Để âm sắc "con chiêng" ngân mãi

08:04, 02/04/2019

Những ngày cuối tháng 3, về Di Linh, không gian càng khoáng đạt đến không cùng và mê hoặc lòng người đến thao thiết, bởi vời vợi của mây trôi, hương cà phê dìu dịu dâng đầy. Và hơn thế, âm sắc trầm hùng, vọng vang những "tiếng thở của chiêng" ngân rung, hòa vào từng sắc thái lời cúng, dập dìu cùng điệu dân vũ của đồng bào dân tộc K'Ho...

Những ngày cuối tháng 3, về Di Linh, không gian càng khoáng đạt đến không cùng và mê hoặc lòng người đến thao thiết, bởi vời vợi của mây trôi, hương cà phê dìu dịu dâng đầy. Và hơn thế, âm sắc trầm hùng, vọng vang những “tiếng thở của chiêng” ngân rung, hòa vào từng sắc thái lời cúng, dập dìu cùng điệu dân vũ của đồng bào dân tộc K’Ho...
 
Nối rộng vòng xoang đoàn kết quanh cây nêu. Ảnh: M.Đạo
Nối rộng vòng xoang đoàn kết quanh cây nêu. Ảnh: M.Đạo
 
Từ tiếng chiêng khơi nguồn 
 
Phó Chủ tịch UBND xã Đinh Lạc là Trưởng Ban tổ chức lớp truyền dạy sử dụng chiêng lần thứ nhất, cũng là tổng đạo diễn Chương trình giao lưu văn hóa cồng chiêng năm 2019 của xã - ông Trương Quốc Phương tiếp tôi trong bận rộn ngược xuôi cùng với các cộng sự. Đây là hoạt động hiện thực hóa Dự án Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa cồng chiêng các dân tộc Tây Nguyên tỉnh Lâm Đồng năm 2016 do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) triển khai. Anh Phương cho biết: Nghệ thuật cồng chiêng đặc thù là “truyền khẩu”, truyền tay, chưa có công trình nào nghiên cứu đầy đủ, bài bản các làn điệu, các bài chiêng cụ thể và cũng chưa có một giáo trình giáo án nào được phê duyệt đưa vào giảng dạy, cho nên việc truyền tay của các nghệ nhân cho các học viên chủ yếu hướng dẫn trực tiếp về cách cầm chiêng, cách đánh chiêng, cách phân nhịp, cách cảm âm... Để đạt được mục đích yêu cầu, Ban tổ chức đã mời 2 nghệ nhân am hiểu về cồng chiêng và có phương pháp truyền dạy tốt là già làng, nghệ nhân K’Tiếu ở thôn Duệ và K’Brẽoh ở thôn Kaokuil. 
 
Ngày 6/3/2019, sau 2 tháng tổ chức, 18 học viên của thôn Duệ và thôn Kaokuil, gồm 12 nam và 6 nữ đã kết thúc khóa học, được cấp giấy chứng nhận của Sở VHTTDL. 18 học viên thành lập thành 3 đội chiêng 6, là hạt nhân để Đinh Lạc hình thành câu lạc bộ cồng chiêng thời gian tới. Ý nghĩa lâu bền là khơi dậy mạch nguồn văn hóa đặc sắc của cư dân gốc Tây Nguyên, bảo tồn thông qua nhận thức và sự tự hào của các thế hệ. Mô hình câu lạc bộ sẽ mở rộng đối tượng người học sử dụng chiêng là các học sinh THCS và THPT. Khi văn hóa cồng chiêng bám rễ vững chắc trong cộng đồng và phát triển sẽ là những thành tố quan trọng gắn kết giữa các dân tộc, giữa các thôn, rộng hơn là giữa các xã, huyện, tỉnh. 
 
Để minh định chất lượng lớp truyền dạy cồng chiêng, chúng tôi tìm gặp những người dạy và học. Nghệ nhân K’Tiếu 67 tuổi cho biết bản thân học đánh chiêng lúc 14 tuổi, hiện thuộc rất nhiều bài, nhưng với thời gian và cách dạy kỹ lưỡng nên ông chỉ dạy 3 bài. K’Tiếu nói: “Con Mẹ (chiêng Me) tuy là chủ đạo nhưng chỉ bắt nhịp, âm thanh lướt lên lướt xuống lại là các con sau đó. Chiêng bộ 6 chiêng chỉ xuất kho mỗi khi làm lễ cúng gà, phục vụ lễ lớn; còn chiêng 2, 3, 4, 5 không cần vì sử dụng thường xuyên và không cần đủ người. Tôi dạy đúng bài của chiêng 6, không như một số vùng khác. Mỗi con chiêng phát ra âm thanh khác nhau và mỗi người phải cầm được cả 6 con thì mới thực sự biết đánh chiêng”. Qua lớp truyền dạy, 18 học viên được học sử dụng 4 bài thường phục vụ trong các lễ hội là: Tam byiăp dăn gòl (Cầu mưa); Tùng cau dun (Tình thương); Ndrup me mơ kòn (Mẹ địu con) và Jòi biăp jòi gol (Giao duyên). 
 
Còn nghệ nhân K’Brẽoh, sinh năm 1955, học đánh chiêng từ 11-12 tuổi cũng bày tỏ rất vui vì các thế hệ con cháu tiếp cận văn hóa cồng chiêng để cùng bảo tồn, giữ gìn vốn giá trị tinh thần của cha ông. K’Brẽo gửi gắm: “Việc tổ chức không chỉ lưu truyền, hy vọng nhất là họ có tinh thần thì phát huy giữ gìn được. Hầu hết cũng thích học nhưng phải chịu khó và kiên trì mới học được thuần thục”. Niềm vui được học sử dụng chiêng và tập những điệu xoang là có thực, khi tôi gặp một số học viên: K’Gis, K’Nuys, K’Tình, Ka Thồnh… Ai cũng háo hức được lên sân khấu công diễn cho mọi người thưởng thức.
 
