Lâm Hà thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã

09:12, 17/12/2015

Huyện Lâm Hà phấn đấu đến năm 2016 có 100% xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011 - 2020. Đến nay, huyện đã có 10 xã đạt bộ tiêu chí này, hiện có thêm 4 xã tự kiểm tra cuối năm 2015 đã đạt các tiêu chí theo quy định đang chờ Sở Y tế phúc tra công nhận.  

Huyện Lâm Hà phấn đấu đến năm 2016 có 100% xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011 - 2020. Đến nay, huyện đã có 10 xã đạt bộ tiêu chí này, hiện có thêm 4 xã tự kiểm tra cuối năm 2015 đã đạt các tiêu chí theo quy định đang chờ Sở Y tế phúc tra công nhận.  
 
TYT Đạ Đờn đạt Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011 - 2020
TYT Đạ Đờn đạt Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011 - 2020
Bà Lê Thị Kim Dung - Phòng Kế hoạch Nghiệp vụ - Trung tâm Y tế  (TTYT) Lâm Hà - Thư ký chương trình thực hiện Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế xã (BTCQGYTX) giai đoạn 2011 - 2020 cho biết: Trên địa bàn huyện Lâm Hà còn 6/16 xã chưa đạt theo BTCQGYTX, đó là: Nam Ban, Nam Hà, Phúc Thọ, Phi Tô, Liên Hà, Mê Linh. Trong đó, xã Phúc Thọ và Phi Tô kế hoạch phấn đấu đến năm 2016 sẽ xây dựng đạt BTCQGYTX; 4 xã còn lại qua việc tự kiểm tra, đánh giá của TTYT Lâm Hà cuối năm 2015 đã đạt được các tiêu chí đề ra, hiện đang chờ Sở Y tế phúc tra công nhận. Đồng thời, hàng năm, qua kiểm tra 10 xã đã đạt BTCQGYTX giai đoạn 2011 - 2020 đều duy trì các tiêu chí tốt. Tại 16/16 xã, thị trấn của huyện Lâm Hà đều có bác sĩ về công tác tại trạm y tế; trung bình mỗi trạm đều có từ 5 - 8 cán bộ, nhân viên y tế, cơ bản đáp ứng nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân tại cơ sở, phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu. 
 
Chúng tôi đến thăm Trạm Y tế xã Đạ Đờn được công nhận đạt BTCQGYTX từ tháng 8/2014, Trưởng trạm Nguyễn Thị Nhật Thu cho biết: Cuối năm 2015, qua kết quả kiểm tra của BCĐ xã đánh giá được 4/10 tiêu chí với số điểm là 92/100 điểm (đạt từ 80 điểm trở lên là đáp ứng yêu cầu của BTCQGYTX). Xã Đạ Đờn tiếp tục duy trì các tiêu chí tốt như: Cơ sở hạ tầng TYT được đầu tư 3,5 tỷ đồng xây dựng mới khang trang, đủ diện tích theo quy định, với 13 phòng chức năng bố trí phòng làm việc hợp lý, đảm bảo thực hiện nhiệm vụ khám chữa bệnh; TYT có nguồn nước sinh hoạt và nhà tiêu hợp vệ sinh. Tổ chức thực hiện tốt hoạt động y tế dự phòng, vệ sinh môi trường và các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế. Tỉ lệ hộ gia đình trong xã sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 95,56%; tỉ lệ hộ gia đình sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 73,21%. Triển khai tốt các hoạt động đảm bảo an toàn thực phẩm, phối hợp kiểm tra giám sát 40/45 cơ sở kinh doanh buôn bán thực phẩm, 5 cơ sở thức ăn đường phố, 2 bếp ăn tập thể, 11/15 cơ sở dịch vụ ăn uống với hơn 40 lần giám sát theo phân cấp quản lý về an toàn vệ sinh thực phẩm, nhờ vậy không có vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn xã. Triển khai các hoạt động truyền thông phòng chống HIV/AIDS thông qua mô hình CLB phòng chống HIV/AIDS của Hội Phụ nữ, mô hình toàn dân phòng chống HIV tại cộng đồng dân cư, vận động phụ nữ có thai xét nghiệm HIV tự nguyện và tổ chức lấy 159 mẫu máu xét nghiệm cho phụ nữ có thai (đạt 96,36%), cấp phát bao cao su, bơm kim tiêm miễn phí cho nhóm nguy cơ cao (mại dâm, ma túy). Thực hiện tốt tiêu chí về truyền thông giáo dục sức khỏe, UBND xã trang bị thêm cho TYT đầy đủ các phương tiện truyền thông theo quy định, có mạng lưới truyền thông không dây hoạt động thường xuyên, hàng tuần đều có chuyên mục chăm sóc sức khỏe nhân dân.
 
