Nữ thẩm phán với "trái tim nóng và cái đầu lạnh"

08:09, 04/09/2015

Cho đến nay nhiều người chắc vẫn chưa quên vụ giết người man rợ xảy ra ở xã Tà Nung khi những ngày Tết Nguyên đán Ất Mùi sắp sửa tới gần. Vụ án đó, kẻ giết người đã bị tuyên án tử hình ngay trong phiên tòa xét xử lưu động tại Tà Nung...

Cho đến nay nhiều người chắc vẫn chưa quên vụ giết người man rợ xảy ra ở xã Tà Nung khi những ngày Tết Nguyên đán Ất Mùi sắp sửa tới gần. Vụ án đó, kẻ giết người đã bị tuyên án tử hình ngay trong phiên tòa xét xử lưu động tại Tà Nung. Và chắc nhiều người vẫn còn nhớ người điều khiển phiên tòa ấy là nữ thẩm phán nhỏ nhắn tên Hoàng Thị Minh Hương (52 tuổi) - người có thâm niên 24 năm công tác trong ngành tòa án, trong đó có 16 năm là thẩm phán. Chị hiện là Phó Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Lâm Đồng.
 
Thẩm phán Hoàng Thị Minh Hương đọc bản tuyên án vụ án giết người ở xã Tà Nung
Thẩm phán Hoàng Thị Minh Hương đọc bản tuyên án vụ án giết người ở xã Tà Nung

Giữa những bộ đồng phục giống nhau của cán bộ tòa án, khi nghe giọng nói lanh lảnh, sắc bén đã từng gây ấn tượng với bao người mỗi khi tòa tuyên án tôi nhận ra ngay thẩm phán Minh Hương. Trò chuyện với chúng tôi, nhiều lần chị nhắc đi nhắc lại câu nói “Những người làm công tác xét xử phải làm cho người ta thấy rõ cái sai của mình và tâm phục khẩu phục trước kết quả phán xét. Đồng thời, người thực hiện xét xử cũng phải cho người phạm lỗi thấy “cánh cửa hy vọng” để làm lại cuộc đời”. Với phẩm chất đạo đức của người cán bộ tòa án, nêu cao tinh thần “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, trong 5 năm (2008-2013), thẩm phán Minh Hương đã thụ lý 515 vụ, việc và giải quyết, xét xử đạt tỷ lệ 100%. Riêng năm 2014, chị tham gia xử lý trên 100 vụ việc. Không có án bị hủy, sửa do lỗi chủ quan, không có án để quá hạn theo quy định của pháp luật. 
 
Mỗi khi nhận bất cứ vụ việc nào, chị cũng dành nhiều thời gian nghiên cứu kỹ đối với từng vụ án, bắt đầu từ nội dung đơn khởi kiện, các tài liệu để xác định chính xác quan hệ pháp luật tranh chấp trong các vụ án; đối với những vụ án hình sự, chị đầu tư thời gian nghiên cứu sâu hồ sơ, chứng cứ... đồng thời, hướng dẫn thư ký nắm vững các bước trong quá trình tiến hành tố tụng. Trước khi mở phiên tòa, chị đều dự kiến các tình huống có thể xảy ra tại phiên tòa; thẩm tra chứng cứ về tội phạm và hành vi vi phạm, công khai, đúng pháp luật, thể hiện tính nghiêm minh và nhân đạo của pháp luật. Tận mắt chứng kiến chị xét hỏi tại phiên tòa lưu động ở Tà Nung, mới thấy hết bản lĩnh của vị nữ thẩm phán này. Chị nói, “Tại phiên tòa, người thẩm phán phải dùng nhiều lý lẽ trong quá trình xét hỏi, phải có phương pháp, nghệ thuật thẩm vấn để tìm ra sự thật khách quan của vụ án, để các bị cáo phải tâm phục khẩu phục. Nghệ thuật thẩm vấn của người thẩm phán phải kết hợp giữa việc đúc rút kinh nghiệm, tinh thần tự học với nghiên cứu kỹ hồ sơ, thuộc hồ sơ đưa ra những chứng cứ thuyết phục, nhằm buộc tội bị cáo”.
 
Không chỉ giỏi chuyên môn, ở chị còn là trái tim ấm áp của một người phụ nữ. Chị đặc biệt quan tâm đến đối tượng là trẻ vị thành niên, phụ nữ và trẻ em. Đó là ánh mắt trìu mến của chị dành cho vợ và đứa con chưa tròn tuổi của kẻ giết người; cái xoa đầu của chị dành cho đứa bé lúc sắp rời UBND xã Tà Nung. Trong dòng ký ức về mấy chục năm gắn bó với công việc xét xử, chị kể lại việc xét xử vụ án Dương Âu cùng đồng phạm phạm tội “Trốn đi nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân” năm 2010. Đây là vụ án nghiêm trọng được chính quyền địa phương và nhân dân đặc biệt quan tâm. Bản án đã được tuyên chính xác, khách quan, nghiêm khắc, có tính răn đe, được nhân dân đồng tình ủng hộ và được Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng khen thưởng đột xuất, vì có thành tích trong đấu tranh, phòng chống tội phạm. Khi tôi hỏi chị, một nữ thẩm phán ngồi ghế “nóng” nhiều lần điều khiển phiên tòa có án tử hình, liệu có quá sức đối với người phụ nữ hay không? Chị nở nụ cười hiền hậu: “Đó là nhiệm vụ của mình mà, hơn nữa đứng trước công lý, trước pháp luật, trước cái ác, thì nữ cũng có thể làm việc chính xác, công minh chứ đâu nhất thiết phải là nam mới làm được”. Có lẽ chính vì vậy mà chị là một trong 28 thẩm phán trong cả nước, được Tòa án nhân dân tối cao vinh danh “Thẩm phán tiêu biểu” năm 2014.
 
NGỌC NGÀ