Bây giờ mới viết

06:06, 14/06/2020

Bây giờ mới viết

 

Minh họa: Phan Nhân
Minh họa: Phan Nhân
 
Gần 9 giờ sáng, tôi vào hội trường UBND huyện. Ngồi cuối cùng cánh phóng viên tỉnh, đài huyện. Lướt tập tài liệu, chăm chú đọc bản báo cáo điển hình của ông Nguyễn Nguyên, cán bộ lâm nghiệp xã A, tâm huyết với phong trào khuyến học, mỗi năm góp 40 - 50 triệu đồng giúp học sinh nghèo. Mấy tháng trước hiến cả 3.000 m2 đất thổ cư ngay ngã tư trung tâm xã, gia đình ủng hộ thêm 100 triệu đồng để trường tiểu học sang năm xây dựng thêm phân hiệu... Nhân vật hay, có vấn đề! Nghe xuýt xoa, cô phóng viên đài huyện nhoẻn cười thân thiện khoe chiếc răng khểnh dễ thương, thì thầm, tỏ vẻ am tường:
 
 - Bác Nguyên ấy không thuần túy nông dân đâu. Trí thức đấy. Chuẩn không cần chỉnh. Tài năng và có duyên đoạt giải như anh - “ký giả” thường trú báo ngành trung ương ắt có bài to... À, lẽ ra bác dự hội nghị nhưng bận tập huấn phòng chống cháy rừng nên vắng. Anh từ Đà Lạt vừa xuống hay sao mà tới trễ vậy?
 
- Xuống tối qua. Có ông bạn cùng quê phóng xe hơn mười lăm cây số từ huyện Đạ Tẻh ra rủ ăn sáng, uống cà phê... Tưởng hội nghị tổng kết thi đua nặng phần múa hát, kính thưa, kính gửi... - Mỉm cười, nheo mắt với cô phóng viên chắc vào nghề đôi năm, tôi lên giọng “soái ca” - Em viết cho cái tin hội nghị. Cuối buổi chuyển anh mail về tòa soạn. Đi chuyến này chủ yếu lượm lặt đề tài “độc” viết báo Xuân... Xin lỗi, em tên... Huyền Hương ư, nghe thật gợi cảm! 
 
Nói xong thầm nghĩ “Nguyễn Nguyên! Thấy quen quen...”, tôi quay sang hỏi - Ông Nguyên chừng bao tuổi? Chiều dẫn anh đến nhà trò chuyện được không?
 
- Dạ, khoảng 55 tuổi. Yes. Em sẽ tháp tùng anh, chỉ 7-8 cây thôi - Huyền Hương nhanh nhảu và thêm chuyện - Tháng trước, em mới làm phóng sự về bác Nguyên. Đang học năm cuối Khoa Toán Đại học Sư phạm, năm 1990 bỏ học chả rõ nguyên cớ. Về vùng kinh tế mới “nắng bụi mưa lầy” sốt rét kinh niên cam chịu “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Mấy năm trước trong đêm vây bắt lâm tặc, bác bị chúng cậy đông hành hung gẫy chân, đi lại hơi “chấm phẩy” song chẳng vì thế mà giảm hăng hái, kém nhanh nhẹn khiến lâm tặc coi như khắc tinh. Vì vậy, diện tích rừng xã quản lý, bảo vệ mấy năm nay chẳng mất một cây... Chưa hết, bác Nguyên còn tuyên truyền, vận động mấy đối tượng ở xã, trong vùng khét tiếng phá rừng trái phép hoàn lương, trở thành người tích cực giữ rừng... 
 
- Hay lắm! Ông Nguyên làm kinh tế chắc giỏi?
 
- Dạ. Bác tiên phong thực hiện mô hình trồng vườn rừng, phát triển kinh tế trang trại. Hiệu quả kinh tế cao nhất xã, nhất huyện. Dân Đà Lạt chính hiệu mà lao động, tính toán “trồng cây gì, nuôi con gì” rành rọt vượt lão nông tri điền miền Bắc, miền Trung vô lập nghiệp. Có vậy mới thành tỷ phú, anh nhỉ. Hiến đất giá trị đôi tỷ chẳng hề lăn tăn, tính toán. 
 
