Tiếp tục chú trọng, nâng cao chất lượng đào tạo nghề nông thôn

09:10, 14/10/2015

Phát triển nguồn nhân lực là khâu đột phá và điều kiện tiên quyết cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế đất nước nói chung và địa phương Lâm Đồng nói riêng… 

Phát triển nguồn nhân lực là khâu đột phá và điều kiện tiên quyết cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế đất nước nói chung và địa phương Lâm Đồng nói riêng… 
 
Giờ thực hành của sinh viên Khoa Điện - Điện tử, Trường Cao đẳng Nghề Đà Lạt
Giờ thực hành của sinh viên Khoa Điện - Điện tử, Trường Cao đẳng Nghề Đà Lạt
Lực lượng lao động nông thôn (LĐNT), nhất là lao động thuộc diện gia đình có công cách mạng, hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, người khuyết tật… luôn là đối tượng ưu tiên trong các chính sách của Đảng, Nhà nước, trong đó có chính sách dạy nghề, tạo việc làm. Trên thực tế, những năm qua, hoạt động dạy nghề LĐNT của tỉnh đã thu được nhiều kết quả tốt, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn tại địa phương. 
 
Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH Lâm Đồng Ngô Hữu Hay, khẳng định: “Lâm Đồng là một trong những tỉnh đã chú trọng và làm rất tốt công tác đào tạo nghề nông thôn. Đây cũng là địa phương thu hút nhiều đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia đào tạo nghề, tuy quy mô không lớn, nhưng hiệu quả lao động sau đào tạo rất cao”.
 
Qua thực tế khảo sát, đánh giá hiệu quả Đề án 1956 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Đề án) về dạy nghề cho LĐNT trên địa bàn tỉnh năm 2014, cho thấy: Hiệu quả kinh tế - xã hội trong việc thực hiện Đề án dạy nghề LĐNT là đã gắn với giải quyết việc làm và dạy nghề gắn với chuyển dịch cơ cấu LĐNT theo hướng tăng lao động phi nông nghiệp, nâng cao hiệu quả lao động sản xuất, góp phần tích cực trong xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn tỉnh. Việc học nghề từng bước thu hút được lực lượng lao động trẻ tham gia, cải thiện hiệu quả sản xuất khu vực nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giảm thất nghiệp, tăng thời gian làm việc, tăng thu nhập cho LĐNT, đặc biệt là lao động nữ. 
 
Theo Sở LĐTB-XH tỉnh Lâm Đồng, gắn đào tạo nghề với thực tế sản xuất, kinh doanh của người học; tạo điều kiện để các cơ sở đào tạo nghề liên doanh, liên kết với các cơ sở sản xuất nhằm đào tạo nghề theo nhu cầu và bố trí việc làm đã cho thấy những “tín hiệu” khả quan. Trong 5 năm qua (từ 2010-2014), tổng số tiền chi cho công tác đào tạo, dạy nghề cho LĐNT của tỉnh theo Đề án đạt trên 140 tỷ đồng (ngân sách địa phương 9,3 tỷ đồng), trong đó chi trực tiếp cho dạy nghề LĐNT 34,1 tỷ đồng, số còn lại đầu tư xây dựng nhà xưởng, mua sắm trang thiết bị, trang bị cơ sở vật chất phục vụ đào tạo. 
 
Cũng trong 5 năm qua, đã tổ chức được 1.050 lớp học cho 29.394 học viên tại 112/117 xã của tỉnh, với 83% lao động có việc làm đúng nghề. Toàn tỉnh cơ bản hoàn thành việc đầu tư cơ sở vật chất 5 trung tâm dạy nghề. Bên cạnh đó, Đề án còn góp phần đẩy mạnh xã hội hóa dạy nghề, mỗi năm có từ 10-20 trung tâm nông nghiệp, trung tâm hướng nghiệp tổng hợp, trường đại học, cao đẳng, trung tâm dạy nghề ngoài công lập, doanh nghiệp, hợp tác xã được các huyện, thành phố lựa chọn dạy nghề cho LĐNT.   
 
