Việc làm cho lao động nông thôn sau đào tạo nghề

05:11, 24/11/2015

Theo ông Trương Ngọc Lý - GĐ Sở LĐ-TBXH, so với nhiều địa phương khác trong cả nước, Lâm Đồng là tỉnh có tỷ lệ lao động được giải quyết việc làm sau đào tạo nghề khá cao, đặc biệt là lao động nông thôn.

Theo ông Trương Ngọc Lý - GĐ Sở LĐ-TBXH, so với nhiều địa phương khác trong cả nước, Lâm Đồng là tỉnh có tỷ lệ lao động được giải quyết việc làm sau đào tạo nghề khá cao, đặc biệt là lao động nông thôn. Ví dụ, trong hơn 10 tháng đầu năm 2015, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 25.100 lao động; trong đó, lao động nông nghiệp và thủy sản chiếm cao nhất - 13.216 người, kế đến là dịch vụ chiếm 7.369 người và cuối cùng là lao động xây dựng chiếm 4.515 lao động.
 
Người lao động được thu hút vào làm việc tại các cơ sở chế biến nông sản
Người lao động được thu hút vào làm việc tại các cơ sở chế biến nông sản

83,84% lao động có việc làm
 
Mới đây, Sở LĐ-TBXH Lâm Đồng đã tiến hành cuộc khảo sát sau học nghề từ đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn cho kết quả là tỷ lệ có việc làm sau học nghề của tỉnh đạt 83,84% - cao hơn lần khảo sát trước đó và cao hơn so với nhiều địa phương khác trong cả nước; trong đó, riêng Bảo Lộc và Di Linh là hai địa phương có tỷ lệ lao động nông thôn sau học nghề có việc làm chiếm trên 90%. 
 
Cụ thể hơn, cơ quan chức năng đã tiến hành khảo sát nhóm I (có công cách mạng, hộ nghèo, người khuyết tật và đồng bào dân tộc thiểu số) với kết quả người có việc làm sau đào tạo nghề chiếm tỷ lệ cao nhất thuộc đối tượng có công cách mạng với 71 người được khảo sát thì có 63 người có việc làm (88,7%); kế đến là đối tượng khuyết tật - 9/11 người có việc làm (81,8%); hộ nghèo 762/942 (80,9%); và thấp nhất là đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số với 2.119 người được khảo sát chỉ có 1.676 người có việc làm (76,4%). Với hai nhóm còn lại là nhóm 2 và nhóm 3 (hộ cận nghèo và lao động nông thôn khác), tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo nghề là 77,6% (372/479 lao động) thuộc đối tượng hộ cận nghèo và 81,7% (1.912/2.339 lao động) thuộc đối tượng lao động nông thôn khác. Về nhóm tuổi được khảo sát, nhóm từ 18 - 45 tuổi lao động nông thôn tham gia học nghề chiếm 76,8%. Cùng đó, kết quả khảo sát còn cho thấy số lượng lao động nông thôn tham gia học nghề không biết chữ đã giảm đáng kể - chỉ còn 4 người (năm 2013, con số này là 262 người); so sánh tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm giữa nam và nữ không có sự chênh lệch đáng kể (nam 84,2%, nữ 83,6%). Bên cạnh, cũng theo kết quả khảo sát, lao động nông thôn tham gia học nghề có trình độ học vấn thấp chiếm tỷ lệ còn khá cao: chưa tốt nghiệp trung học cơ sở chiếm đến trên 50%. Về vấn đề này, theo Sở LĐ-TBXH, đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả dạy nghề và khả năng phát triển các kỹ năng nghề hiện đại. 
 
Hiện Lâm Đồng tổ chức dạy nghề lao động nông thôn với 29 ngành nghề; trong đó, ngành nghề nông nghiệp chiếm cao nhất (17 nghề) và còn lại (12 nghề) thuộc phi nông nghiệp.
 
Vài vấn đề cần lưu ý
 
Cũng theo kết quả cuộc khảo sát lần này, vấn đề nổi lên đáng lưu ý là, tỷ lệ người lao động sau đào tạo nghề có việc làm thuộc lĩnh vực nông nghiệp đã giảm 5,15% so với lần khảo sát trước; trong khi đó, tỷ lệ lao động có việc làm thuộc ngành nghề phi nông nghiệp tăng. Như trên đã nói, tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo nghề chung của tỉnh đạt 83,84%, song, điều đáng quan tâm nữa là có đến hai huyện trong tỉnh là Đơn Dương và Đạ Huoai có tỷ lệ lao động nông thôn không có việc làm sau học nghề chiếm trên 20%; cùng đó, Đà Lạt chiếm gần 20%. Riêng tại huyện Đơn Dương, đối tượng lao động được đào tạo đúng nghề nhưng sau đào tạo không tìm được việc làm chiếm đến 35,15%; đồng thời, có 7 nghề được đào tạo nhưng sau đào tạo có đến trên 30% lao động nông thôn không tìm được việc làm. Điều này ảnh hưởng tiêu cực không nhỏ đến hiệu quả đào tạo và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn của Đơn Dương nói riêng và tỉnh Lâm Đồng nói chung. 
 
Một vấn đề khác cũng rất đáng quan tâm: Người lao động sau học nghề tự động đi làm việc khác (không theo nghề đã học) vì mức thu nhập của việc làm khác cao hơn so với việc làm của nghề đã được đào tạo; và, vấn đề nữa là, nghề đã học sau khi được đào tạo không tìm việc làm ở nông thôn. Một trong những kết quả khảo sát của Sở LĐ-TBXH: 303 người lao động nông thôn đã qua đào tạo nghề (139 lao động được đào tạo các ngành nghề nông nghiệp và 164 người được đào tạo nghề phi nông nghiệp) đi làm việc khác sau đào tạo vì việc khác có mức thu nhập cao hơn; đồng thời, 199 người (73 lao động được đào tạo nghề nông nghiệp và 126 người được đào tạo nghề phi nông nghiệp) cho biết là nghề mà họ đã được đào tạo không có việc làm. Từ kết quả khảo sát, ông Trương Ngọc Lý nêu lên vấn đề đáng quan tâm hiện nay về việc làm cho lao động nông thôn sau đào tạo nghề: “Một số nghề có việc làm thấp là chăn nuôi, thú y, kết cườm, may công nghiệp; điểm nổi bật về lý do khác mà việc làm hiện nay của lao động nông thôn không liên quan đến nghề đã học là do người lao động thiếu vốn để đầu tư sản xuất”.
 
Có thể nói, tỷ lệ 83,84% lao động nông thôn có việc làm sau đào tạo nghề của tỉnh Lâm Đồng là khá cao so với nhiều địa phương khác trong cả nước. Tuy vậy, nhiệm vụ trên lĩnh vực này ở giai đoạn sắp đến của Lâm Đồng được đặt ra không hề nhẹ nhàng: Phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 70%; trong đó, đào tạo nghề khoảng 55%. Cụ thể hơn, cùng với việc khuyến khích người lao động tự tạo công ăn việc làm và các thành phần kinh tế phát triển sản xuất kinh doanh để tạo thêm việc làm mới cho người lao động, Lâm Đồng còn đưa ra mức phấn đấu cụ thể là, trong giai đoạn 2016 - 2020, bình quân mỗi năm giải quyết việc làm và ổn định việc làm cho 30.000 - 31.000 lao động; trong đó, lao động nông thôn chiếm phần lớn.
 
THI HOÀNG