Chiều mưa Ðà Lạt

08:11, 29/11/2018

"Anh là người đến trễ... với Đà Lạt". Câu trách khéo của thiếu phụ với tôi, thế mà đúng. Mười bảy năm có lẻ! Đà Lạt cách Nha Trang nào có bao xa. Chỉ một con đèo Sông Pha uốn lượn. Nếu vào lúc trời trong từ con đường lộ, bằng mắt thường tôi vẫn có thể nhìn thấy cây gậy sắt bạc gác trên sườn núi. 

“Anh là người đến trễ... với Đà Lạt”. Câu trách khéo của thiếu phụ với tôi, thế mà đúng. Mười bảy năm có lẻ! Đà Lạt cách Nha Trang nào có bao xa. Chỉ một con đèo Sông Pha uốn lượn. Nếu vào lúc trời trong từ con đường lộ, bằng mắt thường tôi vẫn có thể nhìn thấy cây gậy sắt bạc gác trên sườn núi. Đó chính là đường ống dẫn nước từ trên độ cao 1.500 mét của cao nguyên Lang Bian đổ xuống Nhà máy thủy điện Đa Nhim. Cũng tại tôi lười mà Đà Lạt trở nên xa xôi cách trở. 
 
Tôi cứ ngắm mãi bông hoa hồng nhung của thiếu phụ ngắt tặng kèm theo câu trách khéo. Cái màu hoa đỏ thắm phảng phất thơm như đôi môi của nàng. Tháng tám mà trời ở đây se lạnh. Mưa bụi rắc lây phây trên mái tóc và tấm áo len màu xanh đan mỏng càng lộ rõ thân hình gọn gàng, mái tóc xõa ngang vai óng ả của nàng. Tôi thầm đoán rằng nàng ở độ tuổi ba lăm.
 
 “Nếu anh thích hoa Đà Lạt, xin mời anh xuống chơi nhà tôi!”. Nàng hơi mỉm cười, nửa như không đành khi bộc lộ lòng hiếu khách, nửa như thách đố tôi, một chàng trai lạ lần đầu đến với xứ sở sương mù. Không cần đợi tôi trả lời, nàng đã rẽ ngược lên đồi, khuất lấp sau hàng rào thưa phủ đầy một loại dây leo có những chùm hoa đỏ trông xa như những trái ớt. Tôi còn nhìn theo mãi cho đến lúc bóng áo xanh của nàng hiện ra thấp thoáng sau những gốc cây thông, nơi đỉnh đồi.
 
Minh họa: Phan Nhân
Minh họa: Phan Nhân

Một buổi chiều buồn và vô vị sau cả giờ đồng hồ tôi cùng với một người bạn đi chơi chợ, vào ngắm cảnh chùa Tàu, xem khu du lịch Minh Tâm. Mỗi một ô cửa bán vé quả là một cái máy chém tiền không phải dành cho những người như tôi - ăn lương công chức và viết văn kiếm tiền lai rai ở các báo. Chỉ càng thêm bực mình với cái mùi nước hoa lạ - và những chiếc váy díp ngắn cũn cỡn, những nụ cười của các cô gái Sài Gòn chỉ để dành cho những anh “phó nháy”. Họ là khách du lịch đưa nhau đi thưởng ngoạn những trận mưa ngâu cuối thu.
 
Tôi quyết định ghé thăm nhà nàng. Dù không biết tên và cả căn nhà nơi nàng ở đâu đó khuất sau đỉnh đồi. Tôi tự an ủi mình bằng một câu: “Ta đi tìm cảm hứng... Ta là người khách lạ...”.
 
Con đường mòn ẩm ướt dưới tán cây thông đưa tôi tới đỉnh đồi. Đi thêm một đoạn nữa xuống mé đồi bên kia tôi đã nhìn thấy một ngôi nhà nhỏ. Bao quanh trước cửa nhà là những luống hoa hồng, hoa cúc, thược dược, hoa huệ. Cả một vùng không gian sực nức mùi thơm. Dăm cây hồng quả sai chíu chít, nhiều quả ửng vàng. Trong nhà có ánh điện sáng. Cửa mở. Tôi mạnh dạn bước vào.
 
