Ðọc "Tây Tiến" ở Mộc Châu

09:12, 28/12/2017

Ðường lên Tây Bắc xa xôi, bao nhiêu quanh co, đèo dốc, cuối cùng cũng tới Mộc Châu, Sơn La, thăm Khu di tích lịch sử lưu niệm Trung đoàn 52 Tây Tiến.

Ðường lên Tây Bắc xa xôi, bao nhiêu quanh co, đèo dốc, cuối cùng cũng tới Mộc Châu, Sơn La, thăm Khu di tích lịch sử lưu niệm Trung đoàn 52 Tây Tiến.
 
Bức tượng nhà thơ Quang Dũng và bài thơ  “Tây Tiến”. Ảnh: B.H
Bức tượng nhà thơ Quang Dũng và bài thơ “Tây Tiến”. Ảnh: B.H

Trung đoàn 52 Tây Tiến được nhiều người biết đến qua bài thơ “Tây Tiến” của nhà thơ Quang Dũng. Trung đoàn được thành lập 27/2/1947, tham gia chiến đấu ở mặt trận Tây Bắc và Thượng Lào. Trong những năm tháng xây dựng lực lượng, tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp, đoàn quân Tây Tiến đã vượt qua bao chặng đường gian khổ, hy sinh, lập nên những kỳ tích anh hùng, góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc. Khu di tích là nơi đón các cựu chiến binh, đồng bào chiến sĩ cả nước đến tham quan, ôn lại những trang sử hào hùng bi tráng của Trung đoàn Tây Tiến năm xưa. Nét đặc sắc của công trình là ý tưởng thiết kế được lấy theo bài thơ “Tây Tiến” của nhà thơ Quang Dũng sáng tác năm 1948. Bài thơ như linh hồn của Trung đoàn, với hình ảnh những chiến sĩ trên bước đường hành quân khó khăn, gian khổ vẫn hào hoa, lạc quan cách mạng; những thanh niên, sinh viên Hà Nội, chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và nghĩa vụ quốc tế cao cả. 
 
Nhà truyền thống trưng bày nhiều hình ảnh của các anh bộ đội Tây Tiến, áo trấn thủ, gương mặt hồn nhiên yêu đời. Ở đây có bức tượng nhà thơ Quang Dũng cùng với bài thơ, thể hiện tình cảm của ông với đồng đội, và những hình ảnh chân thực về những gian khổ, hy sinh của bộ đội ta. 
 
Đường lên khu di tích được thiết kế 52 bậc dốc, zíc zắc, mô phỏng lại con đường hành quân đầy khó khăn, gian khổ, hiểm nguy mà người lính Tây Tiến đã trải qua. Toàn bộ phần chính của khu lâm viên có kiến trúc hình khối chữ nhật, vững chắc, xung quanh có 5 bức phù điêu được thiết kế liên tục, kể lại câu chuyện chiến sĩ Tây Tiến tạm biệt Hà Nội lên miền Tây bảo vệ Tổ quốc. 5 bức phù điêu là 5 câu chuyện cảm động về người chiến sĩ tuy gian lao vất vả trên đường hành quân mà vẫn lạc quan yêu đời, và tình cảm của nhân dân các dân tộc Tây Bắc yêu thương đùm bọc các anh. 
 
Hai bên lối đi dẫn đến đài tưởng niệm là hình tượng Thạt Luông, rừng lau. Thạt Luông là biểu tượng văn hóa tinh thần của nhân dân các bộ tộc Lào; bông lau là hình ảnh thân thuộc, mộng mơ, linh thiêng của núi rừng Tây Bắc. Đài tưởng niệm văn bia được thiết kế theo hình cụm lưỡi lê, vươn thẳng lên trời cao, như hình ảnh: “Heo hút cồn mây, súng ngửi trời” trong bài thơ Tây Tiến. 
 
Mộc Châu, nơi tập kết của Trung đoàn Tây Tiến, để từ đây bộ đội ta tỏa đi khắp chiến trường Tây Bắc - Thượng Lào. Chiến trường gian khổ, hy sinh, các anh đi chẳng hẹn ngày về. “Rải rác biên cương mồ viễn xứ/ Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh/ Áo bào thay chiếu anh về đất/ Sông Mã gầm lên khúc độc hành”.
 
Tây Tiến
 
Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!
Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi
Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây, súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi
Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục lên súng mũ bỏ quên đời!
Chiều chiều oai linh thác gầm thét
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người
Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi
Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên man điệu nàng e ấp
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ
Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa
Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm
Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
áo bào thay chiếu, anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành
Tây Tiến người đi không hẹn ước
Đường lên thăm thẳm một chia phôi
Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy
Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi.
 
Phù Lưu Chanh, 1948
QUANG DŨNG

B.H