Đơn Dương: Xây dựng thành công nông thôn mới trên nền tảng giá trị văn hóa truyền thống

08:12, 21/12/2015

Xây dựng nông thôn mới trên cơ sở xây dựng đời sống văn hóa, không chỉ làm thay đổi diện mạo nông thôn mà còn nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, tạo môi trường văn hóa lành mạnh để nhân lên các giá trị văn hóa truyền thống.

Xây dựng nông thôn mới trên cơ sở xây dựng đời sống văn hóa, không chỉ làm thay đổi diện mạo nông thôn mà còn nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, tạo môi trường văn hóa lành mạnh để nhân lên các giá trị văn hóa truyền thống. Đó là “đích đến” nông thôn mới của Đơn Dương trong suốt những năm qua.
 
Đồng bào Churu ở Đơn Dương gìn giữ bản sắc văn hóa và truyền thống tốt đẹp mà cha ông truyền lại
Đồng bào Churu ở Đơn Dương gìn giữ bản sắc văn hóa và truyền thống tốt đẹp
mà cha ông truyền lại

Từ năm 2013, Đơn Dương được tỉnh chọn làm điểm xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Với 2 tiêu chí về văn hóa trong bộ tiêu chuẩn nông thôn mới, thì dường như văn hóa “đi trước một bước” từ thành quả phong trào TDĐKXDĐSVH được huyện triển khai mạnh mẽ trong nhiều năm qua. Tại thời điểm phát động xây dựng huyện nông thôn mới, Đơn Dương đã có 3 xã Quảng Lập, Lạc Lâm, Ka Đơn đạt xã văn hóa, có 92/105 thôn, tổ dân phố đạt khu dân cư văn hóa và 18.204/20.707 hộ đạt danh hiệu GĐVH. Trên nền tảng những gì đã đạt được, văn hóa là sức mạnh nội lực khơi dậy tinh thần đoàn kết thực hiện các tiêu chí nông thôn mới, vừa là mục tiêu, yêu cầu của phát triển bền vững. 
 
Trước những yêu cầu mới đặt ra, phong trào TDĐKXDĐSVH được đẩy mạnh đi vào chiều sâu, chất lượng. Trong đó, xây dựng gia đình văn hóa được Đơn Dương coi là nội dung quan trọng nhất vì từng gia đình văn hóa tất yếu sẽ tạo nên một cộng đồng văn hóa. Huyện đi sâu vận động đẩy mạnh xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc, kỷ cương, nề nếp, có đời sống kinh tế ổn định và phát triển, kế thừa và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Việc tuyên truyền, vận động nhân dân đăng ký, bình xét danh hiệu gia đình văn hóa ở cấp cơ sở (thôn, xã) ngày càng đi vào nề nếp, đúng quy trình, đảm bảo tính công khai dân chủ, tạo không khí thi đua sôi nổi và tạo niềm tin phấn khởi cho người dân được bình chọn. Năm 2010, toàn huyện có 15.525 hộ đạt GĐVH, chiếm tỷ lệ 86%, đến năm 2014 có 19.091/20.707 hộ đạt danh hiệu GĐVH (92%). 
 
Cùng với việc xây dựng gia đình văn hóa, việc xây dựng tổ dân phố, thôn văn hóa đã phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, tính tự quản dân chủ và năng lực làm chủ trong sinh hoạt cộng đồng. Vận động nhân dân thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; bài trừ tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan. Trung tâm văn hóa huyện đóng vai trò chủ đạo đã duy trì sinh hoạt các CLB GĐVH, tổ chức thường xuyên các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao nhằm nâng cao mức hưởng thụ và tham gia sáng tạo về văn hóa của mọi tầng lớp nhân dân. Hàng năm, huyện tổ chức kiểm tra phúc tra phong trào 2 lần theo quy trình chặt chẽ để công nhận và công nhận lại danh hiệu tổ dân cư, thôn văn hóa. Chính vì sự quan tâm chỉ đạo sát sao, quy trình bình chọn, xét công nhận diễn ra chặt chẽ nên chất lượng phong trào thực chất, tạo khí thế thi đua sôi nổi. Năm 2010, toàn huyện có 85/105 thôn, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa; thì đến nay đã có 99/105 thôn, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa; trong đó có 6 thôn, tổ dân phố vùng đồng bào dân tộc thiểu số giữ vững danh hiệu 10 năm liên tục trở lên: thôn Ka Đơn (xã Ka Đơn), thôn Taly 2, thôn Ka Đô (xã Ka Đô), thôn M’Răng (Lạc Lâm), thôn Kankin (thị trấn Dran), tổ dân phố M’Lọn (thị trấn Thạnh Mỹ). Đời sống vật chất tinh thần của nhân dân chuyển biến rõ nét, nhiều phong tục, tập quán tốt đẹp, các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn, phát huy, quan hệ gia đình, làng xóm ngày càng gắn bó. 
 
Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, hệ thống thiết chế văn hóa thể thao cơ sở của huyện ngày càng mở rộng và phát triển. Toàn huyện đã có 8/8 xã có nhà văn hóa đạt chuẩn, có 99/105 thôn, tổ dân phố có nhà sinh hoạt cộng đồng. Phong trào xã hội hóa xây dựng thiết chế văn hóa thể thao cũng được phát động rộng khắp. Hiện có trên 80% số cơ quan, đơn vị có sân chơi bãi tập, toàn huyện có 12 sân bóng đá mini (cỏ nhân tạo) do tư nhân đầu tư xây dựng là nơi thu hút thanh thiếu niên thường xuyên luyện tập và cũng là nơi cung cấp các vận động viên thành tích cao tham dự các giải đấu lớn. Nhân rộng phong trào nhân dân tự nguyện đóng góp thực hiện nhựa hóa, bê tông hóa hệ thống giao thông nông thôn, cảnh quan môi trường sống ngày càng thông thoáng, xanh, sạch, đẹp. Phong trào quần chúng tham gia bảo vệ TTATXH, các phong trào ông bà mẫu mực con cháu hiếu thảo, gia đình hiếu học, gia đình 5 không, 3 sạch… đã làm nên không khí thi đua sôi nổi, mạnh mẽ thổi vào từng mái nhà. 
 
Có thể khẳng định, phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân các dân tộc huyện Đơn Dương, nhiều giá trị văn hóa truyền thống của địa phương, của các dân tộc trong huyện được phát huy có hiệu quả. Phong trào đã củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, làm thay đổi tích cực diện mạo nông thôn, xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả của tập thể, cá nhân điển hình tiêu biểu, xây dựng con người văn hóa, nếp sống văn hóa, môi trường văn hóa trên địa bàn huyện; đồng thời, góp phần hoàn thiện 19/19 tiêu chí nông thôn mới để Đơn Dương trở thành một trong những huyện đầu tiên của cả nước được công nhận là huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
 
THÁI AN