Nói về hiệu quả của việc dạy nghề nông thôn, Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương Nguyễn Quốc Kỳ, cho rằng: Chỉ cần nhìn vào trình độ canh tác nông nghiệp, trước hết là trồng, chăm sóc cây cà phê của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện sẽ thấy hiệu quả của việc đào tạo nghề LĐNT. Trước đây, bà con chỉ biết trồng cà phê theo hướng quảng canh, giờ đồng bào đã biết thâm canh, tỉa cành, bón phân... Có thời điểm bà con được nhà nước cấp phân bón nhưng họ không biết sử dụng thế nào cho hiệu quả, sau khi được “cầm tay chỉ việc”, giờ bà con đã chủ động mua phân bón trả chậm, mỗi xã mua với số lượng lên đến hàng trăm tấn để bón cho cây cà phê. Việc sử dụng các loại thuốc BVTV cũng vậy, nay không những bà con đã biết sử dụng mà còn sử dụng có hiệu quả. Riêng trong việc thu hoạch cà phê, sau khi được đào tạo, tập huấn, người dân chỉ thu hái những quả chín, không như các địa phương khác tuốt cả quả xanh nên giá cà phê của Lạc Dương bao giờ cũng cao hơn các địa phương khác vì đảm bảo chất lượng. 
 
Chánh Văn phòng UBND huyện Lạc Dương Trần Xuân Quý, cho biết thêm: Huyện Lạc Dương có tới 73,9% dân cư là đồng bào dân tộc thiểu số, nhìn chung trình độ canh tác vẫn còn rất thấp, thu nhập đa số chỉ dựa vào cây cà phê, do đó việc đào tạo nghề LĐNT, nhất là nghề nông nghiệp luôn được huyện hết sức quan tâm, dành rất nhiều kinh phí cho việc đào tạo. Quá trình đào tạo thông qua ngân sách của Đề án và các nguồn vốn hỗ trợ học nghề từ các chương trình khác, như giảm nghèo nhanh và bền vững; JICA, các doanh nghiệp tự đào tạo... Kết quả 5 năm qua (từ 2010-2014), đã có 4.329 LĐNT được huyện hỗ trợ học nghề, riêng 9 tháng đầu năm 2015, huyện mở 13 lớp học cho 455 LĐNT.   
 
Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Trần Xuân Quý cũng trăn trở: Khó khăn nhất trong dạy nghề nông thôn hiện nay là Đề án quy định mỗi lao động có thể được học nhiều nghề, nhưng chỉ được Nhà nước hỗ trợ kinh phí cho một nghề. Điều này đúng với các nghề phi nông nghiệp, trong khi số đông người dân địa phương, nhất là bà con dân tộc thiểu số thì lại sống bằng nghề nông nghiệp “đa cây, đa con”. Nhận thức của đồng bào còn thấp, kinh tế còn khó khăn, nếu học nghề chăn nuôi thì không được hỗ trợ nghề trồng trọt, chăm sóc cây trồng và ngược lại nên vẫn còn những khó khăn trong việc thu hút đồng bào tham gia học nghề nông thôn.    
 
Trong khi đó, theo Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH Lâm Đồng Ngô Hữu Hay, hiện nhu cầu học nghề là rất lớn (toàn tỉnh có hơn 700.000 lao động, trong đó có khoảng 400.000 LĐNT), trong khi mỗi năm mới chỉ đào tạo được khoảng 6.000 người. Nguyên do nguồn kinh phí cho đào tạo còn có hạn, chưa kể năng lực của các đơn vị đào tạo còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của người lao động. Bên cạnh đó, ngành nghề đào tạo chưa nhiều, số lao động được cấp chứng chỉ nghề còn quá khiêm tốn... 
 
Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH tỉnh Lâm Đồng, cho biết: Để giải quyết những tồn tại này, trong những năm tới, Sở tiếp tục chú trọng, nâng cao chất lượng đào tạo nghề nông thôn. Trong đó, tập trung phát triển quy mô, ngành nghề đào tạo, nâng cao năng lực của các trung tâm dạy nghề, đặc biệt khuyến khích xã hội hóa trong việc đào tạo nghề nông thôn. Huy động tất cả các nguồn lực gắn với đào tạo nghề nông thôn, nhất là các xã nghèo và vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời nâng cao chất lượng đào tạo - cả về giáo viên cũng như quản lý nhà nước.ª
 
Trên cơ sở Đề án 1956 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 25/8/2010, UBND tỉnh cũng đã phê duyệt “Đề án đào tạo nghề cho LĐNT tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020”. Theo đó, bằng mọi hình thức, mỗi năm sẽ đào tạo khoảng 26.000 - 27.000 LĐNT. Trong đó, chú trọng ưu tiên các đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số..., như hỗ trợ một phần tiền sinh hoạt hằng ngày khi tham gia khóa học, được ngân sách hỗ trợ 100% lãi suất đối với khoản vay để học nghề và tạo việc làm...
 
THỤY TRANG