Những người lính và lời hát ru ngọt ngào

09:04, 04/04/2019

Vượt nắng, thắng mưa, say sưa luyện tập, sẵn sàng chiến đấu, nhưng những người lính Bộ đội Cụ Hồ ở Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Lâm Ðồng vẫn tràn đầy tinh thần lạc quan yêu đời, khi họ thể hiện những bài hát ru, dân ca đậm đà bản sắc dân tộc.

Vượt nắng, thắng mưa, say sưa luyện tập, sẵn sàng chiến đấu, nhưng những người lính Bộ đội Cụ Hồ ở Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Lâm Ðồng vẫn tràn đầy tinh thần lạc quan yêu đời, khi họ thể hiện những bài hát ru, dân ca đậm đà bản sắc dân tộc.
 
Hát ru, hát dân ca là “món ăn tinh thần” mà các chiến sĩ ở CLB “Hát ru và dân ca Phụ nữ Bộ CHQS tỉnh Lâm Đồng” tập luyện và thể hiện. Ảnh: Ð.Tú
Hát ru, hát dân ca là “món ăn tinh thần” mà các chiến sĩ ở CLB “Hát ru và dân ca Phụ nữ Bộ CHQS
tỉnh Lâm Đồng” tập luyện và thể hiện. Ảnh: Ð.Tú
 
Năm 2014, Câu lạc bộ (CLB) “Hát ru và dân ca Phụ nữ Bộ CHQS tỉnh Lâm Đồng” thành lập với 30 thành viên. Buổi ban đầu còn bao bỡ ngỡ khi tìm về những lời ru, câu dân ca, nhưng có thể khẳng định một điều rằng, những con dân đất Việt từ khi lọt lòng đã thấm đẫm trong mình từng lời ru của mẹ, tiếng nôi đưa của bà. Để rồi một mai khi lớn lên, cho dù công tác ở đâu, làm công việc gì trong mỗi người đều có một trời ký ức thương nhớ.
 
Thiếu tá Chuyên nghiệp Vũ Thị Hường là Chủ nhiệm CLB cho biết: Khi mới thành lập, các thành viên trong CLB cũng còn nhiều điều phải học hỏi, người biết về hát ru thì truyền đạt về hát ru, người hát được dân ca thì dạy mọi người hát về dân ca. Mặt khác, CLB cũng liên hệ với những người am hiểu về hát ru, dân ca ở trên địa bàn để nhờ họ hướng dẫn, qua đó các thành viên trong CLB dần vững tin hơn. Có thể nói rằng, nhờ những lời ru, câu dân ca mà tình yêu quê hương đất nước, con người, truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta ngày càng được tô thắm, nhất là đối với các chiến sĩ trẻ. 
 
Nhờ gắng công luyện tập, gọt giũa trong cách thể hiện từng lời ru, câu dân ca mà năm 2017, trong Liên hoan “Hát ru, hát dân ca và âm nhạc cổ truyền” trong lực lượng vũ trang Quân khu 7, đội thi của Bộ CHQS tỉnh Lâm Đồng đã đoạt Huy chương vàng; năm 2018 CLB đã đoạt 1 giải Giải A và 1 Giải B Liên hoan Dân ca và nhạc cổ truyền Lâm Đồng lần thứ 7.
 
Đại úy Chuyên nghiệp Nguyễn Thị Hoa là một thành viên của CLB chia sẻ rằng CLB không chỉ là “sân chơi” về âm nhạc, mọi người có thể thể hiện khả năng ca hát của mình mà điều hay nhất là qua những bài hát mà mình đã được bồi đắp thêm tình yêu quê hương đất nước, tình cảm gia đình, tình đồng chí, đồng đội. 
 
Đến nay, CLB đã có trên 60 thành viên, trong đó việc Hội Phụ nữ cơ sở Bộ CHQS tỉnh Lâm Đồng đã phát triển được các thành viên CLB là nam giới yêu thích hát ru và hát dân ca đã làm sinh động, hòa hợp hơn trong việc thể hiện các bài hát song ca, để rồi “cung thanh, cung trầm” cùng nhau hòa giọng tạo nên một sự thi vị, đắm say trong từng lời ru, câu hát. Đại úy Chuyên nghiệp Nguyễn Văn Viễn tâm sự: Lớn lên trong lời ru của mẹ, lắng nghe câu quan họ, điệu ví dặm, hò khoan, hò hụi…càng làm tình yêu quê hương đất nước mình thêm đong đầy, nay được tham gia vào CLB thì những lời ru, câu dân ca như chắp cánh, bay bổng hơn trong tôi, giúp tôi cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao. 
 
Không chỉ thể hiện những câu quan họ, những bài hát ru; các chiến sĩ trong CLB “Hát ru và dân ca Phụ nữ Bộ CHQS tỉnh Lâm Đồng” còn sưu tầm, luyện tập những làn điệu, bài hát của người đồng bào dân tộc thiểu số ở địa bàn Lâm Đồng để trình diễn. Trong số đó, điển hình như bài hát Chuyện tình Dung Lang, thể hiện tình yêu đôi lứa của đồng bào K’Ho ở miệt Nam Tây Nguyên. 
 
Trong một thời đại mà sự giao thoa văn hóa, nhất là âm nhạc đã vượt ra khỏi tầm quốc gia, thì đây đó ở Bộ CHQS tỉnh Lâm Đồng vẫn còn những chiến sĩ cố công tập luyện, mang lời ca, tiếng hát của mình để làm sao không những nghe câu quan họ mà còn là điệu ví dặm, hò khoan, hò hụi, dân ca... trên cao nguyên. Góp một phần công sức nhỏ bé của mình để truyền tải, lưu giữ những giá trị truyền thống tốt đẹp mà bao đời nay cha ông ta để lại.
 
ÐỨC TÚ