Đoàn Thạch Biền & miền nhớ Áo Trắng

06:11, 19/11/2020

Giữa ngày miền Trung hun hút gió mưa 2020, tôi nhận cuốn Áo Trắng số kỷ niệm 30 năm, do nhà văn Đoàn Thạch Biền gởi tặng. Một chút hanh hao khi đọc thấy lời chia tay Áo Trắng của ông. Ơ hay, nhà văn "Tình nhỏ làm sao quên" đã 73 tuổi rồi sao...

Giữa ngày miền Trung hun hút gió mưa 2020, tôi nhận cuốn Áo Trắng số kỷ niệm 30 năm, do nhà văn Đoàn Thạch Biền gởi tặng. Một chút hanh hao khi đọc thấy lời chia tay Áo Trắng của ông. Ơ hay, nhà văn “Tình nhỏ làm sao quên” đã 73 tuổi rồi sao...
 
Nhà văn Đoàn Thạch Biền (trái) và tác giả bài viết tại Đền thờ danh nhân Lương Văn Chánh, Phú Yên. Ảnh: P.H
Nhà văn Đoàn Thạch Biền (trái) và tác giả bài viết tại Đền thờ danh nhân Lương Văn Chánh, Phú Yên. Ảnh: P.H
 
Tinh khôi 30 năm 
 
Hồi cuối thập niên 80 của thế kỷ XX, mấy đứa sinh viên chúng tôi tập tọe viết lách. Không năng khiếu thì cái khao khát tuổi trẻ, cái mộng mơ của xứ này cũng... bắt viết. Nhưng viết thì đăng ở đâu? Khi ấy, báo chí chưa nhiều như bây giờ, các trang văn hóa văn nghệ cũng rất hẹp, mấy thứ chữ nghĩa “vơ vẩn” học trò ít ai dùng. Thế rồi một số tờ báo bắt đầu vươn ra “móc túi” bạn đọc, đã có báo lặng lẽ “xếp xó” các trang mục văn chương; “báo chí phải thời sự nóng sốt, chứ văn hóa văn nghệ rách việc, mất người đọc”, một đàn anh làm báo khi ấy “phất tay” trước bọn tôi. Nghĩ ức thật nhưng đó là chuyện của “người lớn”; chúng tôi vẫn hì hục thâu đêm bên những tờ bản thảo bôi đi xóa lại, rồi chép nắn nót bỏ vào bì thư, dán tem gởi đi, và chờ đợi... 
 
Giữa lúc ấy, tờ Áo Trắng do Đoàn Thạch Biền chủ biên ra đời. Đọc đôi số, chúng tôi ồ lên “đất của mình đây rồi!” và hào hứng gởi bài, rồi được “lên khuôn” tắp lự, sướng không thể tả! Cái nào không đăng được, còn yếu điểm nào, thắc mắc,... đều được hồi âm, trao đổi, hướng dẫn chi li, tận tình. Hỏi thế sao không thống khoái? Lác đác lại có thêm Tuổi Hồng của nhà thơ Phạm Chu Sa, Tuổi Ngọc của nhà văn Nguyễn Đông Thức,... Thế nhưng nhiều đặc san đã rơi rớt theo thời gian, sân chơi văn chương trẻ trên đặc san giờ chỉ còn mỗi Áo Trắng. Mà Áo Trắng cũng đâu thong thả, đã đôi lần vì thiếu kinh phí tưởng đã “dừng chân”, thế rồi “sống tiếp” đến bây giờ tròn 30 năm, bằng sự nồng ấm trong trẻo mang tên Đoàn Thạch Biền...
 
“Ở tuổi 73, tôi đã bị bệnh alzheimer nhẹ, lúc nhớ lúc quên. Thật nguy hiểm nếu tôi tiếp tục thực hiện Áo Trắng. Nên tôi đã xin phép Ban Giám đốc (BGĐ) Nhà Xuất bản Trẻ cho tôi được nghỉ việc sau khi tập san này phát hành. BGĐ đã đồng ý và sẽ đề cử một nhóm bạn trẻ năng động thực hiện Áo Trắng, ở chặng đường mới. Chia tay khi mình còn nhớ mới có ý nghĩa, còn khi mình đã rơi vào cõi quên rồi sẽ chẳng còn ý nghĩa nữa”, nhà văn Đoàn Thạch Biền thổ lộ trong thư nói đầu tuyển tập 30 năm Áo Trắng.
 
Gắn bó Áo Trắng với vai trò Phụ trách công tác bạn đọc, nhà thơ Phạm Thanh Chương nhớ lại: “Với lòng nhiệt tình cùng sự đam mê của một người làm báo, Đoàn Thạch Biền đã “lèo lái” Áo Trắng vượt qua bao thăng trầm trong 30 năm là một kỳ công mà sự kiên trì, bền bỉ, một đức tính có ở nơi anh ít người sánh kịp. Làm việc với Đoàn Thạch Biền, tôi thấy anh rất quan tâm đến những bạn trẻ bộc lộ năng khiếu hay lóe sáng trên những trang viết. Khi phát hiện đó là những tài năng còn tiềm ẩn, anh đã hết mình giúp đỡ”.
 