Người thiếu phụ đang ngồi cạnh một chiếc bàn gỗ cũ kỹ. Vây quanh nàng là những miếng gỗ thông bày la liệt đã được bào nhẵn nhụi đóng thành khung. Một chiếc khay đựng màu và những cây bút lông. Nàng đang vẽ lên một tấm gỗ thông bức tranh hồ Xuân Hương. Nghe tiếng chân tôi khua động trên lớp sỏi lạo xạo, nàng hơi ngửng đầu lên nhìn tôi giây lát, mỉm cười ra dấu xin lỗi và có ý bảo tôi ngồi chờ nàng. Linh cảm nhạy bén của một người đàn ông mách bảo với tôi rằng, hình như nàng biết thế nào tôi cũng đến. Còn đến vì mục đích gì, thì đôi mắt sáng long lanh, hơi mơ mộng và nụ cười mỉm thật dễ thương của nàng lại chẳng nói lên điều gì. Tôi tôn trọng sự sáng tạo của nàng, tự chọn cho mình một cái ghế có bọc nệm ấm áp và lặng lẽ quan sát. Bàn tay trắng có những búp thon của nàng cùng với cây bút lông như múa trên tấm gỗ tưởng như đang lạnh cóng với không khí ẩm ướt, nhớp nháp ở ngoài trời. Đột nhiên, trời lại đổ mưa. Nhưng trong ngôi nhà vẫn ấm áp dễ chịu. Chỉ vài phút, trên tấm gỗ thông đã hiện lên hình núi non, mảng xanh sắc màu của lá. Những thân cây thông có màu nâu đen. Còn mặt nước hồ Xuân Hương được phủ lên một màu xanh nhạt. Nhưng tôi ưa nhìn nhất những ngọn cây thông trong bức tranh. Nó sống động đến nỗi tôi tưởng như nàng đã bê những cây thông ở ven đồi đặt vào bức tranh của mình. Vốn là người ít nhiều am hiểu về nghệ thuật hội họa, tôi biết những bức tranh do nàng tạo ra hàng loạt chỉ có giá trị vài ba đồng bạc. Nghĩa là vừa đúng một tô phở đặc biệt ở xứ này. Nhưng giây khắc này nhìn nàng vẽ một cách mê mải, cần mẫn, tôi có cảm giác như nàng đang trút vào cây bút chất màu tình yêu say đắm của mình với cái thành phố trên cao nguyên quanh năm gió lạnh. Có lúc tôi còn nhận ra nàng nín thở để quết lên một gam màu ưng ý. Chao ôi! Nghệ thuật quả là kỳ diệu. Dù tôi biết mười mươi, vào sáng ngày mai người nghệ sĩ dân gian này đưa ra ngoài chợ những tấm tranh theo một hình mẫu đã định sẵn của mình thì những cô gái bán hàng mỹ nghệ trong các quầy hàng mọc ra chi chít ở mọi nơi có bàn chân du khách đặt đến, cũng chỉ coi tấm tranh của nàng như một món hàng mỹ nghệ rẻ tiền. Phần lời của kẻ đứng bán tranh có khi bằng công sức của người tạo ra bức tranh, thậm chí hơn nếu gặp phải những tay khách hàng khờ khạo.
 
 “Tại sao?”. Tôi cứ tự hỏi mình như vậy. Tôi đã có được cái diễm phúc đến thăm người đàn bà vô danh vào chính cái lúc nàng đang sáng tạo. Hay đây cũng là trò đùa của tạo hóa sắp đặt?
 
 - Công việc của tôi, hẳn làm cho anh thấy nhàm chán?
 
 Nàng đã vẽ xong bức tranh, đặt nó trên một cái giá. Nàng lau tay vào một tấm giẻ sạch và đứng dậy.
 
 - Không... không...! - Tự dưng tôi bối rối, đỏ mặt. Hệt như một đứa trẻ ăn vụng bị bắt quả tang.
 
 Không đợi tôi nói, nàng bảo: - Tôi làm công việc này đã cả chục năm. Lúc ba má tôi còn sống người cũng làm tranh để kiếm kế sinh nhai.
 
 - Còn trước đó! - Tôi hỏi.
 
 - Công việc của tôi ư? Có lúc tôi đi bán hàng, làm hướng dẫn viên du lịch... Rồi bỏ? - Nàng cười, hàm răng sáng lóa, như có ý thanh minh - Có thể lỗi ở tôi... Tôi không quen với hoàn cảnh, càng không quen chiều chuộng, cúi mình trước kẻ có quyền thế.
 
