Hotel Bồng Lai

08:05, 11/05/2017

Dãy núi chạy dài từ phía Tây Nam như đàn voi khổng lồ thời tiền sử được dòng nước dìu về đến đây thì dừng lại châu đầu vào một hồ nước lớn. Hotel Bồng Lai tọa lạc trên ngọn đồi nhìn về hướng Đông Nam, trước mặt là hồ, xa hơn là biển xanh, tựa sơn đạp thủy, quả là đắc địa.

Dãy núi chạy dài từ phía Tây Nam như đàn voi khổng lồ thời tiền sử được dòng nước dìu về đến đây thì dừng lại châu đầu vào một hồ nước lớn. Hotel Bồng Lai tọa lạc trên ngọn đồi nhìn về hướng Đông Nam, trước mặt là hồ, xa hơn là biển xanh, tựa sơn đạp thủy, quả là đắc địa.
 
Minh họa: Phan Nhân
Minh họa: Phan Nhân
Lui tới Bồng Lai đều là khách VIP, những quan chức cao cấp, các chính trị gia, nghệ sĩ lớn, doanh nhân thành đạt, thuộc đủ các quốc tịch, màu da... không những họ được hài lòng về cảnh quan, không khí trong lành, mà còn cả cung cách phục vụ nữa. Tổng giám đốc là người Mỹ, thuộc Tập đoàn Nhà hàng khách sạn xuyên quốc gia, giám đốc điều hành người Pháp, còn đội bảo vệ là người Việt. Bồng Lai vận hành trôi chảy và hàng năm nộp ngân sách nhiều tỷ đồng. Có điều trước đây tiêu chí an ninh - an toàn được đặt lên hàng đầu thì sang thời buổi hội nhập, kinh tế thị trường này lợi nhuận mới là quan trọng, kéo theo sự lỏng lẻo về nội quy mà hứng chịu trước tiên là ông đội trưởng đội bảo vệ.
 
Ông tên Minh, 20 năm trước, khi mới được nhận vào làm việc ông tròn 30 tuổi, giám đốc điều hành bảo đổi thành Michel cho dễ gọi nhưng ông không đồng ý. Ông nói, nếu việc đổi tên không phải là bắt buộc thì tên tôi thế nào các ông gọi như thế. Người xương xương, da ngăm ngăm khắc khổ, lông mày rậm, mắt sáng nhìn thẳng, nhanh nhẹn, trầm tĩnh như một ông giáo, cộng với vóc người nhỏ thó xem ra không phù hợp lắm cho công việc bảo vệ cần cái uy bề ngoài.
 
Có lần xe giám đốc đi công tác đem theo một số hành lý đã rồ máy, Minh yêu cầu liệt kê danh sách những thứ định mang ra khỏi cửa. Đó là nguyên tắc nhưng chưa bảo vệ nào dám thực hiện từ xưa đến nay. Không những không giận, vị giám đốc người Pháp này còn tỏ ra thích thú và mến mộ ông hơn. Chính làm việc với các sếp Việt Nam mới khó, họ quan niệm phải tuân thủ nội quy của khách sạn như là tự hạ giá mình. Ngay tối hôm qua thôi, chuyện xảy ra còn nóng hổi.
 
Sau khi làm thủ tục lễ tân, vị khách VIP xách chiếc cặp da nhỏ xăm xăm về phòng như về nhà mình, theo sau là một em chân dài, thay vì trình giấy tờ lại đặt tờ 500 ngàn lên bàn. Minh rảo bước theo. VIP rút di động gọi oang oang: “Mày xem, cái thằng chó nó cứ theo tao mãi!”. Minh yêu cầu cô gái cho xem giấy tờ thì không có một thứ giấy tờ gì trong người.
 
- Cô không phải khách, không được phép vào!
 
Ngay lúc đó, ngoài cửa chiếc xe đen bóng xịch đến, một lãnh đạo ngành du lịch của tỉnh cũng thường xuất hiện ở hotel bước ra hấp tấp chạy lại:
 
- Đây là đối tác quan trọng, quyết định việc làm ăn của cả tập đoàn các anh.
 
- Nội quy hotel đã quy định, không thể không chấp hành!
 
- Nhưng đây là trường hợp đặc biệt.
 
