Đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa - nhìn từ Lạc Dương

09:11, 03/11/2015

Lạc Dương có 5 xã và 1 thị trấn. Dân số trên 5.500 hộ/24.468 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chủ yếu là dân tộc K'Ho 4.028 hộ/18.090 nhân khẩu, chiếm 73,9%… 

Lạc Dương có 5 xã và 1 thị trấn. Dân số trên 5.500 hộ/24.468 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chủ yếu là dân tộc K’Ho 4.028 hộ/18.090 nhân khẩu, chiếm 73,9%… Qua 15 năm thực hiện Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa (TDĐKXDĐSVH) ở huyện ghi nhận: ý thức cộng đồng được củng cố và phát huy; tính tự chủ, tự quản của nhân dân trong sinh hoạt và đời sống, trong việc chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ngày một tốt hơn; khối đại đoàn kết toàn dân tăng cường, phát triển KT-XH được đẩy mạnh, an ninh chính trị giữ vững ổn định, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân nâng cao.
 
Trung tâm VH-TT huyện xây dựng khang trang, nhiều công năng (được đầu tư 34 tỷ đồng) vừa đưa vào sử dụng, đã đáp ứng cao nhu cầu sinh hoạt văn hóa, thể thao của nhân dân
Trung tâm VH-TT huyện xây dựng khang trang, nhiều công năng (được đầu tư 34 tỷ đồng) vừa đưa vào sử dụng, đã đáp ứng cao nhu cầu sinh hoạt văn hóa, thể thao của nhân dân

Chú trọng xây dựng GĐVH; thôn, tổ dân phố văn hóa 
 
Cùng với sự lãnh đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác xây dựng và phát triển văn hóa nói chung và thực hiện Phong trào TDĐKXDĐSVH nói riêng được huyện Lạc Dương triển khai sâu rộng, có hiệu quả. Nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân về các nội dung cụ thể trong phong trào được nâng lên. Truyền thống văn hóa của đồng bào các dân tộc được giữ gìn và phát triển.
 
Đặc biệt kể từ năm 2006, Lạc Dương đã chỉ đạo thực hiện Phong trào TDĐKXDĐSVH gắn với triển khai thực hiện việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, phong trào cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới, qua đó mang lại hiệu quả thiết thực. Phong trào xây dựng gia đình văn hóa (GĐVH), khu dân cư văn hóa được quan tâm, chú trọng, tạo sự chuyển biến toàn diện trong đời sống xã hội. Đến nay, 100% số xã, thị trấn và các thôn, tổ dân phố thành lập Ban chỉ đạo và Ban vận động; 33/33 thôn, tổ dân phố đưa Quy ước vào áp dụng thực hiện trong cộng đồng dân cư; 6/6 xã, thị trấn được UBND huyện phê duyệt Quy ước xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị và triển khai áp dụng trên địa bàn.
 
Cùng với kết quả 20 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” đã lan tỏa đến 100% khu dân cư và đạt nhiều kết quả tích cực, Phong trào TDĐKXDĐSVH góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo cho Lạc Dương. Trong thực hiện phong trào, huyện chú trọng việc xây dựng GĐVH; thôn, tổ dân phố văn hóa.
 
Đối với xây dựng GĐVH, thông qua công tác tuyên truyền, nhận thức của xã hội nâng cao; các cấp, các ngành và nhân dân đồng tình hưởng ứng. Số hộ gia đình đạt tiêu chuẩn GĐVH ở cơ sở hàng năm đạt cao, năm sau cao hơn năm trước. Năm 2014 toàn huyện có 4.410 gia đình được công nhận danh hiệu GĐVH (đạt 80,1%, cao hơn 34,7% so với năm 2001); trong đó, nhiều thôn, xã đạt chuẩn GĐVH từ 85-90%. Phong trào xây dựng thôn, tổ dân phố văn hóa từng bước phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu. Số lượng các thôn, tổ dân phố được công nhận luôn đảm bảo chất lượng, đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra. Năm 2001, toàn huyện mới chỉ công nhận 2 thôn, khu phố văn hóa, đến cuối năm 2014 đã công nhận và công nhận lại 31/33 thôn, tổ dân phố đạt chuẩn văn hóa, đạt tỷ lệ 93,9%. Năm 2015, dự kiến công nhận và công nhận lại 16 thôn, tổ dân phố văn hóa; nâng tổng số lên 32/33 thôn, tổ dân phố, đạt tỷ lệ 96,9%. Đến nay có 2/5 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, thị trấn Lạc Dương đạt chuẩn văn minh đô thị (đạt tỷ lệ 50%). 
 
