Cần nâng cao chất lượng điện ở xã Tân Lạc

08:12, 18/12/2015

Lâu nay, qua dư luận và qua các kỳ tiếp xúc với đại biểu HĐND các cấp, bà con cử tri xã Tân Lạc (huyện Bảo Lâm) đã nhiều lần kiến nghị cần được cải tạo, nâng cấp để nâng cao chất lượng điện sinh hoạt các khu dân cư ở xa trung tâm xã. UBND xã cũng đã nhiều lần kiến nghị các cấp, ngành có thẩm quyền quan tâm đến vấn đề này. Tuy nhiên, đến nay, chất lượng điện ở các khu dân cư này vẫn chưa được cải thiện. 

Lâu nay, qua dư luận và qua các kỳ tiếp xúc với đại biểu HĐND các cấp, bà con cử tri xã Tân Lạc (huyện Bảo Lâm) đã nhiều lần kiến nghị cần được cải tạo, nâng cấp để nâng cao chất lượng điện sinh hoạt các khu dân cư ở xa trung tâm xã. UBND xã cũng đã nhiều lần kiến nghị các cấp, ngành có thẩm quyền quan tâm đến vấn đề này. Tuy nhiên, đến nay, chất lượng điện ở các khu dân cư này vẫn chưa được cải thiện. 
 
Thực trạng dân… “kêu” 
 
Trao đổi với chúng tôi về chất lượng điện sinh hoạt từ lưới điện quốc gia, ông Lê Quốc Phượng - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lạc, cho biết: “Toàn xã hiện nay có 999 hộ dân; trong đó, có 6 hộ không có điện, phải dùng đèn dầu thắp sáng (do ở quá xa lưới điện). Chất lượng điện trên địa bàn xã Tân Lạc hiện chỉ đảm bảo ổn định điện áp cho khoảng 60%; còn lại 40% cư dân (420 hộ), tuy có điện sử dụng, nhưng chất lượng điện không đảm bảo, vì điện áp thấp, nhất là vào giờ và mùa cao điểm”. Vào “mùa” ở đây, ông Lê Quốc Phượng nhấn mạnh thêm: “Do xã có ít công trình thủy lợi và ao hồ, bà con nông dân phổ biến sử dụng giếng khoan để bơm nước chống hạn cho cây trồng vào mùa khô. Vào mùa này do điện áp thấp, nhiều nông dân phải thức thâu đêm để chờ đủ điện áp mới có thể bơm nước được. Tuy vậy, nhiều khu vực cư dân vẫn phải đành chịu… bó tay!”. 
 
Tuy ở gần với trung tâm xã, người dân thôn 6 cũng chưa thật hài lòng với chất lượng điện hiện nay. Bà Trưởng thôn Nguyễn Thị Quê cho biết: “Trong thôn hiện có 117 hộ dân, nhưng vẫn có hơn 10 hộ dân sinh sống ven trục đường chính phải tự kéo dây điện, vì đường trục chính hạ thế không “vươn” đến. Đáng thương nhất là trong thôn có khoảng 20 hộ sinh sống trong các tuyến đường nhánh và đường rẽ, đường dây điện tự kéo (nhờ người khác), nên điện thắp sáng chỉ lờ mờ, nhưng trả tiền điện lại cao vì điện áp tổn thất đường dây lớn”. Trong thôn hiện có 2 hộ, là hộ bà Đào Thị Chải và hộ ông Phạm Văn Lợi ở xa nhất (cách đường trục chính khoảng 1 cây số). Ông Lợi than phiền: “Điện sáng thì lờ mờ, bơm nước cũng không xong, nấu cơm cũng không thể… chín!”.   
 
Xã Tân Lạc có 8 thôn, riêng các thôn 4, 5, 8, 9 ở xa trung tâm xã hơn và dân cư ở đây sinh sống cũng thưa hơn, nên việc sử dụng điện lưới gặp phải nhiều khó khăn đã đành, trong khi cư dân ở xóm Sình (cận kề với trung tâm xã) cũng chịu cảnh tương tự. Mới đây, người dân trong Xóm cùng nhau đóng góp (6,5 triệu đồng/1hộ), đường điện hạ thế mới được kéo đến. Lúc này, chất lượng điện sinh hoạt của 20 hộ dân trong xóm mới được cải thiện. 
 
Để cải thiện chất lượng điện?
 
Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lạc Lê Quốc Phượng cho biết, xã đã nhiều lần đề nghị với Phòng Công thương huyện Bảo Lâm và ngành Điện lực; người dân trong xã cũng đã nhiều lần kiến nghị trực tiếp với đại biểu HĐND các cấp trong những lần tiếp xúc với cử tri, nhưng tình trạng điện trên địa bàn xã vẫn như cũ, chưa có gì thay đổi. Người dân ở những khu vực xa đường hạ thế và xa các Trạm biến áp đề nghị đóng góp tiền để kéo đường dây hạ thế “70 - 30” (ngành Điện 70%, người dân 30%), nhưng không chấp thuận, vì chưa có “cơ chế”.   
 
Qua tìm hiểu chúng tôi ghi nhận, tại Tân Lạc, cách đây hơn 20 năm, điện lưới đã kéo về tới 8/8 thôn trong xã và thôn nào cũng có đường dây hạ thế tới những khu dân cư tương đối tập trung. Theo Điện lực Bảo Lộc (đơn vị quản lý lưới điện khu vực xã Tân Lạc), hiện tại, không riêng gì Tân Lạc mà các xã đều đã “xóa” xong đồng hồ “tổng”. Điện áp tại đồng hồ chính của từng hộ, khi lắp ráp, Điện lực đã kiểm tra và tất cả đều đảm bảo đủ điện áp 220kV. Ngành Điện chỉ quản lý điện áp tới đồng hồ chính. Điện áp sau đồng hồ chính, người dân tự chịu trách nhiệm. Một thực tế khá phổ biến phát sinh tại xã Tân Lạc, là ở những khu do dân cư thưa thớt, đường dây lưới điện hạ thế không kéo đến được, bà con tự xin đấu nối điện của gia đình khác. Nhiều người đấu nối cùng một đồng hồ chính, thì đồng hồ chính đó trở thành đồng hồ “cụm” (khác với đồng hồ tổng). Giá cả sau đồng hồ cụm, Điện lực không chịu trách nhiệm. Do trụ cột và dây dẫn tự phát sinh không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật thì đương nhiên điện áp thấp (do tổn hao đường dây). 
 
Mặc dù xã Tân Lạc là một trong những đơn vị hành chính của huyện Bảo Lâm, nhưng về ngành Điện, hệ thống điện lưới xã Tân Lạc là 1 trong 5 xã của huyện Bảo Lâm do Điện lực Bảo Lộc trực tiếp quản lý. Để giải quyết tình trạng nói trên và từng bước nâng cao chất lượng điện của người dân trong xã, ông Nguyễn Công Chuyên - Giám đốc Điện lực Bảo Lộc, cho biết: “Việc sửa chữa, nâng cấp, mở rộng lưới điện hàng năm, đều theo kế hoạch chung của Công ty Điện lực Lâm Đồng. Do vậy, UBND xã Tân Lạc cần có văn bản đề nghị cụ thể để Điện lực Bảo Lộc tư vấn kỹ thuật”.
 
XUÂN LONG