Cà phê phố núi

08:04, 28/04/2016

Trong tâm thức nhiều người, Đà Lạt phải là Đà Lạt của những thước phim âm bản của ngày hôm qua. Những thước phim ấy, có khi nhòe nét, lặng trôi bên ngoài khung cửa kính quán cà phê trong một ngày mưa sương vô cớ nào đó…

Trong tâm thức nhiều người, Đà Lạt phải là Đà Lạt của những thước phim âm bản của ngày hôm qua. Những thước phim ấy, có khi nhòe nét, lặng trôi bên ngoài khung cửa kính quán cà phê trong một ngày mưa sương vô cớ nào đó…
 
Cà phê bên hồ Xuân Hương (Đà Lạt) - Ảnh: PHAN NHÂN
Cà phê bên hồ Xuân Hương (Đà Lạt) - Ảnh: PHAN NHÂN

Thời gian ở cái xứ núi đèo ấy được đếm bằng nhịp rơi chầm chậm của giọt cà phê đen trên chiếc phin nóng. Một ngày, khói sương vẽ ra bốn mùa cho con người vừa phờ phạc bươn chải tìm tương lai và vừa dùng dằng đắm đuối với quá khứ. Với nhiều cựu sinh viên có dịp trở về phố sau những chặng ruổi rong mệt nhoài, có lẽ, cái không gian của một quán cà phê tĩnh lặng tựa như chốn hẹn xưa sẽ trở nên một nhu cầu bức thiết cho… trí nhớ. Người ta không đến chỉ để uống cà phê. Mà để uống không gian…
 
Bên ly cà phê sáng, đàn ông Huế trở thành những triết gia xanh xao trầm tư quán tưởng; người Hà Nội toan tính dự phần vào cơ chế, quan trường; người Sài Gòn bước vào vạch xuất phát của một ngày trong xã hội thông tin kinh tế thì người Đà Lạt lại nhởn nhơ buông cương thời gian cho những cuộc ruổi rong cảm xúc mang tính thi sĩ. Thời gian trôi bằng nhịp phách móng ngựa xực tắc gần xa của chuyến xe thổ mộ chập chùng sương chập chùng mây, chập chùng núi đèo…
 
Người Pháp, trong quá trình xây dựng thành phố từ đầu đến khoảng giữa thế kỷ 20 đã mang theo cái “văn hoá cà phê” rồi cái văn hoá ấy lớn lên tự phác thảo lấy đặc trưng, tập quán của con người vùng đất này mà có khi thoát khỏi cái vỏ bọc salon để hướng ra đời thường, thoát khỏi tính quý tộc để hòa vào cái chất lãng tử phương Đông. Trong cuốn Đà Lạt năm xưa của nhà Đà Lạt học Nguyễn Hữu Tranh (NXB TP.HCM, 2001) có nhắc về ẩm thực Đà Lạt thuở mới khai sinh - có 11 hiệu ăn đa số tập trung tại quảng trường chợ. Không thấy tài liệu nào nhắc nhớ về những quán cà phê một thời vang bóng cũng như thú uống cà phê của người Đà Lạt. Nhưng theo những tài liệu cũ, cây cà phê cũng đã xuất hiện ở những nông trại lớn của thành phố này như Paul O’Neil (khu vực Cam Ly) và Đăng-kia (đường vào Suối Vàng)… Những đồn điền cà phê: Phi Nôm, Cầu Đất, Phú Sơn… được chăm sóc một cách ngặt nghèo vừa để cung ứng trong nước, vừa thu vét đưa về “mẫu quốc”. Lần theo ký ức của những người có thâm niên… uống cà phê ở Đà Lạt thì những hiệu ăn như: Chic Shanghai, Le Mékong, LilaDena, La Dauphinoise… ở Place du Marché (nay là khu Hòa Bình) và Au sans souci (đại lộ Pierre Pasquier - nay là đường Hồ Tùng Mậu), La Rotonde ở đường Saint Benoit (khu phố Chi Lăng ngày nay) cũng là những quán cà phê đầu tiên, ngon có tiếng ở Đà Lạt.
 