- Vậy tôi yêu cầu các anh viết giấy bảo lãnh.
 
- Được thôi! - Anh ta rút bút bi cài trên túi áo ngực, lầm bầm - Rõ là “bảo hoàng hơn cả nhà vua!”.
 
Minh về nhà đúng 12 giờ đêm, vợ cằn nhằn. Khoảng 7 giờ sáng có điện thoại:
 
- Mời anh đến ngay, có phòng bị mất trộm. - Nhân viên đội bảo vệ gọi ông.
 
Vẫn khách VIP hôm qua, cái người đã gọi ông là “chó”. Nhưng lúc này phải hết sức khách quan, nhiệm vụ của ông là làm rõ sự việc. Khách khai báo là 6 giờ 30 phút xuống ăn sáng, lên thì thấy cửa phòng mở, hành lý bị bới tung, mất chiếc di động trị giá 60 triệu đồng. Và... ông ta dừng lại, hình như còn một xấp đô la trong phong bì mà ông ta chưa kịp đếm.
 
- Đêm qua có ai vào phòng này không? - Minh hạ giọng, nhìn sâu vào mắt VIP.
 
- Không! Có một mình tôi thôi. Chắc chắn mất khi tôi xuống restorant. 
 
Nghĩa là nhân viên phục vụ hay khách phòng bên cạnh? Một mất mười ngờ. Đội trưởng đội bảo vệ đi một vòng quanh phòng rồi mở cửa toa lét, vài phút sau vẫy khách lại:
 
- Cái gì đây? - Ông chỉ chiếc bao cao su lềnh bềnh trong bồn cầu. 
 
Vị khách tái mặt: 
 
- Thôi thôi! - Ông ta giơ cả hai tay huơ huơ như muốn xóa đi - Ở đây chỉ có tôi với anh, coi như chưa có chuyện gì xảy ra!
 
- Cho biết số máy của anh?
 
Minh bấm gọi. Đầu bên kia có tiếng cô gái:
 
- Mất di động phải không? Nôn 10 triệu ra đây.
 
VIP giật máy trên tay đội trưởng đội bảo vệ:
 
- Này, báo cho cô biết, muốn công an tóm vào trại phải không?
 
- Chú nên nhớ rằng cháu mới 16 tuổi!
 
Ghê chưa, vị thành niên đe cả ông già. VIP cúi đầu nghĩ ngợi.
 
- Bốp! - Một cái tát nổ đom đóm.
 
Tưởng viên đội trưởng đội bảo vệ đánh mình, nhưng không phải, VIP cứ thấy rõ dần, rõ dần... hiện lên “Sư tử Hà Đông”, tay dắt đứa con nhỏ. Bà ta cố ý cho nó chứng kiến bố nó là người như thế nào. VIP đã giẫm lên nội quy, pháp luật, nhưng còn luân lý, gia phong nữa chứ. VIP sợ vợ hơn sợ pháp luật. “Sư tử Hà Đông” không nói một lời, kéo con ra. Đêm qua bà gọi điện cho chồng thì con đĩ cầm máy tuôn ra hết.
 
*
 
Làm bảo vệ không khó, không đòi hỏi phải có học vấn cao, song để hoàn thành nhiệm vụ không phải dễ. Phải tinh tường và đầy trách nhiệm. Trong cái túi xách tay kia có hêrôin, chất nổ không? Mất cắp vặt có thể xảy ra ngay trong nhà bếp, từ con dao cái kéo đến hộp sữa, ký thịt bò... do chính nhân viên của mình, những người nắm vững quy luật ra vào và đi lại hợp pháp. Khách đến để nghỉ đã đành, để buôn lậu, đánh ghen, trộm cắp, thậm chí tâm thần muốn tự tử... Phải có con mắt nghiệp vụ, “soi mói một cách lịch sự”, không tin hẳn, nhưng cũng không làm khách mếch lòng. Luôn bị người ta cho là gây khó, cản trở. Hotel êm ả, không xảy ra sự cố là kết quả của bao nhiêu nỗ lực thì chẳng ai nói gì, không một lời khen, dễ dãi để xảy ra chuyện lại gọi đến bảo vệ. Khách bất chấp nội quy đã có người can thiệp, bảo lãnh. Việc làm không giờ giấc, vừa đặt mình xuống giường lại có điện thoại, vợ con nghi ngờ... Không thể mỗi lúc mang chuyện cơ quan ra thanh minh, mà càng thanh minh càng bị nghi ngờ. Nhân ngày lễ có vị khách hào phóng tặng quà cho lãnh đạo, tiếp tân, nhân viên nhà hàng... nhưng quên béng đội bảo vệ! Khó để bình an cho khách, ai hiểu cho đâu.
 
