Người ươm mầm cho cây hè phố

08:08, 31/08/2015

Phía sau sự giản dị, khiêm nhường thường thấy của một người phụ nữ sinh ra từ quê nghèo nơi miền Trung như chị, lại là sự say mê, nhiệt huyết đến khó tin với tình yêu chị dành cho những mầm cây được gieo trồng làm đẹp cho hè phố Đà Lạt.

Phía sau sự giản dị, khiêm nhường thường thấy của một người phụ nữ sinh ra từ quê nghèo nơi miền Trung như chị, lại là sự say mê, nhiệt huyết đến khó tin với tình yêu chị dành cho những mầm cây được gieo trồng làm đẹp cho hè phố Đà Lạt.
 
Sự bươn chải làm chị Nguyễn Thị Hà (Tổ sản xuất, Đội công viên cây xanh, Công ty CP Dịch vụ Đô thị Đà Lạt) trông già hơn so với cái tuổi ngoài 30 của mình. Điều này nghĩ chẳng lạ, bởi son sắt của cả thời con gái chị đã quần quật, làm lụng vất vả để lo cơm áo thường nhật cho cả gia đình của mình. Và bây giờ vẫn thế, chị vẫn lam lũ, cũng chẳng có dư dả tiền bạc để trau chuốt bản thân như những người phụ nữ thành đạt hoặc tươm tất ngày hai buổi công sở đi về.
 
Nhưng sự tôn trọng của tôi hoặc bất cứ ai gặp chị là điều không thể khác, bởi tình yêu, sự tận tâm chị dành cho công việc mình đang làm, một công việc ăn lương đúng nghĩa, thu nhập chỉ phần nào tạm đủ trang trải cho cuộc sống giữa cái thời “gạo châu củi quế” này.
 
Chị Nguyễn Thị Hà
Chị Nguyễn Thị Hà

11 năm lao động tại công ty là chừng ấy năm chị hoàn thành xuất sắc công việc được giao. Chưa một ngày được học qua các lớp chuyên ngành về kỹ thuật nông nghiệp, nhưng chị luôn là người được giao trọng trách, phần việc nhiều hơn so với đồng nghiệp. “Thiệt thòi vì không được học hành bài bản, nhưng cả tuổi thơ đã gắn với đất, với cây nên tôi luôn gắng học hỏi tìm tòi để có thể hoàn thành công việc. Khi mới được nhận vào công ty, ngoài việc được những anh chị đi trước, có thâm niên chỉ bảo, tôi còn dành thời gian rảnh rỗi, đến những vườn ươm có tiếng để nâng cao tay nghề”, chị chia sẻ bằng chất giọng nằng nặng thật thà của người miền Trung.
 
Không có khái niệm thảnh thơi ở phụ nữ như chị Hà, bên cạnh bổn phận của một người phụ nữ, làm vợ, làm mẹ, bộn bề với những giặt giũ, cơm áo cho gia đình… thời gian còn lại chị dành tất cả cho vườn ươm của công ty, nơi chị xem đó là “ngôi nhà” thứ hai của mình. Ở đó, chị dành tình yêu của mình cho những hạt mầm, nơi chị có được niềm vui khi gieo thành công một hạt cây, hoa giống cũ, có tuổi thọ cao và sức bền khi đem trồng ở môi trường khắc nghiệt với nhiều tác nhân gây hư hại như ở đường phố, vỉa hè, vườn hoa, công viên.
 
Mọi người ở công ty vẫn dành cho chị sự khâm phục, bởi sự cần cù, không quản ngại kể cả những công việc nặng nề nhất. Đôi bàn tay chai sạn chưa một lần bước vào tiệm để tô vẽ của chị, có thể nhẹ nhàng, khéo léo gieo mầm trong những chiếc khay giống nhỏ bé, nhưng cũng sẵn sàng bám vào trụ cây, leo trèo lên những giá đỡ cao ngất ngưởng đặt vào đó những chậu hoa, những nhành cây... công việc vốn chỉ dành cho đàn ông. Sức mạnh dẻo dai tiềm ẩn, sự đằm thắm dịu dàng dường như quyện lẫn trong con người chất phác của một người phụ nữ miền Trung bỏng rát gió Lào như chị.
 
Niềm vui, sự say mê trong công việc còn được chị chia sẻ dành cho anh em trong đội sản xuất của mình. Đồng nghiệp đau ốm, chán nản vì không hoàn thành nhiệm vụ, nhậu nhẹt, bỏ bê công việc... chị cũng dành thời gian đi tìm, khuyên nhủ, rồi động viên gia đình tạo điều kiện, công ty hỗ trợ để có kinh phí khám chữa, trở về với công việc. Con người được chị giúp đỡ ấy, đã từng bị chính những anh em trong đội sản xuất muốn gửi trả về công ty, giờ vẫn đang làm với chị và là người toàn tâm toàn ý cho công việc. Hỏi chị, chị cười và giản đơn trả lời bằng sự thật thà vốn có: “Cùng là người lao động với nhau, đều khó khăn, đều phải vất vả lo cho cuộc sống thường nhật, nên tôi nghĩ mình phải có trách nhiệm với nhau. Nếu thờ ơ, buông mặc họ, mình cũng thấy có lỗi”.
 
Trách nhiệm, có lẽ là thứ ràng buộc với chị. Trách nhiệm với gia đình để có cuộc sống tốt hơn, chị đã làm điều đó bằng những việc làm thêm, nhận giao khoán, gieo trồng cho các đơn vị, công ty để có thêm thu nhập. Trách nhiệm với công việc, với đồng nghiệp, chị đã làm bằng tất cả sự sẻ chia, bằng cả những sáng kiến với máy tưới tiết kiệm thời gian cho anh em công nhân trong đội bớt phần vất vả.
 
Sự ghi nhận dành cho chị Nguyễn Thị Hà là điều cả xã hội đã ghi nhận, những tấm bằng khen, giấy khen gương điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước, danh hiệu chiến sĩ thi đua của công ty, công đoàn lao động, thành phố Đà Lạt, UBND tỉnh trao tặng đã minh chứng cho những điều ấy. 
 
Qua câu chuyện chị kể, tôi biết chị làm không phải vì những tấm bằng khen, mảnh giấy ghi nhận ấy (dù rất vinh dự), chỉ đơn giản trong thẳm sâu con người hồn hậu và chất phát nơi chị, luôn dành cho công việc, sự lao động chân chính điều tử tế nhất mà mình có thể làm được.
 
ĐĂNG LỘ