 * *
 *
 
Đến nhà giữa lúc ông Nguyên đang trong vườn, say sưa trao đổi với mấy người về kỹ thuật phòng trừ bệnh trên cây sầu riêng vào độ “lên ngôi” ở vùng này. Vẻ mãn nguyện, tự hào vì được quen nhà báo có thương hiệu, Huyền Hương xởi lởi: 
 
- Chào bác Nguyên! - Khoát tay sang tôi, cô trịnh trọng - Dạ... Giới thiệu với bác, nhà báo kỳ cựu Văn Thanh, báo “Thương mại & Công luận”... thường trú trên tỉnh về ạ. Anh ấy rất tâm đắc với bản thành tích của bác tại hội nghị sáng nay nên cháu...
 
- Cháu ơi, nào có gì to tát...! Sự học quan trọng hơn, rất cần xã hội chung tay. Bác từng là... - Nhỏ nhẹ rồi ông Nguyên chìa tay cho tôi bắt. 
 
Nhấc mũ, vuốt mái tóc điểm sương lòa xòa vương trên gương mặt thẫm màu bánh mật, ánh mắt đen mượt ngời sáng sự thông minh và cũng rất kiên nghị lấp lánh dưới hàng chân mày đậm, chủ nhà chăm chú nhìn tôi, thảng thốt hỏi:
 
- Xin lỗi, quý danh của anh...?
 
- Nhà báo Văn Thanh! - Nhấn từng chữ, tôi đưa tay lên túi áo ngực móc cái danh thiếp.
 
- Văn Thanh! Bút danh hả... Trời, Trần Văn Thành, khoa Văn! - Ông Nguyên đập vai, choàng ôm lấy tôi, mừng rỡ - Cậu không nhận ra mình. Ừ thấm thoát đã 30 năm... 
 
Ký vãng ùa dậy, tôi lắp bắp: - Ơ... ơ, Nguyễn... Nguyên. Nguyên Pytago phải không? Trời ạ! - Nắm chặt bàn tay chai sạn, cứng cáp của ông, tôi bỗng lạc giọng thốt - Em ngỡ hồi ấy... anh đã theo gia đình đi Mỹ. 
 
- “Trời tính không bằng người tính”. Chuyện dài dòng. Sang thăm ba má đôi lần, càng thấm không gì sướng bằng sống ở quê hương. Mà rời xứ thì làm sao có chuyện “trái đất tròn” để ta trùng phùng thế này!
 
Tiễn bạn nhà nông, dùng dằng như say việc dang dở, ông Nguyên vẫn sốt sắng căn dặn: 
 
 - Bệnh thối thân xì mủ khiến cây sầu riêng chết hàng loạt. Cây già cỗi trên 25 năm, chống chịu bệnh kém. Trị bệnh không khó. Các bác cứ vào Google khắc biết cách. Kinh nghiệm theo tôi phải tưới đủ nước sạch trong mùa nắng, thoát kiệt nước vào mùa mưa. Phát hiện cây bị thối rễ và thối thân, các bác dùng chế phẩm sinh học, tên thuốc tôi sẽ ghi cho, tưới quanh gốc và vùng rễ cây khắc hạn chế nấm xì mủ phát triển trong đất. Hoặc dùng thuốc Simolex 720WP, pha 30-40g cho 10 lít nước quét lên vết bệnh đã cạo sạch, quét 2-3 lần cách nhau 15 ngày/lần, rất hiệu quả.
 
 Tập tễnh quay lại, ông Nguyên niềm nở mời khách bước về ngôi biệt thự xinh xắn nằm trên đồi bạch đàn thoang thoảng đưa hương trong gió chiều tươi mát. 
 
