(LĐ online) - Sau 2 ngày diễn ra, hội thi trình diễn trang phục truyền thống đã khép lại chuỗi hoạt động nằm trong Liên hoan Bảo tồn Di sản văn hóa các dân tộc thiểu số Lâm Đồng nhân kỷ niệm ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23/11.
(LĐ online) - Sau 2 ngày diễn ra, hội thi trình diễn trang phục truyền thống đã khép lại chuỗi hoạt động nằm trong Liên hoan Bảo tồn Di sản văn hóa các dân tộc thiểu số Lâm Đồng nhân kỷ niệm ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23/11.
|
Trang phục truyền thống của người Mạ - Bảo Lâm |
Tham dự hội thi, hơn 100 nghệ nhân của 13 đoàn đến từ các huyện, thành và Văn phòng Sở VH-TT-DL đã trình diễn cống hiến hơn 100 bộ trang phục truyền thống của đồng bào các dân tộc Mạ, K’Ho, Churu, Kinh.
Với mỗi dân tộc Mạ, K’Ho, Churu, trang phục đều mang màu sắc riêng biệt trên nền thổ cẩm, tạo hình hoa văn độc đáo, cách phục trang, kiểu cách, họa tiết khác nhau thể hiện nhân sinh quan về thế giới, về thẩm mỹ. Trang phục hàng ngày, trang phục trong lao động sản xuất mang màu sẫm của núi rừng, hoa văn độc đáo cách điệu từ các hình tượng thiên nhiên, cỏ cây hoa lá, muông thú, sống động.
Đi kèm với trang phục là những vũ điệu xoang, diễn xướng cồng chiêng, những hoạt động săn bắn, hái lượm, lấy nước, tỉa hạt, cùng các đạo cụ bổ trợ như: gùi, rìu, ná, lao, nơm, đó, giỏ, bầu, nhạc cụ cồng chiêng… gắn với cuộc sống lao động sản xuất, sinh hoạt lễ hội càng phô diễn vẻ đẹp của trang phục làm cho cuộc trình diễn thêm sống động, ấn tượng, đầy màu sắc. Càng thấy rằng, trang phục truyền thống của đồng bào các dân tộc không chỉ đơn thuần là giữ ấm, che cơ thể mà còn phản ánh giá trị thẩm mỹ, sự sáng tạo để thích ứng với khí hậu, thiên nhiên, trong từng hoàn cảnh lao động sản xuất, sinh hoạt văn hóa tinh thần.
Công dụng tấm ui đối với người phụ nữ K’Ho vừa làm chăn đắp khi trời lạnh, địu con khi đi nương rẫy, vừa đội đầu che nắng, khăn quàng, khăn tắm khi ra suối lấy nước, đi tắm… vẫn được đồng bào sự dụng và giữ nguyên công dụng trong đời sống hiện đại.
Cũng từ chất liệu thổ cẩm, đồng bào các dân tộc anh em ở Lâm Đồng đã làm nên những bộ trang phục cách điệu với kiểu dáng phù hợp như đầm công sở, váy áo dự tiệc… kết hợp giữa dân tộc và hiện đại, vừa hợp thời trang lại vẫn giữ gìn được nét đẹp bản sắc văn hoá truyền thống. Đặc biệt, nhiều bộ váy cưới lộng lẫy được làm từ thổ cẩm tôn thêm vẻ đẹp của cô dâu, chú rể trong ngày trọng đại nhất cuộc đời.
Trên đôi chân trần trong mỗi bước trình diễn yểu điệu của các sơn nữ, mạnh mẽ rắn rỏi của các chàng trai nơi núi rừng đã thể hiện niềm tự hào về giá trị văn hóa truyền thống. Đây là hoạt động có ý nghĩa lớn trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc nhân kỷ niệm ngày Di sản Văn hóa Việt Nam.
|
Trang phục truyền thống của người Churu - Đơn Dương gắn với lao động |
|
Trang phục truyền thống của phụ nữ K'Ho |
|
Trang phục truyền thống của người Mạ - Đạ Huoai |
|
Trang phục truyền thống của nam giới K’Ho |
|
Trang phục truyền thống gắn với sinh hoạt văn hóa tinh thần, lễ hội |
|
Tấm ùi của phụ nữ K'Ho dưới chân núi Lang Biang vẫn giữ nguyên công dụng |
|
Váy thổ cẩm cách tân, hài hòa giữa dân tộc và hiện đại |
|
Váy cưới thổ cẩm làm cô dâu đẹp thêm trong ngày trọng đại |
QUỲNH UYỂN