Nhà văn Nguyễn Đông Thức nói: “Thiệt tình thấy thương ông Đoàn Thạch Biền gì đâu! Chưa thấy ai yêu ai lâu như ông yêu Áo Trắng. 30 năm, bao nhiêu năm nước chảy qua cầu, bao nhiêu người đã bước qua chiếc cầu Áo Trắng đi vào thánh địa văn chương. Riêng ông vẫn ngồi đó, tay run mắt mờ, cặm cụi sửa chữa từng bài viết của các mầm non văn chương vô danh. Sự nghiệp của cả đời ông! Nhiều khi thấy ông hơi khùng nhưng thôi kệ!”...
 
Bí quyết “huấn luyện viên”
 
Từ ngày quen biết, tôi luôn thấy ông Biền rất chịu khó chơi với đám cộng tác, bất kể lớn nhỏ. Nếu không gặp thì lâu lâu ông gọi điện hoặc email “có gì hay gởi anh” một cách chân thành, trọng thị; đôi khi là gợi ý đề tài vùng miền cụ thể, làm nhiều anh em rất cảm hứng cộng tác với ông. Ông nói tưng tửng: “Không chơi với mấy thằng viết, lấy đâu bài “độc” cho báo. Thời nhiều nhà báo mà hiếm cây bút, báo chí cạnh tranh rần rần, có bài hay nó gởi báo khác thì mình có nước… húp cháo!”. 
 
Giới làm văn, làm báo thường gọi ông Biền là “ma xó” bởi chuyện gì ông cũng tỏ. Thế nên hồi làm phóng viên chuyên nghiệp, ông viết rất khỏe mảng văn hóa nghệ thuật. Cũng vì thế, khi làm biên tập, rất khó vấn đề, chi tiết “sáng tác” nào qua mắt được ông. Có người biên tập khi phát hiện chi tiết “ẩu” thì điện sa sả mắng người viết. Riêng ông Biền thì luôn chân tình: “Mày (anh, chị) coi lại chi tiết này coi, lần sau nhớ hỏi kỹ nghen”, làm người viết cạch đến già không dám sơ sài, mà vẫn quý ông như thường.
 
Nhiều cây bút cứng cựa bây giờ vẫn thường nói với nhau: đúng là ông Biền chịu khó không ai bằng. Bởi đâu phải khi “chắc tay” rồi họ với viết cho ông. Nghe ông Biền “thương bọn trẻ” là họ rần rần gởi bài đến, lem nhem bản thảo, câu cú chập chững. Vậy mà mà ông đọc, ông sửa, hồi âm từng người; đến khi thấy bài được đăng nguyên, không sửa dấu phảy, họ biết mình đã… lớn. 
 
Không những thế, nhiều tủ sách dành cho các cây bút trẻ đều có ông tham gia biên tập, dàn dựng. Ông đơn độc và sảng khoái theo dõi, quan sát, góp ý, động viên từng người, từng người một từ thuở chập chững; cây bút nào “lóe” lên là ông nhận ra ngay và hào phóng hỗ trợ bằng mọi cách. Hỏi nhiều cây bút tên tuổi lứa U40 bây giờ, 10 người thì hết 9 nói là có “qua tay” ông Biền, mang ơn ông Biền và hầu như vẫn còn giữ liên lạc thường xuyên, dẫu qua bao nắng mưa tuổi tác…
 
Có lần ông nói: “Đối tượng của Áo Trắng là học sinh - sinh viên, tao không chơi với tụi trẻ thì lấy ai… mua báo?”, “Nghiệp văn tao viết cho bạn đọc trẻ là chủ yếu, không chơi với tụi bây… lấy gì mà viết?”,... Cách nói của ông bao giờ cũng se sắt, tưng tửng, thế nhưng “nợ nần” người viết văn trẻ đã thành một lý tưởng sống trong ông từ lâu rồi, như duyên số đời ông phải thế! 
 
Không chỉ gặp ông trên trang báo, ông hăng đi, đi mãi miết, gặp chan hòa đến từng huyện, từng xã có các cây bút trẻ mà ông thấy cần chia sẻ. Ông sống bằng nghề “văn pha báo", chẳng mấy giàu nhưng đến đâu cũng thấy ông chi tiền (bởi “bọn viết trẻ” thường… hẻo). Bất kể giờ giấc, nhiều anh em mới vào nghề báo, nghề văn luôn tìm đến ông để tham khảo ý kiến, đôi khi chỉ là một chi tiết nho nhỏ. Đoàn Thạch Biền đúng là “Huấn luyện viên duyên nợ” của những cây bút trẻ, những tâm hồn luôn hướng đến cái đẹp dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào...
 
ĐÀO ĐỨC TUẤN