Báo chí, truyền thông với việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

SONG HOÀNG 06:24, 06/02/2023

Đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chống các quan điểm sai trái, thù địch được xác định là nhiệm vụ tất yếu hiện nay và đòi hỏi sự tham gia trách nhiệm của nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lực lượng xã hội. Trong đó, báo chí, truyền thông - vũ khí sắc bén trên mặt trận tư tưởng - văn hóa đã và đang cho thấy vai trò quan trọng trong cuộc chiến đầy cam go, phức tạp này.

Lâm Đồng hiện có 3 cơ quan báo chí địa phương là Báo Lâm Đồng, Đài Phát thanh và Truyền hình Lâm Đồng, Tạp chí Langbian; 2 tạp chí chuyên ngành của Trường Đại học Đà Lạt và Học viện Lục quân; 2 đặc san gồm Dalat Info (Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch) và Người làm báo (Hội Nhà báo tỉnh).

Nhằm bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, thời gian qua, các cơ quan báo chí địa phương đã tích cực tuyên truyền nhằm đấu tranh, phản bác thông tin sai sự thật, xấu độc, quan điểm sai trái, thù địch trên internet, mạng xã hội. Nổi bật phải kể đến Báo Lâm Đồng với chuyên mục “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng” đã đề cập nhiều nội dung đa dạng, phong phú, trong đó đáng chú ý là các bài viết phê phán các thông tin không đúng sự thật, bịa đặt, các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, các phần tử cơ hội chính trị; phản bác những lời nói, hành động hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng, chia rẽ Đảng với quần chúng, những luận điệu đòi đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập; phản bác sự vu cáo về việc Việt Nam vi phạm nhân quyền, đàn áp tôn giáo; phê phán những quan điểm xuyên tạc về phát triển kinh tế, văn hóa - văn nghệ, đạo đức, lối sống, thông tin sai lệch về đại dịch COVID-19...

Nhóm chuyên gia của Ban Chỉ đạo 35 và cộng tác viên đã chọn lọc đưa hơn 13.980 lượt thông tin bài viết chính thống của Đảng và Nhà nước để phản bác các quan điểm, luận điệu sai trái lên các trang thông tin điện tử, mạng xã hội. Ngoài ra, Tổ Thư ký Ban Chỉ đạo 35 các cấp còn thành lập kênh cung cấp, trao đổi thông tin trên zalo, facebook để kết nối với tất cả các thành viên quản trị nội dung trên mạng xã hội và trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị trong tỉnh; thông qua đó để cùng trao đổi, thống nhất trong việc phổ biến, tuyên truyền thông tin trên môi trường mạng; đặc biệt là đồng dạng về mặt định hướng thông tin, đồng nhất thời gian tuyên truyền đối với các vấn đề quan trọng, dư luận quan tâm của địa phương, đất nước; phản bác luận điểm sai trái, chống phá trên môi trường mạng; đã phát hiện, ngăn chặn kịp thời 1.104 tin, bài tuyên truyền, phát tán tài liệu chống phá Đảng, Nhà nước, phát tán trên các trang thông tin điện tử, mạng xã hội facebook và blog,... 

Công tác nắm tình hình, ứng dụng kỹ thuật, kiểm soát thông tin xấu độc trên không gian mạng được chú trọng, cụ thể: Trung tâm Tích hợp dữ liệu & Chuyển đổi số, Đội ứng cứu khẩn cấp mạng máy tính thuộc Sở Thông tin và Truyền thông bố trí nhân sự trực 24/7, đảm bảo hệ thống mạng Trung tâm Hành chính tỉnh, Hệ thống mail công vụ, Cổng thông tin điện tử, các trang thông tin điện tử thành viên và hệ thống mạng truyền dẫn của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh hoạt động ổn định, không bị các thế lực thù địch phát tán thông tin trái chiều.

Trong 2 năm (2020, 2021), Sở Thông tin và Truyền thông đã xây dựng bộ khóa tìm kiếm, ứng dụng trên nền tảng rà quét thông tin trên môi trường mạng do Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia cung cấp, bình quân rà quét được 73.646 thông tin/tháng trên môi trường mạng liên quan đến Lâm Đồng, trong đó khoảng hơn 1.800 tin tiêu cực/tháng. Qua công tác rà quét, những thông tin tiêu cực sẽ được nhận định đánh giá mức độ để kịp thời có biện pháp xử lý.

Có thể nói, với sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ, hoạt động báo chí, truyền thông của tỉnh đã góp phần rất lớn vào công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Giữ vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với đông đảo Nhân dân; kịp thời tuyên truyền, phản ánh công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành trong triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị; phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân; cổ vũ, động viên phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, biểu dương gương người tốt, việc tốt; đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch... góp phần ổn định chính trị, tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh.

Trong công cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đội ngũ người làm báo, truyền thông đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Trong bài viết “Phát huy hơn nữa vai trò của báo chí trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ đất nước”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: Trong thời đại bùng nổ thông tin, nhà báo cách mạng lại càng phải có bản lĩnh cách mạng, giữ vững vai trò định hướng thông tin. Nói cách khác, nhà báo cách mạng phải có tinh thần cách mạng, đó là tinh thần tiến công, đấu tranh loại bỏ cái xấu, bảo vệ cái tốt, vì sự nghiệp chung của đất nước, của Nhân dân; là tinh thần tự đổi mới, tự hoàn thiện chính bản thân mình. Đặc biệt, báo chí phải làm sao để góp phần tạo nên sự đồng tâm và sức mạnh tổng hợp to lớn cho cách mạng. Mỗi nhà báo, cơ quan báo chí cần phát huy truyền thống vẻ vang của nền báo chí cách mạng Việt Nam, xây dựng bản lĩnh chính trị, nêu cao trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân và đạo đức nghề nghiệp để hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ chính trị của mình, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng và lòng mong đợi của Nhân dân.

Vì vậy, các cơ quan báo chí, truyền thông của tỉnh cần chủ động tăng cường xây dựng, phát triển chuyên trang, chuyên mục, chương trình, thời lượng thông tin tuyên truyền về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ đạo 35, cơ quan chức năng để kịp thời nắm bắt thông tin, thống nhất nội dung tuyên truyền, đáp ứng cao nhất yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới...