Quy hoạch, kiến trúc đô thị và nguồn nhân lực

09:01, 12/01/2016

Quá trình đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng đòi hỏi công tác quy hoạch, kiến trúc và quản lý đô thị phải theo kịp với sự phát triển. Trong khi chất lượng các đồ án quy hoạch, kiến trúc xây dựng phụ thuộc vào nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực này nhưng trên thực tế đội ngũ làm công tác quy hoạch, kiến trúc còn thiếu, chất lượng chuyên môn chưa cao.

Quá trình đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng đòi hỏi công tác quy hoạch, kiến trúc và quản lý đô thị phải theo kịp với sự phát triển. Trong khi chất lượng các đồ án quy hoạch, kiến trúc xây dựng phụ thuộc vào nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực này nhưng trên thực tế đội ngũ làm công tác quy hoạch, kiến trúc còn thiếu, chất lượng chuyên môn chưa cao.
 
Thành phố Đà Lạt chỉ có 32/38 khu vực đã và đang triển khai lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết nhưng chỉ có 2 đồ án quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt
Thành phố Đà Lạt chỉ có 32/38 khu vực đã và đang triển khai lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết nhưng chỉ có 2 đồ án quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt
Hệ thống đô thị của Lâm Đồng hiện có 18 đô thị bao gồm: Đô thị loại 1 Thành phố Đà Lạt, đô thị loại 3 thành phố Bảo Lộc, đô thị loại 4 thị trấn Liên Nghĩa và các huyện còn lại đã được công nhận hay đang tiến hành xây dựng để được công nhận đô thị loại 5. Tất cả các đô thị trên địa bàn tỉnh đều có đồ án quy hoạch chung được phê duyệt đến năm 2020, trong đó, một số đô thị có thời hiệu đến năm 2025 và năm 2030, tầm nhìn 2050 như đô thị Đà Lạt. Trong vòng 8 năm qua, UBND tỉnh đã phê duyệt hơn 100 đồ án quy hoạch tại các đô thị với tổng diện tích trên 100 ngàn ha; trong đó phê duyệt điều chỉnh hơn 30 đồ án. Đó là chưa kể các đồ án quy hoạch xây dựng đô thị và nông thôn do cấp huyện phê duyệt theo thẩm quyền. Tuy nhiên, bên cạnh quy hoạch chung, tình hình thực hiện quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết tại các đô thị đang là vấn đề đặt ra. Bởi ngoài thành phố Bảo Lộc và Đà Lạt, các thị trấn còn lại trên địa bàn tỉnh chủ yếu mới có quy hoạch phân khu được duyệt nhưng mới chỉ giới hạn trong phạm vi trung tâm của thị trấn và chưa phủ kín đến địa giới hành chính. 
 
Theo Sở Xây dựng, đến nay, việc phủ kín quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 và quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 đối với các đô thị trong tỉnh mới đạt tỷ lệ khoảng 40% và tỷ lệ đô thị hóa khoảng 30%. Đây là một tỷ lệ thấp so với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Bên cạnh đó, toàn tỉnh có 117 xã đã lập, thẩm định, phê duyệt và công bố quy hoạch, đạt tỷ lệ 100% nhưng mới có 38 xã hoàn thành việc cắm mốc chỉ giới các công trình hạ tầng theo quy hoạch được duyệt. Đáng nói hơn, ngoài tỷ lệ quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết còn đạt thấp; chất lượng quy hoạch một số đồ án quy hoạch xây dựng thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND cấp huyện, thành phố phê duyệt chưa đạt yêu cầu dẫn tới cần phải rà soát lại trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt, quản lý và triển khai thực hiện quy hoạch. KTS Trần Đức Lộc, Trưởng phòng Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Xây dựng cho biết: Qua theo dõi quản lý nhà nước về quy hoạch xây dựng và kiến trúc đô thị từ nhiều năm nay cho thấy, chất lượng các đồ án quy hoạch xây dựng các thị trấn, các quy hoạch chi tiết xây dựng khu dân cư trung tâm, các trục đường phố chính và quy hoạch xây dựng các xã nông thôn mới... không phải là không có vấn đề về chất lượng cần phải xem lại trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt, quản lý và triển khai quy hoạch được duyệt. Tình trạng một số đồ án quy hoạch phải xin chủ trương điều chỉnh cục bộ ngay sau khi quy hoạch được duyệt hoặc định hướng quy hoạch chung được duyệt bị phá vỡ ngay trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết. Đặc biệt, tình trạng các dự án công trình được phê duyệt, cấp phép xây dựng làm sai quy hoạch chi tiết, gây ô nhiễm môi trường... còn xảy ra. Kiến trúc sư Trần Đức Lộc cho biết thêm, nhìn lại đội ngũ cán bộ, công chức tại các phòng quản lý đô thị của thành phố hay phòng kinh tế hạ tầng của các huyện có trình độ kiến trúc sư còn thiếu và yếu về chuyên môn nên có những hạn chế nhất định, tạo nên áp lực lớn đối với chính quyền địa phương trong công tác quản lý quy hoạch, xây dựng đô thị và nông thôn theo phân cấp. Trong khi đó hầu hết cán bộ, công chức và viên chức quản lý quy hoạch, xây dựng, nhà đất từ thành phố đến huyện, xã, phường và thị trấn chỉ được bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý từ các lớp tập huấn do sở tổ chức nhưng không thường xuyên hàng năm. Từ chất lượng nguồn lực hiện có dẫn đến chất lượng công tác quản lý, tham mưu; chất lượng tư vấn thiết kế, kiến trúc, quy hoạch xây dựng đô thị và nông thôn còn bất cập; chưa đáp ứng kịp thời với các xu hướng thiết kế hiện đại, tiên tiến, nhất là trong điều kiện hội nhập sâu rộng với thế giới. 
 
Đánh giá về điều này, Sở Xây dựng nhận định, tuy số lượng đơn vị đăng ký hành nghề tư vấn hoạt động trên địa bàn tỉnh khá nhiều, nhưng ít đơn vị có đủ điều kiện, năng lực để thực hiện các đồ án quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết có yêu cầu cao như các trung tâm đô thị lớn thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc, Đức Trọng... dẫn tới sự chậm trễ về tiến độ phủ kín quy hoạch, gây khó khăn trong quản lý đô thị như hiện nay. Những tồn tại trong quy hoạch, xây dựng đô thị có nguyên nhân phần lớn từ trình độ chuyên môn của cán bộ tư vấn, quản lý điều hành dự án và cán bộ thẩm định. Điều đó dẫn đến tốn kém về kinh phí, lãng phí về thời gian điều chỉnh hồ sơ, đặc biệt đánh mất cơ hội thu hút đầu tư. Vì vậy, cần phải có giải pháp tốt cho vấn đề này. Và mới đây Sở Xây dựng đã tổ chức hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp tư vấn xây dựng và nhà thầu trên địa bàn tỉnh nhằm tìm ra tiếng nói chung trong hoạt động quy hoạch xây dựng. Đồng thời xây dựng kế hoạch nhằm bồi dưỡng, nâng cao trình độ quản lý ở cơ sở về quy hoạch, kiến trúc, xây dựng.
 
XUÂN TRUNG