Lâm Đồng thực hiện tốt các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ về y tế

08:10, 14/10/2015

Kết quả thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của ngành Y tế Lâm Đồng đến năm 2015 đã đạt ngang bằng với toàn quốc và cao hơn nhiều các tỉnh có cùng điều kiện kinh tế - xã hội trong khu vực.

Kết quả thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của ngành Y tế Lâm Đồng đến năm 2015 đã đạt ngang bằng với toàn quốc và cao hơn nhiều các tỉnh có cùng điều kiện kinh tế - xã hội trong khu vực.
 
Trong những năm qua, ngành Y tế Lâm Đồng có nhiều nỗ lực để thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDG) đến năm 2015 mà Việt Nam đã cam kết với cộng đồng quốc tế. Trong các chỉ số sức khỏe theo Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ đến năm 2015 bao gồm: Xóa bỏ tình trạng nghèo (giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi); giảm tử vong trẻ em; tăng cường sức khỏe bà mẹ và phòng chống HIV, sốt rét, lao. 
 
Kết quả thực hiện các Mục tiêu thiên niên kỷ của ngành Y tế Lâm Đồng đến năm 2015 cụ thể như sau: Tỉ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi 14,2% (toàn quốc 15,3%); tỷ suất tử vong trẻ < 1 tuổi/1.000 trẻ đẻ sống 12,4% (toàn quốc 14,8); tỷ suất tử vong mẹ/100.000 trẻ đẻ sống 58,7 (toàn quốc 61,9); tỉ lệ áp dụng biện pháp tránh thai 75,3% (toàn quốc 77,2%); có 99,3% bà mẹ đẻ được cán bộ y tế đỡ (toàn quốc 97%); có 96,7% phụ nữ có thai được khám thai ít nhất 3 lần trong thai kỳ (toàn quốc 80%); tỉ lệ mắc sốt rét/1.000 dân < 0,28 (toàn quốc 0,3), tỉ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng 0,12 (toàn quốc 0,3), tiêm chủng mở rộng > 97,5% (toàn quốc > 90%)… TS Phạm Thị Bạch Yến - TUV, Giám đốc Sở Y tế cho biết: “Hầu hết các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ về y tế đến năm 2015 của ngành Y tế Lâm Đồng đã đạt ngang bằng với toàn quốc và cao hơn nhiều các tỉnh có cùng điều kiện kinh tế - xã hội trong khu vực”. 
 
Lãnh đạo Bộ Y tế và tỉnh Lâm Đồng theo dõi ca đặt stent động mạch vành đầu tiên thực hiện tại Đơn vị Tim mạch can thiệp - BVĐK Lâm Đồng
Lãnh đạo Bộ Y tế và tỉnh Lâm Đồng theo dõi ca đặt stent động mạch vành đầu tiên thực hiện
tại Đơn vị Tim mạch can thiệp - BVĐK Lâm Đồng

Công tác y tế tại tỉnh Lâm Đồng từng bước đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của nhân dân trong tỉnh. Mạng lưới y tế được xây dựng và phân bố đều khắp trên địa bàn. Toàn tỉnh có 2.812 giường bệnh, có 6,42 bác sỹ và 0,63 dược sỹ đại học/1 vạn dân; đã có 81,6% trạm y tế xã có bác sỹ, 100% trạm y tế có y sỹ sản nhi hoặc nữ hộ sinh (toàn quốc 90%); 96,8% thôn bản có nhân viên y tế hoạt động (toàn quốc 86%). Đội ngũ cán bộ nhân viên y tế tỉnh có hơn 4.000 người, trong đó có 109 tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa I, II, thạc sĩ, mỗi năm khám bệnh cho hơn 3,1 triệu lượt người. 
 
