Thực trạng và giải pháp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể ở Lâm Đồng

11:07, 02/07/2019

Thực trạng và giải pháp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể ở Lâm Đồng

Một vài ghi nhận 
 
Di sản văn hóa (DSVH) là tài sản vô giá, là niềm tự hào của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Giữ gìn DSVH cũng chính là giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. 
 
Lâm Đồng ta đã hoàn tất việc kiểm kê phổ thông cho toàn bộ di tích lịch sử văn hóa (LSVH) và danh lam thắng cảnh (DLTC) trên địa bàn, đồng thời tiến hành  phân loại đánh giá và lập hồ sơ khoa học đề nghị công nhân xếp hạng cấp tỉnh và cấp quốc gia. Hiện nay toàn tỉnh có 20 di tích lịch sử và danh thắng  được công nhận cấp quốc gia, trong đó có 01 di tích cấp quốc gia đặc biệt (Di tích khảo cổ học Cát Tiên) và 1 DSVH phi vật thể thế giới (Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên), 16 di tích cấp tỉnh, cùng với một hệ thống di sản kiến trúc Pháp, nhiều kiến trúc tôn giáo khác. Ngoài ra, thành phố Đà Lạt và các địa phương còn có 5 bảo tàng công lập, tư nhân cùng hàng chục nhà sưu tập đang sở hữu một lượng DSVH hết sức phong phú, dồi dào.
 
Trong thời gian qua, đồng thời với việc bảo tồn, Lâm Đồng đã chú ý tới việc khai thác, phát huy giá trị của các loại hình di sản nói trên. Nhờ vậy một số di tích, thắng cảnh gần đây đã có nhiều khởi sắc, thể hiện qua việc đầu tư tôn tạo và khai thác đúng hướng các lợi thế của di tích, thắng cảnh, khối tài liệu, hiện vật quí hiếm tại các bảo tàng và Trung tâm lưu trữ Trung ương IV đang quản lý và đã thu hút được sự quan tâm của du khách. Công tác sưu tầm và bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể như lễ hội, dân ca, dân vũ, các kỹ năng nghề truyền thống được quan tâm. Nhiều lễ hội, làng nghề truyền thống của đồng bào dân tộc được phục dựng, bảo tồn cùng với các lễ hội mới, đương đại được tổ chức quản lý chặt chẽ và diễn ra khá thành công như: festival hoa, lễ hội trà,… Đặc biệt như Lễ hội cồng chiêng nhằm tôn vinh văn hóa cồng chiêng, Lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức long trọng với qui mô cấp tỉnh thu hút nhân dân toàn tỉnh và du khách tham gia. 
 
Điều đó đã góp phần vào việc phát triển kinh tế, văn hóa của địa phương đặc biệt là du lịch, một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh nhà. Bên cạnh những việc đã làm được như đã nêu trên, công tác quản lý và  khai thác các DSVH vật thể và phi vật thể trong tỉnh nói chung và Đà Lạt nói riêng vẫn còn quá nhiều bất cập và chưa thật hiệu quả, chưa phát huy được đầy đủ giá trị của các di sản. 
 
Dinh  III - Dinh Bảo Đại
Dinh III - Dinh Bảo Đại
 
Đâu là giải pháp
 
Để có thể bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị của các DSVH vật thể và phi vật thể một cách hiệu quả, lâu dài, bền vững, tùy theo tính chất, đặc thù của từng loại di sản trước mắt chúng ta cần phải thực thi một số giải pháp sau đây:
 
Đối với các DSVH vật thể 
 
Phải kiên quyết trong việc tiến hành giải tỏa lấn chiếm trả lại các khu vực đã được khoanh vùng bảo vệ của các di tích LSVH và DLTC.
 
Bảo vệ nghiêm ngặt rừng đầu nguồn, rừng cảnh quan của thắng cảnh, cải tạo khai thông hệ thống sông suối, xây dựng các hồ lắng, xử lý nước trước khi chảy về các hồ thác, xử lý rác, vệ sinh tại các DTLS và  DLTC. Yêu cầu các đơn vị quản lý các công trình thủy điện, thủy lợi phải điều tiết nước hợp lý kịp thời cho các thắng cảnh là thác nước trong mùa du lịch và lễ hội.
 
Khi xây dựng các dự án tôn tạo khai thác phải nghiên cứu, tham khảo hồ sơ khoa học cụ thể của di tích LSVH, hoặc DLTC (dựa trên các cơ sở đã được nêu trong phần phương án bảo vệ tôn tạo) đã được Bộ VHTTDL phê duyệt khi ra quyết định công nhận. 
 
Trước khi phê duyệt và thực hiện các dự án xây dựng cũng như trùng tu, tôn tạo cần có sự tham vấn, góp ý của các nhà chuyên môn có kinh nghiệm, am hiểu về lĩnh vực bảo tồn di tích và kiến trúc, xây dựng.
 