Hôm qua khách VIP còn gọi ông là chó nữa cơ chứ. Nói tiếng Việt oang oang trong máy lúc sau lại dùng tiếng Anh cự ông:
 
- Tôi sẽ tố cáo các anh vi phạm nhân quyền, can thiệp vào đời tư của khách!
 
Á à, định dọa nhau đây, Minh không vừa:
 
- Trước hết là ông không tôn trọng tôi, không tôn trọng tiếng mẹ đẻ của ông. Ông hãy dùng tiếng Việt như vừa chửi tôi ấy. Xin nói cho ông biết, đây là khách sạn 5 sao, tôi có chứng chỉ EU của Tập đoàn quản lý nhà hàng khách sạn Pháp và thực hiện chức năng bảo vệ theo luật quốc tế.
 
Lúc ấy vị khách mới chịu im. Luật pháp đầy sức mạnh đã nâng người đội trưởng đội bảo vệ nhỏ thó lên một tầm cao mà những vệ sĩ lực lưỡng không có được. Một lần nhìn thấy một vị khách dụi đót thuốc lá vào chậu cây cảnh, Minh yêu cầu nhặt lên bỏ vào thùng rác, ông ta xấu hổ hỏi anh là ai. “Tôi là nhân viên bảo vệ, công dân Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam! Đủ chưa?”.
 
- Phải vực dậy kỷ cương như trước thời mở cửa, kinh tế thị trường. - Minh trao đổi với giám đốc điều hành. Ông ta đồng ý ngay và bổ sung thêm:
 
- Là tập đoàn xuyên quốc gia chúng ta phải duy trì những tiêu chí làm nên đẳng cấp, thương hiệu của nó. Nhưng ở mỗi nước lại có văn hóa riêng, Bồng Lai ở Việt Nam phải có phong cách, mỹ tục Việt. Tôi tin ông đội trưởng và nhân viên của ông thể hiện nó trong công việc của mình.
 
*
 
Nhưng thương thay, những dự định tốt đẹp của họ đã không có cơ hội hiện thực hóa. Con đĩ 16 tuổi (theo như nó nói) lại trở về Bồng Lai trong vai trò “Giám đốc thực tập dịch vụ chăm sóc khách hàng”.
 
- Tôi sẽ vạch mặt cô! - Giám đốc điều hành tức giận. - Một chiêu đãi viên hàng không bị kỷ luật, không có cái gì khác ngoài cặp chân dài. Cô tưởng cô là ai cơ chứ?
 
Nhếch mép cười giễu, cô ta nói bằng tiếng Pháp:
 
- Tôi là ai? Rồi ông sẽ biết!
 
Và... một đám cưới linh đình được tổ chức ngay trong khách sạn trước khi cô ta nhận bằng tốt nghiệp. Cô dâu 16 khoác tay vị Tổng giám đốc người Mỹ đến từng bàn nâng cốc.
 
Phu nhân Tổng giám đốc lên thay giám đốc điều hành ngay khi ông ta nhận quyết định đến một hotel khác. Đội bảo vệ của Minh bị giải thể, thay vào đó là mấy vệ sĩ chẳng biết mô tê gì về những hoạt động trong hotel Bồng Lai.
 
Đã đến lúc cần một nhân viên trung thực, có thể tin được, bà giám đốc nghĩ đến Minh:
 
- Riêng ông đội trưởng đội bảo vệ có quyền ở lại nếu ông thích.
 
- Cám ơn bà! - Minh trả lời.
 
Lâu lắm rồi, có một ông thầy phong thủy đến ngủ một đêm ở Bồng Lai đã nói: “Bồng Lai chỉ phát được một đời!”. Vị giám đốc điều hành người Pháp bắt tay đội trưởng đội bảo vệ trong tiếng thở dài.     
 
Truyện ngắn: CHU BÁ NAM