Ðọc "Nguyễn Ðức Phúc - chuyện thật như đùa"

08:04, 04/04/2019

Nguyễn Ðức Phúc là người sống ở Ðà Lạt hơn 44 năm nay và ông được giới báo chí, văn nghệ sĩ tìm đến để viết bài trên báo, làm phim và sách. Tôi cũng trong số người viết đó, nhưng cầm cuốn sách ký - ghi chép "Nguyễn Ðức Phúc - chuyện thật như đùa" của nhà thơ Trần Ngọc Trác thì chân dung Nguyễn Ðức Phúc mới thực sự đầy đặn nhất, dù chưa phải là cạn nguồn tư liệu về "kỳ nhân" này. 

Nguyễn Ðức Phúc là người sống ở Ðà Lạt hơn 44 năm nay và ông được giới báo chí, văn nghệ sĩ tìm đến để viết bài trên báo, làm phim và sách. Tôi cũng trong số người viết đó, nhưng cầm cuốn sách ký - ghi chép “Nguyễn Ðức Phúc - chuyện thật như đùa” của nhà thơ Trần Ngọc Trác thì chân dung Nguyễn Ðức Phúc mới thực sự đầy đặn nhất, dù chưa phải là cạn nguồn tư liệu về “kỳ nhân” này. 
 
Từ trái qua: Tác giả Trần Ngọc Trác, nhân vật Nguyễn Đức Phúc, đồng đội cũ tại buổi giới thiệu tác giả, tác phẩm. Ảnh: T.Xuyên
Từ trái qua: Tác giả Trần Ngọc Trác, nhân vật Nguyễn Đức Phúc, đồng đội cũ tại buổi giới thiệu tác giả, tác phẩm. Ảnh: T.Xuyên
 
Cách đây 3 năm, tôi gặp tác giả Trần Ngọc Trác cùng nhân vật Nguyễn Đức Phúc bàn chuyện làm tác phẩm này. Mãi đến cuối tháng 3/2019, tác phẩm (Nhà Xuất bản Hội Nhà văn) mới chính thức phát hành, phần do nhân vật Nguyễn Đức Phúc thực không muốn người ta viết nhiều về bản thân, phần tác giả rất cẩn trọng trong thu thập và xác tín tư liệu. Hơn nữa, hiện thực cuộc đời ông Nguyễn Đức Phúc từ lúc “nhảy rừng”, tham gia quân đội, làm công chức, làm kinh tế có quá nhiều điều dị biệt, khó tin và “như bịa”. Nhưng chính đây là những chi tiết của hình tượng văn học, cuốn hút người viết và “hành” Trần Ngọc Trác. Tác giả tháp tùng nhân vật ngược xuôi đến rất nhiều vùng đất trên đất nước: Tuyên Quang, Nam Định, Bình Phước, Bình Thuận, Quảng Nam, Tây Ninh, Đồng Nai, Nghệ An, các huyện thị trong tỉnh Lâm Đồng. Anh chia sẻ: “Tôi đã đi với ông nhiều chuyến về những nơi ông từng sống, chiến đấu, từng gặp những người quen thân của ông để xem thực hư sự việc cuộc đời của ông như thế nào. Biết là vất vả, tốn kém nhiều công sức, thời gian, suy nghĩ; nhưng đã quyết làm bằng được”. Nguồn “bột” dồi dào, ý thức lao động nghiêm túc, sức làm việc sung mãn, cùng thời gian biết nhau hơn 20 năm, đặc biệt gắn bó 3 năm qua của tác giả, tác phẩm ký-ghi chép đến với công chúng bạn đọc nặng ký. Sách dày 270 trang với hơn 63.000 chữ, xâu chuỗi qua 98 câu chuyện và rất nhiều hình ảnh tư liệu - cứ liệu, đã khắc họa một chân dung Nguyễn Đức Phúc khá hoàn chỉnh. 
 
Tác phẩm “Nguyễn Đức Phúc - chuyện thật như đùa”, Nxb Hội Nhà văn, 2019
Tác phẩm “Nguyễn Đức Phúc - chuyện thật như đùa”,
Nxb Hội Nhà văn, 2019
 
Trước một nhân vật Nguyễn Đức Phúc có 77 tuổi đời, vào sinh ra tử nhiều chiến trường, bầm dập, ngụp lặn giữa những dòng chảy vô thường, nếu không tinh thông nghề, chưa đủ tâm cảm đam mê nơi tác giả, và không đủ duyên giữa nhân vật - chủ thể thẩm mĩ thì tác phẩm khó đạt được thành công. Dày công thu thập và thẩm định sự kiện để có trong tay khối lượng tư liệu đồ sộ đã khó; sắp xếp, trình bày lại là bước lao động nghệ thuật không chút đơn giản. Trong ngồn ngộn của văn nói từ nhân vật, Trần Ngọc Trác cố gắng tối đa giúp độc giả dễ hình dung nhất về nhân vật, tròn vai mà không trùng lắp, nhàm chán. Anh vào sách bằng lời phi lộ của người trải nghiệm nhân sinh và trần tình chân nhân, rất có duyên. Từ đây Trần Ngọc Trác khéo léo sắp xếp các câu chuyện thành chủ điểm thời gian lồng ghép theo không gian: sinh ra và lớn lên ở Bình Định - chiến đấu ở vùng đất Quảng Nam - ra miền Bắc - trở lại miền Nam; và khi là người lính - lúc là công chức - vị giám đốc làm kinh tế... Phần kết tác phẩm là một số cảm nhận của mọi người về nhân vật Nguyễn Đức Phúc được tác giả dẫn ra để khép lại, khéo léo như phần vĩ thanh để mở ra những suy tư đằm sâu nhiều hơn về nhân vật. Những điều nhà văn Trần Ngọc Trác làm được tạo nên sức lôi cuốn hấp dẫn của tác phẩm, là chiều dài không có lời kết của cuộc đời một nhân vật, gợi mở những người viết sau đó tiếp tục hành trình trên cánh đồng sáng tạo nghệ thuật không có chân trời...
 