Chiều ấy, cà kê nhiều chuyện, về gia cảnh Nguyễn Nguyên, tôi được biết: Ông nội du học và ở lại Mỹ từ những năm sáu mươi thế kỷ trước, bảo lãnh định cư cho cả nhà Nguyên khi đó đã rời Đà Lạt đi xây dựng kinh tế mới ở Vùng Ba, sau là huyện Đạ Huoai - Lâm Đồng. Lấy lý do đang học, Nguyên lần khất xin lưu lại và tính chuyện đoàn tụ sau. Vùng kinh tế mới là nơi in dấu ấn sâu sắc trong cuộc đời, nơi Nguyên và gia đình từ bỏ nếp sống thị dân, bền bỉ khai hoang, làm rẫy để có những mùa trái ngọt kết tụ qua dãi dầu mưa nắng. Nơi đây, hồn đất và tình người đùm bọc vượt gian nan giúp Nguyên thấm thía hình ảnh “bàn tay ta làm nên tất cả, có sức người sỏi đá cũng thành cơm” của nhà thơ Hoàng Trung Thông, đồng cảm với thi sĩ Chế Lan Viên “Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở. Khi ta đi, đất bỗng hóa tâm hồn”, khiến anh không nỡ rời xa... Bức xúc chuyện kiểm điểm, Nguyên bỏ học ngang chừng, tâm tưởng chênh chao toan chiều ý gia đình đi Mỹ. Ngành giáo dục thiếu nhân sự tiếp nhận làm giáo viên cấp 2 được 5 năm. Sau đó lấy vợ và anh thôi việc, dốc tâm làm kinh tế gia đình. 
 
- Thế bà xã người ở đâu? Nội trợ hay tham gia công tác. Chưa nghe hết câu hỏi, gia chủ cười khà khà, ánh mắt chan chứa tự hào:
 
- Cũng giáo viên - Ngập ngừng, ông nói tiếp - bạn thiếu thời ở Đà Lạt. Hai năm nữa, nguồn cán bộ phụ nữ thôn. Tiếc nhỉ, mấy bữa nay, bà xã về Sài Gòn thăm bọn nhỏ làm việc, học hành... 
 
 Nguyễn Nguyên khẩn khoản giữ lại nhậu lai rai nhưng tôi từ chối, bịa lý do chiều Phó Chủ tịch huyện mời cơm. Trước khi lên xe máy, lòng vẫn nóng như ủ than hồng, chưa thoát khỏi tâm trạng bất an, tôi nấn ná cho Huyền Hương dắt xe ra trước, thẹn thùng và ấp úng như cậu trai mới lớn:
 
- Anh Nguyên ạ. Chuyện cũ, anh thông cảm bỏ qua cho. Tuổi trẻ của em nông nổi, dại dột không phân định rõ đúng sai... 
 
Nguyễn Nguyên dừng bước, sững sờ nhìn sâu vào mắt tôi, giọng ấm áp chân tình:
 
- Ông lạ quá, nhớ chuyện xưa làm gì. Cái nên quên hãy quên, có thế mới an nhiên mà sống. - Trầm ngâm giây lát, ông như nói với chính mình - Chúng ta đều “Ngũ thập tri thiên mệnh”. Lăn lộn với đời, kinh nghiệm sống không mỏng, lẽ nào cố chấp việc nhỏ ấy. Này, vui thấy ông thành đạt, “người của công chúng” nữa chứ, chúc mừng. Nhớ thăm lại miền sơn cước này! 
 
