Bảo Lâm nỗ lực loại trừ bệnh phong

09:11, 16/11/2015

Hiện nay, toàn tỉnh có 11/12 huyện, thành phố đạt tiêu chuẩn Loại trừ bệnh phong (LTBP) cấp huyện, thành phố theo 4 tiêu chí mới của Bộ Y tế. Trong đó có 4 đơn vị đã được UBND tỉnh công nhận đạt tiêu chuẩn LTBP quy mô cấp huyện, thành phố xếp loại xuất sắc gồm: Đà Lạt, Lạc Dương, Đơn Dương và Đam Rông. Huyện Bảo Lâm chưa đạt do tỉ lệ lưu hành bệnh phong trong cộng đồng còn cao.

Hiện nay, toàn tỉnh có 11/12 huyện, thành phố đạt tiêu chuẩn Loại trừ bệnh phong (LTBP) cấp huyện, thành phố theo 4 tiêu chí mới của Bộ Y tế. Trong đó có 4 đơn vị đã được UBND tỉnh công nhận đạt tiêu chuẩn LTBP quy mô cấp huyện, thành phố xếp loại xuất sắc gồm: Đà Lạt, Lạc Dương, Đơn Dương và Đam Rông. Huyện Bảo Lâm chưa đạt do tỉ lệ lưu hành bệnh phong trong cộng đồng còn cao.
 
BSCK I Nguyễn Văn Chất - Đội trưởng Đội Vệ sinh phòng dịch - Trung tâm Y tế Bảo Lâm đang khám theo dõi tình trạng phản ứng phong tại nhà bệnh nhân
BSCK I Nguyễn Văn Chất - Đội trưởng Đội Vệ sinh phòng dịch - Trung tâm Y tế Bảo Lâm
đang khám theo dõi tình trạng phản ứng phong tại nhà bệnh nhân

Lộ trình đến năm 2017, huyện Bảo Lâm sẽ được công nhận đạt tiêu chuẩn LTBP quy mô cấp huyện. Chặng đường tới, huyện Bảo Lâm cũng như ngành y tế Lâm Đồng phải nỗ lực rất nhiều trong việc đảm bảo cho huyện đạt 4 tiêu chí LTBP do Bộ Y tế quy định, đặc biệt là tiêu chí 1: “Trong 3 năm liên tục tính đến thời điểm kiểm tra có tỉ lệ lưu hành bệnh phong dưới 0,2/10.000 dân”.
 
BSCK I Nguyễn Văn Chất - Đội trưởng Đội Vệ sinh phòng dịch - Trung tâm Y tế Bảo Lâm cho biết: Hiện nay, chúng tôi đang quản lý 18 bệnh nhân phong. Từ khi được công nhận LTBP trên quy mô cấp huyện (tiêu chí cũ) vào năm 2009, huyện Bảo Lâm vẫn nỗ lực duy trì các tiêu chí LTBP, hoạt động khám, phát hiện, điều trị và chăm sóc tàn tật vẫn được thực hiện thường xuyên. 
 
Từ năm 2009 đến nay, trên địa bàn huyện Bảo Lâm đã phát hiện được 9 bệnh nhân phong mới đưa vào điều trị và chăm sóc tàn tật. Riêng năm 2014 đã phát hiện 4 bệnh nhân phong mới, trong đó có 2 bệnh nhân thể thần kinh đơn thuần, 2 bệnh nhân phản ứng đảo nghịch nặng - 1 bệnh nhân không hợp tác điều trị. Trong 10 tháng đầu năm 2015, ngành Y tế địa phương đã phát hiện 2 bệnh nhân phong mới tại Thị trấn Lộc Thắng. Như vậy, 2 năm gần đây do có thêm nhiều bệnh nhân phong trong cộng đồng được phát hiện nên đến nay huyện Bảo Lâm không đạt được tiêu chí 1 về tỉ lệ lưu hành bệnh phong dưới 0,2/10.000 dân. 
 
