Chốn đi - về yêu thương

09:01, 15/01/2016

Với hơn 40 đứa trẻ mồ côi được nuôi dưỡng ở Cô nhi viện Lục Hòa (thuộc Ni viện Nguyên Không, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng), Sư cô trụ trì Thích nữ Tâm Hạnh thật sự là người mẹ luôn hết lòng che chở các con. Và, Ni viện Nguyên Không không chỉ là nơi chốn đi về, mà ở đó, các em đã thật sự có một mái ấm đầy yêu thương, đùm bọc.

Với hơn 40 đứa trẻ mồ côi được nuôi dưỡng ở Cô nhi viện Lục Hòa (thuộc Ni viện Nguyên Không, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng), Sư cô trụ trì Thích nữ Tâm Hạnh thật sự là người mẹ luôn hết lòng che chở các con. Và, Ni viện Nguyên Không không chỉ là nơi chốn đi về, mà ở đó, các em đã thật sự có một mái ấm đầy yêu thương, đùm bọc.
 
Sư cô Thích nữ Tâm Hạnh và các em nhỏ được nuôi dưỡng tại Cô nhi viện
Sư cô Thích nữ Tâm Hạnh và các em nhỏ được nuôi dưỡng tại Cô nhi viện

Khởi đầu bởi một chữ “Duyên” 
 
Sư cô Thích nữ Tâm Hạnh đã bắt đầu câu chuyện với chúng tôi như thế. Sư cô tâm sự, vốn là một đứa trẻ mồ côi, 12 tuổi mẹ mất, 16 tuổi Sư cô vào chùa tu tập cho đến hôm nay, thấm thoắt cũng đã được 33 năm. Lúc bấy giờ, bổn sư (thầy) của Sư cô không chỉ nhận Sư cô mà còn phát tâm nhận nhiều đứa trẻ mồ côi khác vào chùa (Chùa Hương Sơn, núi Thị Vải, thị trấn Phú Mỹ, xã Tân Thành - Bà Rịa - Vũng Tàu) nuôi dưỡng, cho ăn học đến khi trưởng thành. Cảm nhận được ơn đức và việc làm đầy ý nghĩa của thầy và bản thân cũng lớn lên trong tình thương bao la đó nên sau này, khi học xong đại học ra trường, Sư cô cũng muốn phát tâm nuôi dưỡng những đứa trẻ mồ côi. Trở về lại Chùa Hương Sơn sau nhiều năm đèn sách, Sư cô được thầy tin tưởng giao cho cai quản Ni chúng tại chùa.
 
Năm 2004, khi Sư cô được phật tử cúng dường một miếng đất ở xã Hiệp An (Ni viện Nguyên Không ngày nay - PV), Sư cô cũng không nghĩ mình sẽ gắn bó dài lâu với mảnh đất này. “Lúc đầu, mảnh đất này vốn được cúng dường để tôi có chỗ yên tĩnh nghỉ ngơi. Nhưng rồi, thấy những việc mà tôi đang làm, các phật tử đều mong muốn có một cô nhi viện ở mảnh đất này để tiện giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh. Vậy là Ni viện Nguyên Không và Cô nhi viện Lục Hòa lần lượt ra đời với một chữ duyên đầy an lành” - Sư cô Thích nữ Tâm Hạnh xúc động nhớ lại.
 
Còn rất nhiều việc muốn làm...
 
Sau 10 tháng xin cấp phép, 5 tháng thi công, cuối năm 2006, Cô nhi viện hoàn thành. Đầu năm 2007, Sư cô đưa 15 cháu nhỏ vốn đang được nuôi dưỡng tại Chùa Hương Sơn (Vũng Tàu) lên đây chăm sóc. Sư cô bảo, những tháng ngày đầu tiên là khoảng thời gian khó khăn nhất, bởi lúc bấy giờ, ở vùng đất mới này, hoàn toàn không ai biết Sư cô Thích nữ Tâm Hạnh là ai. Các phật tử thân thiết đều ở TP.Hồ Chí Minh, Vũng Tàu... Lúc ấy, để chăm lo cho các cháu, Sư cô phải đi xin từng bao gạo, bữa ăn. “Lúc đó, tôi dự định chỉ nuôi 20 em thôi, để có điều kiện lo lắng, chăm sóc cho tốt. Nhưng rồi, tôi vẫn thấy các cháu bị bỏ rơi vẫn còn nhiều, các cháu không nơi nương tựa thấy thương quá, vậy là con số đó cứ nhiều lên theo từng năm, đến nay, đã có hơn 40 cháu bé mồ côi đang được nuôi dưỡng tại đây”- Sư cô Tâm Hạnh nói. Cùng với thời gian, những việc làm của Sư cô Tâm Hạnh cũng đang nhận được nhiều sự chia sẻ của các phật tử gần xa. Và cũng chính nhờ sự phát tâm của các phật tử, đất của Cô nhi viện cũng được mua thêm để xây dựng thêm nơi ăn, ở, học hành, sinh hoạt cho các cháu. Trong số hơn 40 đứa trẻ được nuôi dưỡng ở Cô nhi, có 23 em ở lứa tuổi sơ sinh đến khoảng 8, 9 tuổi; 9 em học cấp II, 8 em học cấp III, 3 em học cao đẳng, đại học và 4 em đã tốt nghiệp đại học ra trường, hiện đang về phát tâm chăm sóc các em nhỏ tại Cô nhi. “Ngoài những em có hoàn cảnh mồ côi, thật sự khó khăn, Chùa chúng tôi sẽ không nhận nhiều nữa, vì nói thật, nhà chùa không có khả năng để nuôi nhiều. Và quan trọng hơn, tôi muốn tập trung để nuôi dạy các em ở đây cho tốt, để các em thật sự nên người. Bởi, tôi luôn tâm niệm, khi đã giang tay đón các em vào đây, mình phải là người cha, người mẹ thật tốt của các con, phải chăm sóc và yêu thương cho trọn vẹn” - Sư cô Tâm Hạnh bộc bạch.
 
Không chỉ phát tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi, từ năm 2008, Ni viện Nguyên Không còn mở phòng khám từ thiện. Bất cứ lúc nào người dân địa phương cần thuốc tìm đến Chùa, Ni viện Nguyên Không cũng sẵn sàng phát tâm. Đồng thời, mỗi năm, Ni viện cũng tổ chức 3, 4 đợt để các thầy thuốc từ TP. Hồ Chí Minh lên khám, phát thuốc miễn phí cho người dân địa phương.
 
Khi nghe chúng tôi hỏi về những mong muốn trong năm mới này, Sư cô Thích nữ Tâm Hạnh cười bảo, nói ra thì hơi “tham lam”, nhưng thật sự, tôi vẫn còn rất nhiều mong ước cho các con! Đó là mong có một giáo viên giỏi tiếng Anh chịu “ăn lương” công quả, phát tâm về dạy cho các con ngay tại chùa vì thời buổi bây giờ, ngoại ngữ rất cần cho tương lai của tụi nó! Thêm một mong ước nữa, đó là trong năm mới này, nhà chùa sẽ được cấp phép mở một nhóm trẻ, trước là để dạy dỗ các em nhỏ mồ côi ở đây (vì Chùa hiện có hơn 20 em ở lứa tuổi mẫu giáo), sau là nếu có bất cứ phụ huynh nào của địa phương muốn gửi con ở lứa tuổi mẫu giáo vào chùa, chùa cũng sẵn sàng tiếp nhận!
 
THY VŨ