"Giỏi việc trường - Đảm việc nhà"

09:10, 26/10/2015

Từ phong trào thi đua "Giỏi việc trường - Đảm việc nhà" do Công đoàn Giáo dục phát động đã xuất hiện nhiều tấm gương nữ nhà giáo cần mẫn, tận tụy với công việc, vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống để hoàn thành nhiệm vụ cũng như làm tròn vai trò người phụ nữ trong gia đình. 

Từ phong trào thi đua “Giỏi việc trường - Đảm việc nhà” do Công đoàn Giáo dục phát động đã xuất hiện nhiều tấm gương nữ nhà giáo cần mẫn, tận tụy với công việc, vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống để hoàn thành nhiệm vụ cũng như làm tròn vai trò người phụ nữ trong gia đình. 
 
Giao lưu với những nữ nhà giáo tiêu biểu trong phong trào thi đua “Giỏi việc trường - Đảm việc nhà” trong dịp 20/10/2015
Giao lưu với những nữ nhà giáo tiêu biểu trong phong trào thi đua “Giỏi việc trường - Đảm việc nhà”
trong dịp 20/10/2015

Nghe câu chuyện của cô Nguyễn Thị Xoan - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Nghĩa II (huyện Di Linh) chia sẻ mới thấy hết sự tần tảo, sức chịu đựng lớn lao cũng như nghị lực của người phụ nữ. Chồng cô không may mất sớm, một mình cô vất vả nuôi hai con thơ dại. Có những lúc khó khăn cộng với sự hụt hẫng khi thiếu đi chỗ dựa khiến cô Xoan muốn gục ngã. Nhưng thương con, thương học trò, yêu nghề nên cô lại vực dậy, vượt qua số phận để làm tròn vai trò của cả người cha và người mẹ trong gia đình, vừa cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao. Với nghị lực của mình, cô luôn làm tốt công việc ở trường và nuôi dạy hai con trưởng thành khi giờ đây cả hai đều là chiến sĩ công an nhân dân theo ước nguyện của cha. Hay trường hợp của cô Nguyễn Thị Thanh Toàn - Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Đa Quyn (huyện Đức Trọng) cũng một mình nuôi hai con nhỏ khi chồng mất sớm. Khó khăn như thêm chồng chất khi gia đình nội ngoại ở xa, không có ai để nhờ cậy khi con thơ đau ốm. Vậy mà, cô vẫn cố gắng nỗ lực trong công việc, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi tại địa phương. May mắn hơn cô Xoan và cô Toàn khi chồng vẫn còn là chỗ dựa tinh thần, hơn 10 năm nay, cô Hàn Thị Lan - Phó Giám đốc Trung tâm GDTX tỉnh vừa phải chăm sóc chồng bị liệt cả hai chân thường xuyên đau yếu, vừa nuôi dạy con ngoan học giỏi, lại vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ của người cán bộ quản lý. 
 
Nếu như cô Xoan, cô Toàn phải chịu nỗi đau thiếu đi chỗ dựa trong gia đình, cô Lan vất vả chăm chồng đau yếu thì cô giáo Bùi Thị Thu Sang - Trường Mầm non III (thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà), cô giáo Nguyễn Đức Hạnh - Trường THPT Chuyên Thăng Long (Đà Lạt), cô giáo Phạm Ngọc Như Yến - Trường Tiểu học Mê Linh (Đà Lạt)... lại phải chịu đựng nỗi đau thể xác khi không may mắc phải căn bệnh hiểm nghèo. Nhưng với tất cả niềm đam mê nghề nghiệp và khát vọng sống, các cô vẫn tiếp tục đứng lớp bằng tình yêu thương học trò vô bờ bến. Qua nhiều lần hóa trị, xạ trị, tóc các cô đã rụng hết, thậm chí cả lông mày, lông mi cũng rụng, các cô vẫn hàng ngày gắn lông mi giả, đội tóc giả đến trường truyền kiến thức cho bao thế hệ học trò. 
 
Rồi có hàng ngàn nữ nhà giáo đang công tác tại các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn nhưng các cô luôn là những người tận tụy, hy sinh thầm lặng gắn bó với nghề. Đó là cô giáo Ka Hiền - Trường Mẫu giáo Bảo Thuận (huyện Di Linh) có hơn 20 năm giảng dạy ở vùng đồng bào DTTS. Cô đã khắc phục mọi khó khăn, gian khổ để chăm sóc, nuôi dạy trẻ vùng sâu. Cô liên tục giữ vững danh hiệu giáo viên giỏi, chiến sĩ thi đua các cấp. Năm 2014, cô là giáo viên người DTTS đầu tiên của tỉnh Lâm Đồng vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú. Đó là cô Hồ Thị Hạnh - Hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung (huyện Cát Tiên) đã nỗ lực vươn lên từ vùng đất khó. Hơn 30 năm công tác, trong đó, có hơn 20 năm giữ chức vụ Phó Hiệu trưởng, Hiệu trưởng ở các trường vùng xa khó khăn, dù còn nhiều thiếu thốn nhưng với tinh thần trách nhiệm cao, cô luôn tận tụy hết lòng chăm lo cho sự nghiệp giáo dục - đào tạo tại địa phương...
 
Còn rất nhiều những tấm gương tiêu biểu của phong trào thi đua “Giỏi việc trường - Đảm việc nhà”, các cô là những điển hình trong công tác quản lý, giảng dạy, nghiên cứu khoa học, xây dựng gia đình “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”. Ở bất cứ thời đại nào, người phụ nữ Việt Nam cũng luôn rèn luyện và phát huy 4 phẩm chất đạo đức “Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang”, xứng đáng là những người phụ nữ hai giỏi.
 
TUẤN HƯƠNG