Trong số 9 bệnh nhân phong mới này do các bác sĩ chuyên khoa tổ chức khám tiếp xúc phát hiện 4 người, khám điều tra phát hiện 4 trường hợp và 1 bệnh nhân tự đến với y tế do nghi ngờ các dấu hiệu triệu chứng của bệnh phong.
 
BS Chất nhận định: Với tình hình khám, phát hiện, điều trị và chăm sóc tàn tật cho bệnh nhân phong từ năm 2009 đến nay cho thấy mô hình bệnh phong tại huyện Bảo Lâm rất đa dạng. Để phát hiện được thêm nhiều bệnh nhân phong trong cộng đồng không phải dễ, vì vậy, về công tác khám điều tra, chúng tôi đã triển khai khám có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải để đỡ lãng phí công sức mà lại không có kết quả. Trước khi khám cần tập huấn lại chuyên môn cho đội ngũ cộng tác viên để họ khám điều tra có hiệu quả. Đối với công tác khám tiếp xúc: Dù biết bệnh phong khó lây nhưng đối với những người tiếp xúc gần, thường xuyên trong gia đình bệnh nhân phong thì nguy cơ lây nhiễm vẫn cao. Điển hình như qua khám tiếp xúc, chúng tôi đã phát hiện 4 bệnh nhân có triệu chứng đầu tiên của bệnh phong đưa vào điều trị sớm, không để xảy ra tàn tật. Trong quá trình khám sàng lọc: Phải khám toàn diện và cẩn thận, đòi hỏi phải có trình độ chuyên môn nhất định mới có thể phát hiện ra bệnh nhân phong mới ở thể thần kinh đơn thuần, vì những bệnh nhân này không có triệu chứng về da.  
 
Về điều trị bệnh phong và phản ứng phong, BS Chất cho biết, trong quá trình điều trị phải theo dõi bệnh nhân hàng tháng, những bệnh nhân nguy cơ cao phải theo dõi hàng tuần, nếu có triệu chứng phản ứng phong nặng phải điều trị theo phác đồ, khi cần thiết phải kéo dài liệu trình điều trị để đạt kết quả mong muốn và tránh tàn tật do phản ứng phong gây ra. Để phục hồi tàn tật và không để xảy ra tàn tật mới cho bệnh nhân phong thì cần chăm sóc tàn tật thường xuyên tại nhà, hướng dẫn chu đáo cho bệnh nhân về cách phòng ngừa tàn tật và phục hồi tàn tật thật kỹ càng, cấp dụng cụ phòng ngừa tàn tật đầy đủ và giới thiệu bệnh nhân đến các cơ sở phẫu thuật phục hồi chức năng kịp thời. 
 
Bệnh phong không còn là vấn đề y tế cộng đồng, tuy nhiên, công tác truyền thông giáo dục sức khỏe vẫn phải đặt lên hàng đầu. Theo BS Chất - bác sỹ chuyên khoa cấp I về phong cho rằng: Truyền thông về chiều rộng lẫn chiều sâu trên tất cả các phương tiện thông tin đại chúng để cán bộ và nhân dân hiểu biết những kiến thức cơ bản về bệnh phong, từ đó tham gia tích cực công tác LTBP, bệnh nhân phong không bị kỳ thị, thành kiến, phân biệt đối xử; tạo điều kiện giúp đỡ bệnh nhân phong hòa nhập cộng đồng và người bệnh không mặc cảm sẽ hợp tác tốt với thầy thuốc trong quá trình điều trị. 
 
BS Chất nhấn mạnh: Điều quan trọng là cán bộ làm công tác phòng chống bệnh phong phải luôn thương yêu và giúp đỡ bệnh nhân, coi họ như người thân trong gia đình, ra sức học tập rèn luyện chuyên môn để phục vụ bệnh nhân và góp phần  trong công tác loại trừ bệnh phong sắp tới trên địa bàn huyện  Bảo Lâm.
 
AN NHIÊN