Nghe câu nói cuối, mặt tôi nóng ran bởi ý nghĩ bất chợt: Anh Nguyên biết chuyện hay sao mà chạm vào “gót Asin”, giễu cợt nỗi đau của mình. Chao ôi, “thành đạt” gì! Ở chốn đô hội, sống gấp như Sài Gòn nếu thiếu căn cơ, bản lĩnh rất dễ sa vào lưới nhện giăng của lối sống thực dụng phi nhân tính. Viết báo tụng ca doanh nghiệp - doanh nhân, làm thơ tình nhì nhằng, sấp ngửa lo chạy quảng cáo; một thời bùi tai với lời “bốc thơm” của đám đệ tử lăng xăng khen thốc vào mặt là “ngôi sao”, “cây bút vàng” khiến tôi ngộ nhận, choáng ngợp hư quang. Bệnh “kiêu binh” vụt tắt ngóm khi không o bế được chuyên trang trị giá hợp đồng gần trăm triệu, cay cú “bới lông tìm vết”, trở bút phê phán, hè đánh “hội đồng”, bị doanh nghiệp “phản đòn”, Sở Thông tin - Truyền thông tuýt còi. Tờ báo định khiển trách bằng hình thức “treo bút” nhưng “đại gia” Thắng - ra trường nhảy vào lĩnh vực buôn xe máy Campuchia, mon men sang bất động sản và thành ông trùm, nặng tình xưa nghĩa cũ lại móc hầu bao lo lót sếp, kịp thời cứu bàn thua trông thấy. Nhằm tránh tiếng xấu cho cơ quan và nhẹ tội cho tôi, tòa soạn giơ cao đánh khẽ bằng cách phê bình cho phải phép, “biệt phái” đi thường trú Tây Nguyên... Cay đắng bởi gần 50 tuổi vẫn “ngã ngựa giữa đường” bởi cái bả danh lợi bủa vây. Lên Lâm Đồng, tôi thầm hứa thời gian “mai danh ẩn tích” sẽ lặng lẽ quyết làm lại cuộc đời cho được tử tế. 
 
 * *
 *
 
 Cùng sở thích yêu văn chương, chung tốp văn nghệ nên tôi và Vân thân nhau khi bước vào đại học. Vân - con gái Đà Lạt “má đỏ môi hồng”. Tôi dân miền Trung “gió Lào, cát trắng”, “đít nhôm” đích tôn của dòng tộc, khao khát ánh sáng “hòn ngọc Viễn Đông”, mặc gia cảnh ăn độn bữa đói bữa no vẫn nằng nặc thi vào Trường Sư phạm Sài Gòn. Thời sinh viên, miệt mài thâu đêm viết tản văn, viết thơ gửi đăng báo, tạp chí để cải thiện đời sống vốn tối giản vì luôn “viêm màng túi”, mặt khác cũng nhằm luyện bút. Tác phẩm “ra lò” đáp ứng tính thời vụ cao. Các mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông; ngày Valentine, Ngày 8-3, hay ngày Thương binh - Liệt sĩ, thậm chí thời tiết mưa - nắng - gió Sài Gòn cũng trở thành đề tài... Thơ chưa hay, hình ảnh còn nghèo nàn nhưng tòa soạn đôi lúc thiếu bài chủ đề “đến hẹn lại lên” đăng theo kiểu tôi ngầm hiểu là đảm bảo cơ cấu nội dung, “trang trí” mặt báo là chính. Cũng phải khách quan đánh giá, thơ và tản văn vẫn có mấy bài giàu cảm xúc, đôi câu thơ bạn bè xuýt xoa khen “đứng được”, chép vào sổ tay. Những tác phẩm ấy chủ yếu cảm xúc khởi nguồn từ “làn thu thủy nét xuân sơn/ Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh”, dải tóc thề chấm ngang lưng, “vai em gầy guộc nhỏ”, tiếng cười trong trẻo của Vân... Nàng sinh ra trong gia đình có ông nội quê làng hoa Ngọc Hà ven hồ Tây. Năm 1938 cùng mấy chục nông phu những làng hoa truyền thống rời Hà Đông lên tàu hỏa ly hương vào Đà Lạt làm nghề trồng rau hoa... Chìm đắm giấc mộng mình sẽ tỏa sáng tựa các thi hào như Puskin, Lermotov, Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu..., tôi tôn thờ Vân là “nữ hoàng hoa xứ ngàn thông”. Trong men say thi ca và trí tưởng tượng thăng hoa, tôi da diết thầm yêu trộm nhớ. Yêu Vân và đinh ninh nàng “tình trong như đã mặt ngoài còn e” trước hàng xấp thơ tình đã đăng, mới viết nói thay lời con tim mà tôi thường giấu vào những tập sách trao nàng đọc... Đáp lại, mỗi lần trả sách, ánh mắt thẫm mượt của Vân đằm thắm, giọng dịu dàng diễn cảm: “Thơ anh dần có chiều sâu cảm xúc, nhưng... riêng tư quá!”. Chao ơi, tôi muốn em thể hiện tình cảm chứ đâu cần đón nhận cảm tưởng của người đọc, của nhà phê bình... Vào năm học thứ ba, linh cảm mách bảo giữa tôi và nàng không vượt quá ranh giới tình bạn thân. Có anh chàng Khoa Toán, vào đại học sau 2 năm khoác áo thanh niên xung phong, dân Đà Lạt thường hay sang khu ký túc xá nữ Khoa Văn thăm Vân. Hai người có vẻ gắn bó, thân mật... Sự ghen tuông trỗi dậy, tôi trở chứng lầm lì, ép mình trong nỗi cô đơn và mòn mỏi với những câu thơ thất tình, chán đời. Tìm cách xa lánh nhưng tâm trí tôi luôn khắc khoải nghĩ tới Vân. Hình ảnh gương mặt thanh tú, đôi mắt mộng mơ song không vì thế yếu mềm, ủy mị ám ảnh tâm trí. Ngồi lớp, tôi cứ dán mắt lên mái tóc em trước mấy hàng ghế. Giải lao giữa buổi học, giọng nói thanh khiết, tiếng cười tươi nhộn và dáng điệu duyên dáng của nàng chỉ khiến tôi nóng mặt vì đâu “có dành cho ta”, “cô ấy vui do đang nghĩ tới gã Khoa Toán”,... 
 