Hạn chế tối đa việc xây dựng tại khu vực I của di tích và thắng cảnh, khi thực hiện các dự án xây dựng tại khu vực II,( khu vực III nếu có) cần phải cân nhắc kỹ lưỡng về kiến trúc công trình, vị trí xây dựng để tránh phá vỡ môi trường cảnh quan của di tích cũng như vẻ đẹp tự nhiên của thắng cảnh hoặc lấn át, che lấp di tích...
 
Nếu được, đề nghị UBND tỉnh, Sở NN-PTNT giao rừng thuộc phạm vi khoanh vùng bảo vệ của các thắng cảnh cho địa phương hoặc doanh nghiệp được giao khai thác, quản lý di tích, thắng cảnh để giúp cho công tác quản lý, bảo vệ được chặt chẽ và khai thác được tốt và hiệu quả hơn.
 
Mỗi di tích, thắng cảnh phải có phương án bảo vệ, tôn tạo và khai thác riêng dựa vào những yếu tố đặc thù của chúng. Phải tìm chọn được điểm nhấn độc đáo, đặc sắc nhất để tạo ra sản phẩm du lịch độc đáo, riêng biệt đem lại ấn tượng cho du khách. Cụ thể như:
 
Đối với loại di tích LSVH khảo cổ học: Sau khi khai quật, cần phải tuân thủ nghiêm ngặt các chế độ xử lý bảo vệ, bảo quản, nguyên tắc khoa học trùng tu tôn tạo tránh làm ảnh hưởng sai lệch yếu tố gốc. Thực hiện trưng bày phế tích, bổ sung nhà trưng bày.
 
Trường hợp di tích quốc gia đặc biệt: Khu di tích khảo cổ học Cát Tiên, thì ngoài việc tổ chức tham quan các di sản vật thể (đền tháp và mộ tháp), nhà trưng bày, cần tổ chức các hoạt động văn hóa như: kể chuyện truyền thuyết về các vị thần được thờ trong khu thánh địa, tái hiện lễ hội tôn giáo theo lối giả sử của chủ nhân khu thánh địa trước đây theo kiểu phim 3D, lễ hội văn hóa của đồng bào dân tộc sinh sống lâu đời ở nơi đây, đăng cai tổ chức hội thảo, hội nghị khoa học khảo cổ học trong nước và quốc tế,... để thêm sản phẩm dịch vụ du lịch thu hút khách.
 
Đối với di tích cách mạng kháng chiến: Ngoài việc bảo tồn, tôn tạo lại di tích, môi trường cảnh quan một cách trung thực với thời điểm lịch sử, phục dựng lại hầm hào, chiến lũy, phải tái hiện lại không gian sống sinh hoạt của các chiến sĩ trong các chiến khu, bếp Hoàng Cầm, ngủ võng trong rừng, sinh hoạt trong hầm, trong địa đạo, ẩm thực cơm nắm, muối vừng, lá bép rau rừng,... để cho du khách được hoá thân trải nghiệm cuộc sống của các chiến sĩ trong thời kháng chiến. (Khu di tích Khu ủy Khu 6, Khu căn cứ Núi Voi).
 
Đối với các di sản kiến trúc Pháp:Cần giữ nguyên kiến trúc và môi trường cảnh quan cây xanh xung quanh, các công trình phụ trợ trong khuôn viên trước đây của di tích nếu có. Trong quá trình trùng tu và tôn tạo cần phải tuân thủ nghiêm túc các nguyên tắc bảo tồn từ kỹ thuật đến chất liệu, hình dáng, mỹ thuật để tránh sai lệch, méo mó làm ảnh hưởng và mất giá trị của di tích. 
 
Để phát huy giá trị loại di sản này thì ngoài một số công trình đang sử dụng đúng công năng nên tiến hành đầu tư tôn tạo đưa vào khai thác các hoạt động dịch vụ du lịch, phục vụ tham quan. Để thu hút  khách đến với di sản này, cần nghiên cứu tái hiện lại không gian sống của các nhân vật lịch sử cũng như chủ nhân trước đây. Từ đó khai thác sản phẩm du lịch là các tuor du lịch hồi cố lịch sử, trải nghiệm cuộc sống đế vương, quí tộc trước đây ở Đà Lạt. Nếu được nên khai thông các đường hầm bí mật dùng để thoát hiểm trước đây trong các dinh thự để tăng tính hấp dẫn, thu hút sự tò mò, khám phá của du khách. Đây cũng là một lợi thế của Đà Lạt, xu thế du lịch này đang được du khách quan tâm. 
 
Mỗi điểm phải có đội ngũ hướng dẫn viên tại điểm để giới thiệu về lịch sử, truyền thuyết về di tích thắng cảnh đó cho du khách. 
 
Mộc Bản bìa sách Ngự chế thi lục tập (ảnh tư liệu của Trung tâm Lưu trữ trung ương IV).
Mộc Bản bìa sách Ngự chế thi lục tập (ảnh tư liệu của Trung tâm Lưu trữ trung ương IV).
 
Đặt bia giới thiệu cho các di tích, DLTC: bia nên được thiết kế như một tác phẩm nghệ thuật để gây sự chú ý cũng như giá trị thưởng lãm và quảng bá.
 
