Mặt trận Đà Lạt phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội

09:11, 16/11/2015

Qua giám sát, phản biện xã hội, MTTQ TP Đà Lạt đã ghi nhận những việc làm được, chưa làm được và kiến nghị những vấn đề cần phải làm trong các lĩnh vực KT-XH đã được cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành chức năng Đà Lạt ghi nhận, có biện pháp khắc phục sửa chữa, góp phần thúc đẩy KT-XH của TP phát triển.

Cũng như Mặt trận ở nhiều địa phương khác, ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Quyết định 217, 218/QĐ-TW về “Tăng cường vai trò của UBMTTQ trong giám sát, phản biện xã hội” và “MTTQ tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền TSVM”, UBMTTQVN TP Đà Lạt đã thành lập Ban tư vấn giám sát, phản biện và tổ chức giám sát, phản biện những vấn đề mà dư luận xã hội bức xúc, quan tâm. Qua giám sát, phản biện xã hội, MTTQ TP Đà Lạt đã ghi nhận những việc làm được, chưa làm được và kiến nghị những vấn đề cần phải làm trong các lĩnh vực KT-XH đã được cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành chức năng Đà Lạt ghi nhận, có biện pháp khắc phục sửa chữa, góp phần thúc đẩy KT-XH của TP phát triển.
 
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh tham dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc được tổ chức rại phường 3, TP. Đà Lạt. Ảnh: NGUYỆT THU
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh tham dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc được tổ chức tại phường 3, TP. Đà Lạt. Ảnh: NGUYỆT THU

Ông Trần Đình Dũng, Chủ tịch UBMTTQVN TP Đà Lạt cho biết: Để nâng cao hiệu quả của giám sát, phản biện, Ban tư vấn giám sát, phản biện đã tham mưu Thường trực Mặt trận thành phố (TTMTTP) lựa chọn những vấn đề, lĩnh vực mà dư luận bức xúc, quan tâm để tổ chức giám sát, phản biện. Theo đó, từ năm 2012 đến năm 2015, TTMTTP Đà Lạt đã chọn các nội dung: “Quy trình xét hộ nghèo trên địa bàn TP Đà Lạt trong 3 năm (2010-2012)”, “Việc triển khai thực hiện Nghị quyết 07/NQ/TH.U về xây dựng thành phố văn minh, thân thiện đến năm 2015” để giám sát và “Công tác thu thuế hoạt động kinh doanh, dịch vụ lưu trú khách du lịch của TP Đà Lạt”, “Nhà sinh hoạt cộng đồng tại các khu dân cư của 12 phường thuộc TP Đà Lạt” để phản biện xã hội.
 
Trong lĩnh vực giám sát: Sau khi nghiên cứu kỹ các quy định của nhà nước về tiêu chí và quy trình xét hộ nghèo, hộ cận nghèo, cũng như quá trình triển khai thực hiện rà soát, xét hộ nghèo, hộ cận nghèo từ các phường, xã đến TP và đối chiếu với thực trạng hộ nghèo, hộ cận nghèo trong thực tế tại các xã, phường, MTTP Đà Lạt đã ghi nhận những việc làm được trong quá trình triển khai quy trình xét chọn hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn Đà Lạt. Đồng thời, cũng chỉ ra những mặt hạn chế, chưa làm được của Phòng LĐTBXH, Ban chỉ đạo các xã, phường. Trên cơ sở phân tích nguyên nhân dẫn đến hạn chế trong quy trình xét hộ nghèo, hộ cận nghèo, MTTP Đà Lạt đã kiến nghị với cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành chức năng của TP những vấn đề cần phải làm để nâng cao hiệu quả của quy trình xét hộ nghèo, hộ cận nghèo trong những năm tiếp theo.
 
Tương tự như vậy, để giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết 07/NQ-TH.U về “Xây dựng TP văn minh, thân thiện đến năm 2015”, MTTP Đà Lạt đã nghiên cứu kỹ nội dung Nghị quyết 07/NQ-TH.U của Thành ủy và việc triển khai thực hiện của các xã, phường, TT từ khâu tuyên truyền đến tổ chức thực hiện các nội dung  xây dựng TP văn minh, thân thiện gồm: Văn minh, thân thiện trong lĩnh vực trật tự xây dựng; Văn minh, thân thiện trong ứng xử giao tiếp nơi công cộng; Văn minh, thân thiện trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, thương mại; Văn minh, thân thiện trong tham gia giao thông; Văn minh, thân thiện trong ứng xử với môi trường tự nhiên; Văn minh, thân thiện trong tổ chức tang lễ, việc cưới, lễ hội, sinh hoạt, tín ngưỡng; Văn minh, thân thiện trong xây dựng môi trường xã hội an toàn. Trên cơ sở những kết quả đạt được, cũng như những hạn chế, tồn tại, MTTP đã đưa ra những giải pháp, kiến nghị với UBND TP Đà Lạt trong việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 07/NQ-TH.U của Thành ủy Đà Lạt trong từng nội dung cụ thể nói trên.
 