 Điển trai, quảng giao và thơ văn đều đều đăng báo, ngay năm đầu tôi được làm Bí thư Chi đoàn lớp... Cay cú vì Vân không đáp lại tình yêu hay cái máu lặn qua mấy đời “cày sâu cuốc bẫm” bộc phát, tôi đâm ra xét nét, bắt bẻ cách ăn mặc rất giản dị mà nữ tính, nền nã nhưng gây ấn tượng; màu vải, đường may thể hiện sự tinh tế, sang nhã. Tôi bứt rứt như bị kiến cắn mỗi tối thấy nàng ríu rít cùng bạn đi tập hát, học khiêu vũ ở Câu lạc bộ sinh viên... “Theo hình bắt bóng”..., “rớt đài” đau nhỉ! - Thắng, đồng hương, cùng lớp, trêu chọc. Sau tốt nghiệp, người chí cốt này, đã giới thiệu và “lo” cho tôi thoát cảnh không xin được việc làm, mất hai năm bám trụ Sài Gòn, bươn chải đủ nghề từ vẽ quảng cáo, chụp ảnh dạo đến gia sư, biên dịch tiếng Anh,... Được Thắng giới thiệu, tôi làm phóng viên một tờ báo ngành tự xoay xở thu chi, mở ra chỉ thấy ngập tin, bài về cướp, hiếp, giết... và quảng cáo, mờ mắt đọc xuôi đọc ngược mò không ra cái tin người tốt, việc tốt. Nghe tâm sự, thông cảm nỗi lòng kẻ trắc ẩn, Thắng hằn học xúi: “Không được ăn thì đạp đổ”. Anh ta dựa vào những chứng cứ ghen vô cớ mà tôi giãi bày. Lân la dò biết bạn thân của Vân tên Nguyễn Nguyên, học giỏi được mệnh danh nhà toán học “Bi... -ta-go” gì đó, có ba là bác sĩ quân y thời ngụy quyền, gia đình đang làm hồ sơ xuất cảnh sang Mỹ. Thắng viết đơn lên Chi đoàn phản ánh lối sống của sinh viên Vân không lành mạnh, mang hơi hướng tiểu tư sản, gần gũi với người thuộc thành phần liên quan đến chế độ cũ, phải kiểm điểm; nếu không sửa chữa e mai này ảnh hưởng danh hiệu “kỹ sư tâm hồn” cao quý... Dĩ nhiên tôi nhanh chóng triệu tập Ban chấp hành Chi đoàn và yêu cầu phải họp kiểm điểm. Do Thắng nhỏ to với phần lớn Ban chấp hành nên dẫu nhận thấy nội dung đơn suy diễn, quy chụp song “lấn cấn” lý lịch gia đình Nguyên, vì vậy, cuộc kiểm điểm đoàn viên vẫn xảy ra... Gục xuống bàn, mái tóc đen óng mượt và đôi vai Vân run bần bật. Can đảm ngước lên nghe tôi chậm rãi, lạnh lùng giọng quan tòa đọc đơn của Thắng, đôi bờ mi Vân đẫm nước mắt. Thế nhưng, không như ý của tôi và Thắng, hầu hết đoàn viên nhao nhao phát biểu phản đối, rồi trên 90% giơ tay biểu quyết phủ quyết lá đơn giá họa, thiếu thiện chí. Cả lớp bức xúc bởi đất nước đang đổi mới, mở cửa mà còn rơi rớt phần tử sặc mùi “chủ nghĩa lý lịch”, chẻ sợi tóc làm tư nhằm chỉ trích, tìm cách xô đẩy người tốt xuống vực. Cứ kiểu “hồng vệ binh” đó ắt kéo tụt xã hội về thời mông muội. Vân “trắng án”, tôi thành kẻ “tội đồ” vì trong cuộc họp đã có những lời lẽ định hướng khép tội em... Biết tin cuộc họp này, Nguyên trở nên trầm tư nhưng năng sang động viên Vân. Chừng tháng sau, Thắng mách anh đột ngột nghỉ học... Một thời ấu trĩ, hàm hồ vì “yêu quá hóa rồ”. Nếu tỉnh táo, tôi phải nhận ra tình yêu xuất phát độc từ một phía. Và cứ giả định đến từ hai người nhưng vì nguyên cớ nào đó, tình nàng phai nhạt thì thằng tôi cũng phải giữ phong cách kẻ sĩ “Thương nhau thì tiếng cười giòn. Không thương nhau nữa bồ hòn ngậm vui”. Thời gian trôi, tôi nhận ra cái giá của sự nhỏ nhen, ích kỷ thì quá muộn; càng thấm xót như muối xát bởi đánh mất tình bạn đẹp từng có với Vân.
 