 Có thể anh không tin, nhưng tôi kể cho anh nghe chuyện này. Hồi tôi mới chuyển về làm công ty du lịch, tay trưởng phòng của tôi là một gã đàn ông có máu “dê”. Gã thấy tôi cô đơn, nên tán tỉnh gạ gẫm. Hắn đã có vợ con ở B’Lao, gia đình giàu có. Tôi biết gã chẳng yêu thương gì, chẳng qua là lợi dụng hoàn cảnh mẹ góa con côi của mình. Tôi cự tuyệt một cách tế nhị, cũng là để giữ thể diện cho gã. Một ca trực đêm, gã trưởng phòng mò vào phòng tôi. Gã dở trò giả say để ép tôi làm chuyện bậy. Tôi đã giáng cả một cái cốc thủy tinh vào mặt gã. Sau đêm ấy, tôi bỏ việc. Tôi đâu có sợ chết đói nhưng không chịu đựng nổi sự sỉ nhục.
 
Tôi nhìn mắt nàng. Tin nàng nói thật. Có lẽ người như nàng không thể quen được với sự xô bồ, kệch cỡm. Cả sự nhố nhăng, đê tiện nữa. Làm sao có thể tránh khỏi ở cuộc sống này. Nàng đẹp. Tôi đoán chắc như vậy, ở tuổi 18, đôi mươi. Bởi bây giờ nàng vẫn đẹp dù tôi biết chắc nàng đã có chồng con. Chỉ có điều tôi vẫn chưa thấy một nhân vật thứ ba xuất hiện ngoài một con mèo tam thể luôn nằm trên một tấm nệm nhỏ ngay dưới chân nàng, kể từ lúc tôi đến đây. Tôi còn có cảm giác ngôi nhà này đã lâu thiếu vắng bàn tay, hơi ấm của người đàn ông.
 
 - Chồng chị đi đâu? - Tôi hỏi, dù biết rằng hơi bất nhã với người phụ nữ mới quen biết chưa được vài giờ đồng hồ.
 
 Nàng không nhìn tôi, mà lại hướng mắt ra ngoài sân đã tạnh mưa.
 
 - Ảnh mất lâu rồi. Từ lúc cháu Quỳnh Hoa chưa ra đời kia...
 
 - Và chị...?
 
- Tôi nghĩ cuộc đời tôi thế là quá đủ cho một cuộc tình. Tôi đã học ở đâu đó câu này “Tình yêu chân chính như một bóng ma. Nghe nói thì nhiều nhưng ít người nào gặp được”. Cho đến bây giờ tôi vẫn bàng hoàng nghĩ lại câu chuyện về người chồng đã quá cố của tôi cách đây 17 năm trước. Cũng ở căn nhà này, anh cũng ngồi ở chính cái ghế mà anh đang ngồi nhìn tôi vẽ tranh phong cảnh. Chỉ có điều ngôi nhà phải đóng kín cửa, vì sợ toán lính dân vệ đi trên đồi xộc vào bất ngờ...
 
 Trong nhiều năm, tôi không hề biết rằng cả ba má tôi là người của “Mặt trận” hoạt động hợp pháp trong thành phố. Ông mở xưởng cưa, xưởng nước đá cũng là tìm cách để gây quỹ cho cách mạng, lấy chỗ trú ngụ hợp pháp cho các anh ở trên núi đi về. Tôi là con một, được ba má cưng chiều. Ngoài công việc đi học, đi chơi với bạn bè vào những ngày nghỉ tôi không phải làm việc gì hết. Con gái của một chủ xưởng - tôi được bạn bè gọi vậy, thực ra cũng là một cái vỏ bọc tốt, giúp cho ba tôi che giấu tai mắt của địch. Lờ mờ, tôi cũng đoán hiểu được công việc của ba mẹ. Ba tôi cũng không có ý giấu tôi mãi. Đôi ba lần, tôi đã đi mua thuốc tây, chuyển thư cho ba tôi...
 
 Trước ngày giải phóng thành phố chừng ba tháng, có một đêm ba tôi đón về ở trong nhà một người thanh niên. Ba gọi tôi vào và bảo: “Đây là chú Hoàng - sẽ đến ở trong nhà ta ít ngày. Bạn bè con đến chơi không được để cho thấy có người lạ trong nhà”. Ban ngày Hoàng ở trong gian nhà hầm chứa đồ. Tối đến anh mới ra ăn cơm rồi thay đồ đi công chuyện...
 