Tuy nhiên, Trưởng TYT xã Đạ Đờn cũng cho biết một số tiêu chí chưa đạt điểm tuyệt đối cần phấn đấu nâng cao chất lượng các tiêu chí này là: Nhân lực có 3 nhân viên y tế chưa được đào tạo theo chuẩn quy định của Bộ Y tế. Trang thiết bị đang có 135/175 loại trang thiết bị, dụng cụ còn sử dụng được tại TYT (chiếm 77%); tủ thuốc tại trạm hiện có trên 80% số loại thuốc (184/229) trong danh mục thiết yếu theo quy định hiện hành, nhân viên y tế ở 10/10 thôn có túi thuốc y tế. Cán bộ y tế tại trạm có khả năng thực hiện được 170/207 dịch vụ kỹ thuật theo phân tuyến (đạt 82%); công tác khám chữa bệnh bằng Y học cổ truyền đã lồng ghép khám cho 4.769/10.000 lượt bệnh nhân/năm (đạt 47,69%). Tiêu chí chăm sóc sức khỏe bà mẹ - trẻ em cũng đạt chưa cao: Phụ nữ có thai khám thai 3 lần trở lên đạt 79,23%; số trẻ em tiêm chủng đầy đủ theo quy định đạt 80,66%; trẻ em suy dinh dưỡng thể thấp còi chiếm 19,85%. Không đạt tiêu chí về Dân số - KHHGĐ với tỉ lệ tăng dân số tự nhiên của xã còn cao 13,2 phần ngàn (1,32%); tỉ lệ sinh con thứ ba trở lên chiếm 19,85%.  
 
Thăm Trạm Y tế xã Phú Sơn là một trong số trạm y tế đầu tiên của Lâm Hà được công nhận đạt BTCQGYTX giai đoạn 2011 - 2020, Trưởng trạm Nguyễn Thị Tình cho biết: Hàng năm, TYT đều tham mưu với UBND xã xây dựng kế hoạch duy trì và nâng cao chất lượng xã đạt BTCQGYTX, kiện toàn Ban chỉ đạo Chăm sóc sức khỏe ban đầu, xây dựng quy chế hoạt động. Cuối năm 2015, qua kiểm tra, đánh giá thực hiện theo bộ tiêu chí, xã Phú Sơn đạt 6/10 tiêu chí, số điểm đạt 89,5/100. Trong xây dựng nông thôn mới, xã đã đạt 13/19 tiêu chí, trong đó tiêu chí về y tế đã đạt BTCQGYTX nhưng chưa đạt tiêu chí về độ phủ BHYT toàn dân (mới đạt 60,2%).
 
Bà Lê Thị Kim Dung - Thư ký chương trình xây dựng BTCQGYTX, Trung tâm Y tế huyện Lâm Hà cũng cho biết: Lâm Hà còn 2 xã chưa đạt BTCQGYTX chủ yếu là cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa đạt chuẩn. Vì vậy, huyện và ngành Y tế tiếp tục quan tâm đầu tư đồng bộ để cho các TYT này đạt BTCQGYTX theo lộ trình đề ra. Giải pháp để khắc phục các tồn tại đối với các xã đã được công nhận đạt BTCQGYTX là cấp ủy, chính quyền địa phương xác định rõ vai trò, trách nhiệm trong việc chỉ đạo, đầu tư, tổ chức thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân nói chung, công tác củng cố nâng cao chất lượng xã đạt BTCQGYTX nói riêng, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Bởi một trong những tiêu chí xây dựng nông thôn mới là phải đạt tiêu chí về y tế bao gồm: xã đạt BTCQGYTX và tỉ lệ người dân tham gia BHYT (70% trở lên). Đồng thời, khi các TYT đều đạt BTCQGYTX sẽ góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu tại địa phương.
 
AN NHIÊN