Trong lĩnh vực phản biện xã hội: Cùng với việc ghi nhận những kết quả đạt được trong công tác thu thuế đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ lưu trú đã góp phần thu hút khách du lịch đến với Đà Lạt ngày càng đông, đóng góp vào ngân sách nhà nước của địa phương hàng năm chiếm khoảng 6% thuế công thương nghiệp, MTTP Đà Lạt cũng chỉ ra những mặt hạn chế trong công tác thu thuế kinh doanh dịch vụ lưu trú, chẳng hạn: Còn một bộ phận cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú khách du lịch cố tình không đăng ký khách lưu trú, hoặc đăng ký không đầy đủ số lượng. Cán bộ thuế làm công tác thu thuế lĩnh vực này vừa thiếu về số lượng, vừa chưa đảm bảo về năng lực, tinh thần trách nhiệm. Sự phối hợp kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan, đơn vị chức năng của Tp đối với loại hình hoạt động kinh doanh dịch vụ lưu trú còn thiếu đồng bộ, kịp thời, sâu sát… Trên cơ sở phân tích nguyên nhân kết quả đạt được và những mặt hạn chế, MTTP Đà Lạt đã kiến nghị với các cơ quan chức năng, UBND TP Đà Lạt cần áp dụng những biện pháp hữu hiệu để nâng cao hiệu quả công tác thu thuế hoạt động kinh doanh dịch vụ lưu trú trong những năm tới. 
 
Cũng như vậy, khi phản biện về nhà sinh hoạt cộng đồng tại các khu dân cư của 12 phường trên địa bàn Đà Lạt, MTTP Đà Lạt đã tiến hành khảo sát thực tế tình hình xây dựng, hoạt động của nhà sinh hoạt cộng đồng tại từng phường của TP Đà Lạt. Từ kết quả khảo sát thực tế này, MTTP Đà Lạt kiến nghị với UBND TP Đà Lạt cần tiếp tục hỗ trợ kinh phí hợp lý (150 triệu đồng/nhà sinh hoạt cộng đồng trở lên)đầu tư xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng còn thiếu tại một số khu dân cư. Đồng thời, cần ban hành quy chế quản lý, sử dụng, hoạt động của các nhà sinh hoạt cộng đồng và thống nhất tên gọi thiết chế nhà sinh hoạt cộng đồng là Nhà sinh hoạt cộng đồng, khắc phục tình trạng như hiện nay nơi thì gọi là hội trường, nơi gọi nhà văn hóa, nơi gọi là nhà sinh hoạt cộng đồng… Những kiến nghị này đều được UBND TP Đà Lạt tiếp thu và có kế hoạch triển khai thực hiện trong thời gian tới.
 
Ông Trần Đình Dũng cho biết thêm: Ngoài UBMTTQVN TP trực tiếp giám sát, phản biện xã hội, thời gian qua và hiện nay các thành viên của MT Đà Lạt cũng đã tiến hành giám sát, phản biện xã hội những vấn đề mà dư luận xã hội, đoàn viên, hội viên bức xúc như: Hội LHPN TP giám sát việc cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi, LĐLĐ TP giám sát việc tham gia bảo hiểm xã hội cho người lao động, Thành đoàn giám sát về sân chơi cho thanh thiếu niên, nhi đồng trên địa bàn Đà Lạt… Trên cơ sở những kết quả đạt được trong công tác giám sát, phản biện xã hội thời gian qua, đã góp phần nâng cao vai trò, vị trí, uy tín của MTTQ và các thành viên mặt trận đối với cấp ủy - chính quyền và nhân dân TP Đà Lạt. Đây là cơ sở, niềm tin để MTTQ TP tiếp tục nâng cao vai trò giám sát, phản biện xã hội trong thời gian tới, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền TSVM theo tinh thần Quyết định 217, 218/QĐ/-TW của Bộ Chính trị.
 
Hoàng Đại Huynh