xuất hiện trong em một quyết định là phải để cho anh nuôi học đại học, còn mình thì sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, em sẽ đi tìm việc, còn không thì cũng phụ giúp mẹ nuôi buôn bán ngoài chợ cũng được. Bời vì từ khi anh Nam bỏ đi, ba mẹ nuôi đã dành cho Hà quá nhiều sự thương yêu rồi. Đây cũng là dịp để em trả lại phần nào công dưỡng dục của họ.
 
Đáng tiếc, năm đó, anh trai nuôi Hà thi tốt nghiệp lại không đỗ, đành phải ở nhà vừa chạy xe thồ vừa phụ giúp gia đình, và ôn tập để thi tiếp. Còn Hà thì ba nuôi vẫn kiên quyết rằng, em phải cố gắng học thật tốt để vào cho được đại học. Nhưng Hà vẫn một mực: “Ba ơi! Con sẽ không thi vào đại học nữa đâu, con đã quyết định rồi!”.Tranh luận với ba hồi lâu vẫn chưa ngã ngũ, thì mẹ nuôi em từ trong bếp nói vọng ra: “Con à! Bây giờ mẹ mới cho con hay. Nguyện vọng của anh con là rất muốn con vào đại học. Con đừng phụ lòng nó. Đã mấy năm nay, hàng năm, anh vẫn gửi tiền về cho con. Ba mẹ vẫn để dành đó cho con vào đại học cơ mà”.
 
Nghe mẹ nuôi nói, Hà ngẩn người. Sau 11 năm, lần đầu tiên em lại nhớ về người anh trai của mình. Rồi chậm rãi, mẹ nuôi nói thêm: “Năm đó, vào cái đêm mà anh trai con bỏ đi, vì biết rằng, một đứa trẻ mới 14 tuổi như nó, thì khó có thể cưu mang để nuôi em ăn học nổi, nên nó quyết định đi làm thuê để kiếm sống và gửi con nhờ cho ba mẹ chăm lo. Nó bán nhà và đưa phần lớn số tiền đó cho ba mẹ, và ba mẹ đã hứa với nó là sẽ chăm sóc và nuôi dưỡng con nên người. Trước khi rời xa, anh con đã hứa với ba mẹ rằng: “Dì à, con nhất quyết sẽ về đón em. Con mong dì và cả gia đình chăm sóc tốt cho nó…”. Khi con bước vào lớp 5, mỗi tháng, khi ít, khi nhiều anh con đều đặn gửi cho ba mẹ một ít tiền để phụ nuôi con đến ngày nay. Nhiều năm qua, chúng ta đã không phải với con, luôn để cho con ấm ức…”. Mẹ nuôi nghẹn lòng không nói tiếp được. Bà cứ ôm lấy Hà mà khóc tức tưởi.
 
Ôi! Vậy là anh trai đâu có bỏ rơi em gái mình. Những năm qua, anh làm gì và sống ở đâu? Sao không về thăm em? Nhiều câu hỏi cứ lần lượt xuất hiện trong đầu Hà. Thì ra, anh Nam chưa bao giờ bỏ rơi em gái, mà vẫn một lòng yêu thương Hà.
 
Từ địa chỉ người gửi tiền, dù không ghi cụ thể, nhưng Hà vẫn nhận ra là ở thành phố Hồ Chí Minh. Từ đó, Hà quyết tâm, nhất định phải vào thành phố tìm anh cho bằng được.
 
Một năm sau, Hà thi đậu vào Trường Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh với số điểm gần như tuyệt đối. Trong suốt 4 năm miệt mài học tập, Hà vẫn không nguôi nghĩ về người anh trai của mình. Thế nhưng giữa thành phố rộng lớn này, tìm một con người cụ thể quả như là “mò kim đáy bể”.
 
Sau hơn 4 năm cần cù, chăm chỉ học tập, Hà đã tốt nghiệp với tấm bằng loại giỏi và được một công ty nước ngoài nhận vào làm việc ngay. Thế là, vừa đi làm, Hà vừa tranh thủ những lúc rảnh rỗi tìm anh mà vẫn chẳng thấy tin tức gì của anh cả. Và vào cái lúc gần như tuyệt vọng, thì cũng là lúc em tình cờ nhìn thấy một bài viết trên mạng giới thiệu về một người sửa xe đạp: “Trước một quầy báo nhỏ, ven đường, có một chàng trai nhỏ, gầy gò, ốm yếu, bị mất một cánh tay, đang sửa xe đạp…”. Chợt Hà nhìn thấy dòng chữ ghi tên của người thợ sửa xe là Nam. Như có luồng điện chạy qua người, tim em đập mạnh hồi hộp, người này chẳng phải là anh Nam của mình sao? Trấn tĩnh, Hà đọc tiếp: “Năm 19 tuổi, người thanh niên này làm việc ở một công trường xây dựng. Trong lúc đang làm việc, một sự cố về máy móc đã xảy ra, nên anh đã mất đi một cánh tay. Từ đó, anh lang thang, phiêu dạt khắp nơi làm đủ nghề để kiếm sống: nhặt phế thải, bán báo, quét dọn vệ sinh ở chợ… Thấy hoàn cảnh của anh quá tội nghiệp, chủ nhân của ngôi nhà có mặt tiền ở thành phố đã giúp anh một khoản tiền vừa đủ để anh mở một sạp báo nhỏ và sửa xe đạp, ngay tại vị trí hiện nay mà anh đang tá túc. Động lực duy nhất để anh sống lạc quan và chăm chỉ kiếm sống chính là cô em gái nhỏ của mình còn ở quê…”.
 
Rất nhanh chóng, Hà xuất hiện trước quầy báo. Khi đó, anh thợ đang bận rộn sửa xe cho khách. Mặc dù chỉ làm việc với một tay, nhưng động tác của anh rất nhanh nhẹn và thuần thục. Hà bước lại gần, mắt em như nhòa đi. Trước mắt Hà, chính là người anh mà em đã từng hận vì đã bỏ rơi em gái nhỏ của mình ngày nào.
 
Em mua báo à? Nam ngạc nhiên khi nhìn thấy Hà. Anh đứng lặng, mắt cũng đỏ. Giao vội xe cho khách, anh Nam ngồi xuống, cánh tay còn lại lau vội nước mắt đang lặng lẽ tuôn xuống trên khuôn mặt gầy gò, khốn khổ. Ôm chặt lấy anh, Hà khóc nức nở: “Anh ơi! Em là Hà, em gái của anh đây!”.
 
Hai anh em ôm chặt nhau. Đã lâu lắm rồi, dễ có đến hơn 20 năm, Hà đã không được ôm anh như vậy. Cảm giác đó vẫn ấm áp như hồi bé. Đó là cảm giác được người anh che chở và cưng chiều…
 
Truyện ngắn: HOÀNG KIM NGỌC