Cần có quy định, chính sách về hồi hương cổ vật

11:11, 26/11/2022
(LĐ online) - Đó là một trong những nội dung được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Nguyễn Văn Hùng nêu ra tại phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật diễn ra chiều 25/11.
 
Ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” vừa được đàm phán hồi hương thành công
Ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” vừa được đàm phán hồi hương thành công
 
Trong phần xem xét, thảo luận, cho ý kiến về đề nghị xây dựng Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ VHTTDL cho biết, sau hơn 20 năm có hiệu lực thi thành, bên cạnh những thành tựu đã đạt được trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá, đã được Đảng, Nhà nước, nhân dân và quốc tế ghi nhận, Luật Di sản văn hoá đã bộc lộ một số bất cập cần sớm khắc phục, hoàn thiện.
 
Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá cần bổ sung những quy định mới tại Luật Di sản văn hoá điều chỉnh (như loại hình di sản tư liệu). Việc sửa đổi Luật nhằm đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ trong tất cả các ngành, lĩnh vực, trong đó có di sản văn hoá.
 
Là cơ quan chủ trì đề nghị xây dựng Luật, Bộ VHTTDL cho biết, dự kiến Luật sửa đổi bổ sung các quy định bảo đảm cho hoạt động kiểm kê, ghi danh, xếp hạng, công nhận; lập, triển khai quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá. Hoàn thiện quy định về hoạt động bảo tàng; bảo vệ di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, có chính sách khuyến khích hồi hương di sản, cổ vật… Quy định rõ hơn về nội dung, phân định rõ quyền, trách nhiệm quản lý Nhà nước về di sản.
 
Các ý kiến tại phiên họp nhất trí với đề nghị xây dựng Luật Di sản văn hoá (sửa đổi), đồng thời góp ý về các nội dung như cần phân cấp, phân quyền, đi đôi với kiểm tra, giám sát, phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực quản lý. Thực tiễn có nhiều công trình văn hoá huy động nguồn lực xã hội hoá, đóng góp của nhân dân, doanh nghiệp rất lớn, cần quản lý tốt nguồn lực này để bảo tồn, phát huy tốt hơn giá trị di sản. Cần rà soát, bổ sung các nội dung quy định về hồi hương cổ vật…
 
Mặt đáy của ấn vàng “Hoàng đế chi bảo”
Mặt đáy của ấn vàng “Hoàng đế chi bảo”
 
Kết luận phần thảo luận về nội dung này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Bộ VHTTDL tiếp thu các ý kiến, tiếp tục hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật, bảo đảm tính tổng thể, toàn diện. 
 
Nhấn mạnh việc phân cấp mạnh mẽ hơn nữa cho địa phương, Thủ tướng đề nghị các bộ tập trung vào việc xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách; tăng cường quản lý Nhà nước bằng các công cụ pháp lý; phân cấp, phần quyền gắn với phân bổ quyền lực; thanh tra, kiểm tra, giám sát, tổng kết, nhân rộng mô hình, thi đua khen thưởng.
 
Huy động tối đa các nguồn lực xã hội trong bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa, thúc đẩy hợp tác công tư, nhưng có cách quản lý hiệu quả.
 
Thủ tướng cũng lưu ý xem xét một số vấn đề như đưa vào giáo dục phổ thông, chuyển đổi số trong quản lý bảo tàng, xây dựng bảo tàng số. Giữ gìn, phát huy, tôn tạo di sản gắn với phát triển du lịch.
 
Thủ tướng nhấn mạnh một số nguyên tắc đối với các chính sách khi xây dựng Luật, đó là chính sách phải bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật có liên quan. Chính sách cần cụ thể, rõ ràng, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xử lý xung đột pháp luật, bảo đảm phù hợp với các cam kết quốc tế, hoặc lấp đầy các khoảng trống pháp lý. Mục tiêu chính sách phải rõ, hợp lý, có tính khả thi cao. 
 
Liên quan đến việc hồi hương cổ vật, vừa qua, cơ quan chức năng của Việt Nam đã đàm phán thành công với hãng đấu giá Millon (Pháp) để hồi hương ấn vàng “Hoàng đế chi bảo”. Trước đó, hãng đấu giá Millon đăng tải thông tin sẽ đưa ra đấu giá 329 cổ vật, trong đó có ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" của nhà Nguyễn đúc năm 1823 triều Minh Mạng (1820-1841) thuộc sưu tập "Nghệ thuật Việt Nam" vào 11 giờ ngày 31/10/2022 (giờ Paris).
 
N. VIÊN