Chuyển mình từ nghèo khó
 
Từ huyện thuần nông, tỷ lệ người DTTS chiếm trên 92% (năm 1998), tập tục sinh sống và canh tác chủ yếu là du canh du cư, Lạc Dương đã chấm dứt và cơ bản định canh định cư dịp đầu năm 1999; nhân dân từ bỏ dần thói quen khai thác các nguồn lợi từ rừng làm nguồn sống chủ yếu, để tập trung đầu tư phát triển sản xuất, áp dụng các tiến bộ KHKT vào đời sống. 
 
Về kinh tế tuy chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, song Lạc Dương đạt tốc độ tăng trưởng nhanh và khá ổn định trong 15 năm qua (từ 6,25% năm 1999 tăng lên 20,02 % năm 2014); GDP bình quân đầu người tăng từ 1,5 triệu đồng năm 1999, theo cách tính mới GRDP năm 2015 ước đạt 54,4 triệu đồng và thu nhập thực tế bình quân đầu người đạt 29,9 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 53,55 tỷ đồng. Cùng với phát triển kinh tế, văn hóa và y tế, giáo dục có tiến bộ, an sinh xã hội bảo đảm, tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm. Năm 1998 toàn huyện chỉ có 70% số hộ dân có cuộc sống tạm ổn định, còn lại 30% đói nghèo. Đến năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo chung còn 3,99%, trong đó hộ DTTS 5,26%, tốc độ giảm nghèo tương đối nhanh so với các địa phương trong tỉnh. Phong trào xây dựng nông thôn mới triển khai kịp thời, trong tổng số 5 xã đến cuối năm 2015 dự kiến xã điểm Đạ Nhim đạt 17 tiêu chí, xã ưu tiên xã Lát đạt 12 tiêu chí, xã Đạ Sar đạt 14 tiêu chí, xã Đạ Chais và xã Đưng K’nớ đạt 8 tiêu chí.
 
Bài học kinh nghiệm
 
Qua 15 năm triển khai thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH, lãnh đạo huyện Lạc Dương cho biết: “Phong trào TDĐKXDĐSVH” là một cuộc vận động sâu sắc, toàn diện, tác động mọi mặt đến cộng đồng dân cư. Do vậy, để phong trào luôn duy trì và phát triển đòi hỏi phải có sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, đoàn thể. Nơi nào có sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền thì Ban chỉ đạo, Ban vận động hoạt động hiệu quả, có sự phối hợp nhịp nhàng, chất lượng phong trào ngày càng cao. Từ thực tế địa phương rút ra bài học kinh nghiệm: Luôn đề cao và phát huy vai trò của các đoàn thể quần chúng, các già làng, chức sắc tôn giáo và những người có uy tín trong cộng đồng dân cư để tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phong trào. Thường xuyên quan tâm tạo điều kiện về kinh phí, cơ sở vật chất, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia tích cực, để phong trào đạt kết quả tốt. 
 
Phát huy những thành quả đạt được và nỗ lực khắc phục những mặt còn hạn chế, yếu kém, huyện Lạc Dương đã xác định mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh Phong trào TDĐKXDĐSVH đến năm 2020. Theo đó: Tiếp tục duy trì và phát huy những kết quả đạt được từ việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; kịp thời chỉ đạo, tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Chú trọng xây dựng và phát huy tinh thần sáng tạo của cộng đồng; đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước trên lĩnh vực văn hóa; thường xuyên củng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo các cấp; tiếp tục đưa phong trào ngày càng phát triển bền vững. Lạc Dương phấn đấu đến năm 2020: đạt từ 90% trở lên số hộ đạt chuẩn GĐVH (60 - 70% GĐVH 3 năm liền); từ 90% trở lên số thôn, tổ dân phố được công nhận và công nhận lại đạt chuẩn văn hóa. Từ 90% trở lên số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt danh hiệu văn hóa. 100% xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, thị trấn Lạc Dương đạt chuẩn văn minh đô thị.
 
BÌNH NGUYÊN