Người nối nhịp yêu thương

08:11, 18/11/2015

Với chị Lê Thị Hợp, việc được điều chuyển sang làm Thư ký chương trình HIV/AIDS của huyện Di Linh vào năm 2012, dường như là mối nhân duyên để từ đó chị có thêm nhiều cơ hội gần gũi, sẻ chia với những bệnh nhân không may mang trong mình căn bệnh thế kỷ này.

Với chị Lê Thị Hợp, việc được điều chuyển sang làm Thư ký chương trình HIV/AIDS của huyện Di Linh vào năm 2012, dường như là mối nhân duyên để từ đó chị có thêm nhiều cơ hội gần gũi, sẻ chia với những bệnh nhân không may mang trong mình căn bệnh thế kỷ này.
 
Y sĩ Lê Thị Hợp
Y sĩ Lê Thị Hợp
Tuy mới lần đầu gặp mặt nhưng sự cởi mở, chân thành của chị Hợp đã khiến câu chuyện giữa chúng tôi trở nên thân mật và tự nhiên. Có lẽ cũng chính với tính cách này mà sự chân thành của chị đã dần cảm hóa được những đối tượng nhiễm HIV/AIDS - những người vốn mang trong mình sự mặc cảm, tự ti bởi họ luôn mang nặng suy nghĩ mình là người đã bị xã hội bỏ đi, xa lánh…Chia sẻ với chúng tôi, chị Hợp cho biết, khi đang làm Trạm trưởng Trạm Y tế thị trấn Di Linh, năm 2012, vì yêu cầu nhiệm vụ, chị được lãnh đạo Trung tâm Y tế Di Linh điều chuyển sang nhận nhiệm vụ Thư ký Chương trình HIV/AIDS của huyện. Lúc đó, chị thật sự cảm thấy khó khăn và không khỏi lúng túng trong công việc. Bởi, tại thời điểm đó, những người nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn huyện Di Linh dường như bị “bỏ ngỏ”, không ai biết họ ở đâu, sức khỏe thế nào, người nào còn, người nào đã tử vong… Khó khăn là vậy, nhưng chị Hợp không hề nản chí. Khi bắt đầu tiếp cận công việc, có cơ hội gặp gỡ những cán bộ phụ trách chương trình của các địa phương khác như Đức Trọng, Lâm Hà, Bảo Lộc… chị thấy mỗi địa phương đều có cách làm rất hay và đó cũng chính là cơ hội để chị học thêm kinh nghiệm từ những người đi trước. Áp dụng vào địa phương của mình, lần theo danh sách thống kê được, chị bắt đầu dò tìm từng trường hợp, cùng với thư ký chương trình và y tế thôn bản tại 19 xã, thị trấn điều tra xem địa chỉ của người bệnh có thật hay không, xem họ có đang sống tại địa bàn hay đã chuyển đi. Sau khi đã có địa chỉ cụ thể, chị tìm đến từng nhà của người bệnh, tiếp cận với từng đối tượng. “Năm đầu tiên khi tiếp nhận chương trình, tôi dành hầu hết thời gian để đi cơ sở. Bởi, tìm đúng địa chỉ thật của đối tượng đã khó, tiếp cận, vận động họ lại càng khó khăn hơn gấp bội do hầu hết họ đều muốn giấu kín bệnh tật của mình nên đôi khi tôi phải đi đi lại lại nhiều lần để vận động, thuyết phục”. Nhưng dường như với chị Hợp, chẳng có việc gì là không thể, càng khó khăn, chị lại càng cố gắng để hoàn thành. Bằng sự chân thành và khéo léo của mình, chị dần dần tiếp xúc với những người nhiễm HIV/AIDS, thuyết phục và tư vấn họ về nội dung chăm sóc theo chương trình phòng chống HIV/AIDS. Khi sự e dè ban đầu qua đi, mối quan hệ thân thiết cũng dần được thiết lập, và hều hết những người nhiễm HIV/AIDS sau khi tiếp xúc với chị đều cảm nhận được sự cảm thông, chia sẻ và họ cũng dần bớt đi sự tự ti, mặc cảm đè nặng trong lòng để yên tâm sống và chữa bệnh. Với cách làm của chị, tính đến thời điểm này, huyện Di Linh hiện đang quản lý 48 đối tượng nhiễm HIV/AIDS dương tính trên địa bàn để có kế hoạch chăm sóc, điều trị và phòng chống lây nhiễm. Và cũng bởi trong công việc, chị luôn đặt chữ “tâm” lên trên hết nên sự thành công của chị cũng là điều dễ hiểu. Điều này còn được thể hiện ở chỗ, trước khi chị Hợp về nhận công việc này, huyện Di Linh chưa hề có một đồng đẳng viên HIV nào thì từ năm 2012 đến nay, chị đã tích cực vận động được 6 đối tượng nhiễm HIV tự nguyện làm đồng đẳng viên của chương trình. Không chỉ vậy, họ còn coi chị như người thân thích, ruột thịt. Nói về chị, em Trần Thị T., đồng đẳng viên của chương trình xúc động: “Với tụi em, cô Hợp là người rất tốt, luôn giang tay giúp đỡ tụi em mà không hề tính toán gì. Với bản thân em, em có cảm giác cô xem em như con gái chứ không phải là người bệnh. Từ ngày gặp cô, em thấy tự tin hẳn lên”. Hỏi về bí quyết “thu phục” lòng người, chị Hợp vui vẻ cho biết: “Có gì đâu, chỉ cần mình xem các em như con, như cháu thì các em sẽ coi mình như mẹ, như dì thôi mà!”. Cũng với suy nghĩ đó, nên bất cứ lúc nào các em trong nhóm đồng đẳng viên hay các bệnh nhân HIV/AIDS cần sự giúp đỡ, chị Hợp đều có mặt, lúc thì lo tìm nhà trọ, lúc kiếm việc làm, khi thì đứng ra bảo lãnh mua xe trả góp… Trong mỗi việc làm của mình, y sĩ Lê Thị Hợp đều làm bằng tất cả trái tim đầy yêu thương và chia sẻ, giúp bệnh nhân HIV/AIDS- những nạn nhân của tệ nạn xã hội, xoa dịu những nỗi đau và dần tìm lại sự tự tin để hòa nhập với cộng đồng.
 
Thy Vũ