 Vào những buổi chiều im ắng không có dấu hiệu nguy hiểm, Hoàng thường ra ngồi xem tôi vẽ. Anh bảo: “Anh cũng mê hội họa lắm nhưng mới học xong lớp 10, anh đã nhập ngũ”. Để được đi bộ đội Hoàng đã phải rạch tay lấy máu viết đơn, vì anh chưa đủ tuổi. Tôi không tin cho là anh bịa. Có lần tôi hỏi Hoàng: “Anh biết chi về miền Nam mà dám vô đây?”. “À, anh đọc trong sách. Cuốn “Đất rừng phương Nam”. Anh mê những sân chim, rừng đước, đi săn cá sấu... Chẳng ngờ lại lên với cao nguyên Lang Bian”. “Chắc anh chán những đồi thông”. “Không, không... Thông Đà Lạt đẹp lắm”. Anh đáp mà tôi thấy mặt đỏ bừng. Anh đã thử giúp tôi vẽ tranh. Chỉ nhìn qua, tôi biết anh có tài vẽ. Hoàng xin tôi một tấm gỗ thông và dùng màu vẽ một bức họa rất đẹp về Hồ Gươm và Tháp Rùa. Lúc đầu tôi không hiểu, chỉ thấy lạ. Hoàng giải thích đây là một thắng cảnh ở Hà Nội. Và bảo: “Mai này đất nước thống nhất, anh sẽ đưa em ra Thủ đô Hà Nội ngắm cảnh Hồ Gươm”. Tôi là một đứa con gái mơ mộng và lãng mạn. Tôi đã yêu Hoàng. Không tính toán, bất chấp hiểm nguy và không nghĩ rằng anh là người đang bị săn đuổi. Chỉ cần lộ ra cả anh và cả nhà tôi đều chết. Hàng đêm, tôi nén đợi anh, có khi Hoàng đi tới hai ba giờ sáng mới về. Anh là trinh sát an ninh, đang có nhiệm vụ thu thập tin tức của địch để chuẩn bị một chiến dịch lớn đánh vô thành phố. Có bữa ba tôi cùng đi với anh.
 
 Tôi chỉ biết về anh có vậy. Một đêm, Hoàng về nhà vào quãng 11 giờ khuya.
 
Tôi trốn ba má xuống gặp anh. Hoàng bảo: “Có thể anh sắp xa em... Anh muốn nói với em điều này. Anh định thưa với ba má em cho phép chúng mình yêu nhau và anh sẽ cưới em làm vợ”. “Cưới ư?” - Tôi kêu lên, ngạc nhiên. “Phải, Mỹ ngụy sắp thua rồi em ạ. Em có muốn làm vợ anh không?” “Có! Có...” - Tôi đáp không cần suy nghĩ. “Mai này thống nhất, anh sẽ đưa em ra Hà Nội để coi Tháp Rùa...”. “Hà Nội đẹp lắm có phải không anh?”.
 
 Đêm ấy, trời tạnh ráo. Bầu trời như được đẩy lên cao. Chúng tôi nằm trên thảm cỏ nghe tiếng thông reo và nhìn những vì sao. Cỏ mềm và ấm. Đôi môi tôi khô khát. Tôi và anh như hai dòng suối phải len lách qua bao nhiêu thác ghềnh, rừng núi nay được hòa nhập đổ vào dòng sông lớn. Trong giây phút thiêng liêng ấy, cả tôi và anh đều như thầm nguyện sống bên nhau đến trọn đời. Những vì sao khuya và vành trăng mỏng manh như một lá lúa trước gió đã chứng giám cho tình yêu của chúng tôi... Nhưng cái việc tôi yêu Hoàng tôi chưa bao giờ muốn cho ba mẹ tôi biết. Dưới con mắt của hai người, tôi vẫn chỉ là một con bé con ham chơi, ưa xài tiền và làm nũng cha mẹ.
 
 Rồi một đêm, Hoàng và ba tôi đi “công chuyện” như mọi khi. Và họ không về nữa. Những ngày sau, đêm nào tôi cũng thức đợi, rấm rứt khóc đỏ con mắt. Má tôi cũng buồn, nhưng bà bình tĩnh hơn, biết giấu kín chuyện không vui...
 
 - Tôi bàng hoàng hơn khi biết mình có con với anh. 
 
Nàng kể tiếp. Khi con gái tôi chưa kịp ra đời, tôi đã biết nó sẽ không có dịp còn gặp mặt cha. Cuộc sống đang bị đảo lộn. Rồi cái gì phải tới đã tới. Bộ đội đánh vô thành phố. Đà Lạt giải phóng. Cái thai trong bụng tôi đã được gần hai tháng. Có lúc tôi định đi nạo thai. Má tôi mắng: “Đừng làm việc thất đức con ơi! Nó là máu mủ của chồng con và của con. Và giá như tôi có khai báo đứa con tôi đang mang trong bụng là kết quả của tình yêu giữa tôi với Hoàng thì ai sẽ tin tôi?. Cho dù mẹ tôi lúc ấy có là “cơ sở cách mạng” cũng không đủ sức thuyết phục đứa trẻ trong bụng tôi là hợp pháp.
 