* *
 *
 Ngồi sau tay lái, vừa ôm chặt eo, tấm thân mềm mại dán dính lưng, đôi môi ấm chạm áp má tôi, Huyền Hương khúc khích, ỏn ẻn: 
 
 - Hội ngộ vui quá anh nhỉ. Lại thêm chi tiết độc đáo, cảm xúc bất ngờ cho bài viết hay, hấp dẫn. “Bật mí” chuyện nữa là vợ bác Nguyên thời sinh viên đẹp nức tiếng. Học giỏi, từ chối ở lại làm giảng viên. Gia đình xin dạy trên Đà Lạt mà không chịu, một mực tình nguyện về xã vùng sâu của Đạ Huoai. Nghe đâu bác Nguyên thân tình với cô từ thưở ngồi giảng đường. Tình yêu đơm hoa, kết trái. Cả huyện trầm trồ khen gia đình hai bác tốt đẹp đủ điều.
 
 Nghe Huyền Hương ríu ran, tôi chợt thốt: - Bác gái tên gì, cháu... Ờ, mà Huyền Hương... chắc xấp xỉ tuổi nhỏ đầu nhà chú? 
 
 - Vân ạ. 
 
 - Vậy ư... - Trả lời rồi tôi thấy phấn chấn bởi suy đoán: “Vân. Không thể là người khác! Tình yêu của họ nảy nở là tất yếu. Ôi, Vân hạnh phúc do lựa chọn đúng đắn, sáng suốt khi đến với Nguyễn Nguyên. Thật mừng cho em!”.
 
 Vâng, truyện bây giờ tôi mới viết là như vậy! 
 
NGUYỄN THANH ĐẠM