Tổ chức thi sáng tác và đặt làm các loại đồ lưu niệm cho riêng từng di tích, thắng cảnh, lễ hội để bán cho khách du lịch và giúp cho quảng bá rộng rãi các giá trị di sản cũng như các sản phẩm du lịch thương hiệu riêng của Đà Lạt, Lâm Đồng.
 
Đặc biệt cần phải điều chỉnh nguồn thu phí, lệ phí tham quan và dịch vụ du lịch để đầu tư trở lại cho di tích và thắng cảnh nhiều hơn nữa, nhằm giữ gìn vẻ đẹp cũng như những giá trị của di sản được trường tồn để khai thác và phát huy như một sản phẩm du lịch phục vụ chiến lược phát triển du lịch lâu dài và bền vững.
 
Đối với các bảo tàng và các nhà sưu tập: Cần phải thường xuyên đổi mới hoạt động và nội dung cũng như nghệ thuật trưng bày bảo tàng. Chỉnh lý nâng cấp hệ thống trang thiết bị, đào tạo, chuẩn hóa đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên. Quảng bá bảo tàng tới công chúng. Đẩy mạnh công tác maketing, đồng thời tạo điều kiện tối đa cho khách sử dụng các dịch vụ du lịch tại bảo tàng.
 
Cần có một không gian triển lãm để giúp cho các nhà sưu tập luân phiên trưng bày giới thiệu các sưu tập cổ vật, hiện vật văn hóa với công chúng và du khách; đặc biệt là trong các dịp lễ hội festival. Khuyến khích, tạo điều kiện cho họ xây dựng bảo tàng tư nhân để tạo thêm nhiều điểm đến với những sản phẩm du lịch mới lạ hấp dẫn khách tới Đà Lạt.
 
Lễ hội đâm trâu mừng lúa mới
Lễ hội mừng lúa mới
 
Đối với các DSVH phi vật thể
 
Tiếp tục thực hiện công tác sưu tầm tại cơ sở: Cử cán bộ nghiệp vụ đi công tác xuống địa phương làm việc trực tiếp với các nghệ nhân, bằng các hình thức tọa đàm, ghi chép, thu âm, làm phim, chụp hình tư liệu để phục vụ cho công tác nghiên cứu, bảo tồn. Đồng thời khuyến khích ưu tiên cho các đề tài nghiên cứu văn hóa phi vật thể.
 
Thực hiện bảo tồn, phát huy tại Bảo tàng và khu du lịch: Lưu trữ, bảo quản lâu dài tại bảo tàng và tổ chức trình chiếu, giới thiệu trong Bảo tang. Mời nghệ nhân diễn xướng dân ca dân vũ, thao tác nghề truyền  thống, phục dựng lễ hội truyền thống tại bảo tàng và một số điểm, khu du lịch sinh thái kết hợp với văn hóa để khai thác dịch vụ phục vụ du lịch và quảng bá văn hóa. 
 
Thực hiện bảo tồn tại chỗ: Cho xây dựng nhà văn hóa cộng đồng tại các địa phương theo kiến trúc nhà sàn truyền thống, cấp kinh phí sưu tầm mua chiêng, nhạc cụ và một số hiện vật văn hóa trong đời sống sinh hoạt của đồng bào vừa để trưng bày vừa phục vụ cho việc truyền dạy về sử dụng nhạc cụ, dân ca, dân vũ của người già và nghệ nhân cho con em trong thôn bản. Mời các nghệ nhân có kinh nghiệm và tay nghề cao để truyền dạy cho thanh, thiếu niên người dân tộc ở địa phương, hướng dẫn họ biết tạo thêm những sản phẩm lưu niệm phục vụ nhu cầu của khách du lịch. Mở các tour du lịch sinh thái - văn hóa. Đưa khách du lịch về tham quan làng nghề để tiêu thụ sản phẩm cho bà con đồng thời tạo điều kiện để khai thác các dịch vụ du lịch khác. 
 
Kết thúc bài viết, tác giả cũng đề xuất: Để quản lý lễ hội được tốt hơn, cần kiểm kê, phân loại và xác định giá trị, tính chất và phân cấp để quản lý. Cần có nhiều chương trình, kế hoạch nhằm phổ biến nâng cao nhận thức cho người dân về nội dung và giá trị của lễ hội, về qui trình tổ chức lễ hội, về nguy cơ làm tổn hại, sai lệch, biến dạng, biến mất di sản do “phát triển”, “sáng tạo” và do thương mại hóa lễ hội. Đầu tư tăng thêm nguồn kinh phí hỗ trợ cho các hoạt động văn hóa để nâng cao năng lực cho cộng đồng. Cần thực hiện các chính sách đãi ngộ, khuyến khích khen thưởng kịp thời đối với các nghệ nhân; đào tạo, cử cán bộ tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn về kĩ năng làm việc với cộng đồng để bảo vệ và phát huy giá trị di sản. Đồng thời cũng giúp cán bộ  làm công tác văn hóa tại cơ sở có kiến thức cơ bản để có thể hướng dẫn và hỗ trợ cộng đồng tổ chức và thực hành lễ hội.
 
ĐOÀN BÍCH NGỌ