Trước 1975, Đà Lạt được góp thêm nhiều địa chỉ quán cà phê mới khá tiếng tăm như Tao Đàn (đường Trương Công Định), Hạnh Tâm (đường Nguyễn Thị Minh Khai) trở thành nơi hẹn hò của giới trẻ là sinh viên… Bên cạnh đó, cả một dãy phố cà phê ở đường Phan Bội Châu với: Văn, Domino, Huyền Chi, Kim Sáng… dành cho cả giới bình dân lẫn trí thức đô thị này cũng được hình thành. Nhiều người vùng xuôi lên Đà Lạt, thích thú khi ở trong những villa, tản bộ qua phố và tìm đến góc quán cà phê để ngắm phố qua mưa như một cái thú tao nhã và đầy tính hướng nội sau những bức bối, ồn ào thời cuộc.
 
Có một địa chỉ được nhắc nhiều trong tài liệu về cuộc đời của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, đó là cà phê Tùng. Góc quán Tùng là nơi hạnh ngộ tri kỷ tri âm giữa quãng đời lưu lạc sấp ngửa của chàng nhạc sĩ tài hoa và cô thiếu nữ nhà vườn mang phận du ca. Qua hàng ghế trong không gian mang gam màu classical ấm cúng ấy, bên ly cà phê đen, giọng ca lạ đã cất lên lời của tình yêu và thân phận… Tùng, căn phòng gọn ấy như một cái duyên chứng kiến nhiều cuộc hẹn hò, đến đi hợp tan của giới nghệ sĩ, trí thức khi đặt chân đến Đà Lạt. Nó khiến tôi nghĩ rằng cửa sổ ấy chỉ quen với những ngày mưa mù và khói thuốc, những chiếc ghế nệm trải dài kia chỉ quen với những mẫu người suy tư về thời gian, thứ thời gian cổ điển sang, đẹp mà lạc thời…
 
Mãi mãi về sau này, đô thị xáo trộn, nhiều quán cà phê mới, nhưng sẽ ít giai thoại hơn. Tôi nhớ một anh bạn ký giả lang thang thường ngồi hàng giờ ở quán Valentine đường Trần Hưng Đạo nhìn xuống vạt đồi thông xanh mượt. Từng ngày, từng ngày, rừng thông biến mất chỉ còn một cây trơ trọi giữa rừng… nhà. Bản serenata buồn hơn, ly cà phê nhạt hơn… Mới đây, tôi rùng mình khi đọc trên báo cái tin của anh bạn: “Cây thông ấy đã qua đời”…
 
Bây giờ, nhiều bạn bè lên Đà Lạt, gọi điện nhờ chỉ “một quán cà phê hay hay”. Có khi tôi lúng túng không nhớ ra. Khách bây giờ “lên trển” quẩn quanh với những dãy quán sang ở phố Hoà Bình. Vì so với thành phố khói bụi Sài Gòn thì không gian quán thế đã tốt lắm. Còn với người từng sống ở Đà Lạt thì có khi lại thoáng buồn. Tôi nhớ dãy hoa đào tiền cảnh thành phố bị chết đứng trong một mùa xuân chưa xa vì bê-tông cốt thép lạnh lùng tấn công. Ngày ấy, ngồi dưới tán hoa khô, nhấp ngụm cà phê ấm, nghe đắng cả cõi lòng…
 
Với Đà Lạt, người ta đến quán cà phê có khi vì một chỗ ngồi, một góc bàn hay một khung cửa hoài niệm. Có thể là chốn hẹn hò với người yêu cũ. Có thể nơi phát xuất tình bạn tốt đẹp trong đời, có thể vì một cánh rừng, một ngọn thông đã mất… Và có thể, trong góc quán cà phê ồn ào hôm nay của Đà Lạt, cái thước phim đen trắng quay chậm về một khung cửa kính nhòe nét, những thước phim âm bản còn lại vẫn chậm trôi về trong tôi. Bên ly cà phê phin kia, ở cái xứ lạnh này, mọi thứ có thể trở thành background của hoài niệm!
 
NGUYỄN VĨNH NGUYÊN