Vì vậy, giới thiệu tác phẩm “Nguyễn Đức Phúc - chuyện thật như đùa” của tác giả Trần Ngọc Trác tôi không nói kỹ về những câu chuyện của nhân vật. Chỉ khái quát rằng, ông Nguyễn Đức Phúc đã bước vào tác phẩm văn học thông qua lòng yêu mến kính trọng, sự lao động nghệ thuật nghiêm túc, huy động nhiều giác quan để đắm đuối của tác giả. Ở đó, một Nguyễn Đức Phúc hội nhiều phẩm chất đặc biệt: kiên định và quyết đoán, mạnh mẽ và thông minh, mẫn tiệp; lãng mạn và u mua, dí dỏm... Một Nguyễn Đức Phúc ngạo nghễ mà khiêm nhường, từ bi; khoa học mà bao dung, nhân ái; bình dị mà nho nhã, vị mĩ. Một chiến sĩ, sĩ quan Nguyễn Đức Phúc quả cảm, tài ba trong chiến trận; một giám đốc doanh nghiệp năng động, nghĩ trước thiên hạ; một thủ lĩnh nhất tâm thủy chung với hệ sinh thái rừng và một “ba Phúc” cháy bỏng tình thương yêu đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Tôi đã từng cùng đoàn văn nghệ sĩ: biên kịch Hoàng Nhuận Cầm, Đinh Thiên Phúc, nhà văn Hoàng Quảng Yên, nhà báo Nguyễn Thanh Đạm... thâu đêm cùng giám đốc Nguyễn Đức Phúc “ăn nằm với rừng”, càng hiểu nhiều về con người đặc biệt này. Nguyễn Đức Phúc bước vào tác phẩm của Trần Ngọc Trác là hình tượng văn học, có số phận, thân phận, ở nhiều chiều kích. Những phẩm chất và tính cách của nhân vật hiển hiện sinh động, cụ thể như sờ nắm được, qua lời kể hoạt ngôn của ông Phúc và xâu chuỗi thành chữ nghĩa văn chương chân chất của tác giả. Thành công cả mặt nội dung và hình thức của tác phẩm “Nguyễn Đức Phúc - chuyện thật như đùa” chính là sự giao thoa của nhận thức, sự đồng cảm điệu hồn giữa nhân vật và nhà văn. 
 
Tác phẩm “Nguyễn Đức Phúc - chuyện thật như đùa” để được “vạm vỡ, dung lượng lớn ôm chứa toàn bộ cuộc đời ông từ những vui - buồn, đắng cay - hạnh phúc, chiêm nghiệm và suy ngẫm với tư cách là một hình tượng văn học nghệ thuật” như lời nhận xét của nhà văn, đại tá Sương Nguyệt Minh phải kể đến nhờ có nguồn sự kiện - nhân chứng, chi tiết vô cùng phong phú, cùng hòa kết hòa âm. Đây là ưu điểm của Trần Ngọc Trác, mạnh ở những kỹ năng của một nhà báo: chịu khó đi, quan sát, lắng nghe, chọn lọc, ghi chép và thể hiện.
 
Tôi kết thúc bài viết bằng nhận xét của nhà báo Thi Lâm: “Điểm nổi bật và thú vị nhất của tập sách này chính là “lột ra” những chi tiết bi hài cười ra nước mắt ở trong từng mẩu chuyện một. Kể như đùa, để rồi ta có thể ngẫm nghĩ ra bao sự thật khôi hài, dí dỏm, thậm chí chua chát và đắng cay cho muôn mặt ứng xử đời thường, trong cõi nhân tình thế thái vốn đa đoan”. Và nói thêm, trong buổi giới thiệu tác phẩm “Nguyễn Đức Phúc - chuyện thật như đùa” do Thư viện tỉnh Lâm Đồng tổ chức, rất nhiều hình ảnh đọng lại trong tôi, đó là những nhân vật - nhân chứng trong cuốn sách và ngoài cuốn sách, những đồng đội thời khói lửa, những cộng sự thời hòa bình, bà con dân tộc thiểu số, họ hàng, bạn bè... ai cũng thực sự xúc động. Và ông Nguyễn Đức Phúc nữa, không kìm nổi cảm xúc mãnh liệt dâng lên, của một tấm lòng giàu nhân ái và nhiều trắc ẩn khi đối diện với muôn tấm lòng yêu thương, kính trọng ông.
 
PHAN TĨNH XUYÊN