 Nhưng tôi cần gì nhỉ? Lúc ở tuổi 18, tôi đã nghĩ vậy. Tôi có được một đứa con với người tôi yêu. Tôi có đủ nghị lực vượt qua đau khổ để sống, nuôi con và mang lại hạnh phúc cho đứa con bé bỏng. Nó là hình hài của tôi và anh được kết thành từ trong bóng tối giữa những khát vọng yêu thương vô bờ.
 
 Tôi buộc phải nghỉ học giữa lớp 12 để ở nhà phụ giúp cho má tôi việc nhà, và vẽ những bức tranh như anh đã thấy. Hoàng chỉ vẽ một bức tranh Hồ Gươm duy nhất. Tôi trân trọng giữ nó như là một báu vật. Khi nào buồn khổ, tôi lại nhìn lên bức tranh ấy. Dưới làn nước trong xanh của Hồ Gươm như thể Hoàng hiện ra... Bạn bè cùng học với tôi một lớp chúng xa lánh. Chúng coi tôi là đứa hoang tàn, đành nhẽ. Tệ hơn, gia đình tôi là gia đình cách mạng. Sự thù hận của những kẻ nuối tiếc chế độ cũ còn lớn hơn tôi tưởng. Những năm tháng ấy, đất nước lại đói khổ. Một cuộc sống vốn tự do không dễ dàng gì quen với cảnh xếp hàng mua từng cân đường, lạng thịt, thước vải tính từng ô giấy... Bởi chính tôi cũng từng là một nạn nhân. Tôi đã hiểu ra cuộc sống không giản đơn chút nào...
 
 Không cần nghe kể hết câu chuyện của người thiếu phụ, ngồi chìm trong khoảng tối tôi cũng đã tự hình dung ra những gì nàng đã trải qua. Cho dù các cơ quan, tổ chức có điều tra đến đâu, nàng chỉ biết độc nhất một điều: Cha Quỳnh Hoa, tên Hoàng người quê ở Hà Nội. Bởi cả tổ trinh sát của Hoàng đều ngã xuống vào đêm trước của buổi bình minh Đà Lạt.
 
 Đến một lúc tôi nhận ra ngoài trời đã tối, không thể ngồi nán thêm được nữa. Nàng tiễn tôi ra ngoài sân. Vầng trăng đêm rằm không đủ sức xuyên qua lớp mây mù, nhưng không gian ngoài trời vẫn sáng. Tôi nhận ra những tán thông trên triền đồi, giờ đang sẫm đen lại. Phảng phất hương thơm của một loài hoa nào đó trong khoảng vườn quang đãng.
 
 Giọng tôi chợt nghẹn lại:
 
 - Cám ơn chị nhiều lắm. - Tự nhiên tôi cầm lấy bàn tay nàng. Nàng không nỡ gỡ ra. Tôi bảo:
 
 - Tôi... Tôi cũng là một người lính giải phóng. Tôi cảm ơn chị ngàn lần. Cho những bạn bè tôi đã chết. Cho người còn sống. Và cả cho chính tôi nữa.
 
 Nỗi xúc động khiến tôi trào nước mắt, chẳng hiểu vì lẽ gì tôi nâng bàn tay của nàng áp chặt vào đôi môi của tôi.
 
 Tôi không nhìn rõ gương mặt nàng, nhưng lại nhận ra ánh mắt long lanh. Tôi không rõ nàng có giận tôi, hay bất ngờ trước một cử chỉ đường đột như vậy.
 
 - Mai sớm anh đi...? Và còn có dịp nào trở lại Đà Lạt?
 
 Tôi trốn câu trả lời bằng cách băng nhanh vào con đường rẽ trên đồi. Không ngoái lại, nhưng tôi biết, nàng còn đứng đó nhìn theo. Sáng mai lúc chưa tan sương. Đà Lạt còn đang ngái ngủ, chỉ cần nghe tiếng còi xe trên con đường nhựa cắt ngang qua nhà, tôi tin chắc rằng nàng sẽ trở dậy. Nàng sẽ là người duy nhất ở cái xứ sở sương mù chứa nhiều bí ẩn này đưa tiễn tôi trở về thành phố.
 
 Và cho đến bây giờ khi viết những dòng này tôi vẫn chưa được biết tên nàng.
 
Truyện ngắn: ÐỖ KIM CUÔNG