Trong 5 năm qua ngành Y tế Lâm Đồng thực hiện chính sách hỗ trợ khám chữa bệnh miễn phí cho 8.925 bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo với hơn 27,7 tỷ đồng; có 78 cán bộ y tế trong tỉnh đã hiến máu cứu người. Ngành Y tế tỉnh đã không ngừng đổi mới nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đã đào tạo 1.976 lượt cán bộ nâng cao về chuyên môn, quản lý nhà nước, quản lý bệnh viện, tin học, ngoại ngữ, giao tiếp ứng xử; đã triển khai 38 loại kỹ thuật mới; nghiệm thu 50 đề tài nghiên cứu cấp ngành. Cùng với việc tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đào tạo nhân lực hàng năm đã nâng công suất sử dụng giường bệnh bình quân 110%. Tỉ lệ chuyển viện giảm từ 5% (năm 2010) đến nay giảm xuống còn 2,6% góp phần cứu sống nhiều bệnh nhân nặng và giảm sự tốn kém cho gia đình người bệnh khi phải chuyển tuyến trên. Mạng lưới khám chữa bệnh đã phát triển đồng bộ cả y tế phổ cập và y tế chuyên sâu, đạt được nhiều thành tựu đáng kể, đáp ứng về cơ bản nhu cầu khám chữa bệnh phổ cập cho nhân dân và áp dụng các kỹ thuật cao tại chỗ. 
 
Tầm nhìn trong 5 năm tới, TS Phạm Thị Bạch Yến - Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng nhận định: Công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân đang đứng trước khó khăn, thách thức chung trên toàn cầu, như: khí hậu biến đổi, môi trường bị ô nhiễm, dịch bệnh phức tạp khó lường, mô hình bệnh tật thay đổi... đòi hỏi cán bộ, đảng viên trong toàn ngành Y tế Lâm Đồng phải quyết tâm phát huy cao độ trí tuệ, tâm huyết, phát huy những thành tích đã đạt được phấn đấu thực hiện tốt 9 nhiệm vụ, giải pháp để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Đó là nâng cao tinh thần thái độ phục vụ người bệnh, thực hiện tốt Quy tắc giao tiếp, ứng xử của cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp y tế và các quy định về y đức. Sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực và phát huy tối đa hiệu quả sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị được đầu tư; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế. Nâng cao năng lực quản lý, lãnh đạo điều hành của người đứng đầu cơ sở khám, chữa bệnh; tăng cường công tác quản lý nhà nước về khám, chữa bệnh; quản lý chất lượng bệnh viện gắn với quan điểm lấy người bệnh làm trung tâm; xác định việc bảo đảm và cải tiến chất lượng là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của các bệnh viện, được tiến hành thường xuyên. Thực hiện tốt các qui chế bệnh viện, qui chế chuyên môn, các luật và các văn bản qui phạm pháp luật liên quan đến khám chữa bệnh và bảo hiểm y tế. 
 
Phát triển số lượng, chất lượng các dịch vụ y tế theo kế hoạch cải tiến chất lượng hàng năm, phù hợp với mô hình bệnh tật đối với từng tuyến, từng bệnh viện; trong đó, tập trung phát triển các kỹ thuật phổ cập, theo phân tuyến đối với tuyến huyện, xã và lựa chọn, phát triển các kỹ thuật chuyên khoa sâu, kỹ thuật cao tại các bệnh viện tuyến tỉnh; xây dựng và nâng cao chất lượng các đơn vị tim mạch can thiệp, xây dựng đề án Bệnh viện vệ tinh để phát triển thêm chuyên khoa ung bướu tại Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng. Thực hiện nghiêm công tác điều dưỡng về chăm sóc người bệnh trong bệnh viện, công tác dinh dưỡng tiết chế trong bệnh viện, công tác kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện, vệ sinh môi trường; đảm bảo cung ứng đủ thuốc, vật tư, hóa chất có chất lượng để phục vụ người bệnh. 
 
Huy động các nguồn lực để đầu tư, hoàn thiện cơ sở vật chất theo hướng hiện đại, chuyên sâu ở các bệnh viện tuyến tỉnh và phổ cập tại tuyến y tế cơ sở để giảm quá tải, nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh; thực hiện tốt Đề án xã hội hóa công tác y tế, phát triển các khu điều trị theo yêu cầu để đáp ứng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân. Tăng cường kiểm tra, thanh tra các cơ sở khám chữa bệnh trong việc triển khai thực hiện nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh đáp ứng nhu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe ngày càng cao của nhân dân. Tăng cường công tác tuyên truyền để người dân có kiến thức phòng bệnh và hiểu được lợi ích của việc tham gia bảo hiểm y tế trong khám chữa bệnh.
 
DIỆU HIỀN