Bảo vệ phát triển rừng gắn với người dân

08:11, 13/11/2015

Ngành NN&PTNT có 3 đơn vị trực thuộc với chức năng bảo vệ và phát triển rừng (BVPTR) bền vững đó là Chi cục Lâm nghiệp (CCLN), Chi cục Kiểm lâm (CCKL) và Quỹ Bảo vệ phát triển rừng (QBVPTR). Là tỉnh có tổng diện tích rừng lớn, những năm qua, thông qua chỉ đạo của tỉnh và Sở, 3 đơn vị này đã thực hiện đạt được nhiều thành tựu đồng thời 2 mặt: BVPTR và góp phần về an sinh xã hội.

Ngành NN&PTNT có 3 đơn vị trực thuộc với chức năng bảo vệ và phát triển rừng (BVPTR) bền vững đó là Chi cục Lâm nghiệp (CCLN), Chi cục Kiểm lâm (CCKL) và Quỹ Bảo vệ phát triển rừng (QBVPTR). Là tỉnh có tổng diện tích rừng lớn, những năm qua, thông qua chỉ đạo của tỉnh và Sở, 3 đơn vị này đã thực hiện đạt được nhiều thành tựu đồng thời 2 mặt: BVPTR và góp phần về an sinh xã hội.
 
Khu vườn ươm giống cây rừng công nghệ cao tại Gung Ré, Di Linh
Khu vườn ươm giống cây rừng công nghệ cao tại Gung Ré, Di Linh

Trước hết, phải kể đến Dự án “Phát triển lâm nghiệp để cải thiện đời sống vùng Tây Nguyên tỉnh Lâm Đồng” (FLITCH) do CCLN trực tiếp quản lý đã thực hiện từ năm 2007 đến nay với trên 60 thôn, 14 xã thuộc 3 huyện Lạc Dương, Di Linh và Đam Rông. Dự án triển khai trên tổng diện tích 181.515ha, với 7.048 hộ dân (36.053 khẩu), trong đó hơn 95% là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sống gần rừng và dựa chủ yếu vào rừng. Dự án có 4 hợp phần, gồm nhiều hạng mục cho các hộ dân tham gia như: trồng rừng, nông lâm kết hợp, cải tạo vườn hộ, giao khoán bảo vệ rừng, cho vay từ nguồn quỹ phát triển xã (CDF), xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh... Kết quả, đã có khoảng 7.000 hộ dân tham gia, trong đó khoảng 1.960 phụ nữ (chiếm 28%). Dự án đã trồng 2.992ha rừng; trong đó 1.286 hộ dân trồng 1.520ha và các đơn vị công ty lâm nghiệp, Ban quản lý rừng phòng hộ, doanh nghiệp trồng 1.472ha. Dự án cũng đã triển khai thực hiện 1.960ha nông lâm kết hợp cho 1.983 hộ tham gia; 1.997 hộ tham gia cải tạo vườn hộ với 245ha. Thông qua giao khoán bảo vệ rừng, có 1.257 hộ dân thực hiện với 22.678ha rừng tự nhiên. Với hạng mục “Xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng nông thôn” tại các xã vùng dự án như trường học, trạm xá, nhà sinh hoạt cộng đồng, kênh mương thủy lợi, cầu, đường nông thôn..., Dự án đã đầu tư hỗ trợ với mức 5 - 6 tỷ đồng/xã, góp phần cải thiện bộ mặt nông thôn, giúp các xã đạt thêm một số tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
 
Đối với ngành Kiểm lâm, với chức năng của mình, từ năm 1992 đến nay, lực lượng kiểm lâm đã tổ chức tuyên truyền pháp luật về BVPTR cho trên 235.100 lượt người tham gia, vận động 93.884 hộ dân tham gia ký cam kết bảo vệ rừng. Trên toàn tỉnh đã có 1.628 thôn, buôn có rừng triển khai xây dựng và thực hiện quy ước bảo vệ rừng. Về công tác phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR), ngoài việc ngành và đơn vị liên quan từng bước được huấn luyện, trang bị ngày càng tốt hơn... đặc biệt còn tuyên truyền, vận động toàn dân tham gia. Trong đó, đáng ghi nhận là tổ chức mô hình hợp đồng khoán tổ đội PCCCR ngày càng đạt hiệu quả cao. Từ đó, vừa giảm thiểu đến mức thấp nhất về số vụ, diện tích và thiệt hại do cháy rừng gây ra; vừa nâng cao nhận thức và nguồn thu nhập trong nhân dân. 
 
Đối với QBVPTR, là đơn vị mới thành lập (hoạt động từ 3/2009), với chức năng và nhiệm vụ của mình cũng đã thực hiện được một số thành tích đáng ghi nhận. Từ đó đến nay, tổng số tiền thu được là 857.810 triệu đồng; tổng số tiền đã chi trả là 655.952 triệu đồng với 27.000 hộ hưởng lợi. Diện tích rừng được khoán BVR hàng năm 563.050 ha. Với chủ trương và chính sách này, tỉnh Lâm Đồng đã đi đầu trong việc góp phần quan trọng trong chủ trương xã hội hóa nghề rừng và ổn định, cải thiện đời sống kinh tế cho các hộ dân. Với những lĩnh vực nêu trên, qua những năm thực hiện Dự án cho thấy hàng ngàn hộ dân vừa nâng cao nhận thức BVPTR vừa được tăng thu nhập cho hộ gia đình mình đáng kể.
 
ĐẠO PHAN