Ðến tiếng chiêng công diễn 
 
Đêm 28/3, sân vận động thôn Kaokuil rất đông người đến dự. Có lãnh đạo của Sở VHTTDL, Huyện ủy, UBND huyện Di Linh, của 4 xã có đội chiêng tham gia: Đinh Lạc, Tân Nghĩa, Bảo Thuận và Tân Lâm; cùng hàng ngàn người dân, du khách. Giữa chập chùng ôm ấp thân thiết của các dãy núi Brah Yang, Yang Doan và Pantar…; không gian đêm càng huyền thoại, đầy những dư ba âm và sắc của Mẹ Thiên Nhiên hùng vĩ. Trung tâm sân là cây nêu cao được phết những mảng màu họa tiết nơi thân cột, những hình thù đung đưa lắc bay trong gió... Tất cả muốn thể hiện sự đa dạng của hệ sinh thái, yếu tố quyết định sự sinh tồn và phát triển của cộng đồng cư dân văn hóa rừng. Quanh sân là những cây nêu cách điệu của các thôn, cùng hướng về trung tâm, nơi ngọn lửa bùng sáng, xua đi những điềm dữ, mang đến mỗi điều lành cho cộng đồng, là tâm điểm, sức hấp dẫn của sinh hoạt dân ca dân vũ…
 
Với tỷ lệ 27,6% trong tổng số trên 11.000 dân, đồng bào dân tộc K’Ho là thành tố rất quan trọng của xã Đinh Lạc. Trưởng Ban Tổ chức, Phó Chủ tịch Trần Quốc Phương trịnh trọng khai mạc: “Cồng chiêng được coi là tài sản quý giá, linh thiêng, đã trở thành bản sắc văn hóa riêng, vốn có của các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên; là nguồn cảm hứng sáng tác nên những trường ca, sử thi, âm nhạc đã đi vào lòng người”. Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là kiệt tác truyền khẩu và di sản phi vật thể của nhân loại bởi chứa đựng tiềm tàng sự độc đáo về tư duy của nền văn hóa đặc sắc và khu biệt, của triết lý sống, của nhân văn... Nó là không gian thiêng, là ứng xử, là ngôn ngữ giao tiếp, kết nối giữa các thế hệ con người, giữa con người với các vị thần của đời sống tâm linh phong phú. Cồng chiêng đi dọc mỗi đời người bằng cả đời chiêng thiêng liêng và tận hiến… Việc xã Đinh Lạc tổ chức đêm giao lưu cồng chiêng lần thứ 2 này cũng nhằm “tiếp tục giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng. Đồng bào dân tộc K’Ho, người người biết sử dụng cồng chiêng, nhà nhà lưu giữ nét đẹp văn hóa truyền thống này” như ông Trần Quốc Phương nói. Đại diện những nghệ nhân biểu diễn cồng chiêng và dân vũ của 4 xã, K’Bril, Phó Ban công tác Mặt trận thôn Kaokuil bày tỏ niềm tự hào về bản sắc văn hóa dân tộc mình; trân trọng và cảm ơn về việc tổ chức đêm giao lưu để “khơi dậy cho chúng tôi nhớ lại nền văn hóa của dân tộc Tây Nguyên; được nhìn thấy phần nào về nét đẹp của dân tộc mình”. 
 
Đêm giao lưu kéo dài hơn 2 giờ với nhiều nghi thức thiêng như cúng hạ chiêng, khai chiêng, cúng lúa về kho, khai rượu cần, châm lửa... của đồng bào dân tộc K’Ho. Nhiều tiết mục biểu diễn chiêng cùng dân vũ trong sắc màu thổ cẩm đặc sắc của người bản địa rộn ràng và âm vang, vọng vào vũ trụ những thông điệp thiêng. Đêm giao lưu còn được Sở VHTTDL trao tặng Nhân dân xã Đinh Lạc bộ chiêng 6, là sự ghi nhận và khích lệ. Bí thư Đảng ủy xã Đinh Lạc Phan Hồng Vinh cho tôi biết: Chủ trương xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư, bảo tồn bản sắc văn hóa đã được Đinh Lạc ban hành thành Nghị quyết 3 năm nay, đang tích cực triển khai bằng nhiều hình thức. Riêng văn hóa dân tộc thiểu số Tây Nguyên vốn có truyền thống, bà con rất phấn khởi được duy trì, chỉ tiếp tục tháo gỡ những khó khăn là phong trào sẽ lan tỏa nhanh. 
 
Nhận thức này chúng tôi cũng được nghe chia sẻ từ Chủ tịch UBND xã Tân Nghĩa Lê Ngọc Chánh và Phó Chủ tịch UBND xã Bảo Thuận K’Broh. Các anh đều mong muốn sự quan tâm nhiều hơn từ các cấp, nhất là kinh phí để mỗi thôn có được một bộ chiêng 6 chất lượng. Mỗi bộ hiện nay có giá hơn 20 triệu đồng, là khó khăn khi huy động sự đóng góp của người dân. Nếu xã nào cũng có chung cồng chiêng và các bộ y phục biểu diễn thì việc bảo tồn bản sắc văn hóa sẽ trở thành nếp sống thường nhật của xã mỗi dịp tổ chức các ngày lễ lớn. Hơn thế, đây là sự quan tâm thiết thực của chủ trương Nhà nước đối với đồng bào các dân tộc thiểu số.              
 
Ghi chép: MINH ÐẠO